Luật sư Trương Thanh Đức: Chưa có quy định xử phạt người xếp hàng thuê mua vàng SJC
(VT) – Công an phát hiện nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh đã thuê người mua vàng bình ổn từ các ngân hàng rồi bán lại với giá cao hơn. Theo quy định pháp luật hiện hành, hành vi mua vàng thuê có bị xử lý?
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam.
Thuê người xếp hàng mua vàng bình ổn
Một tháng qua, kể từ khi Ngân hàng Nhà nước thông qua 4 ngân hàng thương mại để bán vàng cho người dân, thị trường vàng trong nước đã dần bình ổn, chấm dứt cơn lên đồng của giá vàng. Đến nay giá vàng đã giảm sâu và tiến gần giá thế giới, chỉ còn cao hơn khoảng 5 triệu đồng/lượng.
Ngày 2/7, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giữ mức niêm yết vàng miếng SJC ở mức 75.980.000 đồng/lượng. Giá bán vàng miếng SJC được 4 ngân hàng thương mại Nhà nước và Công ty SJC tiếp tục giữ nguyên ở mức 76.980.000 đồng/lượng.
Tuy nhiên, cơn sóng ngầm của thị trường vàng “bình ổn” đâu đó vẫn diễn ra. Trong khi mặt bằng chung là bình ổn giá bán niêm yết theo Ngân hàng Nhà nước, thì ở các góc thì thầm nhỏ to, các nhóm kín, việc mua đi bán lại vàng miếng SJC giữa người dân với nhau đã diễn ra.
Một bộ phận “cò” môi giới, đầu cơ, các cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh đi gom vàng của người dân với giá cao hơn mức bình ổn đang niêm yết diễn ra ngày càng nhiều.
Tình trạng này đã tạo ra một thị trường vàng “chợ đen” song hành với thị trường bình ổn của Chính phủ. Vàng 2 giá là khái niệm xuất hiện gần đây khi muốn nhắc tới 1 lượng vàng SJC vừa trao tay tới người dân giá bình ổn sẽ được hỏi mua lại với giá cao hơn 3-4 triệu/lượng.
Lợi dụng chính sách giá bình ổn của Ngân hàng Nhà nước, bộ phận đầu cơ đã thuê người xếp hàng mua vàng để về bán lại với giá cao hơn. Mới đây, ngày 30/6, Phòng An ninh kinh tế, Công an TP Hà Nội phát hiện có khoảng 4-5 nhóm riêng biệt và trong mỗi nhóm có một đối tượng đứng ra gom vàng sau khi số khách hàng (nghi vấn được thuê) giao dịch mua vàng xong với ngân hàng tại phố Nhân Chính và Hà Trung, Hà Nội.
Có cung ắt có cầu, việc thuê gom vàng ngày càng nhiều đã sinh ra một loại dịch vụ mới là “nhận đăng ký mua vàng thuê”. Trên các hội nhóm, giá đăng ký săn hộ vàng SJC đang được giao từ 300.000 – 900.000 đồng/lượng.
Thông tin nhận mua hộ hoặc tìm người mua thuê được giao công khai trên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình.
Việc tìm người đăng ký mua hộ vàng cũng được đăng bài tìm kiếm công khai. Bên cạnh đó là những thông tin thu mua vàng miếng SJC ở mức cao nhất và nêu rõ “tôi không bán, chỉ thu”.
Sớm nhận thấy dấu hiệu này, Ngân hàng Nhà nước đã lên tiếng cảnh báo, tại nhiều điểm bán vàng, có đối tượng thuê người xếp hàng mua gom vàng với mục tiêu đẩy giá, hưởng chênh lệch, gây bất ổn thị trường và thiệt hại cho nền kinh tế.
Hành vi mua vàng thuê có bị xử lý?
Chia sẻ với VietTimes ở góc nhìn pháp lý, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, nhìn nhận trên thực tế, hành vi thuê người đi xếp hàng hộ và trả tiền công cho họ không được coi là vi phạm pháp luật, không bị xử phạt vì không vi phạm quy định.
