4.379. Áp thuế GTGT phân bón để đạt lợi ích lâu dài cho ngành nông nghiệp

Áp thuế GTGT phân bón để đạt lợi ích lâu dài cho ngành nông nghiệp.

(PT) – “Nếu không áp thuế giá trị gia tăng (GTGT) chỉ để nông dân lợi về số tiền mua phân bón trước mắt, nhưng lại gây bất lợi cho ngành phân bón, thì về lâu dài sẽ ảnh hưởng tới nền sản xuất, sản lượng nông sản giảm, chất lượng kém cạnh tranh và nông dân lại chính là người chịu thiệt thòi”, Luật sư Trương Thanh Đức nhìn nhận.

Luật số 71/2014/QH13 (Luật Thuế 71) có hiệu lực từ ngày 1-1-2015 không áp thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón tưởng như có thể hỗ trợ tốt cho ngành nông nghiệp như kỳ vọng, nhưng lại đem tới những bất cập dài hạn, tạo gánh nặng cho người nông dân trong suốt 10 năm qua.

Không thể chậm trễ sửa đổi Luật Thuế 71, đưa phân bón trở về chịu thuế suất thuế GTGT 5% là kiến nghị của nhiều chuyên gia, nhà khoa học và Hiệp hội Phân bón Việt Nam.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Năng lượng Mới, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng, chính sách thuế GTGT đối với phân bón không chỉ đơn thuần nhìn vào số tiền phải tăng hay được giảm thuế để “bốc thuốc” đánh thuế theo cảm tính trước mắt, mà cần có căn cứ số liệu tổng thể để tính toán cho lợi ích dài hạn và đồng bộ.

PV: Thưa luật sư, có nhiều kiến nghị chuyển thuế GTGT phân bón về 5% thay vì được miễn thuế như luật hiện hành, vì cho rằng việc miễn thuế đang gây bất cập cho ngành nông nghiệp. Xin ông cho biết quan điểm của mình về vấn đề này?

Áp thuế GTGT phân bón
Luật sư Trương Thanh Đức

Luật sư Trương Thanh Đức: Từ trước đến nay, chính sách thuế thường được điều chỉnh theo hướng tăng thuế suất để tăng nguồn thu, nhưng đối với kiến nghị của chính đối tượng nộp thuế đưa phân bón từ diện được miễn thuế GTGT sang diện chịu thuế suất 5% là chưa từng có trong lịch sử.

Về mặt tổng thể, việc đánh thuế hay không đánh thuế cần cân nhắc dựa trên nhiều yếu tố chi phí, giá thành, hiệu quả của nền kinh tế. Đặc biệt, phân bón không phải là lĩnh vực tiêu dùng thông thường mà liên quan đến nông dân, sản xuất nông nghiệp luôn có chủ trương được ưu tiên, ưu đãi và được hỗ trợ ở mức cao nhất. Trong khi đó, thuế GTGT là thuế gián thu, tức nông dân mới là người phải nộp loại thuế này, còn người kinh doanh phân bón chỉ là người nộp hộ.

Do đó, cần tính toán chính xác, phương án nào có lợi cho người nông dân thì ủng hộ, kể cả việc áp thuế suất để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất phân bón, từ đó có cơ sở giảm giá thành và giá bán, có lợi cho bà con. Những yếu tố khác cần xem xét đặt cùng chiều với lợi ích của người nông dân trên tinh thần cân đối tổng thể.

Việc đưa ra quyết định chính sách thuế đối với mặt hàng phân bón cũng cần được cân nhắc trên nguyện vọng của những người chịu ảnh hưởng trực tiếp nhiều năm nay là các doanh nghiệp sản xuất phân bón. Họ có nguyện vọng xin được nộp thuế, không mong muốn được hưởng chính sách miễn giảm thì rất đáng xem xét. Thời gian qua, rất nhiều doanh nghiệp đã phản ánh về những bất cập khó khăn khi được miễn thuế GTGT, tức là được ưu đãi ngược.

Nguyện vọng từ trực tiếp những người nộp thuế nhiều năm này được nhìn nhận là hợp lý, từ người nông dân đến cơ quan soạn thảo luật là Bộ Tài chính đều ủng hộ. Trong khi đó, việc phản đối nguyện vọng này lại đến từ cảm tính, chưa thấy có căn cứ, cơ sở nào. Dư luận xã hội hiện đang nghiêng phần lớn về quan điểm yêu cầu đưa phân bón trở lại mặt hàng chịu thuế GTGT 5% hơn là miễn thuế suất như luật hiện hành. Điều đó cho thấy mong muốn của những người nộp thuế phù hợp với đông đảo nguyện vọng của những người liên quan trực tiếp nói riêng và người dân nói chung.

