Cần xem xét việc cấm Ngân hàng bán các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư
(CFF) – Theo ông Đậu Anh Tuấn – Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban pháp chế – Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cần xem xét, cân nhắc về quy định dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 40 về việc Ngân hàng thương mại sẽ không được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm đối với sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư.
“Cần tìm biện pháp khác phù hợp hơn thay vì cấm”
Những ngày gần đây, dư luận đang đặc biệt quan tâm về việc Ngân hàng thương mại sẽ không được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm đối với sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư.
Cụ thể, trong Điều 16 của dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 40/2011/TT-NHNN, Ngân hàng thương mại sẽ không được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm đối với sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư.
Liên quan tới vấn đề này, tại Hội thảo “Khôi phục niềm tin ngành bảo hiểm nhân thọ: Tầm nhìn & Giải pháp” diễn ra vào ngày 16/5 vừa qua, ông Đậu Anh Tuấn – Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban pháp chế – Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng: Thị trường bảo hiểm nhân thọ đúng là còn một số tồn tại cần khắc phục nhưng việc đưa ra quy định hạn chế hay cấm “Ngân hàng thương mại sẽ không được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm đối với sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư”, có lẽ phải cân nhắc và đánh giá những tác động nhiều chiều.
“Có thể có những giải pháp khác để giải quyết vấn đề chứ cấm hay hạn chế chỉ là “bất đắc dĩ”. Bởi lẽ, theo thông lệ quốc tế, mô hình bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) vẫn là mô hình tương đối phổ biến” – ông Tuấn nhấn mạnh.
Cũng theo ông Tuấn, trước khi ban hành quy định này, Ngân hàng Nhà nước (SBV) sẽ cần phải đánh giá tác động cũng như thảo luận, trao đổi với các ngân hàng thương mại Việt Nam, ngân hàng nước ngoài và các bên liên quan khác (cơ quan quản lý bảo hiểm, hiệp hội bảo hiểm, các công ty bảo hiểm…) để tìm được giải pháp phù hợp nhất.
Theo ông Đậu Anh Tuấn – Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban pháp chế VCCI: Cần xem xét việc cấm hay hạn chế ngân hàng bán bảo hiểm liên kết đầu tư.
Trên thực tế, bancassurance đang là kênh phân phối chiếm vị trí thứ hai trong tỷ trọng đóng góp vào doanh thu khai thác mới và tổng doanh thu phí của các doanh nghiệp bảo hiểm.
Hiện nay, tất cả 19/19 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đều đã triển khai bancassurance và đạt được những kết quả nhất định, giúp tiết kiệm chi phí xây dựng mạng lưới riêng, nhanh chóng gia tăng thị phần, doanh thu…
Nếu quy định mới trong dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 40 của Ngân hàng Nhà nước được thông qua sẽ là “cú giáng” mạnh vào mô hình bancassurance.
Luật đã quản lý rất chặt, sao còn cấm?
Theo các chuyên gia nhận định: Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 40 về việc Ngân hàng thương mại sẽ không được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm đối với sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư, chưa phù hợp với các quy định về pháp luật kinh doanh bảo hiểm.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, bảo hiểm liên kết đầu tư có hai dòng sản phẩm chính là bảo hiểm liên kết chung và bảo hiểm liên kết đơn vị, phù hợp với lựa chọn khẩu vị rủi ro của khách hàng đối với phần quyền lợi đầu tư trong cùng một sản phẩm.
Trong đó, bảo hiểm liên kết chung với đặc tính ưu việt cho phép khách hàng linh hoạt đóng phí để duy trì hợp đồng bảo hiểm, đang là xu hướng phát triển sản phẩm bảo hiểm nhân thọ của các thị trường bảo hiểm trên thế giới.
Tại Việt Nam, tỷ trọng đóng góp doanh thu của các dòng sản phẩm liên kết chung chiếm khoảng 60% – 70% doanh số khai thác mới của thị trường trong các năm gần đây, trong đó, kênh phân phối ngân hàng đóng góp tới 50%.
Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI (áo trắng): Việt Nam đã có hành lang pháp lý rất chặt chẽ để quản lý mô hình bán bảo hiểm qua ngân hàng
Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam cho rằng, Việt Nam đã có hành lang pháp lý rất chặt chẽ để quản lý mô hình bán bảo hiểm qua ngân hàng. Nghị định 46/2023/NĐ-CP ngày 01/7/2023 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm đã dành 17 điều (từ Điều 97 đến Điều 113) quy định về bảo hiểm liên kết đầu tư và Thông tư 67/2023/TT-BTC ngày 02/11/2023 của Bộ Tài chính đã bổ sung một số quy định nhằm tăng cường hơn nữa trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc giám sát và kiểm soát chất lượng của hoạt động Bancassurance.
Nổi bật nhất là quy định tổ chức tín dụng “không được tư vấn, giới thiệu, chào bán, thu xếp việc giao kết hợp đồng bảo hiểm liên kết đầu tư cho các khách hàng trong thời hạn 60 ngày trước và 60 ngày sau ngày giải ngân toàn bộ khoản vay”…
Khoản 4, Điều 97 của Nghị định cũng nêu rõ: doanh nghiệp phải thiết lập bảng minh họa trên website của doanh nghiệp để khách hàng có thể tự kiểm tra, tìm hiểu về sản phẩm liên kết đầu tư kể từ 01/07/2024.
Đại lý bảo hiểm cá nhân phải có chứng chỉ đại lý bảo hiểm do Bộ Tài chính cấp, bao gồm chứng chỉ đại lý bảo hiểm nhân thọ cơ bản và chứng chỉ đại lý bảo hiểm liên kết đơn vị.
Đối với đại lý tổ chức, Ngân hàng thương mại phải đáp ứng một số điều kiện để hoạt động đại lý: Phải thành lập bộ phận chuyên trách để thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm; Người đứng đầu bộ phận chuyên trách thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm phải có tối thiểu 03 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và có bằng tốt nghiệp từ đại học trở lên về chuyên ngành bảo hiểm.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp bảo hiểm phải thực hiện việc giám sát và kiểm tra định kỳ hoạt động đại lý, kịp thời phối hợp để kiểm tra, rà soát, xử lý các khiếu nại của bên mua bảo hiểm liên quan đến việc tư vấn của nhân viên của tổ chức hoạt động đại lý và xử lý vi phạm (nếu có). Cùng với đó là các quy định chặt chẽ trong việc ghi âm khi bán sản phẩm này.
“Nghị định, thông tư cấm bán bảo hiểm liên kết là trái với quy định tại khoản 2 Điều 3, Bộ luật Dân sự năm 2015, Điều 8, Luật Đầu tư năm 2020 và Điều 9, Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022. Khoản 5, Điều 15 về “Hành vi bị nghiêm cấm”, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 (có hiệu lực từ tháng 7/2024) chỉ cấm tổ chức tín dụng “gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức”. Như vậy, ngoài trường hợp này thì không bị cấm và chỉ có luật mới có quyền cấm” – Luật sư Đức nhấn mạnh.
Chính vì vậy, nhiều chuyên gia cũng đồng tình với ý kiến cho rằng: Cần xem xét vẫn cho phép các Ngân hàng Thương mại thực hiện hoạt động đại lý đối với sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư trên cơ sở ban hành các quy trình nội bộ để triển khai tuân thủ quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm và Khoản 5 Điều 15 Luật các tổ chức tín dụng 2024./.
Kim Ngân
—————
CafeF (Ngân hàng) 22-5-2024:
(585/1.451)