“Nợ xấu ngân hàng tiếp tục bị che mờ nếu gia hạn Thông tư 02”.
(VNF) – Đó là quan điểm của Luật sư Trương Thanh Đức trước việc Thông tư 02/2023/TT-NHNN quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng khó khăn sẽ hết hạn vào cuối năm nay.
Tháng 4/2023, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.
Gần 2 năm qua, Thông tư 02/2023/TT-NHNN (được kéo dài bởi Thông tư 06/2024-TT/NHNN) đã giúp khách vay ngân hàng không bị tình trạng nợ xấu, dễ dàng tiếp cận vốn để sản xuất kinh doanh; giúp ngân hàng không bị suy giảm chất lượng tài sản, tạm thời ổn định được hoạt động. Tuy nhiên, thông tư này cũng có khía cạnh kém tích cực là khiến bức tranh nợ xấu của hệ thống ngân hàng không được thể hiện một cách đầy đủ.
Ngày 31/12/2024 tới đây, Thông tư 02 sẽ hết hạn, đặt ra không ít vấn đề cho ngành ngân hàng, nhất là trong việc xử lý nợ xấu. Để làm rõ hơn những vấn đề mà ngành ngân hàng phải đối diện sau Thông tư 02, VietTimes đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI.
Chỉ người trong cuộc mới biết rõ về nợ xấu
– Theo ông, sau khi Thông tư 02 hết hạn, bước đi tiếp theo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ là gì?
– Tôi nghĩ nhiều khả năng là NHNN sẽ tiếp tục kéo dài hiệu lực của Thông tư 02 hoặc có một thông tư tương tự để đạt được những mục tiêu ngắn hạn về các chỉ số, tạo tâm lý tích cực cho thị trường, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng – điều rất quan trọng để theo đuổi mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm sau.
Tôi nhận định như vậy là căn cứ vào động thái của NHNN xử lý tình trạng này suốt từ năm 2020 đến nay. Đó là chính sách tương tự như trong Thông tư 02 đã được ban hành và sửa đổi tới 06 lần.
Lần đầu tiên là Thông tư 01 ngày 13/3/2020 để giải quyết khó khăn do đại dịch COVID-19. Lần thứ hai là Thông tư 03/2021 ngày 02/4/2021 và lần thứ 3 là Thông tư 14 ngày 07/9/2021 để sửa đổi Thông tư 01. Lần thứ tư là Thông tư 02 ngày 23/4/2023 để giải quyết khó khăn nói chung. Lần thứ năm là Thông tư 06 ngày 18/6/2024, để gia hạn Thông tư 02. Và lần thứ sáu (nếu có) là để giải quyết khó khăn do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Yagi) đã xảy ra vào tháng 9/2024.
– Hệ quả của việc gia hạn sẽ là gì?
– Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ khiến bức tranh tổng thể về nợ xấu của hệ thống ngân hàng cũng như nợ xấu cụ thể của từng ngân hàng tiếp tục bị “che khuất, làm mờ”.
Hay nói cách khác, tình trạng nợ xấu của các ngân hàng hiện nay chỉ có người trong cuộc mới biết và nó sẽ khác xa con số công bố nếu theo đúng chuẩn mực như trước khi có Thông tư 01 đầu tiên vào năm 2020.
– Sở dĩ có tình trạng nợ xấu bị che khuất là do thông tư cho phép giữ nguyên nhóm nợ. Ông nghĩ gì về việc phân loại nợ chưa được thực hiện một cách nghiêm túc?
– Tôi cho rằng mục tiêu của Thông tư 02 cũng như các thông tư nêu trên là đúng đắn và rõ ràng, nhưng giải pháp như vậy thì chưa hợp lý. Lẽ ra vẫn phải phân loại nợ (phân loại tài sản Có), không nên cho nới lỏng điều kiện gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ (giãn nợ) và giữ nguyên nhóm nợ không thực chất.
