4.391. Cải cách thể chế bắt đầu từ con người.

Cải cách thể chế bắt đầu từ con người.

(VNN) – Thể chế sai không thể tự nó sửa nó được, phải là con người. Vì thể chế do con người tạo ra. Vấn đề là cần tìm ra những người xứng đáng để xây dựng thể chế cho một Kỉ nguyên mới.

Tuần Việt Nam/VietNamNet giới thiệu phần cuối Bàn tròn trực tuyến với chủ đề: “Việt Nam bước vào Kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.

Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu vị khách mời bà Phạm Chi Lan – Nguyên Tổng Thư ký và Phó Chủ tịch phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Bà là thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng và thành viên Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp. Bà Phạm Chi Lan đã có nhiều kinh nghiệm trong công tác tham mưu chính sách, đặc biệt là các vấn đề về chính sách kinh tế.

Xin trân trọng giới thiệu ông Nguyễn Văn Phúc – Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội. Ông Phúc đã có thời gian gần 40 năm công tác ở Quốc hội trên cả hai lĩnh vực là Pháp luật và Kinh tế. Ông đã tham gia tham mưu, phục vụ xây dựng 3 bản Hiến pháp: Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992 và Hiến pháp năm 2013.

Xin trân trọng giới thiệu Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, là thành viên của Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp, thành viên của Trung tâm Trọng tài Quốc tế. Ông Đức đã có nhiều hoạt động liên quan đến tham mưu, xây dựng chính sách kinh tế.

Tổng Biên tập Nguyễn Văn Bá: Thưa ông Nguyễn Văn Phúc, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định “thể chế là điểm nghẽn” và là khâu cần phải đột phá đầu tiên. Là người có kinh nghiệm lâu năm trong hoạt động lập pháp, ông nhìn nhận như thế nào về quy trình xây dựng pháp luật hiện nay và cần thay đổi như thế nào để giải phóng được điểm nghẽn này?

Ông Nguyễn Văn Phúc: Câu hỏi này dành cho tôi đúng rồi đấy.

Như đã nói ban đầu, bây giờ thể chế được xác định là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”. Chúng ta đã xác định 3 điểm nghẽn cần đột phá là hạ tầng, nhân lực và thể chế. Nhưng theo tôi, thể chế là điểm nghẽn của cả ba điều đấy, hạ tầng tắc cũng do thể chế, nhân lực tắc cũng do thể chế.

Mới đây, anh Hà Sỹ Đồng, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, phát biểu rất hay: “Vậy giữa thể chế và nguồn nhân lực, cái nào phải làm trước?”. Thể chế là do con người tạo ra chứ không phải do thiên nhiên tạo ra, không phải do các quy luật tự nhiên tạo ra.

Cải cách thể chế bắt đầu từ con người

Ông Nguyễn Văn Phúc: Nói xây dựng thể chế là xây dựng gì? Trước hết là xây dựng hệ thống pháp luật trên cơ sở hiến pháp. Ảnh: Lê Anh Dũng

Khi xây dựng thể chế, con người cần vận dụng các quy luật thị trường, như anh Đức nói, thể chế mới làm cho thị trường vận hành đúng được.

Tôi muốn hỏi tất cả bốn người chúng ta đây, thể chế là gì thì chắc mọi người sẽ có câu hỏi khác nhau. Vậy thì thể chế là gì? Nội hàm của thể chế gồm những cấu phần gì?

Điều được thừa nhận rộng rãi hiện nay là trong thể chế thì Hiến pháp của một quốc gia là luật gốc, là nền tảng cơ bản, đầu tiên; rồi đến hệ thống pháp luật.

Nghiên cứu kĩ phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm, của Thủ tướng Chính phủ, của Chủ tịch Quốc hội, nhiều vị lãnh đạo khác và những vị đại biểu Quốc hội cho thấy, cùng với hiến pháp, luật vẫn là cái gốc của thể chế. Xã hội phải được quản lý bằng pháp luật. Nhà nước cũng phải hoạt động theo pháp luật.

