4.433. Tăng trưởng hai con số: Yếu tố ‘quyết định tiến hay lùi và vươn mình đến đâu’.

Tăng trưởng hai con số: Yếu tố ‘quyết định tiến hay lùi và vươn mình đến đâu’.

(VNF) – Để có được mức tăng trưởng 8% cho 2025 và hướng tới tăng trưởng hai con số, Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI khẳng định: Thể chế là yếu tố mang tính quyết định việc chúng ta tiến hay lùi và vươn mình đến đâu.

Thể chế là yếu tố quyết định phát triển nhanh hay chậm

Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2025 đạt 8%, thậm chí đạt hai con số nếu điều kiện thuận lợi.

Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế VIAC cho rằng, một trong những vấn đề cấp bách hiện này là cải cách thể chế. Thể chế chính là chìa khoá cho việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng.

Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2025 đạt 8%, thậm chí đạt hai con số nếu điều kiện thuận lợi.

Đưa ra nhận định về nền kinh tế ở thời điểm hiện tại, ông Đức khẳng định, sau một thời gian đổi mới và bứt phá, dù đang chậm chân, đang có nguy cơ tụt hậu, nhưng chúng ta đang có nhiều cơ hội và lợi thế, trong đó có 3 lợi thế lớn mà thế giới không có được cùng một lúc như chúng ta, họ chỉ có thể có được một hoặc hai thôi.

Những lợi thế đó, theo ông Đức đó là lợi thế về kinh doanh khi doanh nhân và người dân chấp nhận rủi ro rất cao, tức sẵn sàng đầu tư, sản xuất kinh doanh rất mạnh mẽ.

Lợi thế tiếp theo là lợi thế về hội nhập khi doanh nghiệp và cá nhân chấp nhận hội nhập rất mạnh mẽ, sẵn sàng tham gia chuỗi cung ứng và tiêu thụ toàn cầu, đặc biệt là tận dụng được các lợi thế của công nghệ mới, trí tuệ nhân tạo.

Lợi thế thứ ba là lợi thế về tiêu dùng khi người tiêu dùng chấp nhận chi tiêu rất mạnh tay, tức sẵn sàng tiêu thụ nhiều hàng hóa, dịch vụ, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh.

“Tuy nhiên, cả 3 lợi thế này lại phụ thuộc rất nhiều vào thể chế. Thế chế là yếu tố mang tính quyết định việc chúng ta tiến hay lùi và vươn mình đến đâu. Chẳng hạn, gần 40 năm trước, nếu không dứt khoát chuyển đổi thì ngày nay, chúng ta chắc rằng vẫn còn nghèo nàn, lạc hậu và không có lối thoát”, ông Đức nói.

Qua gần 40 năm đổi mới, ông Đức khẳng định, chúng ta đã tiến rất nhanh, rất mạnh, rất tốt, hơn cả một giấc mơ. Nhưng đó mới chỉ là so sánh với chính chúng ta, với mặt bằng khởi đầu rất thấp. Hội nhập sâu rộng toàn cầu, mà chỉ so với chính mình thì không có mấy ý nghĩa, là ru ngủ, là trì trệ và nguy cơ tụt hậu.

“Những năm gần đây, nền kinh tế lại đang đối mặt trở lại với nguy cơ bị thắt chặt, trói buộc. Nhiều vấn đề không được tháo gỡ, tạo điều kiện, thậm chí bị cấm đoán, gây khó dễ”, ông Đức khẳng định.

Do đó, ông Đức cho rằng, yếu tố quyết định để phát triển nhanh hay chậm, vươn lên hay dừng lại là thể chế. Chúng ta đã từng rất khó khăn, nghèo đói vì thể chế lạc hậu, kìm hãm.

