4.205. Quy định áp trần lãi vay 30% tại Nghị định 132: “Trói chân” doanh nghiệp

Quy định áp trần lãi vay 30% tại Nghị định 132: “Trói chân” doanh nghiệp

(TTTC) – Hiểu một cách đơn giản, nếu như tổng chi phí lãi vay của doanh nghiệp quá mức trần 30% thì sẽ không được tính là chi phí hợp lý để khấu trừ thuế thu nhập doanh nghiệp.
Doanh nghiệp than khó với quy định áp trần lãi vay 30%

Theo Nghị định số 132/2020, các doanh nghiệp có giao dịch liên kết được tính tổng chi phí lãi vay (sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ) được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 30% tổng lợi nhuận thuần. Các doanh nghiệp cho rằng, quy định này vừa “trói chân” doanh nghiệp, vừa không chống được chuyển giá.

Hiểu một cách đơn giản, nếu như tổng chi phí lãi vay của doanh nghiệp quá mức trần 30% thì sẽ không được tính là chi phí hợp lý để khấu trừ thuế thu nhập doanh nghiệp.

Sau 3 năm áp dụng quy định này, các doanh nghiệp cho biết họ đã gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, từ nửa cuối năm 2022 đến nay, lãi suất tăng mạnh khiến chi phí lãi vay của nhiều doanh nghiệp vượt trần cho phép tại Nghị định 132. Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp phải nộp thêm thuế thu nhập doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp đã khó khăn lại càng thêm khó.

Trước tình trạng này, nhiều doanh nghiệp, hiệp hội liên tục đề xuất nhanh chóng sửa đổi Nghị định 132 để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Quy định áp trần lãi vay
Quy định áp trần lãi vay 30% khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn
Mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) kiến nghị Bộ Tài chính xem xét bãi bỏ quy định này vì không hợp tình hợp lý.

Trong văn bản kiến nghị, Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu cho rằng, chi phí lãi vay phục vụ hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp là “chi phí hợp pháp” được quy định tại Luật Đầu tư 2020 cũng như Luật Các tổ chức tín dụng 2010 quy định khách hàng vay vốn phải có “mục đích sử dụng vốn hợp pháp”.

Bên cạnh đó, lãi vay là chi phí hợp pháp nên phải được nhà nước công nhận và cần phải được tính vào tổng chi phí hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong năm tài chính. Điều này mới phản ánh trung thực, đầy đủ, kịp thời “bức tranh” hoạt động của doanh nghiệp.

Hơn nữa, theo ông Châu, quy định phần chi phí lãi vay không được trừ sẽ chuyển sang kỳ tính thuế tiếp theo trong thời gian không quá 5 năm cũng có thể làm thiệt thòi cho các doanh nghiệp.

Lý do là trường hợp doanh nghiệp trong thời gian 5 năm tiếp theo nếu kinh doanh bị thua lỗ, hòa vốn, kể cả trường hợp có lãi nhưng tổng chi phí lãi vay phát sinh không thấp hơn mức quy định thì coi như toàn bộ phần chi phí lãi vay không được trừ trước đó sẽ không được chuyển sang kỳ tính thuế tiếp theo…

Do vậy, HoREA đề xuất Bộ Tài chính xem xét sửa đổi quy định về trần chi phí lãi vay theo hướng chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp nước ngoài có giao dịch liên kết, không áp dụng đối với doanh nghiệp trong nước.

Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu

Cũng kiến nghị về vấn đề này, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho hay, phần lớn doanh nghiệp của Việt Nam là nhỏ và vừa. Các doanh nghiệp mới khởi nghiệp, nên nguồn vốn ngân hàng là kênh chính để đầu tư, phát triển.

Do đó, VASEP nhấn mạnh rằng, việc áp trần chi phí lãi vay để tính thuế thu nhập là không hợp lý, gây ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, cũng như dòng tiền của doanh nghiệp.

“Điều này khiến doanh nghiệp không có đủ tiềm lực hoặc ngại đầu tư, đổi mới công nghệ. Trong khi đầu tư, đổi mới là sống còn cho sự phát triển của doanh nghiệp nói riêng, cũng như nền kinh tế của đất nước nói chung”, VASEP nêu.

Trói doanh nghiệp, nhưng không chống được chuyển giá

Có thể thấy, Nghị định 132 nhằm mục đích chống chuyển giá, trốn thuế. Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng quy định này “trói nhầm chân” và không đạt được mục tiêu chống chuyển giá.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật Sblaw cho rằng, bất cập của việc khống chế “mức trần” tổng chi phí lãi vay là giới hạn khả năng của doanh nghiệp trong việc tìm kiếm nguồn vốn và quản lý rủi ro tài chính của họ.

Theo ông Hà, môi trường kinh doanh thường xuyên biến động, khó lường. Việc áp đặt một trần tổng chi phí lãi vay có thể làm giảm khả năng thích ứng của các doanh nghiệp trước những thách thức và cơ hội mới.

