4.438. Xây dựng Luật Doanh nghiệp (sửa đổi): Sẽ bổ sung quy định chủ sở hữu hưởng lợi của DN.

Xây dựng Luật Doanh nghiệp (sửa đổi): Sẽ bổ sung quy định chủ sở hữu hưởng lợi của DN.

(ĐT) – Các thông lệ quốc tế về quản trị doanh nghiệp (DN) đều đặt ra yêu cầu minh bạch thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi. Tham gia “sân chơi” quốc tế, Việt Nam không thể ngoại lệ. Tại hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) lấy ý kiến góp ý, dự kiến trình Chính phủ thời gian tới đã đề xuất bổ sung quy định về chủ sở hữu hưởng lợi của DN.

Bổ sung quy định chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp không chỉ tuân thủ luật chơi quốc tế, mà còn góp phần làm cho môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch hơn. Ảnh: Nhã Chi
Cải thiện khung khổ pháp lý – không thể chậm trễ

Đề cập về sự cần thiết phải sửa Luật Doanh nghiệp năm 2020, tại Tờ trình đề nghị xây dựng Luật, Bộ KH&ĐT cho biết, theo kết quả khảo sát, đánh giá thực trạng quan hệ xã hội và tổng kết thi hành Luật Doanh nghiệp năm 2020, bên cạnh những kết quả tích cực, Luật có một số vướng mắc, bất cập, trong đó có việc chưa thể chế hóa cam kết về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố.

Một trong những điểm mới đáng chú ý trong đề xuất sửa đổi Luật Doanh nghiệp lần này là bổ sung quy định về chủ sở hữu hưởng lợi của DN. “Điều này nhằm thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam về các vấn đề liên quan; đồng thời, khi thực hiện quy định này sẽ giúp môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, tin cậy cho DN, doanh nhân phát triển”, đại diện cơ quan đề nghị xây dựng Luật cho biết.

Theo đại diện này, năm 2007, Việt Nam trở thành thành viên Nhóm châu Á – Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG), phải tuân thủ các khuyến cáo về vấn đề này đối với pháp nhân. Việt Nam đã tham gia các vòng đánh giá đa phương của APG theo phương pháp luận đánh giá dựa trên các khuyến nghị của họ – Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF). “Vừa qua, họ đánh giá, về mặt pháp lý, Việt Nam mới chỉ tuân thủ một phần, còn về mặt thực thi thì chưa hiệu quả”, đại diện trên cho biết.

Theo Báo cáo đánh giá đa phương về công tác phòng, chống rửa tiền, Việt Nam bị đưa vào quy trình rà soát tăng cường và quy trình rà soát các nước có thiếu hụt nghiêm trọng của FATF trong thời hạn 1 năm (từ tháng 3/2022 – 3/2023) và phải khắc phục những thiếu hụt được xác định trong Báo cáo. Sau khi kết thúc thời hạn này, nước ta vẫn chưa đáp ứng các yêu cầu về cải thiện khung khổ pháp lý. Do đó, ngày 30/6/2023, FATF đưa Việt Nam vào Danh sách giám sát tăng cường (còn gọi là danh sách xám) và phải thực hiện các hành động khắc phục do FATF chỉ định với các mốc thời hạn cụ thể trong vòng 2 năm (đến tháng 5/2025).

Về hậu quả khi một quốc gia bị đưa vào “danh sách xám”, Bộ KH&ĐT nhấn mạnh, nền kinh tế của quốc gia đó sẽ phải chịu nhiều tác động tiêu cực như: giảm sút đáng kể luồng vốn đầu tư của nước ngoài; giao dịch tài chính ra nước ngoài của các tổ chức tài chính tại quốc gia này sẽ bị các nước tính phí cao hơn và giao dịch sẽ phải chịu sự rà soát tăng cường.

