Hình thành các trung tâm tài chính quốc tế – tạo nguồn lực tăng tốc phát triển trong kỷ nguyên mới.
(VOV1) – Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC và ông Nguyễn Minh Đức, VCCI, tham gia đối thoại cùng Biên tập viên Trung Hiếu tại tầng 5, VOV1, 41 Bà Triệu ngày 23-02-2025.
Phát thanh trực tiếp trên Kênh VOV1 từ 9 – 10h cùng ngày.
—————
VOV1 (Thời sự – Diễn đàn Chủ nhật) ngày 23-02-2025:
(Link bài viết)
(30 phút)
————-
Kịch bản:
CHƯƠNG TRÌNH DIỄN ĐÀN CHỦ NHẬT
Phát sóng trực tiếp: 09h – 10h *** Chủ nhật, ngày 23 tháng 02 năm 2025
Ban Thời sự VOV1, Đài Tiếng nói Việt Nam – 41.43 Bà Triệu, Hà Nội
————————————————————————————————-
Chủ đề: Hình thành các trung tâm tài chính quốc tế – tạo nguồn lực tăng tốc phát triển trong kỷ nguyên mới.
BTV thực hiện: Trung Hiếu (0912.056.423).
————————————————————————————————-
BTV Trung Hiếu xin chào quý vị và các bạn!
Thưa quý vị và các bạn!
Ngay trong những ngày đầu tiên của năm 2025 – ngày 4/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị công bố Nghị quyết số 259 của Chính phủ về việc Ban hành Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Thông báo số 47 năm 2024 của Bộ Chính trị về xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam. Đây là dấu mốc quan trọng của tiến trình hình thành các Trung tâm tài chính này, tạo nguồn lực giúp tăng tốc phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Vậy điều kiện cần và đủ nào để sớm hình thành Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam, là nội dung sẽ được các khách mời thảo luận trong Diễn đàn chủ nhật hôm nay. Xin giới thiệu 2 vị khách mời, là:
Ông Nguyễn Minh Đức, chuyên gia chính sách công thuộc Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam:
Khách mời: Xin chào quý vị và các bạn!
Chuyên gia tài chính – ngân hàng Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI:
Khách mời: Xin chào quý vị và các bạn!
Xin trân trọng cảm ơn các vị khách mời đã nhận lời tham gia cùng chương trình hôm nay.
Quý vị và các bạn quan tâm, hãy đặt câu hỏi với các vị khách mời, hoặc chia sẻ bình luận của mình qua số điện thoại: 0243.934.1040. Xin nhắc lại số điện thoại: 0243.934.1040.
Thưa quý vị và các bạn! Việc hình thành trung tâm tài chính quốc tế và khu vực tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ mở cửa cho dòng vốn nước ngoài vào thị trường Việt Nam mạnh mẽ hơn, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế. Trước hết, mời quý vị thính giả và 2 vị khách mời cùng nghe phản ánh của Vĩnh Thông, phóng viên Đài TNVN:
V1 23/02 09H15 DDCN – PHAN ANH
Các nhà đầu tư, tổ chức tư vấn quốc tế nhận định Đà Nẵng có tiềm năng phát triển và hợp tác với các Trung tâm Tài chính quốc tế khác để tận dụng lợi thế hiện tại về múi giờ, sự ổn định chính trị, thể chế, điều kiện kinh tế vĩ mô của Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng. Ông Đỗ Thành Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định:
“Việc triển khai lộ trình xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành Trung tâm tài chính quy mô khu vực theo chủ trương của Đảng, Nhà nước là cần thiết để phát triển các dịch vụ tài chính quốc tế và các dịch vụ phụ trợ có tiềm năng, lợi thế…, huy động nguồn lực tài chính quốc tế trong sự phát triển đột phá của thành phố Đà Nẵng và khu vực miền Trung – Tây Nguyên nói riêng, của đất nước nói chung”.
