4.354. Giải trừ trách nhiệm có phát sinh tiêu cực trong hoàn thuế?

(TN) Giải trừ trách nhiệm có phát sinh tiêu cực trong hoàn thuế?

(TN) – Theo dự thảo luật Quản lý thuế, Bộ Tài chính đề xuất giải trừ trách nhiệm của cán bộ, công chức thuế trong lĩnh vực hoàn thuế.

Cơ quan thuế cũng không thể xác định được hóa đơn thật hay giả

Góp ý dự thảo, Bộ KH-ĐT đề nghị cân nhắc, làm rõ tính phù hợp của nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 2 điều 5 luật Quản lý thuế quy định giải trừ trách nhiệm công chức thuế khi đã làm đúng, đầy đủ quy định trong phạm vi hồ sơ của người nộp thuế và văn bản, tài liệu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

giải trừ trách nhiệm hoàn thuế

Bộ KH-ĐT cho rằng cần xem lại đề xuất giải trừ trách nhiệm của công chức thuế

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Giải trình về đề xuất này, Bộ Tài chính cho rằng pháp luật về quản lý thuế chưa quy định rõ trách nhiệm của công chức thuế, làm ảnh hưởng đến tâm lý của công chức thuế khi thực thi nhiệm vụ, đặc biệt trong lĩnh vực hoàn thuế.

Theo quy định của luật Quản lý thuế, người nộp thuế phải có trách nhiệm tự tính, tự kê khai, tự nộp thuế và chịu trách nhiệm. Cơ quan thuế sẽ thực hiện hậu kiểm theo nguyên tắc quản lý rủi ro. Mặc dù hiện nay đã áp dụng hóa đơn điện tử trên toàn quốc tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng nhiều vụ việc mua bán hóa đơn với số tiền thuế lớn vẫn bị cơ quan công an phát hiện trong thời gian qua.

Việc triển khai hóa đơn điện tử không thể ngăn chặn được việc gian lận, mua bán hóa đơn của DN vì hoạt động mua bán, xuất nhập khẩu có thật hay không, cơ quan thuế không thể xác định được nếu chưa kiểm tra, xác minh, mặc dù DN đã gửi hóa đơn điện tử cho cơ quan thuế.

Bộ Tài chính nêu rõ cán bộ thuế không thể kiểm soát hết được dữ liệu; hệ thống tự động không thể kiểm soát được hết bản chất giao dịch thực tế; gian lận về thuế. Cơ quan thuế chưa có chức năng điều tra nên việc xác minh về hoạt động mua bán của người nộp thuế mất rất nhiều thời gian và cần sự phối hợp của nhiều cơ quan, đơn vị như ngân hàng thương mại, đơn vị vận chuyển, và các cơ quan quản lý nhà nước như công an, hải quan.

Do đó, việc giải quyết hồ sơ hoàn thuế trước, kiểm tra sau phải có quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan thuế. Cán bộ thuế chỉ chịu trách nhiệm theo các thông tin trên hồ sơ DN và cơ quan nhà nước có thẩm quyền cung cấp liên quan hoàn thuế, không phải chịu trách nhiệm khi DN gian lận trong việc kê khai và cung cấp thông tin không trung thực, không chính xác dẫn đến giải quyết hoàn thuế không đúng quy định.

Để bao quát các trường hợp cơ quan thuế phải giải quyết cho người nộp thuế và đồng bộ với luật Thuế giá trị gia tăng đang được sửa đổi, cần thiết phải bổ sung quy định trách nhiệm của công chức thuế trong việc giải quyết hồ sơ hoàn thuế nói riêng và giải quyết thủ tục hành chính cho người nộp thuế nói chung.

Do đó, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 2 điều 5 luật Quản lý thuế như sau: “Cơ quan quản lý thuế, các cơ quan khác của nhà nước được giao nhiệm vụ quản lý thuế thực hiện việc quản lý thuế theo quy định của luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan, bảo đảm công khai minh bạch, bình đẳng và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người nộp thuế”.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, đề xuất này cũng đúng, nhưng nếu vậy thì lại phải mở rộng đến tất cả các ngành, lĩnh vực khác hay cũng phải miễn trách nhiệm cho cả người nộp thuế. Bởi bản thân cá nhân, DN là người nộp thuế cũng khó xác định được tình trạng gian lận hóa đơn và họ cũng là nạn nhân.

Có thể quy định rõ hơn về trách nhiệm của cán bộ thuế, nhưng quan trọng vẫn là xác định cán bộ thuế đã làm hết trách nhiệm chưa? Đã thực hiện đối chiếu kiểm tra theo đúng quy định hay cố tình bỏ qua, bao che? Hơn nữa, quy định về trách nhiệm cán bộ công chức nói chung cần được nêu rõ trong 3 luật gồm luật Cán bộ công chức, luật Viên chức và Bộ luật Lao động, chứ không phải đi vào chi tiết trong từng luật chuyên ngành.