Tuy nhiên, thể chế có thể chế chính thức và thể chế phi chính thức. Có loại thể chế dung nạp/bao trùm hay là loại thể chế tước đoạt/loại trừ.

Thể chế phi chính thức, như chị Lan nói, là những chuẩn mực xã hội, tục lệ, quy định, hương ước, chuẩn mực đạo đức về kinh doanh mà người cộng đồng dân cư và cộng đồng doanh nghiệp thỏa thuận với nhau và phải ràng buộc. Thể chế phi chính thức nhưng vô cùng quan trọng và hiệu quả vì đây là nền tảng người dân và doanh nghiệp sống, cư xử với nhau hay làm ăn, hợp tác với nhau.

Như vậy, nói xây dựng thể chế là xây dựng cái gì? Trước hết là xây dựng hệ thống pháp luật trên cơ sở hiến pháp. Chúng ta phải thống nhất với nhau như vậy đã.

Nhiều đạo luật nghiệp dư

Tổng Biên tập Nguyễn Văn Bá: Có thực tế là hầu hết các dự thảo luật đều do Cục, Vụ trong Bộ thực hiện, rồi mới đến các công đoạn khác. Ông nghĩ sao về quy trình này?

Ông Nguyễn Văn Phúc: Chúng ta đã có cương lĩnh của Đảng, có nghị quyết của Đảng, thậm chí có nhiều nghị quyết chuyên đề như đất đai. Nghị quyết của Đảng từ cấp Đại hội, cấp Trung ương, cấp Bộ Chính trị, Ban Bí thư và đề ra những định hướng chỉ đạo rất sát sao.

Tuy nhiên, có nhiều đạo luật được ban hành vài năm đã phải sửa. Làm như vậy là có đúng không, có đảm bảo tính ổn định, tính lâu dài, tính tiên liệu của luật pháp như Tổng Bí thư nói không?

Tỷ lệ doanh nghiệp có thể dự đoán được sự thay đổi trong quy định pháp luật của Trung ương có xu hướng giảm dần. Năm 2013, tỷ lệ doanh nghiệp dự đoán được khoảng 14,29%, nhưng vài năm gần đây, tỷ lệ này chưa đến 5%. Bên cạnh đó, chỉ hơn 6% doanh nghiệp dự đoán được việc thực hiện các quy định pháp luật trung ương tại các địa phương. Có 61% doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục đề nghị cấp phép kinh doanh có điều kiện; 61% doanh nghiệp trả chi phí không chính thức còn cao trong hoạt động cấp phép kinh doanh có điều kiện; 22% doanh nghiệp trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh do phiền hà trong việc tiếp cận cấp giấy phép kinh doanh.Theo Báo cáo PCI

Thưa anh Đức, anh là luật sư, là doanh nhân và anh tiếp cận với các nhà đầu tư, trong đó nhà đầu tư nước ngoài. Khi làm ở Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, tôi cũng tiếp xúc với họ. Họ luôn kêu rằng: Chúng tôi lo nhất là hệ thống pháp luật của các ông không ổn định, sáng nắng, chiều mưa làm chúng tôi không thể dự báo, dự tính được.

Điều ấy do ai? Tôi cho rằng, điều ấy cơ bản không phải do cương lĩnh, không phải do nghị quyết. Ví dụ, Nghị quyết về đất đai cực kì hay nhưng Luật Đất đai (2013) không thể hiện được tinh thần và nội dung của nó.

Con người làm ra thể chế, tổ chức làm ra thể chế. Nếu không có bộ máy và con người làm luật chuyên nghiệp với những phương pháp, quy trình làm luật chuyên nghiệp thì chúng ta chỉ có những đạo luật nghiệp dư mà thôi. Tôi xin khẳng định với các anh chị như vậy.

