4.359. Trái phiếu doanh nghiệp, chưa kịp ‘hồi’ lại lo siết

Trái phiếu doanh nghiệp, chưa kịp ‘hồi’ lại lo siết

(TN) – Bộ Tài chính đang xây dựng dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Chứng khoán, trong đó có bổ sung quy định về giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ khiến nhiều chuyên gia lo ngại thị trường này sẽ tiếp tục tắc nghẽn.

Theo thống kê của Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam!, 8 tháng năm 2024, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành riêng lẻ đạt tổng giá trị 215.583 tỉ đồng. Giá trị này chỉ bằng 30% so với cả năm 2020 và 30% so với năm 2021. Số dư nợ TPDN khoảng 1,1 triệu tỉ đồng, bằng 10% GDP năm 2023, quá thấp so với mục tiêu Chính phủ đề ra là 20% GDP vào năm 2025 và 25% GDP vào năm 2030. Là kênh huy động vốn vô cùng quan trọng với DN nhưng thị trường TPDN tại VN vẫn còn quy mô quá nhỏ, chưa phát huy được kênh tạo vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế. Trong bối cảnh đó, dự thảo mà Bộ Tài chính đang xây dựng lại có thêm nhiều quy định có thể khiến thị trường TPDN thêm khó khăn.

Thêm nhiều điều kiện, thị trường khó phát triển

Cụ thể, đối với cá nhân, dự thảo bổ sung quy định nhà đầu tư (NĐT) phải tham gia đầu tư chứng khoán trong thời gian tối thiểu 2 năm, có tần suất giao dịch tối thiểu 10 lần/quý trong 4 quý gần nhất, có thu nhập tối thiểu 1 tỉ đồng/năm trong 2 năm gần nhất. Đây là những quy định quá khắt khe trong việc xác định NĐT chuyên nghiệp và từ đó có thể hạn chế đối tượng tham gia trên thị trường TPDN, đặc biệt là TPDN được phát hành riêng lẻ.

Trái phiếu doanh nghiệp

Tăng thêm điều kiện về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là hạn chế nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ

ẢNH: NGỌC THẮNG

Dự thảo luật Chứng khoán bổ sung điều 11 về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp quy định công ty có vốn điều lệ đã góp trên 100 tỉ đồng thì phải có thời gian hoạt động tối thiểu 2 năm (quy định hiện tại không đưa ra thời gian hoạt động tối thiểu). Theo các chuyên gia, không nên giới hạn nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp đầu tư TPDN riêng lẻ. Thay vào đó, nên đưa ra các quy định để nâng cao chất lượng trái phiếu, bảo đảm an toàn cho thị trường mới là điều quan trọng.

Ông Ngọc Hải, một NĐT chứng khoán âu năm tại TP.HCM, phân tích quy định hiện tại là NĐT phải nắm giữ danh mục chứng khoán có giá trị 2 tỉ đồng theo xác nhận của công ty chứng khoán tại thời điểm cá nhân đó được xác định tư cách là NĐT chứng khoán chuyên nghiệp cũng đã từng được góp ý nhiều vì hạn chế số lượng NĐT cá nhân tìm kiếm cơ hội đầu tư trên thị trường trái phiếu. Nay dự thảo còn bổ sung thêm quy định phải giao dịch tối thiểu 10 lần/quý trong 4 quý gần nhất và tham gia đầu tư chứng khoán tối thiểu 2 năm, nghĩa là càng siết chặt hơn. Trong khi thực tế, không phải NĐT chứng khoán nào tham gia lâu trên thị trường thì sẽ có nhiều kinh nghiệm hơn người mới tham gia. Nhiều NĐT có khi chỉ giao dịch 1 – 2 lần trong tháng và có lúc không giao dịch trong cả quý nhưng cũng không thể nói là NĐT không chuyên nghiệp.

“Không hiểu vì sao cơ quan soạn thảo lại bổ sung quá nhiều chi tiết cụ thể như vậy. Điều đó sẽ khiến NĐT cá nhân khó tham gia mua TPDN riêng lẻ. Thực tế những người mua TPDN riêng lẻ thì chắc chắn họ sẽ đánh giá được hoạt động của DN, thông qua các tổ chức tư vấn vì thường khối lượng lớn, giá trị cao. Điều này khác với những người tham gia mua TPDN phát hành rộng rãi ra công chúng. Vì vậy không cần thiết phải đưa ra thêm các quy định mới mang tính siết chặt như dự thảo. Đó là chưa kể vừa khó khăn khi để các đơn vị xác nhận NĐT chứng khoán chuyên nghiệp lại vừa dễ phát sinh hiện tượng lách luật”, ông Ngọc Hải chia sẻ.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cũng cho rằng giao dịch của TPDN phát hành riêng lẻ là những giao dịch lớn và chỉ có NĐT chứng khoán chuyên nghiệp mới được mua bán. Trước đây, khi quy định thế nào là NĐT chứng khoán chuyên nghiệp cũng đã gây ra nhiều tranh cãi vì các tiêu chí sẽ rất khó xác định. Hiện nay, quy định về NĐT chứng khoán chuyên nghiệp đã được đưa ra trong Nghị định 65/2022 của Chính phủ và cũng chỉ mới đưa vào áp dụng từ đầu năm nay. Chính vì vậy cần phải xem xét lại việc bổ sung thêm những quy định mới. Chẳng hạn, không nhất thiết phải quy định thêm điều kiện giao dịch chứng khoán tối thiểu 10 lần/quý trong 4 quý gần nhất hay như thu nhập tối thiểu 1 tỉ đồng/năm trong 2 năm gần nhất. Quy định như thế quá chi tiết, mang tính siết chặt đối tượng giao dịch sẽ khiến thị trường TPDN khó phát triển.

