4.397. ‘DN muốn được giải thoát khỏi các điều kiện kinh doanh vô lý’.

‘DN muốn được giải thoát khỏi các điều kiện kinh doanh vô lý’.

(VNF) – Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, doanh nghiệp muốn được thật sự tự do kinh doanh theo đúng tinh thần của Hiến pháp, muốn được giải thoát khỏi các điều kiện kinh doanh vô lý để chớp lấy cơ hội, tự tin chiến đấu và chiến thắng trên thương trường.
– Tổng bí thư Tô Lâm nhấn mạnh “điểm nghẽn” của “điểm nghẽn” là “thể chế”. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Luật sư Trương Thanh Đức: Tôi cho rằng mỗi vấn đề đều có ưu và nhược điểm của riêng nó. Đôi khi thể chế chưa hoàn thiện và còn điểm nghẽn cũng là động lực cho sự phát triển trong giai đoạn tới.

Thực tế cho thấy thể chế tốt không phải là chỉ phát huy được lợi thế sẵn có, mà còn phải tạo ra lợi thế mới to lớn hơn. Đáng tiếc là nhiều lợi thế của chúng ta đã bị hạn chế bởi thể chế.

Tôi nghiệm ra rằng, hầu hết các thất bại kinh tế của chúng ta trong mấy chục năm qua là do chính sách sai. Và ngược lại, mọi thành công có được đều nhờ vào sự sửa sai để đúng với nguyên lý thị trường.

Quay trở lại với điểm nghẽn thế chế, đây là vấn đề đã được nói nhiều lần, nhiều năm nhưng vẫn nghẽn. Điểm nghẽn này đã phần nào cản trở sự phát triển của đất nước nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng.

DN muốn được giải thoát

Báo cáo PCI 2023 cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp có thể dự đoán được sự thay đổi trong quy định pháp luật của Trung ương có xu hướng giảm dần. Năm 2013, tỷ lệ doanh nghiệp dự đoán được khoảng 14,29%, nhưng vài năm gần đây, tỷ lệ này chưa đến 5%. Bên cạnh đó, chỉ hơn 6% doanh nghiệp dự đoán được việc thực hiện các quy định pháp luật trung ương tại các địa phương.

Có 61% doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục đề nghị cấp phép kinh doanh có điều kiện, 61% doanh nghiệp trả chi phí không chính thức còn cao trong hoạt động cấp phép kinh doanh có điều kiện, 22% doanh nghiệp trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh do phiền hà trong việc tiếp cận cấp giấy phép kinh doanh.

Hay ví dụ về câu chuyện giá nhà đất tăng chóng mặt mấy năm nay là đúng quy luật thị trường, tuy nhiên tiếp cận từ góc độ pháp lý, tôi cho rằng nguyên nhân chủ yếu là do thể chế, tức là các chính sách, quy định của pháp luật gây ra.

Theo VCCI và Bộ Xây dựng, đến giữa năm 2023, cả nước có khoảng 1.200 dự án bất động sản, nhà ở thương mại bị vướng mắc, chủ yếu là vướng mắc pháp lý. Nguồn cung bất động sản bị chặn đứng, phản ứng tất yếu của thị trường là phải tăng giá.

Điểm nghẽn thể chế nhà đất đã và đang tạo ra nguy cơ, thiệt hại rất lớn cho nền kinh tế kinh tế cũng như cuộc sống của người dân. Với thị trường nhà đất, yếu tố pháp lý là đặc biệt quan trọng, nên phải gỡ từ luật lệ, chứ không thể tự chữa lành hay tìm ra lối đi khác.

Do đó, tôi cho rằng hiện nay, tháo gỡ điểm nghẽn thể chế đúng là ưu tiên hàng đầu, vì tháo gỡ được điểm nghẽn thể chế sẽ là chìa khóa quyết định việc tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng và nhân lực.

– Nói thêm về câu chuyện giá nhà đất, không ít quan điểm đổ lỗi cho (mặt trái) của kinh tế thị trường hay giới đầu cơ… ông nghĩ sao?

Luật sư Trương Thanh Đức: Đánh giá như vậy quá đơn giản. Nguyên nhân của thị trường bất động sản hiện nay chủ yếu do thể chế, do chính sách và quy định của pháp luật. Điều này dẫn đến tình trạng phải mất mấy năm mới có một dự án.

Vì thế, giá bất động sản tăng như thời gian qua là còn thấp. Giá tăng chóng mặt là đúng quy luật thị trường. Muốn tháo gỡ những bất cập của thị trường bất động sản, ta phải tháo gỡ từ nguồn cung, tức tăng cung chứ không phải xử lý phần đấu giá đất. Đất đai để phát triển, xây nhà của nước ta hiện vẫn còn mênh mông chứ không chật chội như Singapore. Bộ Xây dựng công bố, cả nước có khoảng 1200 dự án bất động sản nhà ở thương mại bị vướng mắc về vấn đề pháp lý.

Như vậy, nguồn cung bất động sản bị chặn đứng. Với thị trường nhà đất, pháp lý là quan trọng nhất và nó phụ thuộc vào thể chế, cần nhanh chóng tháo gỡ điểm nghẽn này.

