4.232. Siết chặt ngân hàng sở hữu chéo, bán bảo hiểm

Siết chặt ngân hàng sở hữu chéo, bán bảo hiểm

(LĐ) – Luật Các Tổ chức tín dụng sửa đổi được thông qua và có hiệu lực từ tháng 7.2024 sẽ góp phần giúp hệ thống ngân hàng hoạt động ổn định, minh bạch và tiệm cận với chuẩn quốc tế.

Siết chặt sở hữu chéo bảo hiểm

Luật Các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) sẽ giúp hoạt động ngân hàng an toàn, minh bạch hơn. Ảnh: Hải Nguyễn
Quy định mới quản lý tốt hơn việc sở hữu chéo

Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (Luật các TCTD) sửa đổi. Luật chính thức có hiệu lực từ ngày 1.7.2024, ngoại trừ một số điều khoản sẽ có hiệu lực từ ngày 1.1.2025.
Người dân, hệ thống ngân hàng và các chuyên gia đều kỳ vọng quy định mới sẽ giúp hệ thống các TCTD hoạt động ổn định, minh bạch.

Nhận định về những tác động của Luật Các TCTD, nhóm phân tích của MBS cho biết, luật sẽ là hành lang pháp lý quan trọng góp phần giúp hệ thống hoạt động ổn định, minh bạch và tiệm cận với chuẩn quốc tế.

Trao đổi với Lao Động, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, người từng có nhiều năm kinh nghiệm về tài chính ngân hàng, cho biết, các quy định mới tại Luật Các TCTD (sửa đổi) đều “trói chặt hơn, khắt khe hơn so với quy định hiện hành”, nhưng khách hàng sẽ nhận được những tác động tích cực.

Nói về quy định siết chặt sở hữu chéo và thao túng TCTD, Luật sư Đức cho biết, Luật sửa đổi bổ sung thêm quy định các cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ của TCTD phải cung cấp thông tin, đồng thời các TCTD phải thực hiện công bố công khai minh bạch thông tin của các cổ đông này.

Quy định này sẽ giúp cho NHNN dễ quản lý hơn, “thậm chí ngay cả trường hợp xấu nhất như nhiều cổ đông liên kết với nhau để sở hữu cổ phần dưới 1%, thì dù có 10 người liên kết với nhau, tỉ lệ sở hữu cũng không quá lớn” – Luật sư Đức phân tích.

Đáng nói, ông Đức cho rằng, giới hạn tỉ lệ sở hữu cho cổ đông là tổ chức giảm từ 15% xuống 10%; cổ đông và người có liên quan giảm từ 20% xuống 15%. Cổ đông lớn và người có liên quan xuống.

Nhận định về vấn đề này, nhóm phân tích của MBS cho biết, việc hạn chế tình trạng sở hữu chéo và giúp nhận biết các rủi ro lớn từ các doanh nghiệp sân sau như trường hợp của SCB và Vạn Thịnh Phát.

Theo thống kê của MBS Research, hiện tại có 7 ngân hàng niêm yết có cổ đông là tổ chức sở hữu trên 10% vốn điều lệ (đã loại trừ các TCTD có cổ đông chiến lược là NĐT nước ngoài).

Ngay khi Luật Các TCTD được thông qua, đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, các quy định tại luật tương đối chặt chẽ nhưng cần thiết, giúp các TCTD xây dựng mô hình tổ chức phù hợp với thông lệ và thực tiễn hoạt động.

“Để hạn chế tác động lớn tới thị trường khi luật được ban hành, luật có quy định điều khoản chuyển tiếp đối với những quy định được sửa đổi, bổ sung tại luật” – đại diện NHNN cho biết.

Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi chính thức có hiệu lực từ ngày 1.7.2024, ngoại trừ một số điều khoản sẽ có hiệu lực từ ngày 1.1.2025.

Siết quy định ngân hàng bán bảo hiểm

Một trong những quy định mới được dư luận quan tâm tại Luật Các TCTD sửa đổi là quy định về hoạt động đại lý bảo hiểm. Theo đó, điểm đáng chú ý là nhân viên của các TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn các sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức.

Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, việc bán bảo hiểm qua ngân hàng thời gian qua xuất hiện nhiều gian dối, gây mất niềm tin đối với khách, vì vậy thu nhập từ hoạt động này ở các ngân hàng đã chậm lại từ giai đoạn trước khi luật mới được thông qua.

