Nguồn cung nhà tại các đô thị lớn chưa được cải thiện.
(VTV1) – Chương trình có sự tham gia của Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC, trả lời phỏng vấn phóng viên Bảo Linh ngày 29-10-2024 tại ANVI, số 1 Đinh Lễ, Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
—————
VTV1 (Việt Nam hôm nay) ngày 31-10-2024:
https://vtv.vn/video/viet-nam-hom-nay-31-10-2024-703382.htm
(Phút 35:42)
—————-
Cắt “cơn sốt” giá nhà?
VTV.vn – Giá nhà đất tại một số Thành phố lớn tăng rất cao thời gian qua đã khiến cho thị trường bất động sản vừa mới phục hồi lại xuất hiện những dấu hiệu bất ổn.
Nguồn cung nhà tại các đô thị lớn chưa được cải thiện
Giá nhà đất tại một số Thành phố lớn tăng rất cao thời gian qua, nhất là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã khiến cho thị trường bất động sản vừa mới phục hồi lại xuất hiện những dấu hiệu bất ổn. Đó là nhận định của đa số các đại biểu Quốc hội trong những ngày qua. Nguyên nhân chính là việc rất ít các dự án mới ra hàng. Nhiều điểm nghẽn của thị trường đã xuất hiện.
Quý III, thị trường căn hộ tại Hà Nội ghi nhận sự tăng trưởng về nguồn cung và số lượng giao dịch, với phân khúc hạng B chiếm ưu thế.
Bà Đỗ Thu Hằng – Giám đốc cấp cao bộ phân nghiên cứu và tư vấn, Savills Hà Nội cho biết: “Có những dấu hiệu thị trường tốt hơn nhưng giá đối với thị trường căn hộ để bán vẫn trong xu hướng tiếp tục tăng. Giá sơ cấp trên thị trường hiện nay đang đà 69 triệu đồng/m2. Mức giá này tăng 6% so với quý trước nhưng nếu so với cùng kỳ năm ngoái thì tăng 28%”.
Hiện cả nước có khoảng 1.000 dự án vướng mắc về thủ tục pháp lý. Đại diện các sàn giao dịch bất động sản đều cho rằng, chưa thể tăng cung cho thị trường ở thời điểm cuối năm khi các vướng pháp lý của các dự án chưa được tháo gỡ. Giá nhà chưa thể hạ nhiệt vì mọi chi phí đầu vào đều tăng. Doanh nghiệp không thể bán giá thấp.
Ông Phạm Đức Toản – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển bất động sản EZ nêu ý kiến: “Hiện tại, chủ đầu tư, tập đoàn phát triển dự án bất động sản thương mại sẽ đặt mục tiêu lợi nhuận hàng đầu. Bên cạnh đó, chi phí liên tục tăng, chi phí về giải phóng mặt bằng, chi phí về hạ tầng, chi phí chuẩn bị đầu tư cũng như tiền sử dụng đất nộp liên tục tăng”.
Hầu hết các chủ đầu tư chỉ hướng đến xây dựng các dự án nhà trung cao cấp
Luật sư Trương Thanh Đức – Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam nhận định: “Thời gian vừa qua, các dự án bất động sản nói chung và dự án nhà ở nói riêng vô cùng ít, đương nhiên sẽ làm giá tăng vọt lên. Thứ hai là hành lang pháp lý, các quy định, các chính sách về định giá hiện nay chắc chắn giá sẽ cao lên. Và các bảng giá đất các địa phương sắp tới sẽ thay đổi rất lớn. Từ những điều đó dẫn đến các yếu tố tâm lý của người dân cũng rất quan trọng”.
Giá nhà tăng cao còn được lý giải do giá đất đã tăng cao, nếu làm một sản phẩm bình dân thì chắc chắn sẽ lỗ. Vì thế, hầu hết các chủ đầu tư chỉ hướng đến xây dựng các dự án nhà trung cao cấp. Đây chính là nguyên nhân cốt lõi của việc giá nhà tại các Thành phố lớn tăng cao chưa có điểm dừng từ nay tới cuối năm và sang đầu 2025.
Giải pháp giảm giá nhà
Sự gia tăng không ngừng của giá nhà đất tại Hà Nội không phải là một hiện tượng ngẫu nhiên mà là kết quả của nhiều yếu tố tác động lẫn nhau. Nhưng có thể nhìn thấy rõ nhất chính là nhiều chủ đầu tư chạy theo phân khúc cao cấp mà bỏ quên phân khúc nhà ở giá rẻ. Hệ quả của tình trạng trên là thị trường bất động sản Hà Nội bị thiếu hụt nguồn cung nhà ở giá thấp, trong khi phân khúc cao cấp lại trở nên dư thừa. Sự mất cân đối này đã khiến giá nhà liên tục tăng cao và thiết lập những kỷ lục mới. Giải pháp được đưa ra là làm sao để phát triển nhanh nhất có thể nhà giá rẻ, nhà ở xã hội.
Ông Phạm Tuấn Sơn – Chủ tịch Hội đồng quản trị Babylons Group nêu nhận định: “Tạo ra nhiều nhà ở xã hội là giải pháp cụ thể nhất. Vì chính sách nhà ở xã hội giúp ích cho những người điều kiện thu nhập thấp có thể mua được nhà và chúng ta có thể làm được điều đó. Chỉ có điều triển khai điều đó chậm. Như Hà Nội hiện tại dự án nhà ở xã hội gần như không thấy hay trong TP. Hồ Chí Minh có rất nhiều bất cập”.
“Chúng tôi nghĩ rằng nên đưa vào thành chỉ tiêu quy hoạch cho từng địa phương, từng tỉnh, căn cứ vào nhu cầu về nhà ở xã hội của mỗi địa phương và thành kế hoạch về quỹ đất, kế hoạch về sử dụng đất từng năm cho đến năm 2030. Trên cơ sở đó, ra các dự án nhà ở xã hội riêng và có những quỹ tài chính phục vụ cho hạ tầng kỹ thuật của nhà ở xã hội. Với cách làm như vậy, chúng ta mới đẩy mạnh tốc độ của nhà ở xã hội”, ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam nêu quan điểm.
VTV.vn (Ban Thời sự) 01-11-2024:
https://vtv.vn/kinh-te/cat-con-sot-gia-nha-20241031213441033.htm
(106/1.033)