4.272. Từ vụ việc Trường quốc tế AISVN: Để không ‘nắm dao đằng lưỡi’

Từ vụ việc Trường quốc tế AISVN: Để không ‘nắm dao đằng lưỡi’

(TT) – Trường quốc tế tung gói ‘học phí 0 đồng’, ‘gói đầu tư giáo dục’… huy động số tiền lên tới vài nghìn tỉ đồng nhưng mù mờ thông tin, điều kiện lỏng lẻo, đẩy người cho vay ‘nắm dao đằng lưỡi’…

Trường quốc tế AISVN

Trường tiểu học, THCS và THPT quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN) có trụ sở tại huyện Nhà Bè, TP.HCM – Ảnh: T.T.D.

Nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc phải có các cơ chế kiểm soát việc huy động vốn của các cơ sở giáo dục. Việc để các trường tự phát kêu gọi vốn nhưng không chịu sự quản lý giám sát, kém minh bạch thông tin được ví như “bom nổ chậm”…

Bên cạnh đó, phụ huynh cũng cần thận trọng và tỉnh táo để không “thả gà ra bắt” và khi có chuyện thì luôn phải ở thế “nắm dao đằng lưỡi”.

“Gói đầu tư giáo dục”: Phổ biến, dễ huy động

Hình thức gói đầu tư giáo dục từng được rất nhiều phụ huynh Trường tiểu học, THCS và THPT quốc tế Mỹ Việt Nam (Trường quốc tế AISVN) lựa chọn. Cụ thể, phụ huynh đóng trước từ 3-5 tỉ đồng tùy chương trình, học sinh sẽ được học miễn phí và khi hoàn thành sẽ được hoàn trả 100% số tiền đã đóng. Có thời điểm AISVN ghi nhận hơn 50% phụ huynh toàn trường tham gia các gói đầu tư giáo dục.

Không chỉ tại AISVN, các gói đầu tư giáo dục đã khá quen thuộc với nhiều trường quốc tế ở Việt Nam. Ước tính hiện khoảng 10 trường quốc tế tại TP.HCM đang có các gói đầu tư giáo dục.

Chẳng hạn, Trường quốc tế Nam Mỹ (UTS) có gói đầu tư trị giá 2 tỉ đồng cho chương trình tiếng Anh theo chuẩn Common Core (Mỹ) và 2,75 tỉ đồng cho chương trình tiếng Anh Oxford. Trường cam kết phụ huynh đóng một lần và sẽ nhận lại 100% học phí sau khi học xong.

Hệ thống trường ICS cũng áp dụng một chương trình đầu tư giáo dục cho năm học hiện nay 2023 – 2024. Phụ huynh đóng 100% mức học phí cho 9 năm học, bao gồm 5 năm tiểu học và 4 năm THCS, ngay trong năm học đầu tiên (khoảng 1,2 tỉ đồng cho lộ trình tích hợp học quốc tế Oxford). Phụ huynh được cam kết hoàn trả 80% học phí sau khi con hoàn thành 9 năm học, tức hơn 1 tỉ đồng.

Ông Cao Huy Thảo, nguyên hiệu trưởng Trường THPT quốc tế Việt Úc (SIC), nói mặc dù học phí trường học được thu theo nghị định 81 của Chính phủ, nhưng thực tế điều hành các trường quốc tế vẫn là một công ty. Vì vậy theo Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, các công ty này có thể huy động vốn, nên sinh ra các gói đầu tư giáo dục, hợp đồng góp vốn. Một hình thức “trả lãi” của các gói này là học sinh được miễn hoặc giảm học phí.

Thực tế, so với nhiều ngành nghề khác, các trường tư thục nhận được sự tin tưởng hơn từ phía phụ huynh khi huy động vốn. “Họ tin vào môi trường giáo dục, nhìn vào cơ sở vật chất khang trang để đầu tư” – PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, trưởng bộ môn thị trường tài chính Đại học Kinh tế TP.HCM, nhận xét.

Có ý kiến đề xuất cấm “các gói đầu tư vào giáo dục”, nhưng ông Huân cho rằng khó, không hợp lý và thiếu khả thi. Việc huy động vốn dựa trên nguyên tắc tự nguyện phụ huynh và nhà trường, không cấm được. Đồng thời, khi các trường sử dụng đúng mục đích, tạo tính ổn định đường dài thì sẽ có lợi cho phụ huynh.