“Sự cố định này có thể tạo ra áp lực không cần thiết cho doanh nghiệp. Khi có một trần tổng chi phí lãi vay, các doanh nghiệp sẽ phải tuân thủ theo mức giới hạn đó, dẫn đến lhạn chế khả năng họ tối ưu hóa lợi nhuận của doanh nghiệp thông qua việc tìm kiếm các cơ hội đầu tư có lợi suất cao hơn, giảm động lực cho các nhà đầu tư”, ông Hà nêu.

Luật sư Hà cũng nêu quan điểm, việc khống chế một “mức trần” tổng chi phí lãi vay cũng có thể tạo ra một sự không cân bằng trong thị trường tài chính. Các doanh nghiệp có quy mô lớn có thể dễ dàng tuân thủ theo trần này, nhưng đối với các doanh nghiệp nhỏ và mới thành lập, việc này có thể tạo ra rào cản lớn trong việc tiếp cận vốn.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật Sblaw

“Điều này có thể ảnh hưởng đến sự đa dạng và sự cạnh tranh trong thị trường tài chính, tạo ra ưu thế không công bằng giữa các doanh nghiệp nhỏ hoặc mới thành lập so với các doanh nghiệp lớn và có nguồn lực”, ông Hà nói.

Ông Hà cũng nhấn mạnh, Nghị định 132/2020/NĐ-CP nhằm mục đích chống chuyển giá, trốn thuế, phù hợp để quản lý các doanh nghiệp FDI, các tập đoàn đa quốc gia.

“Các doanh nghiệp FDI có thể chuyển lợi nhuận sang các nước, vùng lãnh thổ có mức thuế suất thấp hơn để trốn thuế. Còn doanh nghiệp trong nước, dù có phát sinh giao dịch liên kết, vay vốn nội bộ lẫn nhau thì cũng khó chuyển giá, trốn thuế, nhất là khi có cùng mức thuế suất”, ông Hà nói.

Luật sư Hà cũng chia sẻ, Nghị định 132 có những quy định chi tiết về trình tự, phương pháp, nguyên tắc xác định các yếu tố hình thành chuyển giá và xử phạt liên quan đến chuyển giá. Còn đối với một số doanh nghiệp có dấu hiệu trốn thuế, chuyển giá, ngành thuế hoàn toàn có công cụ, chính sách pháp luật để thanh tra, kiểm tra và xử lý.

“Tuy nhiên, việc hiệu quả của nghị định này trong việc chống lại chuyển giá phụ thuộc vào cách thức thực hiện và tuân thủ từ phía doanh nghiệp, cũng như khả năng giám sát và kiểm soát từ phía cơ quan quản lý thuế. Các biện pháp trong Nghị định 132/2020/NĐ-CP có thể giúp giảm rủi ro chuyển giá, nhưng để đạt được mục tiêu chống lại hiện tượng này, cần có sự hỗ trợ và hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý thuế”, ông Hà nói.

Trong khi đó, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, nhấn mạnh rằng, quy định này bất hợp lý, cần phải bãi bỏ.

“Với khoản vay chính đáng, hợp pháp, hợp lệ, nhưng giờ lại không được tính vào chi phí. Giả sử tính vào đầu này nó có giảm đi thì đầu khác nộp thuế tăng lên. Cần phải xem lại Nghị định này, thậm chí bỏ hoàn toàn với doanh nghiệp Việt Nam, chỉ áp dụng với doanh nghiệp nước ngoài”, ông Đức nói.

Theo ông Trương Thanh Đức, nguyên lý áp tỷ lệ trần chi phí lãi vay nhằm để chống các hoạt động gian lận, lách thuế để nộp thuế ít hơn của doanh nghiệp. Tuy nhiên, tất cả doanh nghiệp trong nước đều có báo cáo đầu ra, đầu vào, cơ quan thuế có thể kiểm tra được. Ngoài ra, Nghị định 132 cũng đã định nghĩa về giao dịch liên kết. Do đó, với các doanh nghiệp không có giao dịch liên kết thì không thuộc đối tượng áp dụng, nên quy định doanh nghiệp chỉ vay vốn từ ngân hàng cũng rơi vào trường hợp bị áp trần chi phí lãi vay là không hợp lý.

Luật sư này cũng cho rằng, cơ quan thuế chỉ nên xử lý các trường hợp có nghi ngờ gian lận, lách thuế khi các doanh nghiệp được ưu đãi thuế, liên tục báo lỗ, không đóng thuế. Còn các doanh nghiệp vẫn thuế đều đặn hằng năm, không được hưởng ưu đãi thì chính sách thuế TNDN đều ở mức 20% như nhau thì các khoản vay có chứng từ hợp pháp, hợp lệ thì phải cho DN được khấu trừ vào chi phí hoạt động.

