4.375. Gỡ được 1 vướng mắc lại ‘đẻ’ thêm vướng mắc mới: ‘Đừng để hành là chính’.

Gỡ được 1 vướng mắc lại ‘đẻ’ thêm vướng mắc mới: ‘Đừng để hành là chính’.

(VNF) – Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI khẳng định, quá trình cải tiến thủ tục hành chính như thời gian qua đã làm được rất nhiều điều tốt, đã không còn hiện tượng thủ tục hành chính – hành là chính.

Tuy nhiên ông Đức vẫn băn khoăn thay vì chúng ta cứ chạy theo việc tìm những vấn đề phát sinh và tìm cách sửa chữa, chúng ta cần phải tìm ra phương án mang tính dài hơi, ổn định và hiệu quả tốt hơn.

Thủ tục hành chính còn nhiều vướng mắc

– Theo ông, quá trình cải cách thủ tục hành chính đã tạo nên tác động như thế nào tới cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian qua?

Luật sư Trương Thanh Đức: Thời gian vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan từ Trung ương đến địa phương đã có rất nhiều nỗ lực, cố gắng để cải tiến, đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm phục vụ cho nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng.

Đừng để hành là chính

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI – Trọng tài viên VIAC

Thay đổi và cải tiến thủ tục hành chính đã làm được rất nhiều điều tốt, tuy nhiên tôi vẫn băn khoăn thay vì chúng ta cứ chạy theo việc tìm những vấn đề phát sinh và tìm cách sửa chữa, chúng ta cần phải tìm ra phương án mang tính dài hơi, ổn định và hiệu quả tốt hơn.

Từ thời Thủ tướng Phan Văn Khải, ông rất đề cao chuyện cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực kinh doanh phục vụ doanh nghiệp cách đây đã 25 năm. Nhưng đến bây giờ, khi nhìn lại tôi vẫn thấy rằng thủ tục hành chính vẫn còn rất nhiều vướng mắc. Chúng ta vẫn tăng trưởng, phát triển tốt nhưng phải chăng nếu thực sự có chính sách chuẩn, thủ tục thuận lợi hơn, tôi nghĩ rằng tăng trưởng sẽ tốt hơn và hiệu quả hơn nhiều.

Khi giải quyết được một vài vướng mắc dường như nó lại “đẻ” ra thêm những vướng mắc mới. Mấu chốt của những vướng mắc nằm ở chính những quy định, nội dung, từ đó mới phát sinh ra những yêu cầu phải có giấy tờ, thủ tục gì, thời gian, trình tự ra làm sao.

Hiện tại, chúng ta đã quan tâm và xử lý được rất nhiều những vướng mắc ở phần ngọn, còn phần gốc cần phải có một “cuộc đại phẫu” mới có thể giải quyết được thực sự. Bên cạnh đó, theo tôi, kể cả sau này nếu thủ tục hành chính có dài hơn, nhiều hơn nhưng quan trọng là phải công khai, minh bạch, rõ ràng và đơn giản thì không ai ngại thủ tục. Thực tế, không chỉ người dân, doanh nghiệp đâu mà ngay cả cơ quan chức năng, cán bộ, công chức nhiều trường hợp vẫn loay hoay, không biết xử lý như thế nào vì thủ tục hành chính quá nhiều.

– Từ con số thống kê 6 tháng đầu năm có 2870 văn bản của các bộ, các địa phương được ban hành nhằm chỉ đạo, đôn đốc, quán triệt thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính. Số văn bản chỉ đạo lớn như vậy đang phản ánh điều gì?

Luật sư Trương Thanh Đức: Một câu hỏi được đặt ra là tại sao lại nhiều văn bản được ban hành như vậy? Phải chẳng do ách tắc, khó khăn nên luôn phải ban hành liên tục những văn bản chỉ đạo, sửa đổi bổ sung, hướng dẫn. Ví dụ, với ngành ngân hàng, hiện có khoảng 350 thông tư, hầu hết liên quan đến tổ chức tín dụng, doanh nghiệp. Và sau mỗi lần luật mới ban hành là sẽ đi kèm thêm khoảng 36-37 thông tư mới ra đời để hướng dẫn thực hiện luật mới, chưa kể còn rất nhiều thông tư cũ.

