4.266. Thuế thu nhập cá nhân đã quá lạc hậu: Người làm công ăn lương đóng thuế cao hơn kinh doanh

Thuế thu nhập cá nhân đã quá lạc hậu: Người làm công ăn lương đóng thuế cao hơn kinh doanh

(TN) – Nhiều quy định bất cập khiến người làm công ăn lương đóng thuế thu nhập cá nhân cao hơn so với người kinh doanh.
Thu nhập tiền tỉ, đóng thuế thấp

Xu hướng livestream bán hàng trên TikTok bùng nổ mạnh trong vài tháng qua. Trong đó, nhiều cá nhân đã ghi dấu ấn và tên tuổi bỗng nhiên “hot” khi công bố doanh thu các buổi bán hàng này lên con số khủng. Chẳng hạn, Võ Hà Linh, người được gọi là “chiến thần review”, đã có những buổi bán hàng trên mạng với doanh thu ước tính một buổi khoảng 20 tỉ đồng. Mới đây, tài khoản “Quyền Leo Daily” gây xôn xao mạng xã hội với doanh số còn lớn hơn nhiều. Cụ thể, phiên livestream bán hàng trên TikTok của tài khoản này hồi đầu tháng 3 vừa qua kéo dài hơn 12 tiếng với doanh thu lên đến gần 75 tỉ đồng khi chốt đơn sản phẩm của 50 thương hiệu ngành mỹ phẩm, trang sức, đồ gia dụng…

Dù không biết thu nhập thực tế là bao nhiêu nhưng theo ước tính, các cá nhân này cũng sẽ thu được tiền tỉ với doanh số khủng nói trên. Ví dụ kênh YouTube chính thức của Võ Hà Linh mang tên “Ha Linh Official”, Social Blade ước tính doanh thu mỗi tháng từ 1.900 – 30.300 USD, tương đương có thể hơn 47,5 triệu – 750 triệu đồng/tháng, hay lên đến 570 triệu – 9 tỉ đồng/ năm. Nhưng đây chỉ là con số tham khảo trong khi số tiền thực tế của cá nhân này còn có nhiều nguồn khác nhau. Tương tự, tài khoản “Quyền Leo Daily” cũng được Social Blade dự tính có thu nhập 2.600 – 41.100 USD/tháng (từ 65 triệu – 1 tỉ đồng/tháng), tương đương 780 triệu – 12 tỉ đồng/năm…

Thuế thu nhập quá lạc hậu

Thuế thu từ người làm công ăn lương chiếm trên 70% tổng thu thuế TNCN

NGỌC DƯƠNG

Với quy định hiện tại, một cá nhân cung cấp dịch vụ (bao gồm cả cung cấp dịch vụ nội dung thông tin số) chịu thuế suất thuế giá trị gia tăng 5%, thuế thu nhập cá nhân (TNCN) 2%. Như vậy, cá nhân như Võ Hà Linh tổng cộng sẽ đóng 7% thuế trên thu nhập. Giả sử cá nhân có thu nhập 9 tỉ đồng thì mức thuế sẽ đóng là 630 triệu đồng. Số thuế này thua xa số thuế mà người làm công ăn lương phải đóng theo biểu thuế lũy tiến với thuế suất từ 5 – 35%.

Cụ thể, chị An Lê (ở Q.1, TP.HCM) cho hay chuẩn bị quyết toán thuế nên theo kế toán của công ty, tổng hợp thu nhập năm 2023 của chị hơn 760 triệu đồng và tổng thuế TNCN của chị được thông báo là hơn 90 triệu đồng sau khi đã giảm trừ gia cảnh (GTGC) cho bản thân chị và 2 người phụ thuộc. Như vậy, tỷ lệ đóng thuế TNCN của chị An Lê trên tổng thu nhập trong năm 2023 là hơn 11,8%. Nếu một cá nhân làm công ăn lương có thu nhập trên 2 tỉ đồng/năm thì số thuế TNCN sẽ đóng khoảng 700 triệu đồng, cao hơn so với cá nhân là YouTuber nổi tiếng có thu nhập từ 9 – 10 tỉ đồng/năm.

Hay đối với cá nhân, hộ kinh doanh, dù thu nhập cao nhưng số thuế đóng khoán cũng chỉ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng mỗi tháng. Quan sát một quán cà phê cóc trên đường Thiên Phước (Q.11, TP.HCM) cho thấy, 2 vợ chồng chủ quán thuê một góc mặt tiền nhà dân để đặt tủ nước, vỉa hè bày vài chiếc ghế nhỏ để khách ngồi. Để cạnh tranh với quán cà phê bên cạnh có giá 25.000 đồng/ly, mỗi ly cà phê của quán bán ra chỉ ở mức 18.000 đồng nên thu hút khá đông khách, nhất là khoảng 6 – 10 giờ sáng. Mỗi ngày chủ quán bán được từ 400 – 500 ly cà phê, nước trái cây. Tính ra mỗi ngày quán bán được 7 – 9 triệu đồng, mỗi tháng doanh thu cũng 210 – 270 triệu đồng.

Người làm công ăn lương đóng thuế nhiều hơn

Theo quy định hiện nay, cá nhân kinh doanh hàng hóa đóng thuế với mức 1,5% trên doanh thu (bao gồm thuế giá trị gia tăng và thuế TNCN). Những hộ kinh doanh có doanh thu trên 100 triệu đồng mỗi năm mới phải đóng thuế TNCN. Dù mỗi tháng thu nhập mà hộ kinh doanh thu về cao hơn người làm công ăn lương, nhưng số thuế nộp thì không tương xứng. Giả sử trong một năm, cùng với số tiền thu được 1,5 tỉ đồng thì cá nhân kinh doanh chỉ đóng thuế 22,5 triệu đồng, trong khi người làm công ăn lương nếu được GTGC cho mình và 1 người phụ thuộc thì phải nộp thuế TNCN lên hơn 340 triệu đồng.