Không có trách nhiệm thì thanh kiểm tra để làm gì?

Luật sư Trần Xoa, chuyên gia về thuế, nhận định: Bất kỳ vị trí nào, lĩnh vực nào thì công chức, viên chức nhà nước cũng phải có trách nhiệm gắn liền với quyền hạn khi được phân công nhiệm vụ. Cán bộ thuế là người được đào tạo, có chuyên môn nghiệp vụ liên tục để thực hiện công việc quản lý thuế. Việc xác định gian lận về thuế cũng như các lĩnh vực hải quan, kiểm toán, thẩm định giá… cũng sẽ có những rủi ro, nhiều trường hợp bị cá nhân, tổ chức qua mặt.

Tuy nhiên, cơ quan quản lý sẽ từ những vụ đó rút ra kinh nghiệm, chỉ ra những kỹ thuật mà cá nhân, tổ chức lách luật để hạn chế các vụ gian lận. Trên thực tế, thời gian qua có những DN phải chờ đợi hoàn thuế quá lâu thì xác định lỗi do đâu? Có những quy định do chính ngành này tự đưa ra gây cả khó khăn cho cán bộ thuế thực hiện lẫn DN trong khi luật không quy định. Ví dụ, quy định trường hợp nào hoàn thuế trước, kiểm tra sau hay kiểm trước hoàn sau đã có thì không thể mọi trường hợp đều phải kiểm tra trước. Nếu cứ làm đúng theo luật Quản lý thuế quy định thì sẽ đơn giản, dễ dàng hơn.

Luật sư Trần Xoa nhấn mạnh: Nếu cán bộ thuế không chịu trách nhiệm, khi người nộp thuế đưa hồ sơ lên có sai sót, gian lận thì làm sao? Bởi cơ quan thuế đã có quyền thanh tra, kiểm tra thì để làm gì? Đó là chưa kể nếu không chịu trách nhiệm, tình trạng tiêu cực trong ngành thuế cũng dễ xảy ra.

“Trách nhiệm của công chức, viên chức đi đôi với quyền hạn và được quy định chi tiết trong luật Cán bộ công chức, luật Viên chức. Đồng thời nếu là đảng viên còn có những quy định cụ thể về trách nhiệm… Nếu trong lĩnh vực hoàn thuế, quy định nào chưa phù hợp thực tế, dễ khiến cán bộ thuế xảy ra sai sót thì Bộ Tài chính nên đề xuất sửa đổi chứ không thể giải trừ miễn trách nhiệm. Cơ quan thuế có vai trò quan trọng, là thủ quỹ của quốc gia thì cần phải thể hiện trách nhiệm hơn với cả nước và người dân”, luật sư Trần Xoa nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DN nhỏ và vừa (Hiệp hội DN TP.HCM), cho rằng trách nhiệm của cán bộ thuế hay của cơ quan thuế là theo đơn kiện của người nộp thuế (nếu có) theo quy định của pháp luật hành chính, không cần thiết quy định trong luật Quản lý thuế.

Vì vậy, ông Nghĩa đề xuất luật Quản lý thuế chỉ cần quy định: “Khi người nộp thuế bị xâm hại quyền, lợi ích do hành vi sai trái của cán bộ thuế, cơ quan thuế thì có quyền kiện lên các cấp tòa án có thẩm quyền. Bản án có hiệu lực pháp luật của tòa án sẽ là căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường”. Bởi theo ông Nghĩa, thực hiện trách nhiệm theo phán quyết của tòa án là thể hiện sự thượng tôn pháp luật và đó là điều mà các luật cần hướng đến.

Nếu giải trừ trách nhiệm của cán bộ thuế trong lĩnh vực hoàn thuế sẽ có phát sinh tiêu cực. Nhưng thực tế có nhiều vụ việc nghi ngờ thì thời gian kiểm tra hồ sơ để hoàn thuế sẽ kéo dài và cán bộ thuế phải có trách nhiệm bồi thường, nên cũng khiến nhiều người có tâm lý lo lắng. Vì vậy, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính có thể đề xuất chỉnh sửa quy trình thực hiện, nhất là nêu rõ thời gian thực hiện hoàn thuế hay chỉ miễn trừ trách nhiệm trong các trường hợp đang kiểm tra hồ sơ người nộp thuế khi có nghi ngờ gian lận.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính)

Mai Phương

—————

Thanh niên (Kinh tế) 08-9-2024:

https://thanhnien.vn/giai-tru-trach-nhiem-co-phat-sinh-tieu-cuc-trong-hoan-thue-185240907230201023.htm

(164/1.567)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

436. Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài...

Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài sản công. Cố vấn: Luật...

Phỏng vấn 

4.414. Lấp lỗ hổng quản lý trong đầu tư trực...

Lấp lỗ hổng quản lý trong đầu tư trực tuyến tiền ảo, tài chính, chứng...

Trích dẫn 

3.969. Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ...

Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ xấu gia tăng nhưng tốt...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 235,586