4.214. Cái lý của ‘room’ tín dụng

Cái lý của ‘room’ tín dụng

(NĐT) – Trước những ý kiến trái chiều xung quanh việc điều hành chính sách tiền tệ theo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, Tạp chí Nhà đầu tư đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trương Thanh Đức – người có nhiều năm gắn bó với ngành ngân hàng đế có thêm góc nhìn từ khía cạnh pháp lý.

Đầu tháng 12/2023, Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Thanh tra Chính phủ thanh tra việc điều hành tăng trưởng tín dụng trong năm 2022 và 2023 của Ngân hàng Nhà nước. Thanh tra Chính phủ sẽ thanh tra việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao của Ngân hàng Nhà nước trong điều hành tăng trưởng tín dụng, xây dựng, giao, điều hành chỉ tiêu, hạn mức tăng trưởng tín dụng trong năm 2022 và 2023, công tác quản lý, giám sát việc thực hiện tăng trưởng tín dụng. Thanh tra Chính phủ được giao báo cáo Thủ tướng việc triển khai trong tháng 12 và kết quả thanh tra trong tháng 1/2024.

Yêu cầu thanh tra công tác điều hành tăng trưởng tín dụng của NHNN được đưa ra trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng năm 2023 thấp so với mục tiêu (tính đến 20/12 tăng trưởng tín dụng mới đạt 10,85%), trên thị trường diễn ra cuộc đua tăng lãi suất từ cuối tháng 9/2022 đến gần hết quý III/2023. Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV một số đại biểu cũng đặt vấn đề việc điều hành tín dụng theo hạn mức, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng không còn phù hợp với thông lệ quốc tế, nên xem xét bỏ. Một số ý kiến của các chuyên gia kinh tế, nhà phân tích cũng kiến nghị đã đến lúc nên có một công cụ điều hành chính sách tiền tệ khác thay vì giao hạn mức, room tín dụng.

Trước các vấn đề dư luận, Chính phủ đặt ra với công tác điều hành tín dụng theo room, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng mới đây đã chia sẻ: “Đối với vấn đề điều hành tăng trưởng tín dụng, NHNN xem xét đánh giá lại toàn bộ quá trình điều hành chỉ tiêu room tín dụng những mặt được cũng như chưa được. Trong thời gian tới, việc có tiếp tục duy trì room tín dụng hay không hoặc có lộ trình như thế nào… sẽ trên tinh thần khắc phục hạn chế tạo điều kiện đảm bảo tiêu chí kiểm soát được rủi ro tín dụng“.

Cho đến thời điểm hiện tại vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề điều hành tín dụng theo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của NHNN. Để có thêm một góc nhìn từ cơ sở pháp lý, kinh nghiệm thực tiễn, Nhadautu.vn đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI – người có nhiều năm gắn bó với ngành ngân hàng.

Cái lý của room tín dụng

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI. Ảnh: Trọng Hiếu

PV: Trước tiên, xin ông cho biết quan điểm về việc điều hành chính sách tiền tệ theo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của NHNN – vấn đề đang rất được quan tâm trên thị trường tài chính?

Luật sư Trương Thanh Đức: Ngân hàng Nhà nước có nhiều công cụ để quản lý về tăng trưởng và chất lượng tín dụng. Tuy nhiên, tôi cho rằng việc đặt ra chỉ tiêu, hạn mức tăng trưởng tín dụng hay room tín dụng trong hơn chục năm qua dường như là một việc tất yếu, vì 3 lý do sau đây:

Thứ nhất, từ trước đến nay, các doanh nghiệp và nền kinh tế đã dựa quá nhiều vào tín dụng ngân hàng, nên cần phải hạn chế tăng tưởng tín dụng, nhất là trong nhiều năm nay các tổ chức tài chính quốc tế liên tục cảnh báo về việc tăng trưởng tín dụng của Việt Nam là quá cao, quá rủi ro;

