Sửa thuế thu nhập cá nhân thế nào cho hợp lý?
(TN) – Cần sửa đổi mức giảm trừ gia cảnh, giảm số bậc thuế hiện hành, điều chỉnh quy định về người phụ thuộc… để phù hợp với điều kiện mới trong việc xây dựng dự án luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế).
Tăng mức giảm trừ gia cảnh
Mức giảm trừ gia cảnh (GTGC) theo quy định của luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) hiện nay đã được các chuyên gia kinh tế cũng như các đại biểu Quốc hội nhiều lần đánh giá là quá lạc hậu, không đảm bảo được đời sống của nhiều gia đình thuộc diện nộp thuế. Bộ Tài chính cũng thừa nhận mức GTGC cho cá nhân người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng và mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng được áp dụng từ năm 2020 đến nay nên cần thiết phải rà soát, đánh giá lại để đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung phù hợp với các điều kiện mới. Theo bộ này, mức GTGC cụ thể cần được nghiên cứu, tính toán một cách kỹ lưỡng, đảm bảo phù hợp với sự biến động của giá cả cũng như sự gia tăng mức sống dân cư trong giai đoạn vừa qua cũng như dự báo cho thời gian tới đây. Đồng thời, có thể cân nhắc nghiên cứu phương án giao Chính phủ quy định mức GTGC để đảm bảo linh hoạt, chủ động điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong từng thời kỳ.
Cần nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc
ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Luật sư Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc Hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), nhấn mạnh: Việc sửa luật Thuế TNCN đợt này cần phải tính toán kỹ ở phần điều chỉnh mức GTGC cho người nộp thuế và người phụ thuộc để không còn tái diễn tình trạng vừa đưa vào áp dụng lại bị lạc hậu khi tình hình kinh tế – xã hội thay đổi từng năm. Cụ thể, luật sư Nghĩa đề xuất nên tính mức GTGC bằng 4 – 5 lần lương tối thiểu vùng. Bởi mức lương tối thiểu vùng được Chính phủ ban hành hằng năm đã có sự đồng thuận giữa đại diện của người sử dụng lao động và người lao động. Việc quy định mức GTGC để tính thuế TNCN theo lương tối thiểu vùng cũng hợp lý, công bằng giữa các vùng miền. Đồng thời, khi áp dụng mức GTGC cho người nộp thuế theo lương tối thiểu vùng thì bỏ luôn quy định trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% mới điều chỉnh GTGC. Song song đó, mức GTGC cho mỗi người phụ thuộc cũng phải được nâng lên tối thiểu bằng 50% mức GTGC bản thân người nộp thuế (hiện tại là bằng 40%). “Tôi không hiểu tại sao mức GTGC cho người phụ thuộc chỉ bằng 40% của người nộp thuế. Trong khi đó chi phí cho một người phụ thuộc cũng không thể thấp hơn nhiều so với bản thân người nộp thuế vì cùng sinh hoạt, ăn ở như nhau. Nếu Bộ Tài chính lại quy định mức GTGC theo một con số cố định như hiện nay thì sẽ dễ bị rơi vào tình trạng cần xem xét thay đổi thường xuyên. Khi áp dụng mức GTGC dựa theo mức lương tối thiểu vùng thì Chính phủ không cần phải làm thêm động tác điều chỉnh mức GTGC vì đã có cơ sở lương tối thiểu hằng năm được công bố. Điều này sẽ nhanh gọn và hợp lý, công bằng hơn”, luật sư Nguyễn Đức Nghĩa nói.
Ông Nguyễn Văn Được, Ủy viên Thường trực Hội Tư vấn thuế VN, Tổng giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn Thuế Trọng Tín, đồng tình thuế TNCN tác động đến nhiều đối tượng và có nhiều quy định bất cập trong thời gian qua. Trong đó, vấn đề gây bức xúc lớn nhất trong sắc thuế này là mức GTGC không được thay đổi theo những biến động về kinh tế vì dựa trên mức tăng CPI 20% mới được điều chỉnh nên khá chậm. Do đó trong đợt thay đổi luật thuế lần này cần đưa ra căn cứ khác hoặc giao cho Chính phủ quyết định cho phù hợp với tình hình thực tế.
