VNDirect bị tấn công, nhà đầu tư chứng khoán thiệt hại thế nào?
(VTV1) – Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC, tham gia trả lời phỏng vấn phóng viên Tài Phan, tự quay ngày 25-3-2024 tại ANVI, số 1 Đinh Lễ, Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Về trách nhiệm và hậu quả pháp lý của việc Hệ thống VNDirect bị “sập”.
Tự quay nên logo nó rõ.
—————
VTV1 (Tài chính kinh doanh trưa) 25-3-2024:
https://vtv.vn/video/tai-chinh-kinh-doanh-trua-25-3-2024-668253.htm
(Phút 2:59)
————-
VNDirect bị tấn công, nhà đầu tư chứng khoán thiệt hại thế nào?
VTV.vn – Cùng với HNX, Sở giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) cũng đã ngắt kết nối giao dịch với Công ty chứng khoán VNDirect để đảm bảo an toàn hệ thống.
Dù ngay từ trước phiên giao dịch hôm nay, VNDirect khẳng định sự cố tấn công mạng đã được khắc phục, và cố gắng đưa giao dịch trở lại trong thời gian sớm nhất. Đến chiều tối nay, việc truy cập vào hệ thống của công ty chứng khoán này vẫn không thể thực hiện được.
“Từ sáng đến giờ tôi cũng như các anh chị nhà đầu tư khác đã không vào được website cũng như không vào được các ứng dụng trên di động hay máy tính của VND được nên không thể giao dịch chứng khoán ngày hôm nay và không biết tình trạng hiện tại sẽ kéo dài bao lâu”, nhà đầu tư Dương thị Ánh Nghĩa – Quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh cho biết.
Các chuyên gia công nghệ và lãnh đạo nhiều công ty chứng khoán cũng cho rằng, sự cố tại VnDirect đã sang ngày thứ 2, cho thấy mức độ ảnh hưởng tới hệ thống giao dịch là không nhỏ. Dù tài sản của khách hàng thì vẫn còn.
Ông Nguyễn Mạnh Luật – Giám đốc Trung tâm Đào tạo An toàn Thông tin CyberJutsu nhận định: “Theo tôi nó không ảnh hưởng tới tài sản của người giao dịch. Tuy nhiên có thể làm lộ lọt thông tin cá nhân của những tập khách hàng và từ đó những kẻ xấu có thể tiếp tục lừa đảo trên mạng online”.
Giới phân tích đánh giá, thiệt hại lớn nhất trong sự cố không giao dịch được này sẽ thuộc về nhà đầu tư chứng khoán phái sinh do thường sử dụng tỷ lệ đòn bẩy cao bên cạnh các giao dịch mua bán thông thường. Nhưng rất khó để xác định mức độ thiệt hại của nhà đầu tư.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết: “Rất khó để xem xét trách nhiệm, nhất là trách nhiệm bồi thường. Việc có tham gia hay không tham gia thì rất khó để chứng minh được hậu quả, thiệt hại bao nhiêu, thiệt hại như thế nào, có hay không có giao dịch. Cho nên gần như là vấn đề còn bỏ ngỏ từ trước đến nay. Đã từng xảy ra nhiều việc như vậy nhưng pháp luật vẫn chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm”.
Theo những chuyên gia hàng đầu về an ninh mạng và bảo mật, từ những thông tin chính thống, thì nhiều khả năng, sự cố đóng băng giao dịch tại VnDirect này, khả quan nhất, sẽ phải mất thêm vài ngày nữa để xử lý.
Chiều nay tại 1 số công ty chứng khoán không thuộc top đầu về thị phần môi giới, ghi nhận sự gia tăng đột biến nhà đầu tư mở tài khoản mới. Trực tiếp. Thay vì mở tài khoản trực tuyến.
Trong thời đại số, mất kết nối giờ đây đồng nghĩa với mất tài sản. Đó là thời gian, tiền bạc, dữ liệu. Và mất kết nối càng lâu, thì thiệt hại càng khó lường. Điều đáng tiếc nhất khi những sự cố như thế này xảy ra, đó là những người đi tìm cách bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, và thực sự có khả năng để bảo vệ quyền lợi cho các nhà đầu tư, lại là chính họ
Ông Vũ Ngọc Sơn – Giám đốc Công nghệ CTCP An ninh mạng Quốc gia NCS cho biết: “Người dung cá nhân sau khi công ty chứng khoán đã cho hệ thống hoạt động quay trở lại thì cần kiểm tra ngay tài khoản, và đổi mật khẩu truy cập, vì có thể đã lộ lọt thông tin. Tránh trường hợp hacker có mật khẩu và chiếm đoạt tài sản liên quan”.
“Với các nhà đầu tư, đặc biệt các nhà đầu tư lâu năm họ sẽ có biện pháp đó là mở tài khoản nhiều công ty chứng khoán, khi đó giả sử một công ty bất ngờ phát sinh lỗi thì họ vẫn có thể giao dịch được ở công ty chứng khoán khác. Đó là cách mà nhà đầu tư có thể đảm bảo quyền lợi của mình trước khi nghĩ tới câu chuyện công ty chứng khoán sẽ hỗ trợ chúng ta để đảm bảo cho quyền lợi của chúng ta”, anh Nguyễn Trọng Đình Tâm – Chuyên viên tư vấn đầu tư chia sẻ.
Trong an ninh mạng, chỉ tồn tại khái niệm “an toàn tạm thời” chứ không có “an toàn vĩnh viễn”. Rõ ràng vụ việc lần này là 1 hồi chuông cảnh tỉnh, trước tiên là với các công ty chứng khoán để chú tâm thường xuyên, liên tục và không ngừng đổi mới trong công tác bảo mật thông tin, đặc biệt là khi chúng ta đang hướng tới vận hành hệ thống KRX, đẩy nhanh quá trình nâng hạng.
Với một khảo sát được thực hiện trên VTV Khớp Lệnh ngày 25/3, theo đó, rõ ràng cảm nhận của các nhà đầu tư về mức độ bảo mật của các công ty chứng khoán chỉ ở mức bình thường hoặc Kém. Có thể hiểu, đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư cũng chính là đảm bảo uy tín và thương hiệu của chính các công ty chứng khoán, và sự phát triển bền vững của thị trường.
VTV Digital
—————-
VTV.vn (Kinh tế) 26-03-2024:
(94/957)