Dữ liệu: TRỌNG NHÂN – Trình bày: N.KH.

Vì đâu nên nỗi?

Nhiều năm tìm hiểu về trường quốc tế, chuyên gia Bùi Khánh Nguyên cho biết phần lớn những cuộc khủng hoảng tiềm ẩn ở một trường quốc tế thường xuất phát từ khâu quản trị hoặc phát triển quá nóng.

Hiện nay, một số chủ trường vì muốn sớm thu lợi nhuận hoặc vì tiềm lực tài chính không đủ mạnh nên muốn phát triển một trường quốc tế với tốc độ quá nhanh. Có trường xây mới nhưng đặt mục tiêu quá áp lực so với nguồn lực hiện có như phải mở đủ 12 – 15 cấp lớp, hay phải tuyển đủ 500 – 1.000 học sinh ngay năm học đầu tiên.

Những tham vọng kinh doanh sẽ dẫn tới sự thỏa hiệp về trách nhiệm giáo dục, như không tìm đủ giáo viên tốt, nhân sự làm việc quá tải, học sinh và phụ huynh không được tư vấn rõ ràng… Vòng xoay tài chính – tuyển sinh luôn trở thành áp lực trong vận hành trường.

TS Nguyễn Thị Thu Huyền, từng là hiệu trưởng của một số trường quốc tế ở TP.HCM, cho biết đang có một cuộc “chạy đua” về học phí của nhiều trường quốc tế. Các trường này đánh vào tâm lý muốn cho con học chương trình quốc tế, học với giáo viên nước ngoài nhưng có một mức học phí tiết kiệm và một giải pháp học phí tiết kiệm.

Để có học phí cạnh tranh, ngoài đưa ra các gói đầu tư và gói học phí, trường còn cắt giảm một số chi phí, dễ cắt nhất là… giáo viên. Bà Huyền ví dụ với các trường quốc tế “xịn”, lương một giáo viên dạy chương trình IB từ 1,5 – 2 tỉ đồng/năm, kèm theo nhiều phúc lợi.

Bà Huyền nói thêm: “Ở các trường này, hầu như không có các gói đầu tư học phí, cũng rất ít khi thấy giảm học phí, và học phí luôn ở mức rất cao”.

Ngược lại, nhiều trường quốc tế tung ra mức học phí “quá rẻ” hoặc có các gói đầu tư giáo dục “quá hời” thường hạ chuẩn khi tuyển dụng giáo viên. Có trường giáo viên nước ngoài chỉ được trả khoảng 45 triệu đồng/tháng, không hơn nhiều với giáo viên Việt Nam là bao, và cắt luôn các khoản phúc lợi.

“Tôi nghĩ phụ huynh nên xác định nếu muốn học chương trình quốc tế thì sẽ phải đóng tiền đắt, còn nếu học chương trình quốc tế đóng tiền ít thì cần chấp nhận tình huống giáo viên sẽ có chất lượng thấp hơn”, bà Huyền nói.

Phân tích thêm về nguyên nhân đổ vỡ, ông Nguyễn Hữu Huân dẫn vụ lùm xùm ở hệ thống Apax Leaders của “Shark” Thủy. Theo ông Huân, hệ sinh thái Egroup với xương sống là Apax Leaders hoạt động và tăng trưởng chủ yếu bằng vay nợ. Egroup dựa vào nguồn vốn huy động từ nhà đầu tư mở thêm nhiều chuỗi giáo dục, trường học và lấn sang nhiều mảng khác như chăm sóc sức khỏe, ẩm thực và đầu tư tài chính.

Từ vụ Apax Leaders, ông Huân đặt vấn đề cần làm rõ mục đích huy động vốn của AISVN và xem xét họ có đầu tư vào hoạt động cốt lõi hay được đầu tư tràn lan sang bất động sản, cổ phiếu, trái phiếu…

“Kinh doanh trường quốc tế có tỉ suất lợi nhuận tương đối cao. Cầu giáo dục tư thục lớn khi thu nhập người dân tăng lên. Với một trường có gần 1.500 học sinh, học phí mỗi năm hơn nửa tỉ đồng như AISVN thì nguồn thu tương đối ổn định. Vậy vì sao cầm gần 4.000 tỉ đồng của phụ huynh rồi đến mức không có tiền trả lương giáo viên?”, ông Huân đặt vấn đề.

