‘Hiến kế’ hóa giải điểm nghẽn của thể chế.
(TT) – Nhiều người dân kỳ vọng, các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ có những giải pháp quyết liệt tiếp tục cải cách, hoàn thiện thể chế tháo gỡ vướng mắc trên nhiều lĩnh vực kinh tế xã hội. Phóng viên báo Tin tức đã có cuộc trao đổi vấn đề này với Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC, thành viên của Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp (Trung tâm Trọng tài Quốc tế).
Thưa ông, là người tham gia góp ý, xây dựng các chính sách pháp luật, ông nhận xét như thế nào về câu nói “thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn”?
Thể chế tốt không chỉ phát huy được lợi thế sẵn có, mà còn phải tạo ra lợi thế mới tốt hơn. Đáng tiếc, nhiều lợi thế phát triển kinh tế đang bị bị hạn chế bởi thể chế. Ví dụ, câu chuyện giá nhà đất tăng “chóng mặt” mấy năm nay là đúng quy luật thị trường, nguyên nhân chủ yếu là do thể chế, tức là các chính sách, quy định của pháp luật gây ra.
Theo Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh, vướng mắc pháp lý chiếm trên 70% vướng mắc của thị trường bất động sản. Ước tính, cả nước có hơn 1.200 dự án bất động sản, với tổng giá trị trên 30 tỷ USD đang “đắp chiếu” do “nghẽn” pháp lý.
Đáng quan ngại, ngay cả khi dự án bị dừng lại, không có doanh thu, doanh nghiệp vẫn phải trả lương cho nhân viên, thanh toán hợp đồng thi công, trả lãi ngân hàng… Nguồn cung bất động sản bị “chặn đứng”, phản ứng tất yếu của thị trường là phải tăng giá. Từ đầu năm đến nay, giá đất bất động sản, giá nhà đất liên tục tăng cao ở tất cả các phân khúc, từ chung cư đến nhà liền kề, đến biệt thự, từ các quận, huyện trung tâm đến vùng ven đô.
Đối với thị trường nhà đất, yếu tố pháp lý đặc biệt quan trọng, phụ thuộc phần lớn vào thể chế, nên phải gỡ từ luật, không thể tự “chữa lành” hay tìm ra lối đi khác. Điểm nghẽn thể chế nhà đất đã và đang tạo ra nguy cơ, thiệt hại cho nền kinh tế, cũng như cuộc sống của người dân…
Sau một thời gian đổi mới và bứt phá, Việt Nam đang có những lợi thế và thách thức gì, đặc biệt về kinh doanh, tiêu dùng và hội nhập, thưa ông?
Môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi được xem là “bệ đỡ” giúp các doanh nghiệp hoạt động ổn định và phát triển.
Việt Nam đang có 3 lợi thế, đặc biệt về kinh doanh, tiêu dùng và hội nhập. Doanh nhân và người dân chấp nhận rủi ro, sẵn sàng đầu tư, sản xuất kinh doanh mạnh mẽ; doanh nghiệp và cá nhân chấp nhận hội nhập, sẵn sàng tham gia chuỗi cung ứng và tiêu thụ toàn cầu, đặc biệt tận dụng được các lợi thế của công nghệ mới, trí tuệ nhân tạo. Bên cạnh đó, người tiêu dùng chấp nhận chi tiêu mạnh tay, sẵn sàng tiêu thụ nhiều hàng hóa, dịch vụ, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh. Tất nhiên, đầu tư, sản xuất, kinh doanh và cả tiêu thụ… phụ thuộc nhiều vào thể chế. Thế chế là yếu tố mang tính quyết định sự phát triển.
Đổi mới thể chế nằm trong tay Nhà nước, chính là các cán bộ, công chức trong bộ máy Nhà nước được giao quyền và trách nhiệm phân bổ quyền lực. Các cơ chế của chúng ta cũng vậy, trao quyền cho nhiều nơi, nhiều cá nhân, nhưng trách nhiệm lại không rõ ràng. Do vậy, đổi mới thể chế là giảm thiểu việc can thiệp hành chính trực tiếp vào thị trường, thay vào đó là can thiệp bằng cơ chế, bằng chính sách, công cụ kinh tế…
Thưa ông, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài phát biểu quan trọng, trong đó tiếp tục yêu cầu đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp, chuyển đổi tư duy pháp luật theo hướng vừa đảm bảo tư duy quản lý Nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển, dứt khoát bỏ tư duy “không quản được thì cấm”. Theo ông làm sao để có thiết kế chính sách theo tinh thần này?
Quan điểm “không quản được thì cấm” dù không mới, nhưng vẫn cần tiếp tục nhắc lại để tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi.
Thực tế, tình trạng hiện nay không chỉ chỉ dừng ở mức không quản được thì cấm, mà khó một chút là cấm, thậm chí “không thích” cũng cấm, đó là điều nguy hiểm. Thể chế phải kết hợp cả 3 yếu tố: Lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Đơn cử hiện nay như sự bất cập của các quy định phòng cháy chữa cháy. Trên nghị trường Quốc hội, có đại biểu từng chia sẻ về một khu công nghiệp thu hút dự án 500 triệu USD và nhà đầu tư chỉ muốn làm trong vòng 10 tháng để sớm đưa vào hoạt động. Nhưng trước khi có giấy phép xây dựng, khu công nghiệp phải làm thủ tục môi trường, thủ tục phòng cháy chữa cháy kéo dài từ 6 – 8 tháng, sau đó mới được cấp phép xây dựng. Nếu đơn giản hóa thủ tục về môi trường, phòng cháy chữa cháy sẽ giúp khu công nghiệp rút ngắn thời gian đầu tư, đơn giản hóa thủ tục…
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Minh Phương
—————
Tin tức (Kinh tế) 25-11-2024:
https://baotintuc.vn/kinh-te/hien-ke-hoa-giai-diem-nghen-cua-the-che-20241125161301218.htm
(787/1.022)