Hoạt động bancassurance: Mong chờ văn bản hướng dẫn
(KTVN) – Hoạt động phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) tụt dốc không phanh sau khủng hoảng kéo dài từ năm 2023 đến nay. Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm cho biết đang nỗ lực cải thiện chất lượng dịch vụ, tái cấu trúc để thích ứng với các quy định mới của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, lấy lại niềm tin của khách hàng. Tuy nhiên, lối thoát đối với bancassurance vẫn mờ mịt bởi nhiều lý do, trong đó có cả sự khó hiểu của quy định luật pháp…
Một số đơn vị lđang úng túng trong triển khai bancassurance.
Khoản 5, Điều 15 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 có hiệu lực ngày 1/7/2024 bổ sung hành vi bị nghiêm cấm: “5. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, người quản lý, người điều hành, nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức”. Đây là quy định hoàn toàn mới trong Luật Các tổ chức tín dụng và hiện chưa có văn bản hướng dẫn.
LOAY HOAY MỘT CHỮ “GẮN”
Một số doanh nghiệp bảo hiểm phản ánh hiện có nhiều quan điểm, cách hiểu khác nhau về việc thế nào là “gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng” tại từng địa bàn, từng Ngân hàng Nhà nước địa phương và từng chi nhánh ngân hàng, nên việc triển khai kênh bancassurance gặp nhiều khó khăn.
“Chúng tôi vẫn đang đi tìm câu trả lời thế nào là gắn kèm? Chúng tôi đã tham vấn ý kiến của các luật sư, chuyên gia pháp lý, cùng nhau thảo luận để hiểu thế nào là gắn kèm, nhưng đến nay chưa đưa ra được câu trả lời thống nhất. Từ “gắn kèm” này ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bảo hiểm khá nhiều và chúng tôi đang mong chờ các văn bản hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước đối với nội dung này”, ông Nguyễn Hồng Phong, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (ABIC) cho biết.
Bà Lê Thị Quỳnh Hoa, Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Bảo hiểm VietinBank (VBI), cho biết đã nhiều lần trao đổi với các chuyên gia, đại diện của chi nhánh Ngân hàng Nhà nước ở các địa phương về việc “gắn kèm” là như thế nào? Ép buộc mua bảo hiểm khi vay vốn thì gọi là gắn kèm hay việc chào bán tư vấn cũng gọi là gắn kèm? Tuy nhiên, mỗi người lại cho một câu trả lời với cách hiểu khác nhau mà không có sự thống nhất. Do đó, kể từ ngày 1/7/2024, nhiều ngân hàng với quan điểm thận trọng đã tạm ngừng hoạt động phân phối bảo hiểm. Điều này khiến doanh số của VBI sụt giảm nghiêm trọng.
“Khi chúng tôi làm việc với các luật sư và chuyên gia pháp lý về sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc, họ cũng băn khoăn sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc là so với cái gì? Nếu lấy cơ sở là Luật Kinh doanh bảo hiểm thì chỉ có vài dòng sản phẩm bảo hiểm bắt buộc thôi. Tuy nhiên, theo thông lệ trên thế giới chứ không riêng ở Việt Nam, các ngân hàng thường yêu cầu khách hàng mua sản phẩm bảo hiểm giúp bảo vệ an toàn cho khoản vay nhằm đảm bảo hoạt động an toàn của ngân hàng”, Phó Tổng giám đốc VBI chia sẻ.
Đại diện các doanh nghiệp bảo hiểm nói trên cũng cho biết có tình trạng diễn giải Khoản 5 Điều 15 Luật Các tổ chức tín dụng là quy định cấm tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại thực hiện giới thiệu, tư vấn, chào bán bảo hiểm. Đây là tổn thất lớn với cả doanh nghiệp bảo hiểm, ngân hàng thương mại và khách hàng.
Trao đổi với VnEconomy, Luật sư Trương Thanh Đức,Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, cho biết hai từ khóa tại Khoản 5 Điều 15 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 là “gắn” và “không bắt buộc”. “Gắn” được hiểu là ép buộc. Muốn xác định có “gắn” hay không thì đặt câu hỏi ngược lại: Điều kiện giải ngân thông thường với các khoản vay là gì? Điều kiện vay có liên quan gì đến sản phẩm bảo hiểm không (trừ bảo hiểm bắt buộc)?