Tôi đã ở Quốc hội gần 40 năm và tôi dám khẳng định, nhiều đạo luật mang tính nghiệp dư lắm. Chúng ta đòi hỏi Quốc hội chuyên nghiệp, chúng ta đòi hỏi 500 Đại biểu chuyên nghiệp. Điều đấy là khó, thưa chị Chi Lan.

Quốc hội cần có những đại biểu hoạt động chuyên trách và chuyên nghiệp. Hiện nay 40% trong số 500 đại biểu là chuyên trách nhưng không phải là chuyên nghiệp. Hơn nữa, làm luật có phương pháp, quy trình.

Chúng ta có mấy vấn đề thế này.

Bộ máy biên soạn luật nằm ở các Bộ vì các Bộ có nguồn lực và các dự thảo luật là do các Cục, Vụ chuyên môn soạn thảo. Xin thưa với các anh, chị, luật là của Cục, Vụ… Cứ Cục, Vụ nào thấy có yêu cầu quản lí của mình là họ muốn có luật.

Con người làm ra thể chế, tổ chức làm ra thể chế. Nếu không có bộ máy và con người làm luật chuyên nghiệp với những phương pháp, quy trình làm luật chuyên nghiệp thì chúng ta chỉ có những đạo luật nghiệp dư mà thôi.Ông Nguyễn Văn Phúc

Quốc hội phấn đấu có 40% đại biểu chuyên trách. Trên thực tế có nhiều đại biểu rất giỏi, họ là giáo sư, tiến sĩ, là nhà khoa học đầu ngành nhưng họ không phải là nhà làm luật chuyên nghiệp.

Vì thế, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã phát biểu rằng, cái gốc của chất lượng luật phải ở các bộ, ở cơ quan soạn thảo. Điều đó đúng vì các ủy ban của Quốc hội làm gì có nhiều người, cao nhất cũng chỉ có 40 thôi, làm sao bao hết được nhiều luật. Các Ủy ban của Quốc hội chỉ thẩm tra, phản biện để nâng cao chất lượng, để đảm bảo tiếng nói ở người dân ở trong luật thôi.

Các dự thảo luật không đảm bảo chất lượng từ đầu thì làm sao biến nó thành chất lượng khác được?

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng đã nói, người làm luật chuyên nghiệp, bộ máy làm luật chuyên nghiệp mới viết được đạo luật chuyên nghiệp. Theo tôi, rất cần bộ máy và con người chuyên nghiệp có kỹ năng, có tư duy phân tích chính sách lập pháp.

Bây giờ cũng như thời chúng tôi, đại biểu Quốc hội sửa từng câu, từng chữ. Họ phải làm việc cả ngày lẫn đêm, thứ bảy và chủ nhật. Có đại biểu phát biểu công khai trên hội trường, chúng tôi nặng 50 cân mà bắt chúng tôi vác 1 tạ, 1 tấn thì không thể vác nổi.

Dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm

Tổng Biên tập Nguyễn Văn Bá: Tổng Bí thư yêu cầu: Dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm. Thưa bà Chi Lan, làm sao để thiết kế các chính sách theo tinh thần đó? Luật pháp nên thiên về tiền kiểm hay hậu kiểm để vừa thực hiện chức năng quản lý nhưng vẫn thúc đẩy được thị trường phát triển?

Bà Phạm Chi Lan: Tư duy không quản được thì cấm là tư duy không đúng về vai trò, chức năng của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường.

Thời bao cấp, kinh tế kế hoạch hoá tập trung, Nhà nước có vai trò tuyệt đối. Tuy nhiên, khi chuyển sang kinh tế thị trường thì vai trò giữa Nhà nước, Thị trường và Xã hội phải được phân định rạch ròi.

