Thị trường đúng nghĩa, giảm thiểu rủi ro chính sách.
(ĐTTC) – Trao đổi với ĐTTC, Luật sư Trương Thanh Đức (*) cho rằng sau gần 40 năm kể từ khi thực hiện công cuộc Đổi mới (năm 1986), hiện nay đất nước đang đứng trước thời khắc trọng đại với không khí tiếp tục đổi mới quy mô và tầm mức sâu rộng hơn.
Để doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn, tiến ra toàn cầu, cần nỗ lực tháo gỡ, giải tỏa các điểm nghẽn thể chế.
PHÓNG VIÊN: – Luật sư đánh giá thế nào về thông điệp của Tổng Bí thư Tô Lâm quyết tâm cải cách thể chế?
Luật sư Trương Thanh Đức: – Có thể khẳng định sau khoảng thời gian chúng ta đổi mới từ năm 1986 đến nay có bứt phá nhưng đang tụt hậu. Rất may vẫn còn nhiều cơ hội và lợi thế.
Thứ nhất, doanh nhân Việt chấp nhận rủi ro rất cao, sẵn sàng đầu tư, sẵn sàng kinh doanh rất mạnh mẽ.
Thứ hai, doanh nghiệp chấp nhận hội nhập rất mạnh mẽ với hàng loạt các hiệp định, hiệp ước, và trên thực tế được biến thành những hành động và những kết quả.
Thứ ba, người tiêu dùng Việt Nam chi tiêu rất mạnh tay, sẵn sàng tiêu thụ nhiều hàng hóa, dịch vụ.
Đó là lý do để chúng ta thúc đẩy rất mạnh sản xuất, kinh doanh. Tất nhiên, đầu tư sản xuất hay đầu tư tiêu thụ đều phụ thuộc vào thể chế. Thể chế là yếu tố mang tính quyết định nền kinh tế tiến hay lùi, vươn mình đến đâu. Như vậy, quyết liệt cải cách thể chế sẽ được các doanh nghiệp và người dân đón nhận mãnh liệt.
– Chúng ta đã cải cách mấy chục năm qua và đã thành công, vì thế cần thay đổi tư duy. Bởi hiện nay rào cản tư duy và rào cản pháp luật, nói rộng hơn là rào cản thể chế đang ngáng đường tăng trưởng kinh tế. Luật sư nghĩ sao?
– Những năm gần đây, nền kinh tế chúng ta đang đối mặt với nguy cơ bị thắt chặt, bị trói buộc. Tiếp xúc với doanh nghiệp, người dân hàng ngày qua những câu chuyện bình thường mới thấy rằng, để có những thành tích, doanh nghiệp đã phải trả giá bằng muôn vàn bức xúc, bằng những điều rất buồn đằng sau.
Vì vậy, yếu tố quyết định để phát triển nhanh hay chậm, vươn lên hay đứng lại là thể chế. Để theo kịp quốc gia khác, không chỉ cần thể chế phù hợp, thuận lợi, mà cần thể chế đột phá, táo bạo, khác biệt mà vẫn phù hợp với Việt Nam.
Do vậy Tổng Bí thư Tô Lâm nói hoàn toàn chính xác, thể chế là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”. “Điểm nghẽn” này Đảng và Nhà nước phải khơi thông, Quốc hội và Chính phủ phải khơi thông, chứ người dân không làm được. Trình độ, cạnh tranh, nhân sự thế nào là việc của doanh nghiệp, của người dân, còn Nhà nước có vai trò quan trọng, đó là tạo điều kiện thông qua thể chế. Và Tổng Bí thư Tô Lâm đã khơi gợi, xung quanh chúng ta đã thay đổi, tiến bộ mà mình cứ đứng lại.
– Phải chăng việc nhận thức lại để xác định Việt Nam đang đứng ở đâu trên bản đồ xếp hạng thế giới, và từ đó xác định cần phải làm gì để đi nhanh hơn nữa là rất quan trọng?
– Đúng vậy. Trong quá khứ chúng ta đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội. Chúng ta bắt đầu đổi mới gần 40 năm, nhưng thực ra tăng tốc chỉ khoảng 30 năm. Tiến rất nhanh, mạnh, tốt và đúng như một giấc mơ; chấp nhận nhìn ra thị trường, chấp nhận hội nhập sâu rộng toàn cầu, mà lại chỉ so sánh với mình thì không có mấy ý nghĩa, thậm chí vô nghĩa, trì trệ, tụt hậu. Đã có nhiều lĩnh vực chúng ta tiến bộ, thậm chí đã hơn thế giới, nhưng về mặt bằng chung vẫn ở mức thấp.