Cần sửa đổi các quy định về thuế TNCN hiện tại vốn đã lạc hậu
ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Điều kiện người phụ thuộc, thu nhập vãng lai thiếu thực tế
Không chỉ mức GTGC lạc hậu mà những quy định hiện nay liên quan đến người phụ thuộc, thu nhập vãng lai cũng xa rời thực tế. Chẳng hạn, quy định người có thu nhập trên 1 triệu đồng/tháng không được xem là người phụ thuộc khiến nhiều người nộp thuế TNCN thiệt thòi trăm bề. Ông Nguyễn Quang (Q.12, TP.HCM) chia sẻ mẹ ông ngoài 70 tuổi và có hưởng chế độ tử tuất trên 1 triệu đồng/tháng nên không được tính là người phụ thuộc. Trong khi đó, chi phí cho một người lớn tuổi có khi cao hơn cả bản thân người nộp thuế do tiền khám sức khỏe, tiền thuốc khá nhiều. Do vậy theo ông, Chính phủ cần xem xét lại quy định như cho người có thu nhập dưới mức GTGC đối với người phụ thuộc thì vẫn được tính là người phụ thuộc. Bởi những người có mức thu nhập chỉ vài triệu đồng tháng thì không thể trang trải chi phí cuộc sống, đặc biệt là tại Hà Nội và TP.HCM. “Mức GTGC cho một người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng đã không còn đủ chi tiêu cho chính bản thân người này thì quy định chỉ có thu nhập hơn 1 triệu đồng/tháng lại không được tính là người phụ thuộc là quá vô lý”, ông Quang bức xúc.
Với các quy định về thuế TNCN hiện nay người dân khó trang trải cuộc sống, nhất là tại các đô thị lớn
ẢNH: NHẬT THỊNH
Hay quy định thu nhập vãng lai trên 2 triệu đồng khấu trừ thuế 10% cũng khiến nhiều người dù thu nhập thấp cũng phải mất thời gian và công sức làm thủ tục hoàn thuế. Chị Nguyễn Thị Hiền làm công việc tạp vụ cho một công ty có trụ sở ở Q.Phú Nhuận (TP.HCM), khoán lương 7 triệu đồng/tháng (không bao gồm bảo hiểm hay những khoản khác). Mỗi lần nhận tiền, công ty trừ thuế 10%, mất 700.000 đồng nên số tiền chị nhận được chỉ còn 6,3 triệu đồng. Trường hợp của chị thu nhập hằng tháng chưa đến 11 triệu đồng, thuộc diện chưa đến mức chịu thuế TNCN. Thế nhưng, chị vẫn bị trừ thuế trước, hoàn sau. Khổ nỗi, chị không biết gì về thủ tục để làm hoàn thuế nên hầu như các năm đều không thể làm thủ tục để nhận lại số tiền đã bị tạm khấu trừ. Chưa hết, chính vì quy định này mà lượng hồ sơ xin hoàn thuế TNCN ngày càng tăng cao. Đơn cử trong năm 2022, Cục Thuế TP.HCM đã nhận 23.545 hồ sơ quyết toán thuế TNCN, tăng 21% số hồ so với cùng kỳ 2021. Cơ quan thuế đã giải quyết hoàn thuế TNCN cho 22.893 hồ sơ với số tiền 150,4 tỉ đồng, tăng 20% về số lượng hồ sơ và 11,7% số tiền hoàn. Như vậy, tính bình quân mỗi hồ sơ hoàn thuế TNCN gần 6,6 triệu đồng. Đó là chưa kể một bộ hồ sơ hoàn thuế theo đúng quy định phải qua cả chục chữ ký mới chuyển qua Kho bạc Nhà nước để hoàn tiền cho người nộp thuế.
