4.258. Ma trận lãi, phí thẻ tín dụng

Ma trận lãi, phí thẻ tín dụng

(TN) – Các ngân hàng đều áp dụng hàng loạt phí khi khách hàng sử dụng dịch vụ, đặc biệt thẻ tín dụng quốc tế còn có thêm lãi suất cao ngất, với ma trận cách tính, có thể đẩy nhiều người “bỗng dưng thành con nợ”.
Công thức tính lãi vô cùng phức tạp

Vụ việc nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu đồng của ông P.H.A tại Eximbank, sau 11 năm lên hơn 8,8 tỉ đồng gây xôn xao những ngày qua không chỉ khiến người đang sử dụng thẻ giật mình mà cả giới tài chính, ngân hàng (NH) cũng bị sốc. PV Thanh Niên đã liên hệ phía Eximbank để tìm hiểu thông tin về cách tính lãi suất (LS) như thế nào nhưng nhiều ngày trôi qua vẫn chưa nhận được phản hồi. Để giải bài toán tính lãi này, các chuyên gia tài chính đã đưa ra nhiều cách tính mô phỏng, giả định. Chuyên gia tài chính Đinh Thế Hiển đã thử tính lãi số nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu đồng nói trên và nhận xét là “như ma trận”.

Ma trận lãi phí thẻ

Cẩn thận với ma trận phí và lãi đối với thẻ tín dụng quốc tế

Nhật Thịnh

Với số nợ 8,5 triệu đồng, LS vay giả định 33%/năm (theo biểu phí công bố của chính Eximbank), lãi phạt trả trễ hạn 5%/tháng (tức theo năm là 60%), số tiền nợ và lãi trong 11 năm sẽ lên hơn 11,76 tỉ đồng, bình quân lãi mỗi năm là 93% (xem bảng 1). Trong trường hợp ra con số 8,8 tỉ đồng, bình quân lãi mỗi năm là 88% (bảng 2). Trong trường hợp vừa tính lãi vay vừa tính lãi phạt tính theo từng tháng thì số tiền lên gần 63 tỉ đồng (bảng 3). Theo TS Đinh Thế Hiển, mỗi NH có cách tính quy định chi tiết khác nhau nhưng nói chung lãi nhập vốn theo tháng kinh khủng hơn theo năm. Do vậy người đi vay tiêu dùng cần hỏi xem lãi theo năm hay theo tháng? Đối với lãi kép, những năm đầu chưa thấy nhiều nhưng từ năm thứ 8 trở đi sẽ tăng rất nhanh.

Là người hoạt động trong lĩnh vực tài chính – NH, ông Huỳnh Trung Minh thử tính toán con số này với giả định LS thẻ tín dụng từ 24%/năm nhưng làm sao cũng không ra được con số 8,8 tỉ đồng. “Công thức tính lãi của thẻ tín dụng rất phức tạp, các NH áp dụng phương trình tính lãi trên hệ thống. Ở đây, ngoài LS thẻ tín dụng còn có phí các loại. Nếu nợ phí cũng sẽ phát sinh thêm lãi chứ không riêng gì nợ gốc. Chẳng hạn phí phạt trễ hạn, mỗi NH sẽ có quy định mức cụ thể vài trăm ngàn mỗi tháng. Trong trường hợp này, còn phải xem phí phạt có tăng lên qua các tháng hay không và sinh lãi như thế nào nữa”, ông Minh nói.

Chính vì sự phức tạp trong cách tính lãi, phí đối với thẻ tín dụng mà một số NH như HSBC, Techcombank… đều cung cấp ví dụ cụ thể. Techcombank đưa ra ví dụ tính lãi quá hạn như sau: khách nợ thẻ tín dụng 9 triệu đồng, khoản thanh toán tối thiểu là 5%, tức 450.000 đồng. Chủ thẻ trễ hạn thanh toán 45 ngày (tức trong giai đoạn 1 trễ hạn trong vòng 60 – 70 ngày), số tiền lãi, phí phạt là 682.945 đồng. Nếu khoản nợ trễ hạn hơn 60 – 70 ngày, tiền lãi và phí phạt sẽ lên 1,238 triệu đồng. Chính vì vậy, các NH đưa ra cảnh báo chủ thẻ các vấn đề sẽ gặp phải khi nợ thẻ tín dụng quá hạn. Đó là chịu phí phạt và LS cao, ảnh hưởng đến lịch sử tín dụng và uy tín tài chính cá nhân và khi thông tin lên hệ thống Trung tâm thông tin tín dụng Quốc gia (CIC) thì sẽ khó tiếp cận các khoản vay khác…