Tóm lại, đã đi đúng đường, đã có cơ hội, đã có mọi thứ thuận lợi, nhưng nếu vẫn cứ đi như hiện nay, tăng trưởng như hiện nay, thì không khác nào những đoàn người vẫn cứ rong ruổi, bộ hành, đôi lúc tăng tốc một chút nhưng vì tốc độ kém nên vẫn tiến chậm, lẽo đẽo về sau, đi sau thiên hạ.
– Có ý kiến cho rằng, dường như lâu nay ở Việt Nam đang rơi vào tình trạng Nhà nước can thiệp trực tiếp quá sâu vào thị trường khiến thị trường méo mó, thay vào đó chỉ nên điều tiết khi cảm thấy thực sự cần thiết? Quan điểm của luật sư ra sao?
– Thị trường là chìa khóa vạn năng để điều chỉnh mọi thứ. Tất nhiên cái gì cũng có mặt trái của nó, mà Nhà nước chỉ xử lý một phần rất nhỏ mặt trái của nó. Do vậy theo đuổi “kinh tế thị trường”, tức thay đổi thể chế, giúp đất nước ta lột xác “rũ bùn đứng dậy”.
Kinh tế thị trường đảm bảo hàng hóa dồi dào nhất, nhanh chóng cân đối nhu cầu nhất, vận hành hiệu quả, tiết kiệm, giá thành và giá cả hạ thấp nhất. Tôi xin lấy một dẫn chứng, trong đại dịch Covid-19, chúng ta khan hiếm khẩu trang là đương nhiên. Nhưng khẩu trang khan hiếm vì chính sách không đúng, không chuẩn. Khẩu trang không phải là mặt hàng bắt buộc mà Nhà nước quản lý, định giá, phân phối. Muốn nó không khan hiếm nữa phải tăng cường sản xuất, trao đổi, thậm chí vượt qua mọi luật lệ để có khẩu trang.
Thị trường hôm nay luôn phản ánh khách quan, nhanh nhạy, chính xác mọi chính sách. Nếu ta can thiệp không đúng, không hợp lý sẽ tạo tác dụng ngược. Bởi thị trường có nguyên lý, có quy luật để tự cân bằng tốt nhất. Thế mà chúng ta lại cứ can thiệp quá, làm méo mó thì đương nhiên thị trường phản ứng lại.
Đổi mới thể chế là giảm thiểu việc can thiệp hành chính trực tiếp vào thị trường. Thay vào đó là can thiệp bằng cơ chế, bằng chính sách, công cụ kinh tế. Ở những nền kinh tế thị trường tiến bộ và lâu đời nhất, Nhà nước vẫn phải can thiệp nhưng họ giảm thiểu can thiệp xấu, còn khi can thiệp tốt họ làm càng nhiều.
Hay một thí dụ thực tế gần đây, có người cần mua một chỉ vàng nhưng không thể mua được, do bị chính sách can thiệp. Do vậy, quy luật thị trường không sai thì hãy tôn trọng, đừng chống lại, hãy chấp nhận và nương theo quy luật thị trường chắc chắn có thị trường. Tôi cho rằng, không có thiên tài vĩ đại nào, không có lực lượng hùng hậu nào, không có nhà nước siêu cường nào, có thể làm thay vai trò của thị trường.
– Theo luật sư cần làm gì để doanh nghiệp “có cơ hội để lớn”, mà như luật sư đã nhiều lần nhận xét “môi trường đầu tư chưa thực sự hấp dẫn và rủi ro chính sách rất lớn”?
– Từ nhiều chục năm nay, dường như rủi ro lớn nhất trong kinh doanh đối với doanh nghiệp gặp phải là rủi ro pháp lý, hay rộng hơn là rủi ro chính sách, thay vì rủi ro thị trường hay bất cứ thứ rủi ro nào khác.
Tôi cho rằng đừng để diễn ra mãi điều nghịch lý trong rủi ro pháp lý và rủi ro chính sách, đây là vấn đề tối kỵ với doanh nghiệp và nhà đầu tư. Như nhiều doanh nghiệp nói với tôi, mời chào rải thảm, làm rồi cắm chông, gài bẫy. Do vậy, muốn môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng, mọi thứ phải được giải quyết bằng pháp luật, hợp lý…
– Xin cảm ơn luật sư.
————
(*) Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC)
Lưu Thuỷ (thực hiện)
—————
Sài Gòn đầu tư tài chính (Kinh tế) ngày 30-12-2024:
https://dttc.sggp.org.vn/thi-truong-dung-nghia-giam-thieu-rui-ro-chinh-sach-post119397.html
(1.184/1.424)