Theo ông Andy Khoo, Giám đốc Quản lý Tập đoàn Terne Holdings, tập trung vào tài chính xanh, tài chính thương mại và đổi mới kỹ thuật số sẽ giúp Trung tâm Tài chính khu vực tại Đà Nẵng tạo ra sự khác biệt rõ nét. Ông Andy Khoo cho rằng, cần tập trung vào ba trụ cột chiến lược, phù hợp với những thế mạnh và cơ hội độc đáo của thành phố: Tài chính xanh, Đổi mới FinTech và Tài chính thương mại.
“Trung tâm Tài chính khu vực tại Đà Nẵng không chỉ là một dự án phát triển, mà còn là một tuyên ngôn táo bạo về khát vọng của Việt Nam trong việc dẫn đầu trên thị trường tài chính toàn cầu. Hãy tưởng tượng một tương lai, nơi Đà Nẵng không chỉ là một thành phố, mà là biểu tượng của sự đổi mới, bền vững và kiên cường. Một tương lai mà Đà Nẵng trở thành cầu nối giữa ASEAN và thế giới, tạo ra cơ hội và thúc đẩy sự tiến bộ cho từng người dân Việt Nam”.
- Vâng, thưa chuyên gia tài chính – ngân hàng Trương Thanh Đức, ông có kỳ vọng như thế nào về thu hút dòng vốn ngoại khi Việt Nam có trung tâm tài chính tầm khu vực và quốc tế?
Luật sư Trương Thanh Đức: Hình thành được Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế là kỳ vọng vào việc thu hút vốn của nước ngoài với sự tự do chuyển vốn vào, tự do chuyển vốn ra và tự do đầu tư, sử dụng vốn.
Đó có thể là vốn đầu trực tiếp vào Trung tâm tài chính; vốn đầu tư vào các công ty (mua cổ phần, cổ phiếu, góp vốn); vốn cho vay, tài trợ cho nền kinh tế Việt Nam,…
Lộ trình để thực sự trở thành Trung tâm tài chính khu vực là 2045, 10 năm nữa và trở thành Trung tâm tài chính quốc tế là 2045, tức 20 năm nữa. Từ giai đoạn khởi đầu cho đến chưa trở thành một Trung tâm tài chính vượt lên khỏi tầm quốc gia thì rất ít hy vọng vào việc thu hút dòng vốn ngoại.
- Thưa ông Nguyễn Minh Đức, ở góc độ Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cơ quan đại diện cộng đồng doanh nghiệp, ông đánh giá như thế nào về sự hỗ trợ từ Trung tâm tài chính quốc tế đối với sự phát triển của doanh nghiệp trong nước?
Ông Nguyễn Minh Đức trả lời…
Thưa quý vị và các bạn! Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1718 thành lập Ban Chỉ đạo về Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam. Dự kiến, Chính phủ cũng sẽ trình Quốc hội thông qua Nghị quyết về xây dựng các Trung tâm tài chính này tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá 15 vào tháng 5 tới.
Hiện dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết này của Quốc hội đang được đăng tải nhận đóng góp từ người dân, chuyên gia trong nước và nước ngoài để hoàn thiện văn bản quan trọng này.
- Thưa ông Trương Thanh Đức, theo ông thì thuận lợi và thách thức cạnh tranh đặt ra khi hình thành một trung tâm tài chính quốc tế mới, “đi sau” các trung tâm tài chính quốc tế đã có lịch sử lâu đời?
Luật sư Trương Thanh Đức: Trung tâm tài chính không phải cứ muốn có là được, mà nó được hình thành trên cơ sở nền tảng của một trung tâm kinh tế hay ít nhất là một trung tâm dịch vụ tài chính phát triển, đồng thời thường đi liền với một hệ thống pháp luật cởi mở, thuế phí ưu đãi cao.
Trung tâm tài chính là sản phẩm, là sự cô đọng, kết tinh chất lượng của trung tâm kinh tế, hay ít nhất cũng là trung tâm dịch vụ tài chính.
Một trong những yếu tố được Đề án thành lập Trung tâm tài chính nhấn mạnh là là có múi giờ khác biệt với 21 Trung tâm tài chính lớn nhất toàn cầu, là lợi thế “riêng có và đặc biệt” trong việc thu hút dòng vốn nhàn rỗi trong thời gian nghỉ giao dịch từ các trung tâm này. => Theo tôi, yếu tố khác múi giờ “không đến mức riêng có và đặc biệt”, vì quan trọng là giao dịch cái gì chứ không phải là giao dịch vào giờ nào. Và nhiều Trung tâm tài chính như Seoul, Tokyo, chênh 02 giờ; Hồng Kông, Singapore, Thượng Hải, Kuala Lumpur; chênh 01 giờ; Bangkok, Jakarta thì cùng múi giờ với Việt Nam.