Khách hàng có thể trở thành con nợ của ngân hàng khi không để ý thanh toán các loại phí, lãi

Ngọc Dương

Hàng loạt chủ thẻ thành con nợ bất đắc dĩ

Ngay sau vụ khách hàng nợ từ 8,5 triệu đồng tại Eximbank sau 11 năm lên 8,8 tỉ đồng, nhiều khách hàng giật mình và kiểm tra lại thông tin với NH thì “tá hỏa” khi biết mình cũng là con nợ nhiều năm qua. Đơn cử trường hợp anh Duy Phương (TP.HCM) ngày 15.3 vừa qua vội gọi lên tổng đài Eximbank kiểm tra thì được báo là đang nợ phí quản lý tài khoản hơn 1,6 triệu đồng. Theo giải thích, nếu số dư tài khoản dưới 300.000 đồng thì sẽ bị trừ 11.000 đồng/tháng. Khoản phí này được trừ đều từ 2015 tới giờ. Đây là số tài khoản được mở giai đoạn 2012-2015 khi anh Phương còn làm ở công ty cũ và nhận lương qua Eximbank nhưng sau đó chuyển công ty thì không sử dụng nữa. Sau Eximbank, anh tiếp tục gọi điện qua tổng đài ở các NH từng mở tài khoản từ năm 2008 tới giờ để kiểm tra thì kết quả có thêm nợ tại NH Đông Á 600.000 đồng là phí thường niên thẻ từ năm 2012. Đây là tài khoản đã mở từ lúc còn sinh viên. Còn các NH Techcombank và HDBank đã hủy tài khoản của anh sau vài năm không phát sinh giao dịch; Tại ACB vẫn còn tài khoản nhưng không nợ (vì chính sách lúc mở là được miễn phí thường niên).

Sau chia sẻ của anh Duy Phương, nhiều người quen và đồng nghiệp từng làm công ty cũ của anh có nhận lương qua tài khoản Eximbank cũng vào cho biết đã kiểm tra lại thông tin và đa số đều mắc nợ NH dù tài khoản không sử dụng, với mức phổ biến từ 2 – 3 triệu đồng. Đáng nói, anh Duy Phương và nhiều đồng nghiệp cũ đều khẳng định chưa bao giờ nhận thông báo từ NH về việc thu phí hay đang nợ… dù hằng năm đều có tin nhắn chúc mừng sinh nhật.

“Các khoản nợ này là phí thường niên thẻ hay phí quản lý tài khoản và hiện tại không bị tính nợ xấu, khác nợ thẻ tín dụng. Tôi đã từng tự kiểm tra trên hệ thống CIC cách đây vài tháng thì điểm vẫn tốt nên không nhớ tới việc rà soát các tài khoản NH. Các tài khoản không sử dụng một thời gian thì NH đều tạm khóa tài khoản, khóa thẻ, ngừng giao dịch nhưng có NH vẫn trừ phí đều đều nên cứ để đó không đóng thì số nợ sẽ tăng. Tuần này mình sẽ đi trả và làm thủ tục khóa hết các tài khoản. Như vậy, tổng thiệt hại cho đợt rà soát này là hơn 2,2 triệu đồng, kèm thêm mấy chục nghìn tiền điện thoại. Ai không xài tài khoản nào nữa thì đi kiểm tra lại luôn nhé, bất kỳ NH nào, chứ không lại có phiền hà gì sau này thì mệt lắm vì các khoản nợ treo trên đầu”, anh Duy Phương khuyến cáo.

Không chỉ có Eximbank, nhiều người gặp cảnh tương tự khi trở thành con nợ của một số NH khác. Chẳng hạn, chị Phan Lê cho hay sau khi kiểm tra ở một NH khác vì đã từng mở tài khoản thì được báo nợ hơn 2,4 triệu đồng (từ năm 2018 đến nay). Đây là nợ gồm phí duy trì thẻ tín dụng, phí SMS thông báo biến động số dư tài khoản…

Như vậy không chỉ bị nợ tiền sử dụng trong thẻ tín dụng mà nếu đã mở thẻ hay tài khoản thì khách hàng cũng có thể trở thành con nợ của các nhà băng.

