Tăng cường kiểm soát sở hữu chéo ngành tài chính ngân hàng
(VTV.vn) – Ngân hàng Nhà nước cần có văn bản hướng dẫn chi tiết và giám sát chặt chẽ để các tập đoàn tài chính, ngân hàng phát triển lành mạnh và bền vững.
Để tăng cường kiểm soát tình trạng sở hữu chéo trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, Luật Tổ chức tín dụng 2024 đã đưa ra nhiều quy định chặt chẽ hơn về công khai thông tin hay giảm giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải giám sát quá trình thực thi. Thông tin được đưa ra tại hội thảo “Xây dựng tập đoàn tài chính phát triển bền vững ở Việt Nam”, vừa được tổ chức sáng nay.
Rất nhiều thông tin quy định về sở hữu chéo đã được đưa ra tại hội thảo. Ví dụ như Luật Tổ chức tín dụng yêu cầu giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa của cổ đông và người có liên quan từ 20% xuống 15%; của tổ chức từ 15% xuống 10%. Hay như phải công khai thông tin cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ. Tuy nhiên, hiện tại mới có 23 ngân hàng công bố danh sách này. Vì thế, các chuyên gia nhấn mạnh tới việc cần tăng cường công khai, minh bạch hơn nữa.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, cho biết: “Các con số tỷ lệ, các giới hạn trên lý thuyết, giấy tờ, trên báo cáo thường chấp hành tốt, nếu có thì trong một thời hạn nhất định có những lý do nhất định. Nhưng quan trọng là làm sao phản ánh con số thật, người ta sở hữu thật sự bao nhiêu”.
Luật Tổ chức tín dụng 2024 đã đưa ra nhiều quy định chặt chẽ hơn về công khai thông tin hay giảm giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần
Một vấn đề quan trọng khác được đặt ra là hiện tại có không ít ngân hàng đang phát triển theo mô hình tập đoàn tài chính, tức là không chỉ cung cấp dịch vụ ngân hàng, còn phát triển các ngành nghề đa dạng khác như chứng khoán, bảo hiểm và cả ngành sản xuất, dịch vụ. Do đó, để tránh tình trạng cho vay sân sau kém hiệu quả, cần phải có cơ chế giám sát chặt chẽ.
Ông Phạm Xuân Hòe – Nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam chia sẻ: “Chúng ta vẫn giám sát, thanh tra một cách độc lập, như đối với hệ thống ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước thanh tra, đối với bảo hiểm và chứng khoán thì do Bộ Tài chính thanh tra. Nhưng chúng ta thiếu một cơ chế là thanh tra giám sát bổ sung hợp nhất để bảo đảm nhìn được toàn cảnh hợp nhất tập đoàn đó hoạt động như thế nào”.
Hội thảo cũng nhấn mạnh Luật Tổ chức tín dụng đã đưa ra các giới hạn về tỷ lệ sở hữu vốn, tuy nhiên, không nên có lộ trình dài hạn như 5 năm mà nên để cho các ngân hàng phải giảm dần tỷ lệ, yêu cầu họ sớm tuân thủ ngay lập tức. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cần có văn bản hướng dẫn chi tiết và giám sát chặt chẽ để các tập đoàn tài chính, ngân hàng phát triển lành mạnh và bền vững.
VTV Digital
—————
VTV.vn (Kinh tế) ngày 05-12-2024:
(phút 0:47 – 68/613)