“Thậm chí, nếu như vay được 70 – 80% nguồn vốn để hoạt động cũng là bình thường. Việc kiểm soát nguồn vốn cho vay từ ngân hàng thì đã có những quy định khác như điều kiện cho vay…”, ông Đức nêu.

Sửa theo hướng nào?

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định 132. Trong Tờ trình gửi Chính phủ Bộ Tài chính đã đề nghị sẽ sửa đổi Điều 5.2.d theo hướng loại trừ việc xác định quan hệ liên kết khi tổ chức tín dụng không tham gia điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư vào doanh nghiệp đi vay hoặc không cùng chịu sự điều hành, kiểm soát, góp vốn của một bên khác). Sửa đổi này phù hợp với Điều 5.1 nhằm xác định rõ hơn bản chất của quan hệ liên kết và sẽ giúp tháo gỡ được bất cập như trên phản ánh.

Tuy nhiên, theo Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), cách làm này sẽ không giải quyết được hết các trường hợp. Trong trường hợp hai bên ngân hàng và doanh nghiệp đi vay có quan hệ điều hành, kiểm soát, góp vốn nhưng giao dịch cho vay với lãi suất phù hợp với mặt bằng chung của thị trường vẫn sẽ bị khống chế bởi ngưỡng 30%. Điều này chưa thực sự phù hợp với mục tiêu cơ bản của Nghị định 132 là chống hành vi chuyển giá.

“Trong trường hợp trên, hai bên không hề có hành vi thay đổi “bóp méo” lãi suất (giá của giao dịch cho vay) nhằm mục đích chuyển giá mà giao dịch này vẫn tuân theo nguyên tắc giao dịch độc lập. Việc không cho tính phần chi phí lãi vay vượt quá 30% trong một giao dịch thoả mãn nguyên tắc giao dịch độc lập là bất hợp lý”, VCCI nêu.

Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc sửa đổi Điều 16.3 của Nghị định 132 theo hướng cho phép các doanh nghiệp chứng minh giao dịch cho vay theo nguyên tắc giao dịch độc lập bằng cách kê khai và lập hồ sơ so sánh với các giao dịch cho vay khác và/hoặc với mặt bằng lãi suất trên thị trường.

Doanh nghiệp đề xuất phương án sửa đổi quy định

Trong trường hợp giao dịch này đúng nguyên tắc giao dịch độc lập thì doanh nghiệp được trừ toàn bộ chi phí tính thuế, kể cả trường hợp chi phí đó vượt 30% EBITDA. Theo tìm hiểu của VCCI, một số quốc gia trên thế giới cũng áp dụng nguyên tắc này.

Liên quan đến vấn đề này, VASEP cũng kiến nghị: Sửa đổi lại điểm d khoản 2 Điều 5 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP để hủy bỏ quy định coi giao dịch đi vay giữa ngân hàng và doanh nghiệp vay dài hạn để đầu tư là giao dịch liên kết, giúp doanh nghiệp không phải bị áp trần chi phí lãi vay khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN).

Đồng thời, sửa đổi lại quy định các đối tượng không thuộc phạm vi áp trần chi phí lãi vay tại diểm c, khoản 3 Điều 16 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP như tổ chức tín dụng, tổ chức kinh doanh bảo hiểm, công ty chứng khoán, … để các doanh nghiệp sản xuất không phải chịu áp mức trần của tổng chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.

Ngoài ra, theo VCCI, tình trạng mặt bằng lãi suất trên thị trường tăng mạnh vào cuối năm 2022 và đầu năm 2023 khiến nhiều doanh nghiệp gặp vướng mắc trong các kỳ tính thuế năm 2022 và 2023. Do đó, nếu các quy định sửa đổi có hiệu lực sau khi Nghị định được ký sẽ khiến các doanh nghiệp trên vẫn phải chịu nghĩa vụ thuế bất hợp lý.

VCCI đề nghị, cơ quan soạn thảo nghiên cứu việc quy định hiệu lực trở về trước của văn bản và cho phép áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2022. Quy định hiệu lực trở về trước này không vi phạm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật vì không làm phát sinh nghĩa vụ mới hay nghĩa vụ nặng hơn đối với doanh nghiệp, người dân.

Thanh Phong

—————

Thị trường Tài chính (Nhịp sống tài chính) ngày 08-12-2023:

https://taichinh.kinhtechungkhoan.vn/quy-dinh-ap-tran-lai-vay-30-tai-nghi-dinh-132-troi-chan-doanh-nghiep-214579.html

(335/2.391)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

436. Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài...

Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài sản công. Cố vấn: Luật...

Phỏng vấn 

4.415. Ngân hàng 'nước rút' xác thực sinh trắc...

Ngân hàng 'nước rút' xác thực sinh trắc học trước giờ G. (NĐT) -...

Trích dẫn 

3.969. Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ...

Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ xấu gia tăng nhưng tốt...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 235,802