Ông Nguyễn Ngọc Tú, giảng viên Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, nói thẳng quy định về thu nhập vãng lai đã quá lạc hậu. Nhiều năm trước, Bộ Tài chính cũng đã thấy mức này lạc hậu và cũng có đề xuất lên 5 triệu đồng nhưng đến nay vẫn chưa có sự thay đổi nào. Do đó cần phải điều chỉnh quy định thu nhập vãng lai trên 5 triệu đồng/lần mới tạm trừ thuế TNCN. Đồng thời, khi người nộp thuế cho thu nhập vãng lai này xong thì thôi, không đưa vào thực hiện quyết toán như hiện nay rồi tính theo biểu thuế lũy tiến. Như vậy sẽ đỡ gánh nặng cho cá nhân khi làm thủ tục quyết toán thuế cuối năm.
Giảm bậc thuế và mức thuế tối đa
Ngoài việc sửa mức GTGC, biểu thuế lũy tiến từng phần áp dụng đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công với 7 bậc thuế hiện tại gồm 5%, 10%, 15%, 20%, 25%, 30% và 35% được nhiều chuyên gia cho rằng quá cao, tận thu người nộp thuế. Bộ Tài chính cũng nhận định qua rà soát cơ cấu biểu thuế hiện nay và nghiên cứu xu hướng cải thiện về mức sống dân cư trong thời gian tới cũng như kinh nghiệm quốc tế cho thấy VN có thể nghiên cứu cắt giảm số bậc thuế của biểu thuế hiện nay từ 7 bậc xuống mức phù hợp; cùng với đó, xem xét nới rộng khoảng cách thu nhập trong các bậc thuế, đảm bảo điều tiết ở mức cao hơn vào những người có thu nhập ở bậc thuế cao. Thực hiện theo hướng này sẽ góp phần đơn giản hóa, giảm số bậc thuế nhằm tạo thuận lợi cho công tác kê khai, nộp thuế của người nộp thuế.
Ông Nguyễn Văn Được nhận xét các bậc thuế suất đối với người làm công ăn lương quá dày. Các bậc ở mức thấp thì nhảy nhanh, còn mức thuế suất cao thì nhảy chậm. Chính vì vậy cần nghiên cứu thu gọn lại các bậc thuế, nhất là những bậc 1 và 2. “Mức thuế suất 35% là quá cao nên chưa khuyến khích người dân làm giàu. Mức thuế suất cao quá sẽ khiến xảy ra hiện tượng lao động chảy sang các nước có mức thu nhập thấp hơn để nộp. Ban soạn thảo nên cân nhắc khi áp dụng mức thuế suất này”, ông Được lưu ý.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, phân tích theo xu hướng chung của nhiều nước cũng như với các sắc thuế khác theo theo hướng đơn giản dễ thực hiện. Vì vậy, nên giảm 7 bậc thuế hiện nay xuống còn 4 bậc gồm 5%, 10%, 20% và 30%. Đi kèm việc giảm bậc thuế là nâng khoảng cách giữa các bậc. Ví dụ, mức 20% chỉ áp dụng cho thu nhập chịu thuế trên 50 triệu đồng/tháng và mức cao nhất 30% là cho người có thu nhập chịu thuế từ 150 triệu đồng/tháng. “Giảm bậc thuế và nâng khoảng cách giữa các bậc chịu thuế để thực hiện đơn giản nhưng không lo thất thu bởi người nộp thuế sẽ không tìm cách tránh né. Các khoảng cách chịu thuế này vẫn bao quát trong số lượng người làm công ăn lương là đối tượng chính nộp thuế TNCN”, Luật sư Trương Thanh Đức nói. Trong trường hợp cơ quan soạn thảo luật không nâng mức GTGC thì phải hướng đến việc cho phép người nộp thuế khấu trừ các khoản chi hợp lý, hợp lệ cho bản thân và người phụ thuộc. Trong đó quan trọng nhất là chi phí khám chữa bệnh, học hành. Đây là 2 khoản chi phí rõ ràng nhất theo chứng từ mà cơ quan thuế có thể dễ dàng kiểm tra được thông qua hóa đơn điện tử. Việc cho phép khấu trừ các chi phí này cũng phản ánh thực tế của từng địa phương khác nhau, phù hợp với đời sống của người dân theo vùng miền.
Mai Phương – Thanh Xuân
—————
Thanh niên (Kinh tế) 28-11-2024:
https://thanhnien.vn/sua-thue-thu-nhap-ca-nhan-the-nao-cho-hop-ly-185241127230452614.htm
(273/2.052)