Chỉ có thể trở thành Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế khi nền kinh tế và dịch vụ tài chính của chúng ta phát triển đủ mạnh, có thứ hạng cao, có vị trí xứng đáng trong khu vực và toàn thế giới.
- Vâng, cần xác định rõ lợi thế và thách thức thì mới có thể xây dựng được giải pháp đột phá để cạnh tranh và thu hút nhà đầu tư. Vậy ông Nguyễn Minh Đức thì có nhận định như thế nào vấn đề này?
Ông Nguyễn Minh Đức trả lời…
- Thưa ông Trương Thanh Đức, ông có nhận định như thế nào về mô hình Trung tâm tài chính quốc tế và khu vực được đưa ra trong dự thảo Nghị quyết về xây dựng các Trung tâm tài chính đang được lấy ý kiến?
Luật sư Trương Thanh Đức: Đề án xây dựng 02 Trung tâm tài chính theo mô hình quản lý kết hợp: Theo đó, thứ nhất là chọn lọc một số lĩnh vực trọng yếu phục vụ phát triển Trung tâm tài chính để phân cấp cho cơ quan quản lý tại chính Trung tâm tài chính; thứ hai là, các lĩnh vực còn lại chịu sự điều chỉnh của pháp luật chung của quốc gia.
- Ông Nguyễn Minh Đức có nhìn nhận như thế nào mô hình được đưa ra?
Ông Nguyễn Minh Đức trả lời…
- Theo ông Trương Thanh Đức thì cần có quan điểm và cách thức như thế nào để hình thành trung tâm tài chính quốc tế?
Luật sư Trương Thanh Đức: Trung tâm tài chính được thành lập không phải vì tự thân nó phải có, mà vì để duy trì, phục vụ, hỗ trợ, thúc đẩy nền kinh tế. Hầu hết Trung tâm tài chính được hình thành từ kết quả của sự phát triển tự nhiên, trước tiên phải là một Trung tâm tài chính quốc gia, sau đó nâng tầm lên Trung tâm tài chính khu vực và phát triển lên cao nhất là Trung tâm tài chính quốc tế, tức đạt đến mức độ thu hút rộng rãi và mạnh mẽ các tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực tài chính; mức độ hấp dẫn lớn, mức độ tự do tài chính cao.
Chúng ta dự kiến xây dựng Trung tâm tài chính theo cách thức không phổ biến, hy vọng xây dựng nhanh, thúc đẩy mạnh để sớm thành công hơn. Tức là thành lập Trung tâm tài chính, định danh đó là Trung tâm tài chính, chuẩn bị sẵn sàng hạ tầng, luật lệ và các yếu tố cần thiết khác (kiểu như dọn tổ cho đại bàng) để rồi gây dựng và hình thành Trung tâm tài chính. Tức là rút ngắn hơn, mong muốn hơn, chủ động hơn. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc khó hơn, nhất là cùng lúc xây dựng 02 Trung tâm tài chính.
Theo tôi, với thực trạng của Việt Nam, để thành công thì đồng thời phải thúc đẩy cả 2 yếu tố: Hình thành Trung tâm tài chính để triển khai các hoạt động tài chính cùng với việc triển khai các hoạt động tài chính và phát triển trung tâm kinh tế để trở thành Trung tâm tài chính.
- Còn ông Nguyễn Minh Đức có ý kiến gì về quan điểm và cách thức hình thành trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam?
Ông Nguyễn Minh Đức trả lời…
Như các khách mời vừa phân tích thì việc hình thành trung tâm tài chính quốc tế phải dựa trên cơ sở một thị trường tài chính phát triển, thu hút vốn mạnh và có tính cạnh tranh cao.