Quy định mâu thuẫn, chưa hợp lý

Bên cạnh bổ sung thêm điều kiện về NĐT chứng khoán chuyên nghiệp, dự thảo sửa đổi luật Chứng khoán cũng yêu cầu tổ chức phát hành trái phiếu ra công chúng phải có tài sản đảm bảo hoặc bảo lãnh của ngân hàng (NH) khi xin cấp phép phát hành, ngoại trừ trường hợp tổ chức tín dụng chào bán trái phiếu là nợ thứ cấp thỏa mãn các điều kiện để được tính vào vốn cấp 2 và có đại diện người sở hữu trái phiếu theo quy định.

Như vậy, để có thể phát hành TPDN ra công chúng, các DN phải thế chấp và đăng ký giao dịch bảo đảm cho trái phiếu xong mới nộp được hồ sơ xin cấp phép. Thời gian thực hiện việc này thường phải mất vài tháng, gây khó khăn cho DN khi tốn thêm chi phí, nhân lực cũng như kéo dài việc huy động vốn để phát triển kinh doanh. Tương tự, quy định được bảo lãnh của NH cũng không phù hợp khi quy định các NH thương mại không được phép bảo lãnh cho TPDN có mục đích mua cổ phần, vốn góp, cơ cấu nợ, hoặc bị hạn chế bởi room tín dụng trong năm.

TPDN cũng là một hình thức huy động vốn NH, trong khi NH có thể huy động tiền gửi cá nhân thì việc phải có biện pháp bảo đảm khi chào bán công chúng TPDN không phải vốn cấp 2 là không phù hợp, đi ngược với thông lệ.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, phân tích bổ sung quy định yêu cầu tổ chức phát hành trái phiếu ra công chúng phải có tài sản bảo đảm hoặc bảo lãnh của NH là mâu thuẫn với quy định về NĐT chuyên nghiệp. Bởi nếu có tài sản bảo đảm hay NH bảo lãnh khi phát hành trái phiếu ra công chúng thì đã quá chắc chắn, giảm thiểu rủi ro cho người mua, cần gì phải đưa ra các điều kiện về NĐT chuyên nghiệp? Hay việc bổ sung thêm các quy định về điều kiện đối với NĐT chứng khoán chuyên nghiệp là quá khắt khe, mang tính hạn chế số lượng NĐT cá nhân tham gia vào thị trường này.

Trên thực tế, thị trường TPDN những năm gần đây đã trầm lắng sau những vụ án sai phạm về trái phiếu. Bản thân các NH, DN hay NĐT đã rút ra nhiều kinh nghiệm nên đều có tâm lý thận trọng. NH hay DN cũng lo ngại nếu làm không đúng sẽ bị xử lý hình sự; NĐT không còn dám “liều” hay nhắm mắt mua trái phiếu vì nguy cơ mất tiền như nhiều vụ án đã xảy ra… 

Luật sư Đức nhấn mạnh: Trong điều kiện hiện nay khi thị trường TPDN của VN vẫn còn nhỏ thì đáng lẽ ra chúng ta cần giảm bớt các điều kiện để khuyến khích NĐT tham gia. Nếu siết chặt thì thị trường sẽ thiếu NĐT cá nhân, không đủ người mua và hệ quả là DN không thể phát hành thành công trái phiếu để huy động vốn. Hơn nữa, Chính phủ vẫn luôn kêu gọi phát triển thị trường TPDN để các công ty huy động được vốn phát triển dài hạn, thúc đẩy dòng vốn từ người dân tham gia vào nền kinh tế, giảm bớt khâu trung gian thông qua các NH.

Vì vậy nếu chưa xem xét giảm các điều kiện được thì chỉ nên giữ nguyên theo quy định hiện hành. Xác suất vi phạm trong lĩnh vực, ngành nghề lúc nào cũng có nhưng đó vẫn là thiểu số. Không nên vì vậy mà lại tăng điều kiện để hạn chế thị trường phát triển.

Mai Phương

—————

Thanh niên (Kinh tế) ngày 12-9-2024:

https://thanhnien.vn/trai-phieu-doanh-nghiep-chua-kip-hoi-lai-lo-siet-185240912002257549.htm

(382/1.614)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.978. Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế...

Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế thu nhập cá nhân. (DĐDN)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,951