Nghị quyết 68: Mở ra cơ hội chấm dứt hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự
(PLO) – Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Nghị quyết 68 khi được nhanh chóng thể chế hóa và thực thi nghiêm túc, kinh tế tư nhân sẽ bứt phá, trở thành động lực quan trọng giúp đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình.
LTS: Thời gian qua, nhiều chuyên gia đã bàn về việc xây dựng một cơ chế, chính sách nhằm chống hình sự hóa quan hệ dân sự, kinh tế; tạo điều kiện cho sự phát triển lành mạnh và bền vững của doanh nghiệp và môi trường đầu tư.
Trong bối cảnh đó, Nghị quyết 68-NQ/TW ngày 4-5-2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân ra đời với nguyên tắc “khi xử lý các sai phạm, vụ việc về dân sự kinh tế, ưu tiên áp dụng các biện pháp về dân sự, kinh tế, hành chính trước”, sẽ là điểm tựa quan trọng để chấm dứt điều này.
*****
Là một luật sư (LS) tham gia bào chữa trong nhiều đại án, chứng kiến thực tiễn áp dụng pháp luật trong nhiều vụ án kinh tế, LS Trương Thanh Đức, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), trao đổi với Pháp Luật TP.HCM rằng: “Tình trạng hình sự hóa các vi phạm trong lĩnh vực dân sự, kinh tế, hành chính không phải là vấn đề mới, mà đã phát sinh đến mức khá phổ biến hơn 20 năm nay”.
Truvi
. Phóng viên: Thưa ông, trước Nghị quyết 68, chúng ta thấy việc áp dụng pháp luật theo hướng xử lý các hành vi vi phạm về dân sự, kinh tế trong một số trường hợp có vẻ nghiêng về biện pháp hình sự.
Luật sư TRƯƠNG THANH ĐỨC
+ LS Luật sư Trương Thanh Đức: Đúng thế, vì đó là cách nhanh nhất và dễ nhất để Nhà nước trừng trị, răn đe người vi phạm nhưng mặt trái của nó để lại không tốt và kéo dài. Đòi hỏi thực tế từ người dân cho đến các doanh nhân, doanh nghiệp (DN) là cần giảm thiểu và tiến tới chấm dứt tình trạng hình sự hóa các vi phạm dân sự, kinh tế và hành chính.
Việc này không những để tránh tình trạng oan sai không đáng có, mà quan trọng hơn là phát huy tối đa nguồn lực của xã hội, mọi khả năng của con người để đóng góp vào quá trình tìm tòi, nghiên cứu, ứng dụng và thực hiện các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh nhằm phát triển kinh tế – xã hội; mang lại hiệu quả, lợi ích cao nhất phục vụ con người song hành với việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Điều này cũng phù hợp với phương châm ứng xử xưa nay là dụng nhân như dụng mộc hay đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại.
. Chúng tôi có tìm hiểu và nhận thấy yêu cầu không hình sự hóa các vi phạm trong lĩnh vực dân sự, kinh tế đã được nhắc đến rất nhiều trong các nghị quyết.
+ Năm 2005, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 49 về “chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”, trong đó đã yêu cầu “khắc phục tình trạng hình sự hóa quan hệ kinh tế, quan hệ dân sự và bỏ lọt tội phạm”. Trong một số phát biểu của các lãnh đạo cũng đã yêu cầu “không hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế”.
Năm 2024, Bộ Chính trị cũng đã ban hành Nghị quyết 41 về “xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới”. Rồi sau đó, Chính phủ cũng đã ban hành chương trình hành động của mình để thực hiện nghị quyết này. Mới đây nhất, Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị cho thấy những tư tưởng, định hướng, chủ trương dứt khoát hơn về vấn đề này.
Cắt bỏ phiền hà, tăng cường bảo vệ
Đại biểu Quốc hội PHAN ĐỨC HIẾU
Thông điệp và tinh thần của Nghị quyết 68 là cắt bỏ phiền hà, cắt bỏ điều kiện kinh doanh không cần thiết, triệt để tôn trọng quyền tự do kinh doanh của người dân và DN.
Các chính sách thể chế hóa nghị quyết sẽ hướng đến việc DN không phải hỏi cơ quan quản lý nhà nước là “tôi được phép làm việc này không?” mà chỉ phải hỏi hoặc soi xem “việc tôi làm có bị cấm không?”.