Ông Đức phân tích, theo quy định tại Khoản 5 Điều 15 thì phải song song cả “gắn” và “không bắt buộc” mới bị cấm bán sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng. Nghĩa là “gắn” nhưng với sản phẩm bảo hiểm bắt buộc thì không cấm.
Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam.
“Đầu tiên phải hiểu tinh thần là luật cấm các hành vi bán bảo hiểm qua ngân hàng làm lợi cho bên bán mà gây thiệt hại cho khách hàng; việc mua bảo hiểm nằm ngoài mong muốn, ngoài ý chí tự nguyện của khách hàng. Hai bên giao kết hợp đồng mà không xảy ra tranh chấp, không xảy ra khiếu nại là bằng chứng tuyệt vời nhất cho việc tự nguyện, minh bạch,… mà không cần dùng đến các giải pháp khiên cưỡng như ký giấy cam kết tự nguyện mua bảo hiểm”.
Điều 8 Luật Kinh doanh Bảo hiểm năm 2022 quy định: “Bảo hiểm bắt buộc là sản phẩm bảo hiểm nhằm mục đích bảo vệ lợi ích công cộng, môi trường và an toàn xã hội. Bảo hiểm bắt buộc bao gồm: bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới; bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc; bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng; bảo hiểm bắt buộc quy định tại luật khác đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều này”.
“Như vậy, hiện nay luật không quy định bảo hiểm cho hoạt động vay vốn ngân hàng là loại bảo hiểm bắt buộc”, Luật sư Đức cho biết.
Theo ông Đức, khi luật đã ban hành và có hiệu lực thì nguyên tắc là quy định gì đã rõ ràng thì cứ thế mà thực hiện, còn nếu cho rằng chưa rõ ràng thì theo nguyên lý sơ đẳng nhất là phải hiểu rõ quy định cấm này hướng tới mục tiêu gì, từ đó tuân thủ quy định pháp luật.
THỊ TRƯỜNG CẦN VĂN BẢN HƯỚNG DẪN CỤ THỂ
Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw, để đánh giá, hiểu đầy đủ về quy định tại Khoản 5 Điều 15, cần đặt trong tổng thể với các quy định khác tại Luật Các tổ chức tín dụng cũng như các văn bản pháp luật kinh doanh bảo hiểm. Theo đó, ngoài quy định tại Khoản 5 Điều 15, tại các Điều 113, Điều 119, Điều 124, Điều 126, Điều 130 Luật Các tổ chức tín dụng cũng quy định về hoạt động đại lý bảo hiểm của các tổ chức tín dụng gồm ngân hàng thương mại, công ty tài chính, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô.
Trong đó, Điều 113 quy định đối với ngân hàng thương mại: “2. Ngân hàng thương mại được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm phù hợp với phạm vi hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước”, quy định này cũng áp dụng tương tự đối với các loại hình tổ chức tín dụng khác. Căn cứ theo quy định này thì các tổ chức tín dụng bao gồm ngân hàng thương mại vẫn được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm theo Luật Kinh doanh bảo hiểm như hiện nay.
Theo Luật Kinh doanh bảo hiểm, các tổ chức tín dụng trong đó có các ngân hàng thương mại được thực hiện cả 6 hoạt động theo ủy quyền của doanh nghiệp bảo hiểm khi là đại lý bảo hiểm, bao gồm: tư vấn, giới thiệu, chào bán, thu xếp giao kết hợp đồng, thu phí, thu thập hồ sơ bồi thường bảo hiểm.
“Do đó, đánh giá tổng thể các quy định tại Nghị định 46/2023/NĐ-CP, Thông tư 67/2023/TT-BTC, Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Các tổ chức tín dụng, đối với Khoản 5 Điều 15 Luật Các tổ chức tín dụng, cần hiểu rằng được ban hành nhằm phù hợp với các quy định pháp luật kinh doanh bảo hiểm để đảm bảo việc giới thiệu, tư vấn, chào bán bảo hiểm của đại lý bảo hiểm là tổ chức tín dụng phải được thực hiện một cách minh bạch, rõ ràng, độc lập, trên cơ sở tự nguyện của khách hàng.
