Nghị quyết 68 về Kinh tế tư nhân: Cởi trói doanh nghiệp tư nhân khỏi nỗi sợ “oan sai” kinh tế (Bài 5).
(DV) Chủ trương “không hình sự hóa các vấn đề kinh tế” tại Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân (Nghị quyết 68) được chuyên gia, doanh nghiệp ví như “liều thuốc” xoa dịu nỗi ám ảnh “án oan”, mở ra kỳ vọng về một môi trường kinh doanh an toàn, minh bạch, nơi doanh nghiệp có thể mạnh dạn đầu tư, sáng tạo và bứt phá.
Công nhân tại Công ty Máy tính Thánh Gióng.
Chia sẻ với PV Dân Việt, ông Lại Hoàng Dương, Giám đốc Công ty Máy tính Thánh Gióng cho biết: Là một công ty tư nhân với 20 năm hoạt động trên thị trường, Máy tính Thánh Gióng đã chứng kiến nhiều thay đổi trong hệ thống văn bản chính sách và luật pháp của Nhà nước về kinh tế tư nhân.
Thời điểm hiện tại, doanh nghiệp thực sự phấn khởi khi Đảng và Nhà nước dành sự quan tâm, khuyến khích đặc biệt cho khu vực kinh tế tư nhân. Chính phủ liên tục ban hành các chính sách hỗ trợ.
Nghị quyết 68 – Kỳ vọng của doanh nghiệp
Trong đó, đặc biệt đánh giá cao việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân. Ông Dương cho rằng, đây là một bước tiến mạnh mẽ trong tư duy phát triển kinh tế, đặc biệt đối với khu vực kinh tế tư nhân. Việc khẳng định kinh tế tư nhân là một “động lực quan trọng nhất” thể hiện sự nhìn nhận công bằng, khách quan và thực tiễn về vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong nền kinh tế quốc dân.
“Với 20 năm phát triển, tôi nhận thấy đây là sự chuyển mình mạnh mẽ trong chính sách. Nghị quyết không chỉ khẳng định vị thế của khu vực tư nhân mà còn thúc đẩy và hỗ trợ sự phát triển của doanh nghiệp. Đây là một tín hiệu tích cực, giúp doanh nghiệp yên tâm đầu tư dài hạn, đổi mới công nghệ và cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp khác”, ông Dương nhấn mạnh.
Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 – CTCP cảm nhận rõ ràng, việc ra đời của Nghị quyết 68 là một tin vui lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp tư nhân, vốn chiếm trên 90% trong tổng số gần 940 nghìn doanh nghiệp hiện nay. Đây là bước ngoặt trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đánh dấu sự thay đổi sâu sắc trong tư duy và nhận thức của Đảng và Nhà nước về vai trò của khu vực kinh tế tư nhân, như Tổng Bí thư Tô Lâm đã từng nói.
Ông cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng, trước đây không ít doanh nghiệp tư nhân từng chịu thiệt thòi do định kiến hoặc sự phân biệt trong chính sách. Nay, Nghị quyết 68 không chỉ xóa bỏ định kiến đó mà còn khẳng định rõ ràng vai trò của kinh tế tư nhân đối với sự phát triển của nền kinh tế quốc dân. Nghị quyết không chỉ dừng lại ở tầm tư tưởng mà còn đi thẳng vào những vấn đề then chốt và sát sườn với doanh nghiệp.
Với hơn 80% doanh thu đến từ thị trường quốc tế, Nghị quyết này được kỳ vọng sẽ tiếp thêm sức mạnh cho May 10, mở ra những triển vọng mới trong hợp tác với các đối tác lớn. Ông Việt bày tỏ tin tưởng rằng, cùng với tinh thần đổi mới và những giải pháp cụ thể mà Nghị quyết mang lại, May 10 sẽ có những bước chuyển mình mạnh mẽ, vươn tầm phát triển để sánh vai với các doanh nghiệp tư nhân hàng đầu trong khu vực ASEAN và trên toàn cầu.
Nói lên tiếng nói cho các doanh nghiệp, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về kinh tế tư nhân là một sự đột phá vô cùng lớn, được cộng đồng doanh nghiệp trông đợi và kỳ vọng bấy lâu nay.
Đây là một cú hích, một nghị quyết truyền cảm hứng cho doanh nhân, doanh nghiệp và toàn xã hội, cùng nhau huy động các nguồn lực phát triển kinh tế; để huy động sức dân cho sự phát triển doanh nghiệp tư nhân, vì môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, minh bạch và công bằng là điều kiện tiên quyết
Ông Phạm Tấn Công – Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Theo Chủ tịch VCCI, doanh nghiệp luôn luôn có khát vọng phát triển. Thế nhưng, thời gian vừa qua đã có sự chững lại, kể cả dòng vốn đầu tư doanh nghiệp cũng như vốn từ người dân. Vì vậy, tiền gửi tiết kiệm cao chưa từng có, chưa bao giờ người dân “găm” vàng, đô la, bất động sản nhiều như hiện nay. Nghị quyết 68 ra đời tháo gỡ nút thắt này, giúp khơi thông dòng chảy đầu tư tư nhân và truyền cảm hứng cho người dân và doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ hơn.