Học sinh AISVN trong một hoạt động trải nghiệm tại trường – Ảnh: TRỌNG NHÂN

Không chỉ dựa vào niềm tin

Theo ông Bùi Khánh Nguyên, các trường tư thục có chức năng giáo dục nhưng cũng hoạt động kinh doanh vì lợi nhuận. Đứng sau trường là công ty sở hữu, hoạt động như các doanh nghiệp thông thường với hội đồng quản trị và ban điều hành.

Tuy nhiên, theo ông Nguyên quan sát, các doanh nghiệp khác muốn huy động vốn qua phát hành cổ phiếu, trái phiếu, vay vốn từ ngân hàng… đều chịu nhiều điều kiện chặt chẽ khác. Trong khi nhiều trường tư thục tung “chương trình học phí ưu đãi”, “gói đầu tư giáo dục”, “học phí 0 đồng”… lại huy động số tiền lên tới vài nghìn tỉ đồng nhưng mù mờ thông tin, điều kiện lỏng lẻo, đẩy người cho vay “nắm dao đằng lưỡi”…

Từ vụ việc AISVN, ông Nguyên cho rằng các trường tư cần được quản lý theo hai vế. Các sở giáo dục và đào tạo quản lý chuyên môn, còn khi phát sinh huy động vốn (trái phiếu, vay tiền phụ huynh…) thì cần có cơ quan quản lý chuyên ngành giám sát.

Cũng như mọi kênh đầu tư khác, ông Nguyễn Hữu Huân nhấn mạnh bản thân phụ huynh phải nhận thức được tiềm ẩn rủi ro, không chỉ trông chờ niềm tin vào người làm giáo dục. Ông Huân cảnh báo các gói “đầu tư giáo dục” có thể sẽ bùng nổ trong giai đoạn lãi suất ngân hàng thấp kỷ lục như hiện nay. Gửi ngân hàng lãi 3-4%, trong khi cho trường vay mức 14 – 15% sẽ rất hấp dẫn.

Tuy vậy, vị chuyên gia lưu ý đội ngũ điều hành trường học thông thường không phải các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Do vậy, trong trường hợp số tiền huy động được dùng vào các kênh đầu tư tài sản là hết sức rủi ro.

Thêm nữa, việc huy động tiền học phí trước để hình thành khoản vốn lớn cho trường thông thường ở giai đoạn xây dựng ban đầu hoặc sau đó thời kỳ mở rộng. Phụ huynh cần tự nâng cao vai trò giám sát đồng vốn của mình, không chỉ phụ thuộc cơ quan chức năng.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cho biết hiện TP.HCM có hơn 35 trường có vốn đầu tư nước ngoài và khoảng 100 trường tư thục nhiều cấp học. Sau vụ việc AISVN, sở sẽ tăng cường kiểm tra giấy phép, chương trình, đội ngũ, tài chính… của các trường này.

Tuy nhiên, do sở chủ yếu quản lý về chuyên môn nên về các hình thức góp vốn hay hoạt động tài chính sẽ cần thêm sự phối hợp của nhiều cơ quan. Trong thời gian tới, TP.HCM dự kiến có một quy chế phối hợp giữa các sở ban ngành trong việc thanh tra, kiểm tra các trường tư thục trên địa bàn.

Ông Cao Huy Thảo thì khẳng định sự phối hợp thanh tra, kiểm tra nên đồng thời ở tầm cao hơn. Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ ngành liên quan cần sớm cập nhật các quy định liên quan đến loại hình trường tư thục, trường có giảng dạy chương trình quốc tế hay có yếu tố nước ngoài.

Về phía phụ huynh, theo ông Thảo, khi tìm hiểu một trường quốc tế, phụ huynh nên xem xét các kiểm định của nhà trường. Trên trang web của các tổ chức kiểm định quốc tế thường có đầy đủ thông tin về các trường quốc tế được kiểm định, tuy nhiên cần lưu ý xem kỹ trường đã đạt được chưa hay chỉ mới đăng ký, đạt được kiểm định từ khi nào, đã sắp hết thời hạn chưa…

Kế đó, phụ huynh nên tìm hiểu về đơn vị quản lý chương trình quốc tế mà trường đang giảng dạy, chương trình này được công nhận như thế nào trên thế giới và ở Việt Nam. “Cho con học trường quốc tế là sự đầu tư lớn, không thể chỉ dựa vào niềm tin mà không qua quá trình tự kiểm chứng”, ông Thảo nói.

