Trì hoãn thanh toán giá ưu đãi điện gió, điện mặt trời: Tháo gỡ vướng mắc, giải quyết thỏa đáng
(SGGP) – Nhiều dự án năng lượng tái tạo (NLTT) hưởng giá FIT (giá mua bán điện cố định ưu đãi) đang bị trì hoãn thanh toán vô thời hạn. Trước tình hình này, các nhà đầu tư vừa kiến nghị Chính phủ bảo lưu giá mua điện đã thỏa thuận và yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thực hiện đúng hợp đồng.
Nhà đầu tư lo phá sản
Trong kiến nghị gửi các cấp thẩm quyền, các nhà đầu tư NLTT bày tỏ quan ngại về phương thức xử lý đối với 173 dự án điện gió và điện mặt trời đã có COD (ngày vận hành thương mại) trước hoặc trong năm 2021, nhưng chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu tại thời điểm COD.
Dự án điện gió Phú Lạc tại huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Ảnh: TIẾN THẮNG
Theo các nhà đầu tư, văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu là văn bản chấp thuận kết quả kiểm tra nghiệm thu hoàn thành xây dựng công trình của Bộ Công thương hoặc cơ quan có thẩm quyền cấp tỉnh. Mặc dù các doanh nghiệp (DN) đã tuân thủ các quy định về NLTT có hiệu lực, nhưng kể từ tháng 9-2023, nhiều dự án đã bị trì hoãn thanh toán vô thời hạn hoặc chỉ nhận được thanh toán một phần theo các hợp đồng mua bán điện đã ký với EVN.
Nhiều nhà đầu tư NLTT cho rằng, việc áp dụng hồi tố giá FIT dựa trên ngày cấp văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu là không hợp lý, đi ngược nguyên tắc không được áp dụng hồi tố của Luật Đầu tư. Điều này có thể dẫn đến thiệt hại gần 100% vốn chủ sở hữu của các dự án lên tới 13 tỷ USD, dẫn đến DN có nguy cơ phá sản. Ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và Điện mặt trời Bình Thuận, cho biết, việc hồi tố giá bán điện không chỉ ảnh hưởng đến các dự án đang vận hành, mà còn ảnh hưởng đến kế hoạch thu hút vốn đầu tư lớn vào ngành điện.
Do đó, cần xem xét kỹ các khía cạnh, các quy định tại thời điểm đầu tư để có phương án giải quyết thỏa đáng. Trong khi đó, đại diện Tập đoàn Sao Mai (nhà đầu tư NLTT có trụ sở tại tỉnh An Giang) nhấn mạnh, đến thời điểm hiện tại chưa có bất kỳ cơ sở pháp lý hay văn bản quy phạm pháp luật nào quy định các nhà máy chưa có Chứng nhận nghiệm thu hoàn thành (CCA) sau ngày vận hành thương mại sẽ không được áp dụng giá ưu đãi FIT.
Theo ghi nhận, khoảng 30% số dự án NLTT bị ảnh hưởng do thu hồi giá FIT có sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài đến từ châu Âu và châu Á. Tổng giá trị đầu tư bị ảnh hưởng (tính riêng với các dự án thuộc sở hữu nước ngoài) ước tính 4 tỷ USD, bao gồm hơn 3,6GWp dự án điện mặt trời và 160MW dự án điện gió.
Báo cáo Chính phủ kết quả giải quyết
Việc các nhà đầu tư có thư kiến nghị diễn ra trong bối cảnh các cơ quan chức năng tại Việt Nam đang đề xuất giải pháp khắc phục các sai phạm, vi phạm của các dự án NLTT đã được Thanh tra Chính phủ kết luận (Kết luận số 1027/KL-TTCP). Theo báo cáo của Bộ Công thương, các sai phạm được Thanh tra Chính phủ chỉ ra tại kết luận kể trên rơi vào các trường hợp hưởng cơ chế giá khuyến khích không đúng đối tượng theo quy định; công nhận COD và hưởng giá FIT khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu công trình xây dựng của chủ đầu tư (173 nhà máy/phần nhà máy điện mặt trời, điện gió nối lưới)…
Theo một chuyên gia về năng lượng, việc giải quyết vướng mắc tại các dự án NLTT theo Kết luận số 1027/KL-TTCP của Thanh tra Chính phủ là bài toán không hề dễ. Với những người ký hoặc thực hiện sai quy định thì phải chịu trách nhiệm, nhưng về nguyên tắc, các bên cần tuân thủ nội dung trong hợp đồng đã ký. Trong trường hợp này, những dự án được xác định không có vi phạm thì không được thu hồi giá FIT, bởi việc này có thể gây ra khiếu kiện và hệ lụy với môi trường đầu tư. Bộ Công thương, EVN và các bên liên quan cũng nên trao đổi, đưa ra mức giá mua bán điện mới hợp lý hơn.
Trong khi đó, Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình tại cuộc họp về báo cáo kết quả khắc phục, tháo gỡ vướng mắc đối với các dự án NLTT theo Nghị quyết số 233/NQ-CP ngày 10-12-2024 của Chính phủ. Theo thông báo, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình yêu cầu tuân thủ theo Nghị quyết 233, nếu vi phạm do lỗi DN và không đáp ứng đầy đủ điều kiện được hưởng giá FIT thì không được hưởng giá ưu đãi.
Đồng thời, Bộ Công thương tiếp tục đôn đốc các địa phương, bộ, ngành định kỳ báo cáo kết quả thực hiện. Trên cơ sở đó, cập nhật, tổng hợp và định kỳ báo cáo Thủ tướng cho đến khi thực hiện tháo gỡ toàn bộ vướng mắc, khó khăn cho các dự án NLTT. Sau khi hoàn thành việc xử lý tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, Bộ Công thương chủ trì, tổng hợp báo cáo Chính phủ trong tháng 6.
Ở góc độ pháp lý, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, cho rằng, mọi ưu đãi trong đầu tư kinh doanh đều phải được duy trì theo đúng cam kết ban đầu. Trong trường hợp DN có sai phạm nghiêm trọng, vi phạm do lỗi của DN thì có thể xem xét xử lý; nếu DN đã nỗ lực hoàn thành dự án vượt tiến độ để cung cấp điện cho nền kinh tế thì xứng đáng được hưởng ưu đãi đã cam kết. Trong trường hợp có thay đổi chính sách thì DN phải được hưởng lợi hơn; nhưng nếu chính sách kém thuận lợi hơn, thì mức ưu đãi đã cam kết trước đó vẫn phải được đảm bảo.
Đức Trung
—————
Sài Gòn Giải phóng (Kinh tế) ngày 27-3-2025:
(126/1.150)