V1 23/02 09H15 DDCN – QUANG BA TRONG DIEN DAN
Quý vị và các bạn đang nghe Diễn đàn chủ nhật với nội dung: Hình thành các trung tâm tài chính quốc tế – tạo nguồn lực giúp tăng tốc phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Khách mời tham gia trao đổi về nội dung này là: Chuyên gia tài chính – ngân hàng Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, và chuyên gia chính sách công Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
Quý vị và các bạn quan tâm, hãy đặt câu hỏi với các vị khách mời, hoặc chia sẻ bình luận của mình qua số điện thoại: 0243.934.1040. Xin nhắc lại số điện thoại: 0243.934.1040.
Thưa quý vị và các bạn! Chính phủ đã thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ khi Ban hành Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Thông báo của Bộ Chính trị về xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam. Đồng thời, các bộ ngành và nhất là 2 địa phương Đà Nẵng và Tp.HCM đã có những động thái tích cực mời gọi của các định chế tài chính, các nhà đầu tư nước ngoài trong việc đóng góp ý kiến, chung sức xây dựng và đầu tư hạ tầng công nghệ, cùng đóng góp để hình thành và vận hành hiệu quả của các trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam trong tương lai. Nguyên Chủ tịch UBND TpHCM Phan Văn Mãi cũng nhìn nhận:
V1 23/02 09H15 DDCN – PHAN VAN MAI
Muốn Trung tâm tài chính hoạt động có hiệu quả, chúng ta phải xây dựng môi trường chung, trong đó có môi trường đầu tư kinh doanh. Nhà đầu tư đến đây phải hài lòng từ môi trường xã hội, môi trường đầu tư kinh doanh, cho nên chúng ta phải có một cái gọi là “luồng xanh” cho Trung tâm tài chính quốc tế.
- Thưa ông Nguyễn Minh Đức, theo ông thì “luồng xanh” để thu hút nhà đầu tư vào Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam là gì?
Ông Nguyễn Minh Đức trả lời… (tự do lưu chuyển và kiểm soát dòng tiền?)
- Thưa ông Trương Thanh Đức, theo ông thì tự do lưu chuyển vốn và mức độ kiểm soát dòng tiền ra vào quốc gia, có phải là “luồng xanh” thu hút nhà đầu tư vào trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam?
Luật sư Trương Thanh Đức: Khác với hầu hết và chủ yếu các hoạt động diễn ra trong phạm vi bên trong một Khu công nghiệp, một Khu chế xuất hay một Khu kinh tế tự do, đối với Trung tâm tài chính chỉ một phần hoạt động diễn ra và phục vụ trong phạm vi Trung tâm tài chính, còn phần lớn nó liên thông, liên kết, online với bên ngoài, với thị trường các nước và với cả thế giới.
Vì vậy không chỉ là luồng xanh thu hút nhà đầu tư vào Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam, mà là thu hút vào cả thị trường ngoài Trung tâm tài chính. Nếu chỉ thu hút vào Trung tâm tài chính thì ít ý nghĩa, tác dụng đối với cả nhà đầu tư quốc tế và với cả chúng ta.
- Thưa ông Nguyễn Minh Đức, theo ông thì cần mức độ và lộ trình cho phép tự do lưu chuyển vốn cũng như kiểm soát dòng tiền cần như thế nào để đảm bảo cân bằng giữa ưu đãi thu hút “nhập khẩu vốn” nhưng giảm thiểu được rủi ro tài chính?
Ông Nguyễn Minh Đức trả lời…
- Ông Trương Thanh Đức có bình luận như thế nào về vấn đề này?
Luật sư Trương Thanh Đức: Mức dộ tự do lưu chuyển vốn cũng như kiểm soát dòng tiền không chỉ dừng lại ở trong phạm vi Trung tâm tài chính, mà nó còn ảnh hưởng nhiều đến thị trường Việt Nam. Tự do lưu chuyển vốn trong quốc gia là một vấn đề rất lớn liên quan đến chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, không còn là cơ chế, luật lệ riêng cho Trung tâm tài chính.
Vì vậy, Trung tâm tài chính phát triển đến đâu, phụ thuộc rất lớn vào quy mô của nền kinh tế, khả năng cạnh tranh quốc tế và khả năng kiểm soát, làm chủ được chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia.