Bà Phạm Chi Lan: Phải thay đổi từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Ảnh: Lê Anh Dũng

Nhà nước chỉ nên tập trung thực hiện đúng chức năng và nhiệm vụ của mình chứ đừng nhầm với chức năng của Thị trường và của Xã hội. Chính tư duy chưa đúng đắn về vai trò của Nhà nước, rằng Nhà nước có trách nhiệm và có quyền quản lý tất cả hoạt động của đời sống kinh tế xã hội nên mới xảy ra chuyện không quản được thì cấm.

Hiến pháp quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm và chức năng của Nhà nước. Nhà nước chỉ được thực hiện những quyền gì và không được vượt quá quyền đó. Quản như thế nào, bằng những công cụ gì thì phải căn cứ vào hệ thống pháp luật. Đây là nguyên tắc đầu tiên.

Điều đáng buồn là hầu hết các luật có rất nhiều quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ của người dân, có chế tài phạt người vi phạm, nhưng lại chỉ có ít quy định, thậm chí chỉ có vài dòng đơn giản, chung chung, về quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước.

Ở các nước, công chức nhà nước chỉ có quyền thi hành công vụ, làm những việc mà luật pháp cho phép trong khi người dân có thể làm những điều luật pháp không cấm, phạm vi hoàn toàn khác nhau. Vì vậy, đừng nhầm lẫn mà Nhà nước được phép quản và cần phải quản hay có quyền cấm.

Tôi chỉ mong có hành động cụ thể để những khẳng định của Tổng Bí thư được nhanh chóng lan toả và thực hiện từ những cấp có trách nhiệm cao nhất đối với vận mệnh chung của đất nước đến các tầng lớp xã hội của người dân.Bà Phạm Chi Lan

Chúng ta đưa ra câu chuyện tiền kiểm hay hậu kiểm. Tiền kiểm là sai. Tiền kiểm là kiểm soát, hạn chế doanh nghiệp và người dân ngay từ đầu, khi họ có một dự án hay một kế hoạch định làm.

Trên thực tế, từ lúc có ý định đến lúc dự án hình thành và vận hành còn nhiều nhân tố khác tác động. Kiểm tra hành vi của người dân, doanh nghiệp có tuân thủ đúng pháp luật hay không sẽ chỉ thực hiện được sau khi người ta đã hoạt động.

Cho nên, khâu tiền kiểm là vô nghĩa. Chỉ có hậu kiểm mới có cơ sở, có bằng chứng để Nhà nước có thể kiểm soát, phát hiện ra người dân, doanh nghiệp làm đúng hay không đúng pháp luật, từ đó Nhà nước có thể phạt, uốn nắn, cảnh báo để họ làm đúng pháp luật.

Trong một loạt lĩnh vực, chúng ta đưa ra các ưu đãi để khuyến khích FDI như giảm thuế, giảm giá thuê đất, nhân công giá rẻ. Đổi lại, họ hứa hẹn tạo ra bao nhiêu việc làm, bao nhiêu sản phẩm xuất khẩu, bao nhiêu phần trăm nội địa hoá nhưng họ có thực hiện đâu.

Phải đến lúc hậu kiểm chúng ta mới thấy, họ không thực hiện những cam kết đó, thậm chí vi phạm pháp luật. Nhưng không phạt họ được.

Vì vậy, phải thay đổi từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

Quốc hội là nơi làm luật, Chính phủ là hành pháp, là nơi thực thi. Chính phủ có thể đề xuất chính sách quan trọng xuất phát từ thực tiễn rồi Quốc hội đưa chính sách đó thành luật để thực thi các chính sách của Chính phủ. Như thế mới làm luật chuyên nghiệp.

Phân công cho các Cục, Vụ trong bộ soạn thảo dự luật thì khó tránh được tình trạng cài cắm lợi ích riêng vào đó.