Quy định mới sẽ giúp ngăn chặn việc nhân viên ngân hàng tư vấn không đầy đủ khiến khách hàng nhầm lẫn giữa sản phẩm bảo hiểm và sản phẩm ngân hàng, hay phải mua bảo hiểm khi muốn vay vốn… xảy ra thời gian qua.

Một trong những điểm mới nữa của luật là việc can thiệp sớm các TCTD yếu kém. Các TCTD được can thiệp sớm (lỗ luỹ kế hơn 50% vốn điều lệ) sẽ được hỗ trợ bởi một số biện pháp như thay đổi cách tính số dự phòng rủi ro bằng tối đa số chênh lệch thu chi trong năm của TCTD.

Theo Luật sư Đức quy định này bản chất “luật hoá” những công việc đang làm.

Cuối cùng là quy định về xử lý tài sản đảm bảo có hiệu lực từ 1.1.2025. Theo đó, các TCTD được quyền chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ tài sản đảm bảo là dự án BĐS để thu hồi nợ.

Nhóm chuyên gia của MBS cho rằng, quy định này sẽ giúp các ngân hàng có thêm phương án xử lý các dự án lớn với một phần nhỏ trong đó bị vướng pháp lý, từ đó giúp dòng tiền của các DN BĐS được khơi thông và giảm nợ xấu cho các ngân hàng, đặc biệt nhóm NH niêm yết có tỉ lệ cho vay BĐS cao như: TCB, MBB, VPB, SHB, HDB…

Riêng về quy định này, Luật sư Đức cho rằng, “quy định được một nửa, hạn chế một nửa”.

Hiến kế để “siết” tỉ lệ sở hữu ngân hàng

Quốc hội vừa thông qua Luật Tổ chức tín dụng (sửa đổi) với nhiều điểm mới, “siết” quy định về sở hữu chéo, giúp hệ thống ngân hàng phát triển lành mạnh, ổn định. Một trong những điểm mới của Luật Tổ chức tín dụng (sửa đổi) là giới hạn sở hữu của cổ đông là tổ chức với mức giảm từ 15% xuống còn 10%; cổ đông và người có liên quan giảm từ 20% xuống 15%. Cổ đông lớn và người có liên quan xuống còn 5% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng.

Trao đổi với Báo Lao Động, PGS.TS Nguyễn Hồng Nga – Giảng viên cao cấp Khoa Kinh tế, Đại học Kinh tế – Luật, Đại học Quốc gia TPHCM – nhận định, tỉ lệ sở hữu của các cá nhân và tổ chức ở Việt Nam hiện nay đã gần như thông lệ quốc tế. Do vậy, việc giảm tỉ lệ sở hữu theo đề xuất trong dự thảo sẽ góp phần giải quyết vấn đề về giảm thiểu rủi ro và mất an toàn cho hệ thống ngân hàng.

“Để thực thi, sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước, cũng như sự minh bạch, tường minh của các ngân hàng thương mại là yếu tố cần thiết. Phải có một hệ thống chế tài nghiêm khắc và kỷ cương mới ngăn chặn được tiêu cực và tham nhũng trong hệ thống ngân hàng, giảm rủi ro cho toàn hệ thống” – PGS.TS Nguyễn Hồng Nga cho biết.

Luật mới còn bổ sung quy định các cổ đông đang sở hữu từ 1% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng phải cung cấp thông tin, đồng thời các tổ chức tín dụng phải thực hiện công bố công khai, minh bạch thông tin của các cổ đông này.

PGS.TS Nguyễn Hồng Nga đánh giá, đây cũng là một điểm mới góp phần giúp hệ thống ngân hàng hoạt động an toàn, ổn định hơn. Với một nền kinh tế mới nổi và đang phát triển như Việt Nam hiện nay, “lách” luật là một nguy cơ, nhất là trong một lĩnh vực quan trọng, then chốt và nhạy cảm như ngân hàng. Việc nhờ người thân, người quen đứng tên cổ đông không phải là ngoại lệ để đối phó với sự ràng buộc sở hữu về pháp luật. Do đó, bắt buộc phải công khai thông tin cổ đông, đó là một sự tiến bộ về hành lang pháp lý, đòi hỏi các cơ quan quản lý thực thi mạnh mẽ chức năng giám sát, đi kèm với vấn đề đạo đức trong kinh doanh. Quý An

Minh Ánh

—————

Lao động (Kinh doanh) ngày 24-01-2024:

https://laodong.vn/kinh-doanh/siet-chat-ngan-hang-so-huu-cheo-ban-bao-hiem-1295301.ldo

(548/1.487)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.978. Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế...

Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế thu nhập cá nhân. (DĐDN)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,985