Như vậy, tỷ lệ thuế trên tổng thu nhập của người làm công ăn lương lên gần 23%, cao hơn 15 lần so với cá nhân kinh doanh. Đó là chưa kể những cá nhân kinh doanh chuyển lên thành lập công ty sẽ có số thuế đóng thấp hơn cá nhân làm công ăn lương rất nhiều. Trong trường hợp so sánh với thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức 20% thì người làm công ăn lương gánh tỷ lệ thuế cao hơn, lên 23%.

Dù có 10 nguồn thu nhập chịu thuế trong luật Thuế TNCN nhưng người làm công ăn lương chiếm trên 70% tổng số thu từ thuế TNCN. Ông Nguyễn Thái Sơn, Giám đốc Công ty thuế Sài Gòn, tính toán: Nếu so cùng mức thu nhập giữa người lao động và kinh doanh sẽ thấy rõ sự khác biệt này. Người làm công ăn lương bị trừ thuế tại đơn vị chi trả thu nhập nên không tránh đi đâu được. Còn hộ kinh doanh khai thuế khoán trên doanh thu mà phần doanh thu khó có thể nắm được là bao nhiêu. Hơn nữa, thuế suất của kinh doanh cũng thấp hơn nhiều so với biểu thuế lũy tiến đối với người lao động lên 35% nên tỷ lệ thuế điều tiết trên thu nhập cũng sẽ ở mức cao hơn.

Ông Sơn nhận xét, nếu cho rằng mức GTGC đối với người lao động là một khoản chi phí thì cần xem lại mức này đã phù hợp với thực tế hiện nay chưa. Mức GTGC 11 triệu đồng đối với người nộp thuế; 4,4 triệu đồng đối với người phụ thuộc hiện nay đã lạc hậu. Đó là chưa kể chi phí của người lao động tại khu vực thành phố và nông thôn cũng hoàn toàn khác nhau. Những người có thu nhập ở mức cao, họ phải đầu tư rất nhiều thứ, từ học hành đến những khoản liên quan nghề nghiệp, cuộc sống…

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, nhận xét: Có rất nhiều quy định bất hợp lý liên quan đến thuế TNCN. Ngoài mức GTGC cho người nộp thuế và người phụ thuộc đã lạc hậu nhiều năm qua, thì các mức thuế suất lũy tiến được áp dụng cào bằng chung cho tất cả mọi người cũng không hợp lý. 

Ví dụ cùng quy định mức GTGC thì có những địa phương, người dân vẫn đảm bảo đời sống; nhưng ở các thành thị, đặc biệt như TP.HCM và Hà Nội khi mọi thứ đều đắt đỏ hơn nhiều thì mức GTGC như vậy không đủ sống. Sẽ có sự so sánh giữa những đối tượng nộp thuế khi thuế suất khác nhau. 

Do vậy, cần phải sửa luật Thuế TNCN cho đúng nguyên tắc, đi vào thực chất là doanh thu trừ chi phí và có thu nhập, có lãi thì mới phải nộp thuế. Phải tiến đến cho phép những chi tiêu của bản thân người nộp thuế và người phụ thuộc như tiền học, chi phí khám chữa bệnh, tiền thuê nhà… có chứng từ hợp lệ thì phải được khấu trừ trước khi tính thuế TNCN. Với hệ thống hóa đơn điện tử và ứng dụng công nghệ thông tin như hiện nay thì hoàn toàn khả thi. 

Điều mà nhiều người cũng cảm thấy bất bình, bất công ở chỗ, trong khi những người làm công ăn lương bị tính hết từng đồng thu nhập (đóng góp tới 70% nguồn thu thuế TNCN), thì ngành thuế vẫn còn để sót, thu ít, thu thiếu nguồn thu nhập rất lớn trong các lĩnh vực khác khi nhiều cá nhân kinh doanh, cung cấp dịch vụ trên mạng chỉ khai thu nhập rất ít hoặc “quên” không khai báo đóng thuế.

Cần phải giảm thuế suất thuế TNCN xuống để khuyến khích người làm công ăn lương. Không có lý do gì để thuế TNCN ở mức cao nhất đến 35%, cao gần gấp đôi thuế thu nhập doanh nghiệp.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI

Cho người nộp thuế được trừ các khoản chi phí lớn liên quan đến cuộc sống như học tập, y tế, sinh hoạt gia đình. Với việc đẩy mạnh sử dụng hóa đơn điện tử hiện nay thì cá nhân nào lấy hóa đơn thì được đưa vào chi phí.

Ông Nguyễn Thái Sơn (Giám đốc Công ty thuế Sài Gòn)

Thanh Xuân – Mai Phương

—————

Thanh niên (Kinh tế) 26-3-2024:

https://thanhnien.vn/thue-thu-nhap-ca-nhan-da-qua-lac-hau-nguoi-lam-cong-an-luong-dong-thue-cao-hon-kinh-doanh-185240325224201721.htm

(277/1.636)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

436. Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài...

Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài sản công. Cố vấn: Luật...

Phỏng vấn 

4.414. Lấp lỗ hổng quản lý trong đầu tư trực...

Lấp lỗ hổng quản lý trong đầu tư trực tuyến tiền ảo, tài chính, chứng...

Trích dẫn 

3.969. Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ...

Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ xấu gia tăng nhưng tốt...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 235,713