Thúc đẩy hộ kinh doanh chuyển đổi (*): Thủ tục, ưu đãi phải thực sự rõ ràng.
Phải xây dựng môi trường pháp lý, cơ chế, chính sách thực sự thuận lợi và luôn đồng hành với hộ kinh doanh trong quá trình chuyển đổi
Mục tiêu có thêm 1 triệu doanh nghiệp (DN) là khả thi nếu Việt Nam có những cải cách về quy định pháp luật thực sự thuận lợi để khu vực hộ kinh doanh mạnh dạn chuyển đổi.
Giảm gánh nặng thuế, phí
Tại Nghị quyết số 10/2017, Việt Nam dự kiến có 1 triệu DN vào năm 2020 và 1,5 triệu DN trong năm nay. Song hiện tại cả nước mới có gần 1 triệu DN, bằng khoảng 2/3 mục tiêu đề ra. Mới đây, tại Chỉ thị số 10 ngày 25-3-2025 về thúc đẩy phát triển DN nhỏ và vừa, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt mục tiêu phấn đấu có thêm ít nhất 1 triệu DN tới năm 2030; khu vực DN này cần phải tăng về số lượng, chất lượng, quy mô, cũng như đóng góp vào nền kinh tế.
Theo TS Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội, Việt Nam hiện có hơn 5 triệu hộ kinh doanh, trong đó tỉ lệ lớn là các hộ kinh doanh cá thể hoạt động ổn định trong lĩnh vực bán lẻ, dịch vụ ăn uống, vận tải nhỏ, thủ công mỹ nghệ, sản xuất hộ gia đình… Muốn đạt mục tiêu có thêm 1 triệu DN vào năm 2030, việc thúc đẩy hộ kinh doanh lên DN là hướng đi đúng đắn.
Rất ít hộ kinh doanh tại các chợ truyền thống muốn chuyển đổi thành doanh nghiệp. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Hiện tại, dù đã có một số nghị quyết và chương trình hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi nhưng việc triển khai vẫn còn hạn chế, chưa tạo ra một “làn sóng” chuyển đổi rõ rệt. “Điều quan trọng là phải xây dựng môi trường pháp lý, cơ chế chính sách và hệ sinh thái kinh doanh thực sự thuận lợi, minh bạch, đồng hành cùng hộ kinh doanh trong quá trình chuyển đổi và phát triển bền vững. Cụ thể, cần có một hệ thống giải pháp tổng thể, đồng bộ, trong đó nhấn mạnh vào 3 yếu tố chính: khuyến khích – hỗ trợ – đơn giản hóa để thúc đẩy quá trình hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN” – TS Mạc Quốc Anh nêu.
Ông cho rằng Chính phủ có thể áp dụng gói ưu đãi thuế trong 1-3 năm đầu sau khi chuyển đổi, như miễn/giảm thuế thu nhập DN, hỗ trợ chi phí sử dụng hóa đơn điện tử hoặc cấp vốn tín dụng ưu đãi. Ngoài ra, cũng nên xem xét miễn lệ phí môn bài, giảm chi phí đăng ký kinh doanh để khuyến khích các hộ đăng ký chính thức.
TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia, cho rằng phương án thuế khoán không nên được duy trì lâu quá. Thuế khoán nhanh, gọn nhưng là cơ chế xin – cho, không minh bạch và có thể thất thoát ngân sách. Vì vậy, cần khuyến khích hộ kinh doanh thành DN siêu nhỏ, được hỗ trợ thành lập và về lâu dài đóng thuế đầy đủ. Ông đồng thời đề xuất khuyến khích hộ kinh doanh thành DN siêu nhỏ, bằng cơ chế miễn thuế thu nhập DN từ 3-5 năm đầu tiên hoạt động.
“Hết sức đơn giản quy trình, thủ tục: không cần hội đồng quản trị, ban kiểm soát, kế toán trưởng…; hỗ trợ họ về sổ sách, kế toán và quản trị. Cần có phần mềm để hộ kinh doanh quản trị, khai báo và quản lý thu – chi đơn giản” – TS Cấn Văn Lực nói.
Gỡ nút thắt thủ tục hành chính
Trong nhiều năm nay, số lượng hộ chuyển đổi lên DN vẫn còn rất hạn chế. Giai đoạn 2011-2021 chỉ có 43.800 DN tư nhân đăng ký hoạt động, bằng 4,6% số hộ kinh doanh được thành lập và đi vào hoạt động trong giai đoạn này.
Với những định hướng quan trọng của Tổng Bí thư Tô Lâm về phát triển kinh tế tư nhân, tôi tin rằng đây là giai đoạn mà chúng ta có thể chuẩn hóa đội ngũ doanh nhân, cởi trói, hỗ trợ và tạo đột phá để hộ kinh doanh lớn lên thành DN” – Luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh.