Thứ hai, NHNN hoàn toàn có đủ cơ sở pháp lý để điều hành chính sách tiền tệ theo chỉ tiêu, hạn mức tăng trưởng tín dụng hay room tín dụng. Đó là quy định tại Điều 10 về “Công cụ thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia”, Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010. Theo đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có quyền quyết định việc sử dụng 06 công cụ thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, bao gồm tái cấp vốn, lãi suất, tỷ giá hối đoái, dự trữ bắt buộc, nghiệp vụ thị trường mở và các công cụ, biện pháp khác theo quy định của Chính phủ. Các Nghị định của Chính phủ quy định về chứng năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước, chẳng hạn như khoản 4, Điều 2 về Nghị định số 102/2022/NĐ-CP, đều cho phép Ngân hàng Nhà nước được sử dụng “các công cụ, biện pháp khác” để thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia.

Thứ ba, việc giao chỉ tiêu tín dụng tuy mang tính hành chính và có những bất cập, nhưng điều đặc biệt quan trọng là phù hợp với thực tế, với bối cảnh thị trường ngân hàng Việt Nam, có đặc thù riêng và những yêu cầu rất khác biệt so các nước, nhất là các nước phát triển.

Có nhiều công cụ thể hướng tới room tín dụng, trong đó có dự trữ bắt buộc là một công cụ chuẩn mực, hiệu quả theo thông lệ quốc tế. Đúng là sử dụng công cụ này thì Ngân hàng Nhà nước rất dễ dàng thắt mở tăng trưởng tín dụng, tăng dư nợ cao thấp hay giảm xuống một cách đơn giản. Nhiều năm nay, dự trữ bắt buộc của chúng ta là từ 1% – 3% tuỳ thuộc vào tính chất của các ngân hàng. Chỉ cần tăng tỷ lệ này lên một vài phần trăm thì lập tức bóp mạnh tăng trưởng tín dụng và ngược lại.

Tuy nhiên, sử dụng công cụ được ví như “bom tấn” này thì “sức công phá” của nó lại gây ra nguy cơ xáo trộn lớn, biến động mạnh, mất ổn định, không đạt được mục tiêu tái cơ cấu và ổn định hệ thống ngân hàng. Tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc thì chi phí vốn của ngân hàng thương mại sẽ tăng lên rất mạnh, đẩy lãi suất lên cao, ảnh hưởng lớn đến chính các ngân hàng, cũng như các doanh nghiệp và nền kinh tế. Cùng với đó, những ngân hàng còn nhiều hạn chế, đang gặp khó khăn, đang trong giai đoạn hồi phục, sẽ không thể chịu được áp lực này. Thậm chí giáng vào cả những ngân hàng mạnh khoẻ đang gánh đỡ hỗ trợ ngân hàng yếu kém. Còn nếu phải áp đặt nhiều tỷ lệ dự trữ bắt buộc khác nhau thì lại vẫn luẩn quẩn không khác nhiều với việc giao hạn mức tín dụng, mà tác dụng phụ còn nan giải hơn.

Một chính sách thẳng căng là chưa phù hợp với bối cảnh điều hành chính sách tiền tệ đa mục tiêu như Việt Nam. Ví dụ như năm vừa rồi, cùng nhằm mục tiêu chống lạm phát, nhưng trong khi cả thế giới tăng lãi suất nhiều lần thì chúng ta lại giảm lãi xuống nhiều đợt. Vận hành công cụ chính sách theo đúng chuẩn mực quốc tế thì rất dễ, nhưng cái khó là không làm được đồng bộ và nhất là để chống đỡ với những hiệu ứng, hệ quả tiêu cực mà nó mang lại thì lại quá khó.

Ông nhắc tới “bối cảnh Việt Nam” và chính sách tiền tệ đa mục tiêu. Ông có thể giải thích rõ hơn, nó liên quan gì tới điều hành chính sách tiền tệ theo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng?

