4.244. Lúng túng thực hiện công khai lãi suất cho vay

Lúng túng thực hiện công khai lãi suất cho vay

(ĐT) – Trước yêu cầu công khai lãi suất cho vay, một số ngân hàng ngân hàng kêu khó thực hiện, có thể bị khách hàng phản ứng và cần hướng dẫn cụ thể. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định “đó là chỉ đạo đúng đắn” nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp, người dân lựa chọn ngân hàng có lãi suất cho vay thấp.
công khai lãi suất cho vay
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại công bố chênh lệch lãi suất tiền gửi bình quân và cho vay bình quân. Ảnh: Song Lê

Tại Công văn 527/TB-VPCP ngày 18/12/2023 thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô, Thủ tướng yêu cầu NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) nghiên cứu việc công bố công khai lãi suất cho vay bình quân của từng TCTD và chênh lệch lãi suất bình quân tiền gửi và cho vay.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đầu tháng 2/2024, NHNN có công văn yêu cầu các TCTD báo cáo tình hình công bố lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân.

Chia sẻ về khó khăn khi thực hiện yêu cầu này, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc Ngân hàng TPBank cho biết, lãi suất cho vay được quyết định bởi nhiều yếu tố như quy mô khách hàng, lượng dịch vụ khách hàng sử dụng, lợi ích khách hàng, tính chất rủi ro của khoản vay, hình thức vay có tài sản bảo đảm hoặc không… Bên cạnh đó, lãi suất còn thay đổi theo các chương trình ưu đãi, khách hàng chiến lược, theo từng phân khúc, thời hạn. Do đó, ngân hàng có thể công bố nhưng chỉ là mức chung chung, còn tùy khách hàng sẽ có mức lãi suất cụ thể.

Ông Trần Long, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng BIDV cho rằng, việc công bố thông tin lãi suất cho vay với khách hàng cá nhân là phù hợp nhưng với khách hàng tổ chức cần có hướng dẫn cụ thể về cách thức và định kỳ công bố thông tin này.

Ông Phạm Như Ánh, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cho biết đã sẵn sàng hệ thống tính toán và dữ liệu để thực hiện việc công bố thông tin theo chỉ đạo. Tuy nhiên, NHNN cần có hướng dẫn chi tiết để các TCTD thực hiện thống nhất. Trong đó, mức lãi suất bình quân công bố nên tách theo kỳ hạn, đối tượng khách hàng để phù hợp thực tế triển khai tại các TCTD và yêu cầu của NHNN.

Đại diện Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LPBank) bày tỏ lo ngại về sự phản ứng của khách hàng khi lãi suất được công bố, đặc biệt các khoản vay trung và dài hạn. Theo đó, thời gian qua ngân hàng đã giảm lãi suất 1,5% – 2%, có khách hàng được giảm tới 3%. Do đó, nếu công bố lãi suất cho vay bình quân của cả ngân hàng thì các khách hàng vay cũ sẽ phản ứng, tiếp tục đòi giảm lãi suất mà họ đang trả.

Các ý kiến từ ngân hàng cho thấy, yêu cầu về việc công khai lãi suất cho vay vẫn chưa được hiểu thống nhất và còn lúng túng trong thực thi. Trong khi đó, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nêu rõ quan điểm, việc công khai lãi suất cho vay là chỉ đạo đúng đắn của lãnh đạo Chính phủ và ngành ngân hàng phải thực hiện. Lãi suất công khai là lãi suất bình quân, không phải lãi suất cho vay với từng đối tượng, từng doanh nghiệp hay từng loại hình.

Mức lãi suất bình quân công bố nên tách theo kỳ hạn, đối tượng khách hàng để phù hợp thực tế triển khai tại các tổ chức tín dụng. Ảnh: Song Lê

Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ thuộc NHNN cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, lãnh đạo NHNN đã có chỉ thị về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ năm 2024, trong đó có chỉ đạo các TCTD công bố công khai và chịu trách nhiệm về lãi suất cho vay bình quân của từng TCTD cũng như chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân trên website của từng TCTD.

Nhiều năm công tác trong lĩnh vực ngân hàng, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, lãi suất huy động cần sự nhất quán thực hiện trong hệ thống ngân hàng nên việc công bố là cần thiết và đã được thực hiện từ nhiều năm nay. Trong khi đó, lãi suất cho vay là câu chuyện thị trường giữa bên vay và bên cho vay dựa trên nhiều yếu tố và thời điểm.

“Cùng một khách hàng/dự án mà lãi suất của hôm trước và hôm sau có thể không giống nhau. Bên cạnh đó, các yếu tố quyết định lãi suất cho vay là xếp loại khách hàng, tài sản bảo đảm, tính chất rủi ro. Do đó, việc công khai lãi suất cho vay là một khó khăn đáng kể cho ngành ngân hàng, có thể dẫn đến tình trạng đối phó trong thực hiện”, ông Đức chia sẻ.

Cùng quan điểm, ông Đinh Tuấn Minh, Giám đốc nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế và xã hội (MASSEI) cho rằng, lãi suất cho vay phụ thuộc vào nhiều yếu tố và mang tính chất thỏa thuận, nên việc công khai một con số nhất định thì hầu như không khả thi, còn công khai mức lãi suất trong một khoảng biên độ thì không có ý nghĩa nhiều.

Để thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tính toán được mức lãi suất khi tiếp cận vốn tín dụng, theo ông Minh, các ngân hàng có thể công khai về quy trình tính toán lãi suất cho vay. Chẳng hạn, ngân hàng đưa ra một mức lãi suất tham chiếu theo số tiền vay và thời hạn. Còn để tính toán ra mức lãi suất vay thực tế, cần có các thông tin khác về lĩnh vực kinh doanh, tài sản bảo đảm để “cộng, trừ” so với lãi suất tham chiếu.

—————

Đấu thầu (Tài chính) 26-02-2024:

https://baodauthau.vn/lung-tung-thuc-hien-cong-khai-lai-suat-cho-vay-post150371.html

(158/1.129)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

436. Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài...

Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài sản công. Cố vấn: Luật...

Phỏng vấn 

4.414. Lấp lỗ hổng quản lý trong đầu tư trực...

Lấp lỗ hổng quản lý trong đầu tư trực tuyến tiền ảo, tài chính, chứng...

Trích dẫn 

3.969. Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ...

Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ xấu gia tăng nhưng tốt...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 235,717