Không hình sự hóa các vấn đề kinh tế, hạn chế oan sai
Một trong những điểm sáng được cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt hoan nghênh trong Nghị quyết 68 là chủ trương “không hình sự hóa các vấn đề kinh tế”.
Các doanh nghiệp đánh giá cao quan điểm này bởi nó thể hiện sự thấu hiểu sâu sắc về bản chất phức tạp và rủi ro của các quan hệ kinh tế – vốn có thể phát sinh từ biến động thị trường, áp lực cạnh tranh hoặc những sai sót mang tính hành chính, dân sự. Do đó, việc lạm dụng các biện pháp hình sự có nguy cơ gây ra tâm lý bất an, lo ngại lan rộng trong cộng đồng doanh nghiệp.
“Không hình sự hóa các quan hệ kinh tế” sẽ là cú hích, tạo nền tảng quan trọng tạo dựng môi trường kinh doanh an toàn, minh bạch. Điều này thúc đẩy sự mạnh dạn đầu tư, sáng tạo và mở rộng quy mô hoạt động của doanh nghiệp.
Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 – CTCP
Theo ông Phạm Tấn Công, để huy động được sức dân cho sự phát triển các doanh nghiệp tư nhân thì môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, minh bạch và công bằng là điều kiện tiên quyết. Vấn đề này cũng đã được đề cập rất rõ trong Nghị quyết 68 với chủ trương “không hình sự hóa các hoạt động kinh tế”.
Ông nêu thực tế, hiện tại khuôn khổ pháp lý rất khắt khe, có thể vi phạm chỉ 10 triệu, 50 triệu đã thuộc vi phạm luật hình sự và đương nhiên phải xử lý hình sự. Do đó, việc quy định rất sâu, rất chi tiết về xử lý các vụ án trong Nghị quyết 68 là một bước đột phá lớn, tăng cường chế tài chính kinh tế.
“Nghị quyết 68 nêu rất cụ thể, đưa ra định hướng để doanh nhân, doanh nghiệp không chỉ hào hứng mà còn cảm thấy an tâm và an toàn cho bản thân, gia đình, doanh nghiệp và cộng sự khi họ đầu tư. Đây là điều hết sức quan trọng”, ông nói.
Quan điểm “không hình sự hóa các quan hệ kinh tế” trong Nghị quyết 68, theo chuyên gia kinh tế Đỗ Thiên Anh Tuấn và các nhà phân tích tại Vietstats, khi triển khai trên thực tế sẽ mang lại những tác động tích cực.
Theo đó, việc hạn chế áp dụng biện pháp hình sự sẽ giúp doanh nghiệp tránh được nguy cơ bị xử lý oan sai trong các tranh chấp dân sự, thương mại hoặc các sai sót hành chính thông thường. Đồng thời, nâng cao tính chủ động của doanh nghiệp, bởi lẽ khi không còn lo ngại về việc hình sự hóa các rủi ro kinh tế, doanh nghiệp sẽ mạnh dạn hơn trong việc đổi mới sáng tạo, đầu tư và mở rộng thị trường.
Quan điểm này khuyến khích việc sử dụng các biện pháp hòa giải, trọng tài để giải quyết tranh chấp, góp phần xây dựng một môi trường kinh doanh văn minh và giảm thiểu đối đầu. Các cơ chế như trọng tài kinh tế và tòa án dân sự sẽ trở nên mạnh mẽ và hiệu quả hơn trong việc giải quyết các tranh chấp kinh tế.
TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đánh giá, việc không hình sự hóa các hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh tế, đồng thời cho phép áp dụng các biện pháp kinh tế để xử lý vấn đề kinh tế – như tinh thần Nghị quyết 68, không chỉ góp phần củng cố niềm tin cho doanh nghiệp, doanh nhân mà còn khơi dậy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Đây là giải pháp thiết thực để kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, là “vườn ươm” để doanh nghiệp an tâm phát triển bền vững và lớn mạnh.
Tuy nhiên, theo ông, cần tiến thêm một bước đó là “không hình sự hóa các quan hệ kinh tế trong mọi trường hợp, đặc biệt là đối với khu vực doanh nghiệp tư nhân” – điều này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế. Ông dẫn chứng, tại Mỹ, doanh nghiệp không bao giờ bị bỏ tù, nhưng mức xử phạt kinh tế thì rất nặng, đủ sức răn đe và điều chỉnh hành vi hiệu quả hơn nhiều so với các biện pháp hình sự.