Một trong những giải pháp tốt là khoanh nợ (tức tạm thời dừng thu nợ gốc, lãi và các khoản phí phát sinh của khoản nợ) đồng thời vẫn thực hiện các biện pháp hỗ trợ như cho vay bổ sung, cho vay mới, miễn, giảm lãi, phí,… tạo điều kiện cho khách hàng có điều kiện, thời gian phục hồi khả năng tài chính để duy trì sản xuất, kinh doanh và trả nợ.
Vì pháp luật không cho phép khoanh nợ, nên các ngân hàng thương mại không được làm và buộc phải xử lý nợ để cứu khách hàng, đồng thời cũng là tự cứu mình, bằng cách đi vòng qua việc bán nợ kỹ thuật cho VAMC hay thay đổi nguyên tắc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ.
Hay nếu như làm đúng quy định, ngân hàng chỉ được phép thoả thuận với khách hàng về việc miễn, giảm lãi, chứ không được phép thoả thuận với khách hàng về việc miễn, giảm nợ gốc, mà phải phân loại nợ rồi chờ đợi đủ điều kiện trong nhiều năm sau thì mới có thể miễn, giảm (xoá toàn bộ hoặc một phần nợ gốc).
Như vậy, rất khó khăn, vướng mắc trong xử lý nợ ngay tại thời điểm thu hồi nợ và xử lý tài sản bảo đảm, kể cả đối với khoản nợ rất khó hoặc không có khả năng thu hồi. Ngay cả trường hợp đã sử dụng khoản chi phí dự phòng để xử lý rủi ro và khoản nợ đã được đưa ra theo dõi bên ngoài bảng cân đối kế toán thì cũng không được phép thông báo cho khách hàng biết.
Ví dụ khoản vay 10 tỷ đồng, có tài sản bảo đảm trị giá cao hoặc thấp hơn số đó, ngân hàng cũng không được phép thoả thuận với khách hàng rằng chỉ cần trả được 9 tỷ đồng thì sẽ cho rút tài sản bảo đảm và xoá nợ. Trong nhiều trường hợp, nếu xử lý tài sản bảo đảm thì chưa chắc ngân hàng đã thu được 9 tỷ, chưa kể còn phải mất rất nhiều thời gian, công sức, trong khi nguồn vốn thiếu hụt, nợ xấu không giảm, ảnh hưởng lớn tới việc đánh giá các chỉ tiêu an toàn khác.
Vì vậy, nhiều ngân hàng (nhất là ngân hàng mà có một vài chủ tư nhân lớn) vẫn mạnh dạn “cắt lỗ”; sẵn sàng miễn, giảm gốc vì thấy rõ sự lợi hại cần thiết và không gây ra sự mất an toàn.
Nguyên lý của hoạt động ngân hàng là họ có quyền chủ động miễn, giảm lãi, phí (nhất là lãi quá hạn), nhưng chỉ được gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ và cho vay dưới chuẩn theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời bắt buộc phải đánh giá phân loại nợ một cách nghiêm ngặt, chính xác (không thể xấu tốt lẫn lộn) và trích lập đầy đủ các khoản tiền dự phòng để phòng ngừa, xử lý rủi ro.
Bởi việc giãn nợ hay cho vay dưới chuẩn là tốt với khách hàng nhưng là xấu với ngân hàng, còn giữ nguyên nhóm nợ thì tốt với cả 2 bên, nhưng cái tốt này với ngân hàng là tạm thời che dấu, nguy hiểm dài lâu.
Trải qua rất nhiều năm, ngành ngân hàng đã rất khó khăn phấn đấu để tiếp cận chuẩn mực quốc tế về an toàn và chất lượng hoạt động nói chung, tín dụng nói riêng. Việc phải hạ thấp nguyên tắc, giảm bớt yêu cầu, nới lỏng điều kiện, thay đổi tiêu chí giãn nợ, phân loại nợ nhiều lần, trong nhiều năm, đang dần xóa nhòa các nỗ lực trước đó.