Không sử dụng cũng nguy cơ thành con nợ

Ngoài việc không sử dụng thẻ, không sử dụng tài khoản nhưng vẫn trở thành con nợ, nhiều khách hàng đang sử dụng dịch vụ NH cũng sẽ rơi vào “ma trận” phí và lãi khi không để ý và cũng có thể từ nợ ít thành nợ nhiều. Trong đó, nhiều nhất là biểu phí áp dụng cho thẻ tín dụng quốc tế. Chẳng hạn, Eximbank công bố biểu phí phát hành và sử dụng thẻ tín dụng quốc tế hạng thẻ chuẩn (vàng) có gần 20 loại phí như phí phát hành, phí thường niên, phí thay thế thẻ theo yêu cầu, phí khiếu nại, phí rút tiền mặt 4% (tối thiểu 100.000 đồng), phí xác nhận sử dụng thẻ, phí sao kê, phí chấm dứt sử dụng thẻ; phí trễ hạn 5% số tiền thanh toán tối thiểu; phí sử dụng vượt hạn mức 15%, phí tài chính (lãi vay) 33%/năm… Tương tự, Vietcombank công bố có đến 21 loại phí và LS đối với thẻ tín dụng quốc tế. Trong đó lãi suất thẻ tín dụng của Vietcombank thấp hơn khi ở mức 17 – 18%/năm tùy hạn thẻ…

Hay thẻ ghi nợ nội địa của các NH hiện nay cũng cõng khá nhiều loại phí như phí phát hành thay thế thẻ theo yêu cầu, phí cấp lại số PIN, phí khiếu nại (tùy NH, từ 33.000 – 50.000 đồng/giao dịch); phí dịch vụ ATM như rút tiền mặt, chuyển khoản, truy vấn số dư, in sao kê…

Ngay cả với tài khoản thông thường, các NH cũng sẽ áp dụng một số loại phí như quản lý tài khoản và các khoản phí khi có giao dịch khác gồm xác nhận số dư tài khoản, sao kê tài khoản thanh toán, phong tỏa tài khoản tạm thời… Ngoài ra, trường hợp khách hàng đăng ký thông báo biến động số dư tài khoản (SMS Banking) thì hằng tháng còn phải đóng tiền từ 10.000 đồng – 100.000 đồng tùy NH.

TS Nguyễn Hữu Huân (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) kể về trải nghiệm không mấy vui khi sử dụng thẻ tín dụng Citibank. Trong một lần mua cà phê Starbucks, cửa hàng lúc này chạy chương trình quẹt thẻ Citibank thì ly nhỏ được nâng lên ly cỡ trung nên ông đã sử dụng và phát sinh dư nợ vài chục ngàn. Mặc dù được nhắc lịch thanh toán nhưng số tiền nhỏ nên ông quên mất. Hậu quả là sau đó chỉ riêng phí trả chậm phải trả lên đến 300.000 đồng, chưa kể nợ gốc vài chục ngàn đồng và tiền lãi. Do ít sử dụng thẻ này nên dễ bị quên và chỉ đến khi NH thông báo phí thường niên 1,2 triệu đồng thì ông mới quyết định đóng thẻ.

TS Nguyễn Hữu Huân chia sẻ: Nhiều NH hay chạy chương trình ưu đãi phí thường niên trong năm đầu phát hành thẻ nên nhiều người mở thẻ xong mà không dùng. Qua năm thứ hai, thẻ phát sinh phí thường niên. Điều vô lý ở đây mà đa số các NH hiện nay đang thực hiện đó là phí thường niên nếu khách hàng không đóng thì bị ghi nhận nợ. Ông đặt vấn đề nếu khách hàng không đóng phí thường niên để duy trì sử dụng thẻ thì NH có thể cắt dịch vụ, chứ sao lại tính lãi phí này? Vì thế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nên có quy định về những khoản phí đối với thẻ nói chung và thẻ tín dụng nói riêng.

“Hiện nay các NH phát hành thẻ tín dụng cấp hạn mức tín dụng cho khách hàng khá cao, có nơi gấp 8 lần lương, lương 10 triệu đồng có khi hạn mức lên 80 triệu đồng. Đối với người không quản lý được chi tiêu sẽ rơi vào cảnh nợ nần thẻ tín dụng, mà LS thẻ tín dụng lúc nào cũng cao, có nơi lên đến 30%/năm. Chưa kể, chủ thẻ mà rút tiền mặt thì ngay lập tức bị tính phí 4% trên số tiền rút. Nếu cộng cả lãi và phí rút tiền thì rất cao”, ông Huân lưu ý.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, phân tích: Theo bộ luật Dân sự, LS vay do các bên thỏa thuận, nhưng không được vượt quá 20%/năm, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Khi cộng thêm LS quá hạn thì cũng không được quá 30%/năm. Còn theo bộ luật Hình sự, trường hợp cho vay với lãi suất trên 100% thì phạm tội cho vay lãi nặng.