Luật sư Trương Thanh Đức: Ví dụ, lâu nay để đạt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế thì tất yếu phải kèm theo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tương ứng và giảm lãi suất. Nhưng trọng trách số một của Ngân hàng Nhà nước, cũng giống như các ngân hàng trung ương khác, đồng thời phải vì mục tiêu ổn định giá trị đồng tiền, kiềm chế lạm phát thì lại phải giảm tăng trưởng tín dụng và tăng lãi suất. Chọn một mục tiêu đã không dễ, chọn đồng thời hai mục tiêu thì luôn phải gồng mình co kéo và rất dễ dẫn đến tình trạng mâu thuẫn, xung đột.

Rồi còn nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng và luôn đi liền với rủi ro. Khi tín dụng tăng mạnh thì thấy bức xúc với chỉ tiêu giới hạn, nhưng khi không cho vay ra được thì lại thấy hạn mức tín dụng như thừa. Dòng chảy tín dụng ngân hàng cũng như dòng xe cộ trên đường cao tốc. Đường rất to đẹp, rất vắng thì cũng không được chạy quá tốc độ tối đa cho phép. Đường ùn tắc thì phải chấp nhận đi dưới tốc độ cho phép. Không thể yêu cầu tháo biển tăng tốc độ tối đa và gỡ biển hạn chế tốc độ tối thiểu.

Một số đề xuất cho rằng nên công khai về tiêu chí giao room để biết ngân hàng nào được giao nhiều, ngân hàng nào được giao ít, giúp minh bạch hoá thông tin. Ông nghĩ sao về đề xuất này?

Luật sư Trương Thanh Đức: Như vậy đúng là công khai, minh bạch, rõ ràng, nhưng dù chỉ là người đứng ngoài, tôi cũng thấy đâu có đơn giản như thế. Nếu cứ đằng thẳng ra ngân hàng này xếp hạng A được tăng trưởng 20%, ngân hàng kia hạng C được 5% và ngân hàng khác không được tăng trưởng một đồng nào vì quá rủi ro, yếu kém chẳng hạn, thì lại liên quan đến chuyện người dân không gửi tiền vào ngân hàng này, dừng giao dịch với ngân hàng kia. Lại tiềm ẩn nguy cơ lây lan, ảnh hưởng đến an toàn hệ thống.

Vì vậy, làm cách đó chỉ hợp lý nếu chắc chắn không gây ra nguy cơ đáng kể. Hay nói cách khác, sẽ làm chỉ khi nào người dân sẵn sàng chấp nhận và Nhà nước hoàn toàn tự tin cho phá sản bất cứ ngân hàng nào nếu không trả được nợ đến hạn. Còn bây giờ, có thể diễn đạt thành, Luật Các tổ chức tín dụng chỉ cho phá sản ngân hàng sau nhiều năm hoàn toàn vô phương cứu chữa.

Mục tiêu lâu dài thì khỏi cần tranh cãi, nhưng với thực trạng nền kinh tế và hệ thống ngân hàng như lâu nay thì không hề dễ dàng, đơn giản, thậm chí là đòn cân não cho cơ quan chức năng và những người đảm nhận trách nhiệm.

Cuối cùng, trước sau thì cũng sẽ đến lúc phải bỏ room tín dụng, nhưng đừng bao giờ hy vọng buông bỏ hoàn toàn, mà sẽ được thay thế bằng biện pháp khác thích hợp hơn, hiệu quả hơn.

Muốn bảo đảm đạt được mục tiêu lớn, phát triển đi đôi với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thì vẫn phải bám sát quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước, bảo đảm mục tiêu số một là “nhằm ổn định giá trị đồng tiền”, mục tiêu số hai là “bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng”.

Xin trân trọng cảm ơn Ông!

N.Thoan

—————

Nhà đầu tư (Tài chính) ngày 31-12-2023:

https://nhadautu.vn/cai-ly-cua-room-tin-dung-d82782.html

(1.466/1.994)

 

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

436. Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài...

Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài sản công. Cố vấn: Luật...

Phỏng vấn 

4.415. Ngân hàng 'nước rút' xác thực sinh trắc...

Ngân hàng 'nước rút' xác thực sinh trắc học trước giờ G. (NĐT) -...

Trích dẫn 

3.969. Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ...

Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ xấu gia tăng nhưng tốt...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 235,789