Việc hoàn thiện, gỡ vướng về thể chế, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh… góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển của đất nước.

Chúng ta nhiều năm nay cứ quy định, muốn làm dự án nhà ở thì trong diện tích đó phải có 1 mét vuông đất ở. Đó là cái sai cơ bản. Chẳng hạn, dự án Ecopark hay Ocean Park là đất giữa cánh đồng nên lấy đâu ra đất ở. Hay có những dự án giữa trung tâm quận 1, quận 3 ở TP. HCM đã được đưa vào sử dụng chục năm nay rồi mà vẫn vướng mắc pháp lý. Như vậy, người dân khổ, doanh nghiệp khổ.

Khi giá nhà quá cao, như quy luật tất yếu của thị trường, vai trò của nhà nước là can thiệp, điều phối để hạ giá nhưng không phải theo cách thanh tra, kiểm tra. Làm như vậy chỉ càng làm giá nhà đất tăng lên; càng gây khó dễ, không cấp phép cho các dự án, các dự án không xây dựng được, doanh nghiệp và dân không mua bán được, giá bất động sản sẽ càng đắt hơn.

Điểm nghẽn thể chế nhà đất đã và đang gây thiệt hại rất lớn cho nền kinh tế mà tôi e rằng, sắp tới còn lớn hơn nữa. Đó là chi phí, giá thành, công ăn việc làm, cuộc sống người dân, doanh nghiệp bị ách tắc. Nhấn mạnh lại, với thị trường nhà đất, chúng ta phải gỡ khó từ luật pháp chứ không thể áp dụng phương cách điều tra. Thị trường không tự chữa lành được. Tôi cho là cần nhanh chóng tháo gỡ điểm nghẽn này.

– Từ góc nhìn của mình, ông cho rằng doanh nghiệp đang cần tháo gỡ những điểm gì?

Luật sư Trương Thanh Đức: Tôi vẫn tin rằng, doanh nghiệp không cần tiền, không cần hỗ trợ mà cần thể chế – chính sách tốt, cần được đối xử công bằng trong kinh doanh. Doanh nghiệp muốn được thật sự tự do kinh doanh theo đúng tinh thần của Hiến pháp, muốn được giải thoát khỏi các điều kiện kinh doanh vô lý để chớp lấy cơ hội, tự tin chiến đấu và chiến thắng trên thương trường.

Nhưng nếu chúng ta cứ cò kè bớt một thêm hai điều kiện kinh doanh, doanh nghiệp vẫn sẽ vẫn cứ luẩn quẩn trong “mê hồn trận” của pháp luật, sẽ không thành công khi bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Vậy làm thế nào để môi trường kinh doanh Việt Nam thông thoáng và khuyến khích được tinh thần tự do kinh doanh của doanh nghiệp?

Luật sư Trương Thanh Đức: Cái cần thay đổi đầu tiên là nguyên tắc áp dụng pháp luật. Khi pháp luật xung đột, mâu thuẫn, chồng chéo đối với một việc, người dân phải được toàn quyền lựa chọn áp dụng theo quy định nào có lợi nhất cho họ.

Nếu có hậu quả pháp lý nào đó không tốt là trách nhiệm của các cơ quan ban hành chứ không phải là trách nhiệm của người dân. Trước nay, quan điểm của chúng ta là rất coi trọng, đề cao công tác xây dựng pháp luật, cải cách hành chính. Sức ép của hội nhập, của cải cách buộc chúng ta sẽ phải tiếp tục gặp những khó khăn, vất vả, chứ không dừng lại được.

Thay vì trước kia chúng ta có thể làm những động tác đơn giản là rà soát thì bây giờ đến giai đoạn đòi hỏi chất lượng cao hơn. Đấy là một câu chuyện rất thách thức nhưng tôi nghĩ với cách thức, quan điểm triển khai hiện nay, chắc chắn chúng ta sẽ nhanh chóng đi đến được những giải pháp tốt nhất để có được những quy định, những thủ tục hành chính đột phá.

Một thay đổi tưởng là nhỏ nhưng sẽ tác động vô cùng lớn đến nền kinh tế – xã hội, từ tâm lý hứng khởi của các nhà đầu tư cho đến vận hành trên thị trường có ý nghĩa thúc đẩy rất lớn.

– Xin cảm ơn ông!

Kỳ Thư

————-

Vietnam Finance (Diễn đàn) ngày 26-11-2024:

https://vietnamfinance.vn/dn-muon-duoc-giai-thoat-khoi-cac-dieu-kien-kinh-doanh-vo-ly-d119163.html

(1.493/1.594)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

436. Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài...

Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài sản công. Cố vấn: Luật...

Phỏng vấn 

4.415. Ngân hàng 'nước rút' xác thực sinh trắc...

Ngân hàng 'nước rút' xác thực sinh trắc học trước giờ G. (NĐT) -...

Trích dẫn 

3.969. Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ...

Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ xấu gia tăng nhưng tốt...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 235,925