Điều này dẫn đến hệ quả tốt là cơ quan nhà nước phải tư vấn cho DN tuân thủ tốt hơn quy trình thủ tục nếu có, xóa đi “vùng xám” trong luật pháp về đầu tư, kinh doanh.
Đặc biệt, trong định hướng không hình sự hóa quan hệ dân sự, kinh tế thì chủ trương bảo đảm quyền tài sản của Nghị quyết 68 nếu được thể chế hóa, thực thi nghiêm thì sẽ giải tỏa được lo lắng cho DN trong quá trình đầu tư, kinh doanh nhỡ khi có sai sót, sai lầm.
Từ trước đến nay, DN lo lắng nhất về rủi ro thể chế dẫn đến họ không dám làm, sợ có sai sót, sợ có sai lầm thì không có cơ hội làm lại.
Nghị quyết 68 xác định phải tăng cường bảo vệ DN khi phân định rõ trách nhiệm hình sự với trách nhiệm dân sự, hành chính của các chủ thể trong DN, tách bạch quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cá nhân và pháp nhân DN trong xử lý các vi phạm. Vì nhiều khi vi phạm của cá nhân không đại diện cho DN.
Trong xử lý vi phạm cá nhân của DN thì điều đáng lo nhất là ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của cả DN đó. Một chủ tịch HĐQT, một tổng giám đốc vi phạm thì đó là vi phạm của cá nhân, vậy có lý do gì mà khi xử lý lại để cả DN đó phải bị ảnh hưởng, phải dừng hoạt động?
Quan điểm trong Nghị quyết 68 là “trách nhiệm đến đâu thì xử lý đến đó, không thể có chuyện sai phạm rất nhỏ mà kê biên tất cả tài sản”. Sửa đổi luật pháp về DN sau đây có thể tăng cường luôn cơ chế chủ động sàng lọc. Chẳng hạn như quản trị công ty ở nước ngoài, khi HĐQT nhận thấy một thành viên có hành vi không đúng luật như tham nhũng, đưa hối lộ… thì có thể chủ động sa thải thành viên đó.
Đại biểu Quốc hội PHAN ĐỨC HIẾU, Ủy ban Kinh tế – Tài chính
Các nghị quyết đều nhấn mạnh “không hình sự hóa các quan hệ kinh tế nhưng xử lý những người làm sai, vi phạm pháp luật để bảo vệ người làm đúng, tạo môi trường, hệ sinh thái sản xuất, kinh doanh công khai, minh bạch, bình đẳng, lành mạnh và bền vững”.
Cơ sở chính trị – pháp lý cho vấn đề không hình sự hóa các vi phạm trong lĩnh vực kinh tế, dân sự, tôi cho rằng rất mạnh mẽ và đầy đủ.
Cần xem xét những quy định chưa hợp lý
. Theo ông, từ thực tiễn áp dụng pháp luật trong xử lý các hành vi vi phạm dân sự, kinh tế, hành chính hiện nay đặt ra những vấn đề gì cần xem xét sửa đổi?
+ Ranh giới giữa vi phạm dân sự, kinh tế, hành chính với vi phạm hình sự ngày càng phức tạp, đan xen, chồng lấn, khó phân biệt tách bạch và khó xử lý, nhất là trong bối cảnh đòi hỏi phải giữ vững kỷ cương pháp luật, xử lý kịp thời, nghiêm khắc hành vi vi phạm pháp luật.
Tôi cho rằng có sự nhầm lẫn giữa dấu hiệu vi phạm dân sự, kinh tế, hành chính với dấu hiệu vi phạm hình sự. Thật khó phân biệt giữa lừa đảo trong pháp luật hình sự với lừa dối trong pháp luật dân sự.
Chẳng hạn, Điều 127 BLDS 2015 quy định rằng “khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép thì có quyền yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu”. BLDS còn quy định rõ thời hiệu yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu là hai năm.