Như vậy, người dân và doanh nghiệp không thể theo dõi và nắm bắt hết điều đó. Chỉ luật cũng có đến hàng trăm văn bản, trong khi đó còn đến hàng nghìn thông tư, nghị định kèm theo, quả thực ai cũng lúng túng, rơi vào “mê hồn trận” của các loại văn bản. Thậm chí, nếu đúng văn bản, thủ tục này thì lại sai văn bản, thủ tục kia. Trong khi quan điểm của chúng ta gần như không chấp nhận những sai sót kể cả khi người ta chẳng may sai sót do quy định pháp lý chồng chéo, mâu thuẫn hay nhận thức, năng lực.

Tôi cho rằng, trường hợp như vậy chỉ là không được đánh giá cao chứ không có lỗi hay tội. Bản thân các cơ quan ban hành cũng gặp khó khăn trong việc đồng bộ, thống nhất được hệ thống văn bản quy phạm, do đó, không thể yêu cầu những người thực hiện có thể đúng tất cả những loại văn bản. Và điều quan trọng nhất trong việc ban hành văn bản thủ tục hành chính đó là chất lượng và hiệu quả, chứ không phải ban hành nhiều thì khó khăn, còn ban hành ít thì thuận lợi.

Tôi lấy ví dụ 4 đạo luật liên quan đến bất động sản vừa có hiệu lực thi hành. Về tinh thần, chủ trương tôi hoàn toàn nhất trí với việc đẩy mạnh, thay đổi thời gian có hiệu lực sớm hơn để luật đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, khi hình dung chiều ngược lại, tôi cho rằng sẽ khó khăn hơn, khó khăn hơn ở chỗ còn thiếu các văn bản hướng dẫn. Như vậy, việc có hiệu lực sớm hơn chưa giải quyết được điều gì.

Do đó, khi ban hành các văn bản quy phạm pháp luật cần được đánh giá một cách kĩ lưỡng tính hiệu quả sao cho thực sự rút gọn được cho người dân, doanh nghiệp mới chính là vấn đề mấu chốt.

– Thời gian qua Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất quyết liệt để xóa bỏ những rào cản, khơi thông nguồn lực, phát triển kinh tế nhưng qua phản ánh từ phía cộng đồng doanh nghiệp vẫn cho thấy còn nhiều vướng mắc, ông lý giải như thế nào về câu chuyện này?

Luật sư Trương Thanh Đức: Có thể thấy, đa số thủ tục hành chính đều gây vướng mắc về mặt thời gian, người dân phải đi đi lại lại photo, công chứng, chứng thực,… song điều này cũng chỉ gây ra sự bức xúc, không ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế hay hoạt động sản xuất kinh doanh. Điều tạo ra muôn vàn khó khăn cho các hoạt động từ đầu tư dự án, nhà cửa, đất đai, thuế… những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp, nền kinh tế ở đây là do sự chồng chéo, không khả thi của các quy định.

Không phát sinh thêm các thủ tục mới
– Để tháo gỡ cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh, khắc phục khoảng trống pháp lý, vừa qua Quốc hội đã chính thức thông qua và cho phép 4 đạo luật về bất động sản có hiệu lực sớm. Để 4 đạo luật này tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, không làm phát sinh mới các thủ tục hành chính, theo ông những vấn đề gì cần lưu tâm để đạt được mục tiêu này?

Luật sư Trương Thanh Đức: Có thể thấy rằng, chúng ta đã rất cố gắng thay đổi nhiều trong việc xây dựng luật cụ thể và chi tiết. Tuy nhiên, ngoài một số luật cơ bản thực hiện được, phần lớn các luật phải, cụ thể như 4 luật được đề cập ở trên phụ thuộc nhiều vào các văn bản hướng dẫn, nghị định đi kèm.

Nhờ những văn bản hướng dẫn tác động đến thực tế mới bộc lộ được những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi luật, nhưng hiện tại những văn bản này vẫn bị bỏ ngỏ và cần thêm thời gian để hoàn thiện. Như vậy, rõ ràng là có thể giúp giải quyết được nhiều vướng mắc nhưng đồng thời cũng phát sinh thêm nhiều vướng mắc mới. Do đó, thời gian tới, chúng ta cần mạnh dạn hơn, thông qua thực tiễn vướng mắc quay trở lại sửa luật, không phải chờ đến nhiều năm sau mới sửa.

Khi các văn bản luật có hiệu lực sớm, tuy giải quyết bài toán khoảng trống pháp lý song cũng gây ra những lo ngại trong việc chậm trễ ban hành các văn bản hướng dẫn và tính không đồng bộ, thống nhất thậm chí mâu thuẫn giữa các văn bản luật, gây khó cho quá trình thực thi. Với vấn đề này, theo ông nên xử lý như thế nào?