Tuy nhiên, mức trần LS cho vay 20% không áp dụng đối với ngành NH. Theo Quyết định số 1125 của NHNN năm 2023, các NH chỉ được phép thỏa thuận LS không quá 4%/năm khi cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên… Như vậy LS cho vay tiêu dùng có thể lên tới bất kỳ con số nào vì không được quy định. Điều này có thể hiểu là NH có thể cho vay với LS 100%, thu lãi quá hạn 150%/năm và đặc biệt tính lãi nhập gốc ra con số rất lớn. Việc khách hàng phải chịu LS, lãi phạt, và các loại phí như thế nào sẽ được thỏa thuận trong hợp đồng cho vay hay sử dụng thẻ. Tuy nhiên nhiều khi khách hàng không đọc, hoặc đọc cũng không hiểu. Do đó cần xem lại các quy định liên quan, trong đó có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng về cách tính lãi chậm trả nợ, lãi phạt trả nợ quá hạn cũng như việc nhập gốc và lãi khi khách hàng chậm trả nợ… Đặc biệt, NHNN cần xem xét áp trần LS cho vay chung áp dụng đối với mọi thành phần kinh tế mà không nên để các NH tự quyết định. 

Cần có quy định chung về tính lãi thẻ tín dụng

Cách tính lãi vay của NH hiện nay tính lãi kép, đó là lãi chồng lãi. Lãi được tính theo ngày hay theo tháng hay theo năm rồi từ đó sinh sôi đẻ ra lãi. Khách hàng cần nắm quy định này để có kế hoạch trả nợ đúng hạn. Đừng để rơi vào tình trạng lãi mẹ đẻ lãi con, lãi con đẻ lãi cháu, lãi chắt. Thẻ tín dụng theo kiểu cho vay trước trả sau và không có thế chấp (theo hình thức cho vay tín chấp) nên lãi nhìn vào khoảng 20 – 30%/năm, cứ tưởng không cao nhưng phương thức tính khá phức tạp sẽ nảy sinh lãi khủng. Với mỗi NH đưa ra cách tính lãi, phí khác nhau cũng sẽ gây tranh cãi, không biết đâu là đúng, đâu là sai. Do đó, NHNN cũng nên đưa ra quy định chung về cách tính lãi đối với thẻ tín dụng.

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu

Để thu hút người sử dụng, các NH thường phát hành thẻ tín dụng kèm rất nhiều chính sách hấp dẫn. Tuy nhiên, LS đối với hình thức vay này bao giờ cũng cao hơn, đặc biệt là LS quá hạn bởi NH phải dự phòng tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn. Chưa kể LS quá hạn thay vì chỉ được cộng thêm tối đa 10% như quy định chung, thì lại bằng 150% LS trong hạn. Nếu không may phát sinh những rắc rối, tranh chấp, kể cả khi không dùng thẻ mà vẫn bị ghi nợ, thì phải nhanh chóng xử lý. Nếu không thỏa thuận được với NH thì phải khởi kiện hoặc trình báo cho cơ quan chức năng để giải quyết, chứ không nên thờ ơ, bỏ mặc. Thêm nữa, cũng cần lưu ý, không trả được sẽ rơi vào danh sách “đen”, có nợ xấu, sẽ bị lưu vết, mất uy tín, mất điểm tín dụng, không tiếp cận được vốn tín dụng. Qua vụ việc khách hàng tại Eximbank, cơ quan quản lý cần phải xem xét và đã đến lúc phải sửa đổi luật, áp dụng thống nhất quy định về LS cho vay nói chung đối với mọi thành phần kinh tế, cao thì cùng cao, thấp thì cùng thấp, theo lẽ công bằng, bình đẳng, hợp lý, hợp tình.

Luật sư Trương Thanh Đức

 

Mai Phương – Thanh Xuân

—————

Thanh niên (Ngân hàng) 18-4-2024:

https://thanhnien.vn/ma-tran-lai-phi-the-tin-dung-185240317225153811.htm

(521/2.768)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

436. Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài...

Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài sản công. Cố vấn: Luật...

Phỏng vấn 

4.414. Lấp lỗ hổng quản lý trong đầu tư trực...

Lấp lỗ hổng quản lý trong đầu tư trực tuyến tiền ảo, tài chính, chứng...

Trích dẫn 

3.969. Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ...

Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ xấu gia tăng nhưng tốt...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 235,714