Thế nhưng suốt mấy chục năm qua, chỉ cần lừa dối từ 2 triệu đồng trở lên (thậm chí ít hơn nếu đã bị xử phạt hành chính hay đã có tiền án…) là đã đủ dấu hiệu định tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Một doanh nhân lừa dối, lừa đảo 2 triệu đồng (thậm chí chỉ là việc tranh chấp hợp đồng chưa ngã ngũ) thì có đáng bị xem là tội phạm không? Nhiều tội phạm khác về kinh tế còn nguy cơ mù mờ hơn, vì đã lấy định lượng để quyết định thay vì định tính, tức dùng hình thức áp đặt bản chất.
Nếu tuân thủ triệt để theo tinh thần của Nghị quyết 68 Bộ Chính trị, cùng với việc đang gấp rút sửa đổi BLHS thì chắc chắn sẽ khắc phục được tình trạng nhầm lẫn này.
. Nếu nói về nhầm lẫn như vậy thì chắc hẳn chuyện các luật chồng chéo, nhiều cách hiểu khác nhau cũng là một nguyên nhân?
+ Luật pháp hiện nay chưa tạo ra được chuẩn mực rõ ràng và cách hiểu thống nhất, đúng đắn, đó cũng là nguyên nhân dẫn đến cách áp dụng không thống nhất, chưa có lợi hoàn toàn cho người vi phạm và dễ bị hình sự hóa.
BLHS có nhiều quy định bất cập, trong đó có các quy định về tội lập quỹ trái phép, tội đầu cơ, tội làm hàng giả, tội lừa dối khách hàng, tội cho vay lãi nặng, tội về hoạt động ngân hàng… Hành vi sản xuất không đủ số lượng, chất lượng chịu tội sản xuất, buôn bán làm hàng giả cũng cần xem xét thấu đáo.
Về áp dụng pháp luật cũng có nhiều điều phải suy nghĩ. Chẳng hạn, hành vi xâm phạm nhãn hiệu hàng hóa thường bị xử phạt về tội sản xuất hàng giả có hợp lý không?
Ngân hàng còn nguy cơ bị hình sự hóa cao hơn DN khác. Trong khi nền kinh tế có mức độ rủi ro cao, DN phụ thuộc nhiều vào vốn vay ngân hàng thì việc cấp tín dụng là hoạt động kinh doanh rủi ro đương nhiên phải chấp nhận rủi ro cao.
Việc mất vốn của ngân hàng chủ yếu là do người vay vốn chiếm đoạt hoặc thua lỗ, thất thoát, không có khả năng trả nợ. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, nhân viên ngân hàng lại phải chịu trách nhiêm hình sự về những sơ suất, sai phạm nhỏ, thứ yếu, không phải là yếu tố quyết định dẫn đến việc thất thoát. Việc xác định có hay không có tội đối với những sai sót của nhân viên nhiều khi là rất mơ hồ, không rõ ràng.
Kinh tế tư nhân Việt Nam sẽ bứt phá
. Theo ông, cần làm gì để hạn chế và tiến tới triệt tiêu tình trạng hình sự hóa?
+ Nghị quyết 68 đã chỉ ra rất nhiều giải pháp cần thiết, cả về lập pháp, hành pháp và tư pháp. Yêu cầu đầu tiên vẫn phải là sửa đổi các luật triệt để theo các định hướng của nghị quyết. Thực tế là từ năm 2021 đến nay, Chính phủ đã trình Quốc hội sửa nhiều luật, ban hành, sửa đổi nhiều nghị định.
Cả nội dung và phương thức, cách thức sửa đổi các luật đều rất quan trọng trong việc hoàn thiện. Nếu luật pháp còn nhiều kẽ hở, lỗ hổng hay quá chặt chẽ, cứng nhắc, mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu sự đồng bộ, thống nhất thì cũng đều dễ dẫn đến tình trạng vi phạm tràn lan. Và dù bất cập theo chiều hướng nào thì cũng đều tiếp tục dẫn tới nguy cơ hình sự hóa quan hệ dân sự, kinh tế, hành chính.
Do đó, điều quan trọng nhất trong Nghị quyết 68 là luật pháp phải thông thoáng để thúc đẩy đầu tư, kinh doanh nhưng phải bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án.
Nguyên tắc này nếu được thực thi nghiêm túc thì đương nhiên sẽ giảm thiểu việc hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế. Người dân và DN chỉ có thể an tâm đầu tư, kinh doanh khi không bất ngờ trở thành tội phạm nếu họ không cố tình phạm tội.