Với nguyên tắc làm luật đã quy định rõ về hiệu lực văn bản, trách nhiệm thi hành nên gần như không có cách gì để giải quyết. Chỉ trừ trường hợp khi chúng ta đẩy tiến độ thi hành của luật mới sớm hơn đi kèm với một nghị quyết hay tinh thần nói rằng: “Cái gì đáp ứng được rồi nhưng chưa có văn bản hướng dẫn thì chấp nhận làm theo cách nào đó kể cả cách cũ, miễn không vi phạm những điều pháp luật cấm”. Nếu không như vậy, việc đẩy sớm tiến độ thi hành không thể giải quyết được vấn đề gì, bởi theo quy định phải ban hành từ thông tư, nghị định cho đến biểu mẫu phải trước ít nhất 45 ngày kể từ thời điểm luật mới có hiệu lực.

– Dù khắc phục tình trạng thiếu hụt văn bản pháp luật, nhưng vẫn có những địa phương có cách hiểu khác nhau, ông có bình luận thêm gì về điều này?

Luật sư Trương Thanh Đức: Quốc hội Việt Nam 1 năm làm việc 2 tháng thậm chí gần 3 tháng để xây dựng luật là chủ yếu, những vấn đề hệ trọng khác của quốc gia chiếm thời gian ít hơn. Trong khi Chính phủ đáng lý thực hiện chức năng điều hành, triển khai luật là chính nhưng thực tế các cuộc họp của Chính phủ cũng dành hầu hết thời gian cho xây dựng những văn bản dưới luật cũng như xử lý những vướng mắc do luật phát sinh ra trong quá trình thực thi. Đến các bộ ngành, địa phương cũng liên tục bàn về câu chuyện vướng mắc của luật.

Không dừng lại ở đó, những vướng mắc còn mở rộng ra phạm vi quốc tế. Dẫn chứng, một chính sách mà người dân và doanh nghiệp rất mong chờ là giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô nội địa, có ý kiến cho rằng điều này vi phạm cam kết quốc tế. Có thể thấy rằng, công tác xây dựng và triển khai thi hành pháp luật là vô cùng quan trọng. Mặc dù đã được đề cao, nhấn mạnh nhưng có lẽ vẫn chưa tới, chưa thực sự đem lại hiệu quả.

– Cuối cùng, theo ông phải làm thế nào để thực sự giữ lửa trong cải cách thủ tục hành chính và để ngọn lửa ấy có thể soi đường chỉ lối cho các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam phát triển?

Luật sư Trương Thanh Đức: Có thể nói Chính phủ và Thủ tướng rất trách nhiệm, đốc thúc rất mạnh mẽ nhưng dường như kết quả vẫn chưa được bao nhiêu. Tôi cho rằng, ngoài Nghị định của Chính phủ, Nghị quyết của Trung ương về vấn đề trách nhiệm của cán bộ trong thực thi công vụ, có lẽ cần phải nhấn mạnh hơn nữa việc bảo vệ cán bộ để người ta mạnh dạn làm. Bởi quản lý nhà nước là để phục vụ nhân dân, doanh nghiệp, nhà nước chứ không phải làm tròn trách nhiệm của mình. Nếu giữ tình trạng này, cán bộ sẽ không dám quyết tâm, quyết đoán để thực hiện inh hoạt các thủ tục hành chính.

Trân trọng cảm ơn ông!

Huyền Trang

————-

Vietnam Finance (Tiêu điểm) ngày 14-10-2024:

https://vietnamfinance.vn/giai-quyet-duoc-1-vuong-mac-lai-de-them-vuong-mac-moi-dung-de-hanh-la-chinh-d117278.html

(1.809/2.091)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu...

Mục "Bài viết" cập nhật các bài viết của các Luật sư ANVI đăng...

Bình luận 

427. Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến...

(VTV3) Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến phút cuối với chủ đề...

Phỏng vấn 

4.376. Siết ngân hàng 'ép' khách mua bảo hiểm

Siết ngân hàng 'ép' khách mua bảo hiểm. (TN) - Nhiều động thái từ...

Trích dẫn 

3.888. Ngân hàng sẽ giải bài toán kinh doanh Banca...

Ngân hàng sẽ giải bài toán kinh doanh Banca ra sao? (CFF) - Theo các chuyên...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 228,010