“Và chúng ra đã rất phát triển vì thể chế đúng đắn, đổi mới, cởi mở. Nếu sắp tới không cải cách thể chế mạnh mẽ, thì chúng ta cũng vẫn cứ đi lên, vẫn cứ tiến bộ, vẫn cứ tăng trưởng… nhưng chỉ là rong ruổi bộ hành, đôi lúc cũng rảo bước hộc tốc, nhưng vì dùng cơ bắp nên đuối sức, tiến chậm, chỉ loanh quanh ở nhóm cuối, đi sau thiên hạ.

Muốn bước vào kỷ nguyên mới thì đừng ‘ngủ mê’ trên thành tích, đừng gặm nhấm mãi thành quả. Và để theo kịp khu vực và quốc tế thì không chỉ là cần thể chế phù hợp, thuận lợi, mà còn phải có sự đột phá, táo bạo, khác biệt, thích ứng với Việt Nam”, ông Đức khẳng định.

Giảm thiểu việc can thiệp trực tiếp, không đúng, không hợp lý vào thị trường

Ở góc độ thể chế thị trường, ông Đức khẳng định việc theo đuổi kinh tế thị trường, tức thay đổi thể chế, đã giúp nước ta vượt lên, thay đổi hoàn toàn.

Cần giảm thiểu việc can thiệp trực tiếp, không đúng, không hợp lý vào thị trường.

Nếu giải quyết được điểm nghẽn thể chế, giải phóng được nguồn lực và tận dụng được lợi thế, thì đất nước ta sẽ tự tin “bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.

“Kinh tế thị trường có xu hướng tất yếu là hàng hoá luôn dồi dào nhất; nhanh chóng cân đối cung cầu nhất; vận hành hiệu quả, tiết kiệm nhất; giá thành và giá cả hạ thấp nhất. Do đó, cần giảm thiểu việc can thiệp trực tiếp, không đúng, không hợp lý vào thị trường. Vì nếu không sẽ mang lại tác dụng ngược, gây tổn thương và gây ra lỗi trầm trọng hơn, thậm chí là phá hoại thị trường”, ông Đức nhấn mạnh.

Ông Đức cũng cho rằng, quy luật thị trường là nguyên lý, nên hãy tôn trọng. Thị trường không bao giờ chịu đứng im, mà nó luôn biến động khó lường, phản ứng rất khách quan, nhanh nhạy, chính xác trước thể chế.

“Tuy nhiên, Nhà nước lại là nhân tố đặc biệt quan trọng hoặc kìm hãm hoặc thúc đẩy thị trường thông qua thể chế. Thể chế tốt không phải là chỉ phát huy được lợi thế sẵn có, mà còn phải tạo ra lợi thế mới to lớn hơn”, ông Đức khẳng định quan điểm.

Ngoài ra, trong vấn đề thể chế, ông Đức cũng cho rằng khẳng định, đã đến lúc phải tháo gỡ các điều kiện kinh doanh bởi đây chính là rào cản cản trở sự phát triển của doanh nghiệp và nền kinh tế.

“Cần gấp một cuộc cải cách xoá bỏ điểm nghẽn này, để một lần nữa giải phóng doanh nghiệp, bùng nổ phát triển. Nếu cứ làm như trước đây, kiểu cò kè bớt một thêm hai điều kiện kinh doanh, thì sẽ vẫn cứ luẩn quẩn trong mê hồn trận của thể chế pháp luật, thủ tục, sẽ không kịp bước vào kỷ nguyên mới”, ông Đức nói.

Kỳ Thư

—————

Vietnam Finance (Diễn đàn) ngày 06-02-2025:

https://vietnamfinance.vn/tang-truong-hai-con-so-yeu-to-quyet-dinh-tien-hay-lui-va-vuon-minh-den-dau-d122019.html#google_vignette

(1.150)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.432. Phải đẩy mạnh cải cách thể chế!

Phải đẩy mạnh cải cách thể chế! (NB&CL) - Trong câu chuyện đầu năm...

Trích dẫn 

3.984. Giá nhà ở xã hội 25 triệu đồng/m²,...

Giá nhà ở xã hội 25 triệu đồng/m², nhiều người thu nhập thấp...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 238,532