4.250. Nên thay đổi quy định quản lý thị trường vàng theo hướng nào?

Nên thay đổi quy định quản lý thị trường vàng theo hướng nào?

(VNB) – Giới chuyên gia cho rằng các cơ quan cũng phải cân nhắc và lường trước kịch bản nếu nới lỏng quá, người dân dự trữ nhiều vàng, sẽ làm giảm giá trị đồng tiền, đổ xô mọi thành quả có được từ trước đến nay. Bởi nhiệm vụ quan trọng nhất vẫn là giữ vững giá trị VND.

Từ cuối năm ngoái đến nay, Chính phủ đã nhiều lần yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổng kết Nghị định 24/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, đề xuất các giải pháp quản lý trong thời gian tới.

Mới nhất, kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 2/3, Thủ tướng nêu nhiều nhiệm vụ, trong đó yêu cầu NHNN sớm trình sửa đổi Nghị định của Chính phủ về quản lý thị trường vàng.

Yêu cầu từ Chính phủ được đưa ra trong bối cảnh giá vàng miếng có nhiều biến động, bắt đầu từ cuối năm 2023. Tính đến nay giá vàng miếng SJC hai lần vượt mốc 80 triệu đồng/lượng, đẩy chênh lệch với giá vàng lên tới 15 – 16 triệu đồng/lượng.

Mới đây nhất, hôm 2/3, giá vàng miếng thiết lập kỷ lục mới khi đạt gần 81 triệu đồng/lượng.

thay đổi quy định quản lý

Giá vàng miếng SJC từ tháng 12/2023 đến 11h ngày 4/3. (Ảnh: Doji).

Sửa đổi Nghị định 24 cần nhiều thời gian

Trao đổi với chúng tôi, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng sửa đổi Nghị định 24 không phải là điều dễ dàng và cần nhiều đánh giá kỹ lưỡng do vàng là vấn đề nhạy cảm, liên quan đến thị trường, tài sản của người dân và điều hành kinh tế vĩ mô.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cũng cho rằng sửa đổi Nghị định 24 sẽ cần nhiều thời gian. “Mục tiêu cao nhất hiện nay là đưa vốn vào sản xuất kinh doanh. Tiền gửi tiết kiệm để cho vay, tiền nhàn rỗi để mua cổ phần cổ phiếu để kinh doanh. Tiền đổ quá nhiều vào mua vàng, giống như mua đất sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy với nền kinh tế”, ông nói.

Theo ông, các cơ quan cũng phải cân nhắc và lường trước kịch bản nếu nới lỏng quá, người dân dự trữ nhiều vàng, sẽ làm giảm giá trị đồng tiền, đổ xô mọi thành quả có được từ trước đến nay. Bởi nhiệm vụ quan trọng nhất vẫn là giữ vững giá trị VND.

Nên cho phép doanh nghiệp xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu

Bên cạnh thành quả nổi bật nhất là đã chấm dứt được tình trạng vàng hóa nền kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng Nghị định 24 cần thay đổi một số điểm. Thứ nhất, cần thay đổi vai trò của NHNN trong việc xuất khẩu vàng nguyên liệu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng.

“Kể từ năm 2012 Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng có hiệu lực, Việt Nam không nhập khẩu vàng chính thức. Tuy nhiên Nghị định quy định NHNN là đơn vị duy nhất có thể xuất khẩu vàng nguyên liệu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. Vai trò đó nên rút lại. NHNN nên thể hiện vai trò quản lý thị trường hơn là thành phần tham gia vào thị trường. Nghị định 24 nêu rõ NHNN có thẩm quyền cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho doanh nghiệp, tuy nhiên thực tế việc này chưa từng xảy ra từ khi Nghị định ra đời”, ông nói.

Thứ hai, cần xóa bỏ sự độc quyền vàng miếng SJC để các sản phẩm vàng được cạnh tranh một cách công bằng trên thị trường. Khi người mua có nhiều lựa chọn, chênh lệch giá vàng miếng SJC và giá vàng quốc tế sẽ được thu hẹp.

Ngoài ra, một vấn đề nữa là khác với vàng nhẫn khi bất cứ tiệm vàng nào cũng có thể kinh doanh, thì vàng miếng, theo Nghị định 24, doanh nghiệp được NHNN xem xét cấp giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng phải đáp ứng các điều kiện như có vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng trở lên, đã nộp thuế hai năm liên tiếp trên 500 triệu đồng/năm, có ít nhất ba chi nhánh ở ba địa phương khác nhau,…Quy định ràng buộc này với doanh nghiệp mua bán vàng miếng cũng cần phải được cân nhắc xem xét lại.