Tiến thoái lưỡng nan

Hôm nay (1-4), gần 1.400 học sinh tại AISVN phải trở lại trường sau hai tuần gián đoạn việc học. Sở dĩ nói “phải trở lại” mà không “sẽ trở lại” là vì cả ba bên chủ trường, phụ huynh (học sinh) và Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đều nỗ lực trong những ngày qua để mở trường, đảm bảo tiến độ học tập của học sinh, dẫu vậy chưa chắc liệu rằng giáo viên đang bị nợ lương có đồng tâm như thế? Còn nhớ vào sáng 19-3, tức chỉ sau một ngày đóng cửa (18-3), AISVN cho học sinh trở lại trường nhưng không có giáo viên đứng lớp.

Chị N.H., phụ huynh tại AISVN, chia sẻ gia đình chưa từng nghĩ sẽ có một ngày việc học của con trắc trở như thế này. Khi cho con vào học tiểu học tại AISVN năm 2019, gia đình bán một căn chung cư tại quận 3 (TP.HCM), lấy tiền đóng “gói đầu tư” gần 4 tỉ đồng để con được học “không học phí” tại AISVN. Đến nay, khi con đang học lớp 8 thì xảy ra biến cố.

“Tôi muốn cho con học tiếp không chỉ hết năm nay mà ít nhất hết luôn bậc THCS. Bây giờ thì tiến thoái lưỡng nan, chuyển sang trường khác vẫn phải đóng học phí mới, còn tiền gói đầu tư cho AISVN chắc khó đòi lại”, chị H. nói.

Trường quốc tế AISVN đề nghị phụ huynh đóng thêm tiền

Theo khảo sát của AISVN, khoảng 85% phụ huynh muốn tiếp tục cho con học tại trường cho đến hết năm học 2023 – 2024. Với nhóm phụ huynh này, giải pháp được các bên đưa ra là sẽ đóng thêm tiền.

Dự kiến chi phí cần hoạt động trường từ 1-4 đến hết năm học (tháng 6-2024) là 125 tỉ đồng, số tiền này sẽ được chia cho các phụ huynh có nhu cầu cho con học tiếp, tỉ lệ chia khác nhau giữa các cấp học. Các phụ huynh muốn chuyển trường cũng sẽ được hỗ trợ, hiện có ít nhất bảy cơ sở giáo dục đồng ý tiếp nhận học sinh từ AISVN.

Cần làm rõ việc sử dụng vốn

Ông Nguyễn Nhật Minh (Viện Nghiên cứu khoa học ngân hàng – Học viện Ngân hàng):

Nếu trường đem nguồn tiền huy động được từ phụ huynh để đầu tư ra bên ngoài như đầu tư vào bất động sản, chứng khoán… thì rủi ro vô cùng cao, thậm chí có thể mất khả năng thanh toán.

Do đó, để hạn chế tình trạng trên, phụ huynh có quyền yêu cầu và nhà trường phải có nghĩa vụ minh bạch thông tin về tình hình tài chính của trường cũng như cam kết về mục đích đầu tư, có thể thông qua kiểm toán độc lập của các công ty kiểm toán lớn.

Trong trường hợp trường sắp phá sản hoặc tuyên bố phá sản, phụ huynh là “chủ nợ” có quyền yêu cầu cơ quan chức năng phong tỏa tài sản của trường để thực hiện việc trả nợ theo thứ tự ưu tiên theo các quy định của luật pháp về phá sản của doanh nghiệp.

Các dạng hợp đồng vay vốn giữa phụ huynh và cơ sở giáo dục ngoài công lập như nói trên được thể hiện dưới hình thức hợp đồng dân sự, có sự tự nguyện của cả hai bên là phụ huynh và nhà trường.

Trong trường hợp cơ sở giáo dục mất khả năng thanh toán, các phụ huynh có thể gửi đơn đến cơ quan điều tra để xem xét làm rõ có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản hay không hoặc khởi kiện ra tòa để được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.