- Dịch vụ tài chính hiện đại cũng là một yêu cầu quan trọng để thu hút nhà đầu tư tài chính quốc tế. Trong dự thảo Đề án cho phép thực hiện cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (gọi tắt là sandbox) đối với mô hình kinh doanh ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực tài chính”. Là chuyên gia chính sách công, ông Nguyễn Minh Đức có lo ngại về rào cản nào làm chậm trễ việc này?
Ông Nguyễn Minh Đức trả lời…
- Quan điểm của chuyên gia tài chính – ngân hàng TTrương Thanh Đức với việc ứng dụng cơ chế thử nghiệm với mô hình tài chính công nghệ ra sao?
Luật sư Trương Thanh Đức: Đúng như cái tên của nó, hoạt động chủ yếu của Trung tâm tài chính là các giao dịch tài chính, luân chuyển vốn, như đầu tư, ngân hàng (tín dụng, thanh toán), bảo hiểm, chứng khoán,… mà điển hình là giao dịch thông qua các sở giao dịch, sàn giao dịch chứng khoán, hàng hoá, ngoại hối, bảo hiểm, tiền điện tử. Các hoạt động này chỉ có hiệu quả khi không chỉ gói gọn trong phạm vi Trung tâm tài chính, mà cần phải liên thông, lan toả tác động đến toàn bộ nền kinh tế.
Những hoạt động như ứng dụng cơ chế thử nghiệm với mô hình tài chính công nghệ thì rất khó thành công, vì nó đòi hỏi một thị trường rộng lớn, với nhiều nhà đầu tư, nhiều dịch vụ tài chính, nhiều giao dịch tài chính, chứ chỉ khuôn trong phạm vi các doanh nghiệp và nhà đầu tư hoạt động ở trong Trung tâm tài chính thì không có nhiều ý nghĩa.
- Một Trung tâm tài chính tầm cỡ quốc tế thì việc giải quyết tranh chấp tài chính phải dễ dàng, nhanh chóng, đơn giản và tin cậy. Vậy ông Nguyễn Minh Đức có giải pháp nào cho vấn đề này?
Ông Nguyễn Minh Đức trả lời…
- Theo ông Trương Thanh Đức thì mô hình giải quyết tranh chấp tài chính trong Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam cần có cách thức xây dựng và vận hành như thế nào?
Luật sư Trương Thanh Đức: Cần có các thiết chế giải quyết tranh chấp hoà giải, trọng tài, toà án phù hợp hỗ trợ tốt nhất. Như bên cạnh việc nắm vững pháp luật quốc tế, trong nước và trong Trung tâm tài chính, còn cần hiểu rõ, biết sâu về dịch vụ tài chính và thủ tục, quy trình giải quyết hoà giải, phân xử, xét xử một cách nhanh chóng, thuận lợi, hiệu quả, hiệu lực.
Dự thảo Nghị quyết đưa ra quy định thành lập một Trung tâm trọng tài phục vụ Trung tâm tài chính. Hợp lý hơn là sử dụng các Trung tâm trọng tài đã có, trong có có Trung tâm Trọng tài quốc tế VIAC.
Và không chỉ dừng lại ở việc giải quyết tranh chấp, quan trọng không kém là việc thực thi phán quyết trọng tài, toà án.
Chúng tôi nhận được ý kiến bạn nghe đài muốn hỏi 2 vị khách mời:
……………………………………………………………………………………
Xin ông ……………………… trả lời câu hỏi này cho thính giả nghe đài.
Xin cảm ơn các vị khách mời.
Thưa quý vị và các bạn! Nhanh chóng hình thành các trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam, với cơ chế vượt trội và đột phá, thu hút hiệu quả dòng vốn quốc tế và tạo thêm nguồn lực giúp tăng tốc phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, đây là yêu cầu cấp thiết đặt ra.
Thời lượng chương trình đến đây đã hết. Một lần nữa xin trân trọng cảm ơn các vị khách mời đã tham gia chương trình, là Chuyên gia tài chính – ngân hàng Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, và chuyên gia chính sách công Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Cảm ơn sự quan tâm theo dõi của quý vị thính giả./.