Nếu Quốc hội chỉ xem và bổ sung các điều chưa đủ. Trách nhiệm của Quốc hội là làm luật. Tôi nhớ trường hợp bà Trần Thị Quốc Khánh đã đề xuất một dự thảo luật nhưng tiếc là không được.

Tháo gỡ điểm nghẽn thị trường nhà đất

Tổng Biên tập Nguyễn Văn Bá: Là người tham gia khá nhiều vào việc góp ý pháp luật với VCCI, ông nhận xét như thế nào về câu nói “thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn”? Ông có thể lấy ví dụ trong thực tiễn?

Ông Trương Thanh Đức: Vấn đề đang nóng là giá nhà đất. Nhiều lãnh đạo, chuyên gia đổ lỗi cho (mặt trái) của kinh tế thị trường hay giới đầu cơ…

Nhưng đánh giá như vậy thì quá đơn giản. Ngày nay, mất mấy năm mới có một dự án nên giá thế là còn thấp. Giá tăng chóng mặt như vậy là đúng quy luật thị trường.

Cải cách thể chế bắt đầu từ con người

Ông Trương Thanh Đức: Điểm nghẽn thể chế nhà đất đã và đang gây thiệt hại rất lớn cho nền kinh tế. Ảnh: Lê Anh Dũng

Muốn gỡ, phải gỡ cung để cân bằng với cầu chứ ai lại đi xử lí phần đấu giá đất. Nguyên lí đấu giá là đẩy giá lên. Muốn giá đất không cao thì bán nhiều ra, tăng cung lên. Đất đai ở nước mình có phải như Singapore hay HongKong đâu. Đất đai ở nước ta vẫn còn mênh mông, đất để phát triển xây nhà còn quá nhiều.

Nguyên nhân của thị trường bất động sản hiện nay chủ yếu do thể chế, do chính sách và quy định của pháp luật.

Bộ Xây dựng công bố, cả nước có khoảng 1200 dự án bất động sản nhà ở thương mại bị vướng mắc về vấn đề pháp lý. Như vậy, nguồn cung bất động sản bị chặn đứng.

Với thị trường nhà đất, giấy phép pháp lý là quan trọng nhất và nó phụ thuộc vào thể chế. Cần nhanh chóng tháo gỡ điễm nghẽn này. Ông Trương Thanh Đức.

Chúng ta nhiều năm nay cứ quy định, muốn làm dự án nhà ở thì trong diện tích đó phải có 1 mét vuông nhà ở. Đó là sai cơ bản.

Chẳng hạn, dự án thành phố Ecopark hay Ocean Park là đất giữa đồng nên lấy đâu ra đất nhà ở. Hay có những dự án giữa trung tâm Quận 1, Quận 3 ở TP. HCM đã được đưa vào sử dụng chục năm nay rồi mà vẫn vướng mắc pháp lý. Như vậy,  người dân khổ, doanh nghiệp chết.

Khi giá nhà quá cao, như quy luật tất yếu của thị trường, vai trò của Nhà nước là can thiệp, điều phối để hạ giá nhưng không phải theo cách đang làm là thanh tra, kiểm tra. Làm như vậy chỉ càng làm giá nhà đất tăng lên. Cứ gây khó dễ, không cấp phép cho các dự án, các dự án không xây dựng được, doanh nghiệp và dân không mua bán được, nên giá bất động sản sẽ càng đắt hơn.

Điểm nghẽn thể chế nhà đất đã và đang gây thiệt hại rất lớn cho nền kinh tế mà tôi e rằng, sắp tới còn lớn hơn nữa. Nó là chi phí, giá thành, công ăn việc làm, cuộc sống người dân, doanh nghiệp bị ách tắc.

Với thị trường nhà đất, giấy phép pháp lý là quan trọng nhất và nó phụ thuộc vào thể chế. Do vậy, phải gỡ từ luật lệ chứ không thể áp dụng điều tra được. Thị trường không tự chữa lành được. Tôi cho là cần nhanh chóng tháo gỡ điễm nghẽn này.

