“Không hình sự hóa” – thêm niềm tin cho doanh nhân
(DĐDN) – Không hình sự hóa các quan hệ kinh tế là một biện pháp bảo vệ các giao dịch dân sự, kinh tế, nhằm làm lành mạnh môi trường kinh doanh.
Thông điệp này một lần nữa được khẳng định trong Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị còn tạo thêm niềm tin để doanh nhân, doanh nghiệp an tâm trong quá trình đầu tư, kinh doanh. Đây là chia sẻ của Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Uỷ viên thường vụ – Trưởng ban Tư vấn và phản biện chính sách, Hội Các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam (VACD) với Diễn đàn Doanh nghiệp.
Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị đã xác định những nhóm nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện các mục tiêu phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam. Đáng chú ý, thông điệp “không hình sự hóa quan hệ kinh tế” được đưa vào như một trong những cam kết thúc đẩy phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, ông đánh giá sao về vấn đề này?
Hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự không đơn thuần tiềm ẩn những hệ lụy khôn lường đối với môi trường đầu tư kinh doanh mà còn đi ngược lại cam kết bảo vệ doanh nghiệp, doanh nhân của Chính phủ. Trong bối cảnh cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vừa trải qua không ít khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19, thông điệp “không hình sự hóa quan hệ kinh tế”, trong Nghị quyết số 41-NQ/TW có ý nghĩa rất lớn.
Không hình sự hóa các quan hệ kinh tế nếu được các cơ quan chấp pháp (Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án,…) thực thi với “cái tâm” của người bảo vệ pháp luật sẽ tạo niềm tin cho doanh nhân, doanh nghiệp. Đặc biệt, khi giảm bớt nỗi lo bị hình sự hóa quan hệ kinh tế, nhà đầu tư sẽ có thêm niềm tin bỏ tiền đầu tư vào sản xuất kinh doanh thay vì đem tiền gửi ngân hàng, hoặc chảy ra nước ngoài.
Thông điệp này không chỉ cổ vũ tinh thần khởi nghiệp, mạnh dạn đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, mà còn là giải pháp hỗ trợ thiết thực tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi giúp các doanh nhân, doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, an tâm phát triển lâu dài, lớn mạnh.
Bên cạnh những vấn đề đã nêu, thông điệp “không hình sự hóa quan hệ kinh tế” còn đem đến những ý nghĩa gì, thưa ông?
Thực tế cho thấy, trong quá trình làm ăn kinh doanh, doanh nhân, doanh nghiệp có thể không tránh khỏi những thiếu sót, tuy nhiên, với trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước cần phải kiến tạo, hướng dẫn, tạo điều kiện để họ có thể thực hiện đúng, đủ những yêu cầu của cơ quan quản lý. Nhưng, điều này không có nghĩa là hợp lý hóa sai phạm, với những trường hợp cố tình vi phạm pháp luật thì vẫn phải xử lý nghiêm theo phương châm, “xử lý cái sai để bảo vệ cái đúng”.
Không hình sự hóa quan hệ kinh tế chính là một thông điệp rất rõ ràng của Đảng để đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp có thể vững tin vào con đường mà họ đã chọn. Bởi những vụ việc oan sai, hình sự hóa quan hệ hành chính, dân sự, kinh tế sẽ làm mất lòng tin của người dân và doanh nghiệp vào kỷ cương phép nước, sự công bằng của pháp luật, gây ra oan sai và những thiệt hại lớn cho doanh nghiệp.
Doanh nhân, doanh nghiệp cần một môi trường làm ăn kinh doanh tin cậy, ổn định, không bị xáo trộn nhiều, đặc biệt là các bẫy rủi ro pháp lý. Có như vậy họ mới yên tâm suy nghĩ, tìm phương hướng phát triển kinh doanh, tạo công ăn, việc làm cho người lao động, cung ứng sản phẩm cho xã hội và nộp thuế cho Nhà nước.
Thông điệp tại Nghị quyết 41-NQ/TW đã rất rõ ràng, nhưng để có thể đưa chủ trương vào thực tế thì vẫn còn rất nhiều việc phải làm.
Vậy, để chủ trương sớm tạo sự lan tỏa, đi vào thực tế, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của doanh nhân, doanh nghiệp như tinh thần Nghị quyết 41-NQ/TW đã đề ra, ông có đề xuất, khuyến nghị gì?
Để chủ trương lớn và quan trọng trên sớm phát huy hiệu quả trong thực tế, trước hết, hệ thống luật pháp cần phải được xây dựng, sửa và giải thích một cách đơn giản, minh bạch, rõ ràng, dễ hiểu và tuân thủ. Cách giải thích, áp dụng các quy định của pháp luật chỗ này, chỗ kia còn thiếu sự thống nhất do cách hiểu khác nhau là nguy cơ rủi ro rất lớn với doanh nghiệp. Vì vậy, các cơ quan xây dựng và thực thi pháp luật phải thực sự làm việc trên tinh thần hiểu biết, đổi mới, hỗ trợ, ủng hộ doanh nghiệp, tránh tình trạng tìm cách để đổi lỗi, bắt bí xử lý, đe dọa, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Chỉ hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự khi có cố tình vi phạm, gian lận, lừa đảo, chiếm đoạt.
Do đó, các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đề ra trong Nghị quyết phải sớm được thể chế hoá trong hệ thống pháp luật, đặc biệt các văn bản pháp luật liên quan tới đầu tư, kinh doanh, hoàn thiện thể chế phát triển. Đặc biệt, các quan điểm của Nghị quyết cần được chuyển thành ý thức và hành động cụ thể của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức.
Gia Nguyễn
—————
Diễn đàn DN (Pháp luật) ngày 02-01-2024:
https://diendandoanhnghiep.vn/khong-hinh-su-hoa-them-niem-tin-cho-doanh-nhan-256967.html
(858/1.1021)