“Tất nhiên, ngoại trừ gian lận, lừa dối gây ra vi phạm nào đó, còn nếu chỉ xét trên việc nhờ người mua hộ thì mua bao nhiêu cũng được vì đây là quan hệ dân sự, pháp luật không cấm. Quay lại gốc vấn đề, chính sách của Ngân hàng Nhà nước để ổn định tâm lý người dân, bình ổn thị trường vàng chứ không phải là quy định của pháp luật. Như vậy, chưa có cơ sở xử phạt các hành vi mua vàng hộ hay thuê người mua vàng”, ông Đức nhận định.
Phân tích rõ hơn, Luật sư Trương Thanh Đức cho biết muốn xác định hành vi một người có vi phạm pháp luật hay không cần xác định được 2 yếu tố. Thứ nhất, hành vi đó vi phạm quy định tại luật, nghị định hay thông tư nào. Thứ hai, việc xử phạt được quy định tại nghị định nào, được mô tả câu chữ cụ thể rõ ràng ra sao. Nếu thiếu một trong hai yếu tố trên thì không thể xử phạt.
“Mọi hạn chế quyền của người dân, doanh nghiệp phải được quy định tại các điều luật do Quốc hội ban hành dựa trên 4 lý do. Nếu không có mô tả tại điều luật nào thì mọi quy định đều là khuyến nghị, tuyên truyền, vận động để định hướng các hành vi của người dân theo hướng tốt đẹp”.
Luật sư Trương Thanh Đức
Điển hình, ông Đức nêu ví dụ về một lĩnh vực trong ngành ngân hàng bao lâu nay vẫn tồn tại nhức nhối đó là từ chối phương tiện thanh toán hợp pháp của Ngân hàng Nhà nước quy định được coi là trái luật. Ví dụ, người dùng tiền xu thanh toán mua rau, thịt bị từ chối vì quy định hiện hành phải dùng tiền giấy hoặc chuyển khoản.
Như vậy, hành vi từ chối này không thể xử phạt vì không có quy định. Ngược lại, chỉ có quy định xử phạt nhưng không tìm được điều này được quy định cấm trực tiếp hoặc gián tiếp thì cũng không thể xử phạt.
Về vấn đề vàng 2 giá đang diễn ra, Luật sư Trương Thanh Đức, nhìn nhận, thị trường vốn vận hành 2 giá, giá mua – giá bán bản chất khác nhau. Nếu hành vi vi phạm về hóa đơn, chứng từ, thuế, kế toán có cơ sở thì xử phạt theo luật. Tương tự, cửa hàng/doanh nghiệp kinh doanh có đầy đủ pháp lý chấp hành đúng quy định thì không vi phạm.
Với quan điểm điều hành của Ngân hàng Nhà nước bình ổn thị trường vàng, để những bộ phận đầu cơ không có cơ hội trục lợi, luật sư Đức cho rằng cần sửa các hệ thống văn bản. Bao gồm nghị định về xử phạt trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng hoặc các nghị định về quản lý thị trường ở lĩnh vực khác.
Trên thực tế, khi lực lượng chức năng kiểm tra cơ sở, doanh nghiệp buôn bán vàng có thể xử phạt khi không đủ điều kiện kinh doanh, không được cấp phép phân phối vàng SJC hay các điều kiện khác.
“Trước khi sửa các nghị định đó, việc cần làm quan trọng hơn là có nghị định hoặc luật nêu rõ rằng hành vi mua bán vượt định mức vàng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước là phạm pháp. Chỉ khi đó, các hành vi thuê người xếp hàng mua vàng để gom về một nguồn phân phối mới được coi là vi phạm pháp luật”, luật sư Trương Thanh Đức chia sẻ.
Phương Thảo
—————
VietTimes (Kinh doanh) ngày 03-7-2024:
(721/1.314)