. Luật pháp chỉ được thực thi nghiêm khi hệ thống luật, pháp luật được sửa đổi theo hướng minh bạch, chỉ có một cách hiểu?
+ Đúng vậy, phải bảo đảm nhận thức và áp dụng đúng pháp luật, mang lại công lý và sự công bằng đối với việc thực hiện, xử lý vi phạm pháp luật trên thực tế. Cùng với đó, phải phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm.
Nghiêm minh không đồng nghĩa với cứ phải xử lý hình sự. Nếu xử lý vi phạm không tâm phục, khẩu phục, không hướng tới mục tiêu lớn, không có tác dụng phòng ngừa, răn đe vi phạm thì thậm chí còn gián tiếp khuyến khích vi phạm.
Trước đây, tôi luôn nghĩ đối với những vi phạm mang tính chất kinh tế thì cần phải ưu tiên cho việc xử lý, khắc phục hậu quả kinh tế, hạn chế xử lý hình sự. Kể cả khi buộc phải xử lý hình sự thì cũng ưu tiên việc phạt tiền và giảm nhiều hình phạt tù.
Và điều rất mừng, Nghị quyết 68 đã rất dứt khoát, mạnh mẽ khẳng định những nguyên lý này. Rất có cơ sở để tin tưởng nhắc lại tinh thần của 67 năm trước trong một chỉ đạo của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng rằng: “Người đáng bắt thì bắt, người bắt cũng được, không bắt cũng được thì không bắt”.
Tôi muốn nói thêm một lần nữa: Khi Nghị quyết 68 được nhanh chóng thể chế hóa và thực thi nghiêm túc thì chắc chắn kinh tế tư nhân Việt Nam sẽ bứt phá, trở thành động lực quan trọng nhất giúp đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình.
. Xin cảm ơn ông.
Chân Luận
TS NGUYỄN TRÍ HIẾU, chuyên gia kinh tế:
Bước tiến quan trọng
TS NGUYỄN TRÍ HIẾU
Việc phân định rạch ròi giữa trách nhiệm hình sự, dân sự, hành chính… là một bước tiến quan trọng trong luật pháp Việt Nam, giúp tránh tình trạng hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự. Dù quy định này được ban hành tương đối muộn so với quốc tế nhưng nó phù hợp với thực tiễn, góp phần thu hút đầu tư và nâng cao niềm tin vào công lý.
Nguyên tắc suy đoán vô tội là chuẩn mực quốc tế mà Việt Nam cần tuân thủ nghiêm ngặt. Trước đây, thực tế cho thấy không ít người bị coi là có tội ngay từ khi bị khởi tố, điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự cá nhân và hoạt động kinh doanh. Việc khẳng định nguyên tắc này sẽ tạo nên một môi trường pháp lý công bằng hơn, đồng thời tăng cường bảo vệ quyền con người.
Đối với vấn đề tài sản, quy định phân biệt rõ tài sản hợp pháp và tài sản từ hành vi vi phạm mà có là hết sức cần thiết. Tài sản hợp pháp không nên bị xử lý tùy tiện ngay cả khi chủ sở hữu có vi phạm một phần. Điều này giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho DN, nhà đầu tư.
ThS NGUYỄN ĐỨC HIẾU, Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM):
Đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển
ThS NGUYỄN ĐỨC HIẾU
Nghị quyết 68-NQ/TW đánh dấu một bước tiến quan trọng trong cách tiếp cận của Đảng đối với xử lý hình sự trong lĩnh vực kinh tế. Tinh thần cốt lõi của Nghị quyết 68 thể hiện sự cân bằng giữa yêu cầu bảo vệ pháp luật và thúc đẩy môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch, tạo điều kiện cho DN phát triển bền vững ở nước ta.
Trước hết, nghị quyết đã khẳng định rõ nguyên tắc phân định trách nhiệm hình sự với hành chính, dân sự; giữa pháp nhân và cá nhân trong xử lý vi phạm. Đây là điểm đột phá khi Đảng đã định hướng ưu tiên áp dụng các biện pháp dân sự, kinh tế, hành chính trước khi cân nhắc đến xử lý hình sự.
Đặc biệt, quy định “trường hợp thực tiễn áp dụng pháp luật có thể dẫn đến xử lý hình sự hoặc không xử lý hình sự thì kiên quyết không áp dụng xử lý hình sự” thể hiện rõ tinh thần không hình sự hóa các quan hệ kinh tế.