Thứ nhất, nhân viên thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng khi giới thiệu, tư vấn, chào bán sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng, phải cung cấp thông tin đầy đủ, minh bạch đến người mua bảo hiểm rằng đây là sản phẩm bảo hiểm của công ty bảo hiểm, không phải là sản phẩm, dịch vụ ngân hàng.
Thứ hai, tổ chức tín dụng không đưa ra quy định, yêu cầu đối với khách hàng về việc tham gia bảo hiểm của khách hàng là điều kiện để được cấp tín dụng hoặc sử dụng các sản phẩm vụ ngân hàng”, Luật sư Hà phân tích.
Luật sư Trương Thanh Đức cho biết mặc dù theo nguyên tắc của pháp luật thì không cần văn bản hướng dẫn Khoản 5 Điều 15, nhưng nếu Ngân hàng Nhà nước có hướng dẫn thì sẽ thuận lợi hơn cho thị trường.
“Nếu như Ngân hàng Nhà nước không ra văn bản hướng dẫn thì chỉ có Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới có đủ thẩm quyền ra văn bản giải thích Khoản 5 Điều 15”, ông Đức thông tin.
Luật sư Trương Thanh Đức khuyến nghị nếu Ngân hàng Nhà nước ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm qua ngân hàng thì nên liệt kê cụ thể những hành vi điển hình không được phép làm và những hành vi tương tự… Có thể lấy căn cứ là Thông tư 67/2023/TT-BTC để soạn thảo văn bản hướng dẫn để đảm bảo tính thống nhất giữa các văn bản pháp luật.
Các chuyên gia pháp lý đồng tình rằng quy định pháp luật cần chặt chẽ, không tạo ra lỗ hổng để lách luật, nhưng cũng phải đảm bảo tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp minh bạch nghiêm túc hoạt động.
TRANH LUẬN VỀ ƯU ĐÃI LÃI SUẤT NẾU MUA BẢO HIỂM
Thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng việc ngân hàng ưu đãi lãi suất khi vay vốn nếu khách hàng mua bảo hiểm là một hình thức “ép buộc”. Trường hợp khách không mua bảo hiểm đi kèm, lãi suất của khoản vay sẽ cao hơn 1-2%/năm so với việc đồng ý mua bảo hiểm.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà cho biết Điều 15 về Bảo đảm tiền vay của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định: “Việc áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay hoặc không áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận.
Việc thỏa thuận về biện pháp bảo đảm tiền vay của tổ chức tín dụng với khách hàng phù hợp với quy định của pháp luật về biện pháp bảo đảm và pháp luật có liên quan. Tổ chức tín dụng quyết định và chịu trách nhiệm về việc cho vay không áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay.
Khách hàng, bên bảo đảm phải phối hợp với tổ chức tín dụng để xử lý tài sản bảo đảm tiền vay khi có căn cứ xử lý theo thỏa thuận cho vay, hợp đồng bảo đảm tiền vay và quy định của pháp luật”.
“Có thể thấy, việc bảo đảm khoản vay bằng cách mua bảo hiểm hay bằng bất kỳ cách thức nào khác đều không có tính chất bắt buộc, xuất phát từ nhu cầu và khả năng tài chính và tùy thuộc vào thỏa thuận tự nguyện của khách hàng và ngân hàng”, Luật sư Hà nói.
Phó tổng giám đốc VBI phản đối quan điểm cho rằng ngân hàng ưu đãi lãi suất cho khách hàng khi mua các sản phẩm bảo hiểm khoản vay là ép mua bảo hiểm…
Phan Linh
—————
Kinh tế Việt Nam (Tài chính) ngày 15-7-2024:
https://vneconomy.vn/hoat-dong-bancassurance-mong-cho-van-ban-huong-dan.htm
(591/2.183)