Là một luật sư nhiều năm trong lĩnh vực kinh tế, Giám đốc Công ty Luật ANVI Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, chủ trương không hình sự hóa các quan hệ kinh tế không chỉ giúp giảm thiểu nguy cơ oan sai, mà quan trọng hơn là tạo điều kiện để phát huy tối đa nguồn lực xã hội và năng lực sáng tạo của con người trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Khi doanh nghiệp được bảo vệ về mặt pháp lý, họ sẽ mạnh dạn đổi mới, tìm tòi và đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển kinh tế – xã hội, đồng thời mang lại giá trị thiết thực cho con người và đất nước. Cách tiếp cận này cũng thể hiện tinh thần ứng xử nhân văn, nhất quán với quan điểm “dụng nhân như dụng mộc” hay “đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại” vốn đã trở thành nền tảng trong truyền thống pháp lý và đạo lý của dân tộc.
Đồng tình với quan điểm trên, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng việc tăng nặng mức phạt kinh tế tạo hiệu ứng răn đe mạnh mẽ.
“Người vi phạm sẽ e ngại, còn những người khác nhìn vào cũng sẽ thấy sợ mà không dám làm theo. Biện pháp này không chỉ có tác dụng ngăn chặn, mà còn giúp Nhà nước có thêm nguồn lực để khắc phục hậu quả, đầu tư cho các lĩnh vực khác có ích cho xã hội. Hiểu rộng ra, việc xử phạt không chỉ đơn thuần là “phạt cho có”, mà còn nhằm bù đắp phần nào những chi phí mà Nhà nước phải bỏ ra từ đào tạo cán bộ, trả lương, đến điều tra, xử lý vụ việc. Rõ ràng, tổn thất không chỉ nằm ở hành vi sai phạm, mà còn là toàn bộ nguồn lực xã hội đã phải bỏ ra để xử lý nó”, ông nói.
Cũng theo vị luật sư này, yêu cầu không hình sự hóa các hành vi vi phạm trong lĩnh vực dân sự, kinh tế đã được nhắc đến nhiều lần trong các nghị quyết của Đảng và Quốc hội. Tuy nhiên, việc thực hiện trên thực tế vẫn còn nhiều hạn chế.
Ông Đức thẳng thắn nhìn nhận, trên thế giới không có quốc gia nào xây dựng bộ luật “cứng nhắc” như chúng ta hiện nay, mà giao toàn quyền cho cơ quan chức năng.
“Bộ luật chỉ là “quan tòa im lặng”, còn thẩm phán mới là “bộ luật biết nói”. Vì vậy, để Nghị quyết 68 thực sự đi vào cuộc sống, bên cạnh việc rà soát, sửa đổi các luật, nghị định và văn bản dưới luật để tránh tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu nhất quán, điều cốt lõi là cần trao quyền và cơ chế bảo vệ phù hợp cho các cơ quan tiến hành tố tụng – những người có trách nhiệm và chuyên môn trong việc đánh giá từng vụ việc cụ thể”, ông Đức nhấn mạnh.
Điều tôi kỳ vọng nhất đó là chính sách không chỉ dừng lại ở “văn bản đẹp” mà phải thực sự đi vào đời sống. Điều doanh nghiệp mong muốn là các giải pháp được phân cấp rõ ràng, có cơ chế giám sát thực thi cụ thể, tránh tình trạng “trên nóng dưới lạnh”.
Ông Lại Hoàng Dương, Giám đốc Công ty Máy tính Thánh Gióng.
Rõ ràng, để Nghị quyết đi vào thực tế, điều quan trọng không chỉ là lời cam kết trên giấy, mà là sự đồng bộ, minh bạch và quyết liệt trong thực thi, để “cởi trói” thực sự cho khu vực kinh tế tư nhân bứt phá.
Sửa đổi các quy định về pháp luật hình sự, dân sự, tố tụng hình sự, tố tụng dân sự để bảo đảm nguyên tắc khi xử lý các sai phạm, vụ việc về dân sự kinh tế, ưu tiên áp dụng các biện pháp về dân sự, kinh tế, hành chính trước, cho phép các doanh nghiệp, doanh nhân được chủ động khắc phục sai phạm, thiệt hại. Trường hợp thực tiễn áp dụng pháp luật có thể dẫn đến xử lý hình sự hoặc không xử lý hình sự thì kiên quyết không áp dụng xử lý hình sự. Trường hợp đến mức xử lý hình sự thì ưu tiên các biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế trước và là căn cứ quan trọng để xem xét các biện pháp xử lý tiếp theo. Không hồi tố các quy định pháp luật để xử lý bất lợi cho doanh nghiệp. Đối với các vụ việc thiếu chứng cứ, chứng cứ không rõ ràng phải sớm có kết luận, tránh ảnh hưởng đến uy tín, hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường của doanh nghiệp, doanh nhân. Bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội trong quá trình điều tra, xét xử các vụ án.
(Trích Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân của Bộ Chính trị)
(Còn nữa)
Huyền Anh
—————
Dân Việt (Kinh tế) ngày 10-5-2025:
(514/2.568)