Cuộc họp phụ huynh Trường AISVN chiều 30-3 có sự tham gia của lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, Công an TP.HCM – Ảnh: ĐÀO THU

Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI:

Pháp luật hiện hành không cấm hay hạn chế trường học vay tiền phụ huynh, đây là giao dịch dân sự có quan hệ tín dụng không tài sản thế chấp. Hình thức này khá phổ biến hiện nay.

Thông thường, nhà trường, với uy tín ngành giáo dục, dễ huy động vốn hơn so với các ngành nghề khác, đồng thời dễ hơn việc đi vay các tổ chức tín dụng. Bởi vay vốn ngân hàng phải có tài sản bảo đảm, giới hạn giá trị vay và phải đáp ứng nhiều điều kiện, đảm bảo khả năng thanh toán. Trong khi vay tiền từ phụ huynh, trường không bị điều kiện ràng buộc nào.

Vụ việc ở AISVN thuộc về tranh chấp dân sự. Tuy nhiên, cần xem xét cơ sở giáo dục này sử dụng nguồn tiền vào mục đích gì, có vi phạm cam kết với phụ huynh hay vi phạm pháp luật không? Thậm chí cần xem xét có thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó hay không.

Đây cũng là bài học cảnh báo rất lớn với cả các cơ sở giáo dục lẫn phụ huynh. Đơn vị huy động làm sai sẽ chịu hậu quả. Còn từ phía nhà đầu tư, nếu đầu tư không cân nhắc rủi ro cũng dễ nhận lại trái đắng.

Các nước hỗ trợ trường tư thục gặp khó khăn ra sao?

Ngay sau khi xảy ra vụ việc tại AISVN, cơ quan chức năng tại TP.HCM đã nhanh chóng vào cuộc. Trong ảnh: lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cung cấp thông tin tại buổi họp báo ngày 21-3 – Ảnh: TRẦN HUỲNH

Tại Mỹ, Bộ Giáo dục nước này thường có những quỹ dự phòng rủi ro để trợ giúp những học sinh trường tư thục trong những tình huống bất khả kháng như một trường tư thục gặp khủng hoảng tài chính và học sinh có nguy cơ bỏ học nửa chừng.

Quỹ sẽ giúp đỡ các học sinh này tìm những nơi học mới, tránh gián đoạn việc học.

Một số tiểu bang như Iowa hay Indiana còn có các chương trình trợ cấp từ 1 – 3 năm cho học sinh học trường tư sau dịch COVID-19, vừa giúp học sinh có thêm cơ hội học tập vừa giúp trường tư tuyển sinh được sau giai đoạn dịch bệnh.

Theo thông tin từ Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Đức thường cung cấp nhiều hỗ trợ cho các trường tư trong một số tình huống cấp bách hoặc trong những thời kỳ kinh tế khó khăn. Các khoản này có thể bao gồm hỗ trợ một phần lương, cho vay không lãi suất, giảm thuế hoặc tạo điều kiện tiếp cận ngân hàng…

Không chỉ có các doanh nghiệp lớn, những chính sách này còn tác động đến cả những doanh nghiệp vừa và nhỏ kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục tư nhân giúp họ vượt qua được một số giai đoạn thách thức.

Theo báo Punto Central Luzon (Philippines), việc tăng cường hợp tác giữa trường phổ thông công lập và tư thục được Philippines bắt đầu từ những năm 1990. Cách làm là một nhóm trường tư thục sẽ kết nối chặt với một nhóm trường công lập, hỗ trợ các trường công lập về trang thiết bị và chương trình. Đội ngũ giáo viên của các trường được học hỏi lẫn nhau.

Không chỉ trường công được “hưởng lợi” mà trường tư cũng thấy hữu ích, nhất là trong những giai đoạn kinh tế ảm đạm. Điển hình trong hai năm 2020 và 2021 khi nhiều trường tư thục trên thế giới phải đóng cửa thì nhiều trường tư ở Philippines vẫn có thể hoạt động do được chia sẻ nguồn lực từ trường công mà họ đã có mối quan hệ chặt chẽ từ trước.

Trọng Nhân – Bình Khánh

—————

Tuổi trẻ (Giáo dục) 01-4-2024:

https://tuoitre.vn/tu-vu-viec-truong-quoc-te-aisvn-de-khong-nam-dao-dang-luoi-20240401091327465.htm

(168/3.398))

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.978. Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế...

Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế thu nhập cá nhân. (DĐDN)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,982