Còn theo quan điểm của Luật sư Trương Thanh Đức, mấu chốt của vấn đề là cách nhìn nhận vàng như một loại hàng hóa hay coi đó là ngoại hối. Nếu coi đó là ngoại hối, cần phải quản lý chặt. Ngược lại nếu quan niệm đó là loại hàng hóa thông thường, có thể nới lỏng một số quy định.

Ông đề xuất có thể cân nhắc xem xét phân tách các quy định hiện hành của pháp luật về đầu tư, kinh doanh vàng thành hai phần.

Thứ nhất, những hoạt động nào ảnh hưởng trực tiếp đến chính sách tiền tệ như thanh toán bằng vàng trong nền kinh tế, huy động và cho vay vàng trong hệ thống ngân hàng, thì cần tiếp tục bị cấm và do NHNN quản lý. Việc này cần phải được quy định cụ thể, rõ ràng trong luật thay vì trong các nghị định, thông tư như hiện nay.

Thứ hai, những hoạt động không ảnh hưởng hoặc ảnh hưởng không đáng kể đến chính sách tiền tệ có thể cho phép đầu tư kinh doanh và không thuộc lĩnh vực quản lý của NHNN.

Các hoạt động này gồm khai thác, sản xuất vàng; xuất nhập khẩu vàng; chế biến, gia công vàng trang sức, mỹ nghệ; mua, bán vàng (cả vàng tiêu chuẩn quốc tế, vàng miếng, vàng trang sức, mỹ nghệ); kinh doanh vàng trên tài khoản; hoạt động phái sinh về vàng.

Trước đó, tại tọa đàm về thị trường vàng, do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức hồi cuối tháng 1, các chuyên gia cũng đề cập đến các chính sách quản lý thị trường vàng tiến tới tự do hoá xuất nhập khẩu thông qua quản lý thị trường hàng hoá.

TS Trần Thọ Đạt cho rằng thị trường vàng Việt Nam đã đến lúc phải liên thông với thị trường thế giới, phải loại bỏ chênh lệch giá, đặc biệt là chênh lệch giá vàng SJC như hiện nay bằng các giải pháp thị trường, sản xuất vàng miếng phải trao cho thị trường. Đồng thời, cần tiến tới tự do hoá xuất nhập khẩu vàng, Nhà nước chỉ điều tiết về chính sách như các nước khác trên thế giới.

Đồng quan điểm, GS.TS Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội đề xuất cần có phương thức quản lý phù hợp trong vấn đề xuất nhập khẩu vàng.

Ông nêu vấn đề thị trường vàng Việt Nam không liên thông với quốc tế. “Nếu trong nước giá cao, chúng ta nhập khẩu vào để cân bằng. Nếu trong nước giá thấp, thế giới giá cao, xuất khẩu ra để cân bằng. Nhưng đây không có quan hệ xuất nhập khẩu như thế. Như vậy không có việc chúng ta cân bằng được giữa thị trường vàng trong nước và thế giới dẫn đến tình trạng thế giới có thể tăng một chút thì trong nước tăng rất cao”, ông nói.

Tuy nhiên GS.TS Hoàng Văn Cường cho rằng trong trường hợp tự do hoá xuất nhập khẩu vàng, cần quản lý để tránh tình trạng ồ ạt dùng ngoại tệ nhập vàng vào cho mục đích khác, làm mất cân đối ngoại tệ, mất khả năng điều hành tỷ giá.

Theo ông, trước khi có Nghị định 24, vàng được coi như một phương tiện thanh toán. Giai đoạn đó, vàng được giao dịch như thế dẫn đến việc không thể quản lý được vấn đề xuất nhập khẩu và ngoại hối, từ đó dẫn đến không thể quản lý được vấn đề tỷ giá, làm mất giá trị tiền đồng.

“Không phải cứ duy trì một cơ chế như trước đây là cấp phép, cấp quota theo dạng ‘xin-cho’ mà có thể sử dụng các công cụ tài chính để điều tiết quan hệ xuất nhập khẩu vàng”, ông nói.

Anh Đào

—————

Vietnam Biz (Hàng hoá) 05-3-2024:

https://vietnambiz.vn/nen-thay-doi-quy-dinh-quan-ly-thi-truong-vang-theo-huong-nao-202434141621212.htm

(723/1.449)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.978. Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế...

Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế thu nhập cá nhân. (DĐDN)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,983