Hệ quả là bây giờ rất khó nhìn thấy gam màu thật, tỷ lệ nợ xấu thật sự là bao nhiêu, liệu là 3, 5, 10 hay bao nhiêu %. Nhất là, ngoài việc nợ xấu được che – giảm theo đúng quy định thì còn rất dễ diễn ra tình trạng lợi dụng chính sách, tranh thủ “đèn xanh”, té nước theo mưa.
“Đột ngột dừng Thông tư 02 có thể tạo ra cú sốc”
– Vậy theo ông, việc kéo dài quy định của Thông tư 02 nên được thực hiện như thế nào để đạt được hiệu quả mà giảm bớt được những hạn chế đã được phân tích ở trên?
– Tôi nghĩ cần có giải pháp xử lý sao cho hài hoà, đỡ sốc. Đành rằng, việc xác định đúng và xử lý mạnh nợ xấu là vô cùng cần thiết, là rất khó khăn, nhưng với bối cảnh hiện thời, việc dừng đột ngột cơ chế ở Thông tư 02 có thể tạo ra cú sốc, nên cần có thêm giai đoạn chuyển tiếp bằng cách gia hạn một phần.
Cũng có thể dựa vào lý do mới là hậu quả của bão lụt để ban hành một Thông tư mới tiếp tục gánh đỡ một phần cho Thông tư 02.
Dù làm cách nào thì cũng cần phải xoá bỏ tâm lý kéo dài sự bất tuân thủ nguyên tắc của giới ngân hàng, đồng thời lộ ra mục tiêu vài năm tới đối mặt với nợ xấu thật và mỗi năm xử lý được 20, 30 hay bao nhiêu % nợ xấu đang được hãm lại trong mấy năm qua, đồng thời kiểm soát nợ xấu mới phát sinh.
– Việc xử lý nợ xấu liên quan tới việc xử lý tài sản bảo đảm. Đây vẫn là vướng mắc của các ngân hàng?
– Có tài sản bảo đảm, nhất là bất động sản thì còn quá tốt, chỉ là xử lý nhanh hay chậm, dù giá trị lên xuống và không dễ xử lý, trong đó có việc ngân hàng không còn quyền thu giữ tài sản thế chấp (kể cả đã có thoả thuận và đã quá hạn từ nhiều năm trước).
Điều đáng lo nhất là các khoản vay không có tài sản bảo đảm, hoặc tài sản bảo đảm chỉ để đối phó cho có, chẳng có mấy giá trị. Rất đáng lo ngại khi đâu đó vẫn xảy ra tình trạng ngân hàng cho vay hàng nghìn tỷ đồng đối với những công ty mới thành lập, trong khi dự án, nguồn thu, phương án trả nợ không rõ hiệu quả và khả thi.
– Việc nợ xấu ngày càng lộ diện sẽ ảnh hưởng thế nào tới tình hình kinh doanh của các ngân hàng?
– Nợ xấu khi lộ diện sẽ tác động đáng kể đến hoạt động kinh doanh của các ngân hàng. Tuỳ tình hình cụ thể mà mỗi ngân hàng có lựa chọn cách thức ứng phó khác nhau. Nhưng tôi cho rằng đây là thời điểm khá thuận lợi để các ngân hàng tăng tốc xử lý nợ xấu.
Việc xử lý nợ xấu còn quan trọng hơn và mang tính quyết định đối với việc tăng trưởng tín dụng. Sự sống còn của ngân hàng là ở chỗ thu nợ được đến đâu chứ không phải giải ngân được bao nhiêu. Không phải chỉ nợ xấu, mà cả tăng trưởng tín dụng của ngân hàng cũng là nguy cơ.
Việc bao phủ nợ xấu sai cách (kể cả tăng tín dụng để giảm nợ xấu) hay tăng tỷ lệ bao phủ nợ xấu không đúng thực chất thì chỉ là việc phủ gấm hoa lên cục nợ xấu tồi tàn mà thôi, không giải quyết được mà còn làm cho nguy cơ trầm trọng hơn.
– Cám ơn ông về cuộc trao đổi này!
Hải thu
—————
Xxx (xxx) ngày xx-xx-2024:
(Link bài viết)
1.695/2.052)