Trường hợp quốc gia đó không có biện pháp cải thiện thực hiện cam kết thì sẽ bị đưa vào “danh sách đen”. Khi đó, nền kinh tế có thể sẽ chịu nhiều tác động nặng nề hơn, đặc biệt là các tổ chức tài chính sẽ bị cấm thành lập chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại nước ngoài; dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có thể giảm sút…

Năm 2024, Ngân hàng Thế giới đưa Việt Nam vào nhóm 50 quốc gia đầu tiên thực hiện đánh giá bộ chỉ số liên quan đến môi trường kinh doanh, trong đó có chỉ số về phòng chống rửa tiền, thì Việt Nam cũng chưa đáp ứng yêu cầu. Nguyên nhân là nước ta chưa có quy định về việc thu thập thông tin chủ sở hữu hưởng lợi của DN, nên các tiêu chí liên quan đến nội dung này không được đánh giá.

Thể chế hóa cam kết

Các thông lệ quốc tế chỉ ra, việc nhận diện chủ sở hữu hưởng lợi và cung cấp thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi là những biện pháp quan trọng để phòng, chống các hành vi gian lận thương mại, trốn thuế, tham nhũng, rửa tiền và tài trợ khủng bố.

Bộ KH&ĐT cho biết, thực tế nước ta đã phát sinh tình trạng “núp bóng sở hữu” với nhiều vụ việc tổ chức, cá nhân kiểm soát DN thiếu minh bạch, lạm dụng vị thế kiểm soát DN để thực hiện các hành vi tham nhũng, rửa tiền và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Điều này không chỉ gây thiệt hại cho các nhà đầu tư, đối tác, khách hàng và các cộng đồng xã hội mà còn làm giảm niềm tin, tăng rủi ro và ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của khu vực DN và nền kinh tế.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI chia sẻ: “Đây là quy định bắt buộc phải thực hiện khi chúng ta tham gia sân chơi quốc tế. Điều này không chỉ thể hiện chúng ta tuân thủ luật chơi một cách nghiêm túc, mà còn góp phần làm cho môi trường đầu tư kinh doanh của DN rõ ràng hơn, theo đó an toàn, thuận lợi và minh bạch hơn”.

Ông Đức đề nghị, cần nhanh chóng hoàn thiện quy định pháp luật về chủ sở hữu hưởng lợi của DN để thực thi một cách nghiêm túc, bởi đây là vấn đề không chỉ dừng lại ở cấp độ DN mà là vấn đề đại sự quốc gia, giống như câu chuyện về “thẻ vàng” trong lĩnh vực thủy sản hiện nay.

Thể chế hóa cam kết, tại Dự thảo Luật, Bộ KH&ĐT đề nghị bổ sung thêm 1 khoản tại Điều 4 theo hướng, chủ sở hữu hưởng lợi của DN có tư cách pháp nhân là các cá nhân có một trong các tiêu chí sau: Cá nhân thực tế nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp sở hữu từ 25% vốn điều lệ trở lên của DN; hoặc cá nhân trực tiếp hoặc gián tiếp được hưởng hơn 25% cổ tức hoặc lợi nhuận của DN; hoặc cá nhân cuối cùng có quyền chi phối hoạt động DN.

Đồng thời, sửa đổi điểm c khoản 23 Điều 4 để quy định rõ hơn về quyền chi phối theo hướng quyền chi phối DN là cá nhân, tổ chức hoặc nhóm cá nhân, tổ chức có khả năng chi phối hoạt động của DN đó thông qua sở hữu, thâu tóm cổ phần, phần vốn góp hoặc thông qua việc ra quyết định của công ty…

Được biết, ngoài đề xuất bổ sung quy định mới nêu trên, Bộ KH&ĐT cũng đề nghị sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật nhằm tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý về thành lập, tổ chức và hoạt động của DN; đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ của pháp luật đáp ứng yêu cầu thúc đẩy phát triển DN.

Việt Anh

—————

Đấu thầu (Doanh nghiệp) 10-02-2025:

https://baodauthau.vn/xay-dung-luat-doanh-nghiep-sua-doi-se-bo-sung-quy-dinh-chu-so-huu-huong-loi-cua-dn-post173553.html

(137/1.340)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.437. Cấp bách sửa thuế thu nhập cá nhân.

Cấp bách sửa thuế thu nhập cá nhân. (TN) - Liên tục các bộ, ngành, địa...

Trích dẫn 

3.987. Định danh người bán hàng TMĐT để 'quản...

Định danh người bán hàng TMĐT để 'quản lý tận gốc'. (VietQ.vn) - Tại...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 238,844