Ông Nguyễn Văn Phúc: Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định thể chế là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”. Vậy thể chế vướng mắc như thế do ai? Do chúng ta. Vậy chúng ta là ai, chúng ta là những người làm nên thể chế đấy, đã đặt ra thể chế đấy. Cho nên, nói cải cách thể chế bắt đầu từ tư duy tức là từ con người.

Cuối cùng, vẫn là tư duy, nhận thức của tổ chức, bộ máy và cách làm của con người.

Thể chế sai không thể tự nó sửa nó được, phải là con người. Vì thể chế do con người tạo ra. Vấn đề là cần tìm ra những con người xứng đáng để xây dựng thể chế cho một Kỉ nguyên mới.

Bà Phạm Chi Lan: Chúng ta phải làm gì để hưởng ứng và thực hiện điều Tổng Bí thư đã nói?

Tôi cho rằng, hiện nay là cơ hội lớn để cho tất cả mọi người, mọi tầng lớp tham gia vào Đổi mới thể chế ở nước ta để phá vỡ điểm nghẽn này. Nếu không thoát khỏi điểm nghẽn này, Việt Nam không vươn mình được, nền kinh tế không thể vươn lên được.

Tôi chỉ mong có hành động cụ thể để khẳng định của Tổng Bí thư sẽ được nhanh chóng được lan toả và thực hiện ở tất cả các cấp khác nhau, từ những cấp có trách nhiệm cao nhất đối với vận mệnh chung của đất nước đến các tầng lớp xã hội của người dân.

Ngoài chuyện đất đai, doanh nghiệp còn đang đối diện với 16.000 giấy phép con. Đây chính là nút thắt, điểm nghẽn lớn trong môi trường kinh doanh hiện nay.

Trước đây, khi làm Luật Doanh nghiệp 1999, Chính phủ thời đó đã giảm xuống chưa tới 200 giấy phép con. Thế mà từ đó đến nay số giấy phép đã lên thành 16.000.

Thể chế là một trong ba đột phá chiến lược, được nêu từ ba kì Đại hội XI, XII, XIII. Tổng Bí thư đã chọn đúng điểm cần đột phá chiến lược nhất là thể chế. Rất hy vọng và mong có hành động nhanh chóng để tạo niềm tin, tạo niềm hưng phấn cho xã hội.

Ảnh: Lê Anh Dũng

Tổng Biên tập Nguyễn Văn Bá: Bàn tròn hôm nay đã bao gồm 3 chủ đề: Thúc đẩy các nguồn lực của đất nước cho phát triển; Tạo lập kinh tế thị trường cạnh tranh; Cải cách thể chế.

Chúng tôi hy vọng các chủ đề này sẽ đóng góp thêm ý tưởng, góp ý chính sách để góp phần đưa đất nước phát triển thịnh vượng. Tất nhiên, nhiều chủ đề khác cũng rất cần thiết, nhưng vì thời lượng không cho phép, chúng tôi xin dừng ở đây.

Xin cảm ơn ba vị khách mời và các độc giả của VietNamNet. Xin hẹn một dịp tới đây chúng ta sẽ tiếp tục gặp lại nhau để bàn luận về các chủ đề quan trọng khác. Xin trân trọng cảm ơn!.

—————

Vietnamnet (Tuần Việt Nam) ngày 15-11-2024:

https://vietnamnet.vn/cai-cach-the-che-bat-dau-tu-con-nguoi-2341983.html

(44 phút; 589/3.709)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

436. Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài...

Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài sản công. Cố vấn: Luật...

Phỏng vấn 

4.414. Lấp lỗ hổng quản lý trong đầu tư trực...

Lấp lỗ hổng quản lý trong đầu tư trực tuyến tiền ảo, tài chính, chứng...

Trích dẫn 

3.969. Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ...

Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ xấu gia tăng nhưng tốt...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 235,613