Khảo sát của các chuyên gia kinh tế và Hiệp hội DN cho thấy nguyên nhân đến từ nhiều góc độ, cả về tâm lý, thể chế, lẫn điều kiện thực tiễn. Trong đó, tâm lý e ngại rủi ro và gánh nặng thủ tục là rào cản lớn. Gánh nặng về chi phí và nghĩa vụ tài chính cũng là lý do khiến nhiều hộ không mặn mà với việc chuyển đổi. Khi lên DN, mức thuế phải đóng có thể tăng (ví dụ như thuế thu nhập DN, thuế giá trị gia tăng), trong khi các chính sách ưu đãi chưa thực sự rõ ràng. Ngoài ra, DN còn phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động, chi phí kế toán, phần mềm hóa đơn, kiểm toán… tạo ra gánh nặng đáng kể, nhất là với các hộ kinh doanh siêu nhỏ.
TS Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam, phân tích nếu không có những cải cách mạnh mẽ các quy định về loại hình DN định hướng để các hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi, thì các chính sách khác như hỗ trợ chi phí, miễn thuế cho DN sau khi chuyển đổi sẽ chỉ mang nhiều ý nghĩa động viên tinh thần. “Ưu tiên số 1 của việc sửa đổi Luật DN trong thời gian tới là xây dựng rõ ràng, tách bạch khung pháp lý riêng cho mô hình DN cá thể. Việc tách bạch các quy định về pháp nhân kinh doanh và cá nhân kinh doanh là một nguyên tắc quan trọng đã được nhiều quốc gia áp dụng. Luật DN ngoài việc gọi đúng tên bản chất hình thức DN cá thể, cần bình dân hóa hình thức DN cá thể này qua những cải cách các quy định hiện tại về DN tư nhân. Việc đăng ký DN này cần được phân quyền xuống cấp xã, nơi gần gũi các hộ kinh doanh nhất; chi phí tuân thủ, thuế sẽ gần gũi, phù hợp nhất với hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh” – TS Lê Duy Bình bày tỏ.
TS Mạc Quốc Anh thì đề xuất cần giảm thiểu các thủ tục hành chính rườm rà. Cần xây dựng cơ chế “một cửa” tích hợp, hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi với quy trình đơn giản, dễ tiếp cận, có thể thực hiện trực tuyến. Các thủ tục như đăng ký mã số thuế, khai báo lao động, đăng ký bảo hiểm xã hội… nên được tích hợp vào một gói dịch vụ trọn gói, có cán bộ tư vấn tại chỗ để giảm thiểu thời gian và chi phí cho các hộ kinh doanh. Song song đó, cần tăng cường hỗ trợ đào tạo, tư vấn và kết nối thị trường; tạo điều kiện để các hộ có thể tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi sau khi chuyển đổi.
Chính sách chuyển tiếp phải hợp lý
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, nêu thực tế hộ kinh doanh không muốn lớn lên thành DN, thậm chí lên DN lại muốn quay về hộ kinh doanh đã diễn ra trong nhiều năm nay. Ông cho biết giải pháp cho vấn đề là làm sao để hộ kinh doanh thấy lên DN là có lợi và là lộ trình bắt buộc.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, giải pháp đột phá là chấp nhận một loại hình DN mới với mô hình hoạt động vẫn như hộ kinh doanh nhưng gọi tên là DN hộ kinh doanh. Trong 3 năm đầu giữ nguyên quyền lợi, chế độ được hưởng, không chịu những quy định khó khăn về thủ tục hành chính đồng thời được phép tham gia các dự án đấu thầu, được hưởng ưu đãi về thuế, phí… Sau thời gian đó, DN hộ kinh doanh buộc phải chuyển đổi lên DN. Về phía cơ quan quản lý, Cục Phát triển DN tư nhân và kinh tế tập thể (Bộ Tài chính) sẽ có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc hỗ trợ DN một cách thiết thực.
Đại diện Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội thì cho rằng cần có chính sách chuyển tiếp hợp lý. Trong thời gian đầu hộ kinh doanh lên DN, cần có chế độ chuyển tiếp để họ có thời gian làm quen với chế độ kế toán, hóa đơn, quản trị nhân sự. Có thể cho phép sử dụng chế độ kế toán đơn giản, không bắt buộc kiểm toán trong 2 năm đầu hoặc cho phép linh hoạt lựa chọn phương pháp tính thuế phù hợp với thực tế hoạt động.
“Cần hoàn thiện khung pháp lý dành riêng cho DN siêu nhỏ, DN chuyển đổi từ hộ kinh doanh. Đây là nhóm đối tượng có đặc thù riêng, cần được “may đo” chính sách để phù hợp với năng lực và nhu cầu thực tế, tránh áp dụng cùng một chuẩn với DN vừa và lớn” – TS Mạc Quốc Anh nêu quan điểm.
Sớm sửa đổi Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ
Ở góc nhìn chuyên gia, TS Cấn Văn Lực đề xuất cần đẩy nhanh hoàn thiện thể chế, nhất là đột phá cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh như sớm sửa đổi Luật Hỗ trợ DN vừa và nhỏ. Thuế đối với DN nhỏ và siêu nhỏ, nên là 17% và 15% như đã nêu trong Luật Hỗ trợ DN vừa và nhỏ, chứ không phải 20% cào bằng như DN lớn. Khi đó, DN vừa và nhỏ mới có thêm động lực phát triển. Đặc biệt là cần quyết tâm giảm 30% thủ tục hành chính, chi phí kinh doanh và thời gian giải quyết công việc hành chính.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 31-3
Thái Phương – Lê Thúy
—————
Người lao động (Kinh tế) ngày 01-4-2025:
(268/1.782)