PV: Theo ông, kiến nghị áp thuế GTGT 5% cho phân bón có phù hợp với xu thế chung của thế giới hay không?

Luật sư Trương Thanh Đức: Việc áp thuế GTGT đối với phân bón phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Ở mỗi nước có các chính sách thuế cao – thấp khác nhau phụ thuộc vào chính sách, đặc điểm từng quốc gia.

Việc áp thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón sẽ tránh cho Việt Nam bị thế giới coi là nền kinh tế có nhiều yếu tố phi thị trường. Đây cũng là một trong những căn cứ xác đáng để bảo vệ cho ngành sản xuất phân bón nội địa, tránh tình trạng bị kiện chống bán phá giá, cạnh tranh không lành mạnh.

Ngoài ra, để bảo vệ ngành sản xuất trong nước, các quy định đưa ra cũng cần chú trọng hơn về hàng rào kỹ thuật, ưu tiên những sản phẩm phân bón nội địa phù hợp với thổ nhưỡng, cây trồng và yêu cầu của sản xuất nông nghiệp Việt Nam.

Sản xuất nông nghiệp luôn có chủ trương được ưu tiên, ưu đãi và được hỗ trợ ở mức cao nhất

PV: Góp ý về dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi) đối với phân bón, thiết bị nông nghiệp, ông cho rằng cần lưu ý những gì để đáp ứng được chủ trương hỗ trợ nông dân, sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là bảo đảm an ninh lương thực?

Luật sư Trương Thanh Đức: Nhà nước đóng vai trò điều tiết, cân đối việc thu thuế nhiều hay ít hoặc là không thu thuế để tạo được hiệu quả tổng thể cho nền kinh tế, tạo ra nhiều giá trị gia tăng của toàn xã hội. Nhà nước không có lợi ích riêng, nên cần sẵn sàng hy sinh những lợi ích nhỏ về ngân sách để đem lại giá trị lớn cho toàn xã hội. Ví dụ, câu chuyện giảm thuế GTGT xuống 8% thời gian qua đã đem lại hiệu ứng tích cực cho nền kinh tế, nhận được sự hưởng ứng, phấn khởi của người dân, doanh nghiệp và thúc đẩy tốt cho sản xuất, thương mại, tiêu dùng.

Từ câu chuyện này nhìn về chính sách thuế GTGT phân bón có thể thấy, nếu không áp thuế GTGT chỉ để nông dân lợi về số tiền mua phân bón trước mắt, nhưng về lâu dài ảnh hưởng tới nền sản xuất, không bảo vệ được ngành phân bón nội địa, dẫn tới toàn ngành nông nghiệp thiếu những sản phẩm phân bón hiện đại, chất lượng yếu kém, kéo theo sản lượng nông sản giảm, chất lượng khó cạnh tranh, thì nông dân lại chính là người thiệt thòi.

Do đó, chính sách thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón phải được tính tổng thể, đường dài, không thể chỉ căn cứ vào một khía cạnh đơn lẻ. Kiến nghị Quốc hội cần tiếp tục cân nhắc tổng thể trên nhiều yếu tố liên quan theo hướng áp thuế suất GTGT 5% đối với mặt hàng phân bón.

Kiến nghị này phù hợp với nguyện vọng của những người nộp thuế trực tiếp là các doanh nghiệp phân bón và ngành sản xuất nông nghiệp. Bởi, lợi ích của 2 đối tượng này thoạt nhìn thì mâu thuẫn, nhưng lâu dài thì gần như là một, khi doanh nghiệp phát triển tốt, ổn định, tạo ra sản phẩm chất lượng, hiện đại, hạ giá thành, người nông dân sẽ được hưởng lợi lớn và ngược lại. Đây cũng chính là quan điểm lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ như Thủ tướng Chính phủ vẫn thường nhắc tới.

PV: Xin cảm ơn ông!

Phương Thảo

—————

PetroTimes (Dỏng chảy Petro) ngày 21-10-2024:

https://petrovietnam.petrotimes.vn/ap-thue-gtgt-phan-bon-de-dat-loi-ich-lau-dai-cho-nganh-nong-nghiep-719283.html

(1.162/1.416)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.978. Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế...

Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế thu nhập cá nhân. (DĐDN)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,950