Nguyên tắc này càng được củng cố khi nghị quyết đã nhấn mạnh việc không hồi tố các quy định của pháp luật để xử lý bất lợi cho DN, tạo sự an tâm cho các chủ thể kinh doanh trong hoạt động đầu tư, phát triển là hoàn toàn chính xác và tạo động lực mạnh mẽ cho các DN.
Bên cạnh đó, Nghị quyết 68 còn thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của DN, doanh nhân trong quá trình tố tụng.
Các quy định về việc niêm phong, kê biên, tạm giữ, phong tỏa tài sản liên quan đến vụ án phải tuân thủ nghiêm ngặt về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, phạm vi để đảm bảo việc không xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức (đặc biệt là các doanh nhân, DN).
Nguyên tắc suy đoán vô tội trong nghị quyết cũng được nhấn mạnh phải áp dụng trong quá trình điều tra, xét xử các vụ án, đồng thời nghị quyết đưa ra yêu cầu sớm có kết luận đối với các vụ việc thiếu chứng cứ, chứng cứ không rõ ràng để tránh ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín và hoạt động bình thường của DN là những điểm sáng, tạo tâm thế tự tin cho các doanh nhân, DN trong hoạt động kinh doanh của họ.
Dưới những tư tưởng sáng suốt của Đảng trong kỷ nguyên mới, Nghị quyết 68 còn thể hiện sự tiến bộ vượt bậc khi phân biệt rõ trách nhiệm giữa pháp nhân và cá nhân trong DN. Việc phân biệt rõ tài sản hình thành hợp pháp với tài sản có được từ hành vi vi phạm pháp luật, cũng như phân định rõ tài sản, quyền, nghĩa vụ của DN với tài sản của cá nhân những người quản lý trong DN giúp tránh tình trạng xử lý vơ đũa cả nắm. Điều này tạo ra sự công bằng, minh bạch trong quá trình xử lý vi phạm, bảo vệ những giá trị hợp pháp mà DN đã tạo dựng, đồng thời không bỏ lọt hành vi vi phạm của cá nhân dưới danh nghĩa DN.
Đối với thực tiễn phát triển kinh tế, nghị quyết mang lại những tác động tích cực khi tạo môi trường pháp lý ổn định, giảm thiểu rủi ro cho DN. DN và doanh nhân được tạo điều kiện chủ động khắc phục sai phạm, thiệt hại trước khi áp dụng biện pháp xử lý hình sự.
Đồng thời, việc cho phép sử dụng hợp lý các biện pháp bảo đảm giá trị tài sản liên quan đến vụ án nhưng giảm thiểu tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh thể hiện cách tiếp cận cân bằng giữa yêu cầu điều tra và bảo vệ hoạt động kinh tế.
Cuối cùng, nghị quyết đã thể hiện tinh thần cải cách mạnh mẽ trong cân bằng giữa xử lý vi phạm và bảo vệ môi trường kinh doanh. Khi buộc phải xử lý hình sự, Nghị quyết 68 ưu tiên các biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế trước, coi đó là căn cứ quan trọng để xem xét các biện pháp tiếp theo. Điều này không chỉ thể hiện tinh thần nhân đạo, mà còn hướng đến mục tiêu khắc phục thiệt hại, phục hồi trật tự kinh tế thay vì chỉ tập trung vào yếu tố trừng phạt. Nghị quyết yêu cầu đẩy nhanh việc kết luận đối với các vụ việc thiếu chứng cứ cũng góp phần giảm thiểu thời gian DN phải chịu áp lực tố tụng, sớm ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Theo tôi, qua theo dõi các hoạt động chính trị, kinh tế, pháp luật nhiều năm, có thể thấy rằng Nghị quyết 68-NQ/TW thể hiện một bước tiến quan trọng trong tư duy pháp lý về xử lý hình sự trong lĩnh vực kinh tế, hướng đến xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của DN, đồng thời đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật. Những giá trị tiến bộ này không chỉ phù hợp với thông lệ quốc tế mà còn đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
NGUYỄN CHÍNH – SONG MAI ghi
—————–
Pháp luật TP Hồ Chí Minh 08-5-2025:
(1.735/3.706)