Luật tổ chức tín dụng sửa đổi tháo gỡ khó khăn xử lý nợ xấu.
(VTV1) – Tính đến tháng 2, tỷ lệ nợ xấu bao gồm cả nợ đã bán cho VAMC và nợ tiềm ẩn đã tăng lên 5,4%. Quá trình xử lý nợ xấu thực tế cũng gặp không ít khó khăn.
Sáng nay, Quốc hội nghe Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi. Trong đó, có đề xuất luật hóa quy định về quyền thu giữ tài sản đảm bảo. Quy định này đã từng được đưa ra tại Nghị quyết 42 thí điểm về xử lý nợ xấu.
Tuy nhiên, kể từ khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực vào cuối năm 2023, nợ xấu có phần gia tăng. Tính đến tháng 2, tỷ lệ nợ xấu bao gồm cả nợ đã bán cho VAMC và nợ tiềm ẩn đã tăng lên 5,4%. Quá trình xử lý nợ xấu thực tế cũng gặp không ít khó khăn do thiếu sự phối hợp từ người vay.
Trong hồ sơ của các khoản nợ xấu đang chờ xử lý, có một hợp đồng mua bán nợ được thực hiện từ năm 2019, tức là cách đây hơn 5 năm, nhưng cho tới điểm hiện tại, mảnh đất là tài sản đảm bảo của khoản nợ này, vẫn đang được chủ tài sản cho thuê làm mặt bằng kinh doanh, mà chưa bàn giao cho bên mua nợ.
Hiện nay, các khoản nợ xấu mà ngân hàng xử lý bằng quỹ dự phòng rủi ro lên tới trên 600.000 tỷ đồng
Chỉ 35% các khoản nợ xấu là người vay phối hợp, tự có ý thức trả nợ. Còn lại, các ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro, hoặc đi khởi kiện.
Ông Đoàn Văn Thắng – Phụ trách Hội đồng Thành viên VAMC cho biết: “Người ta phối hợp với ngân hàng, với tổ chức tín dụng cũng như VAMC trong việc tự nguyện giao tài sản bảo đảm để các tổ chức tín dụng cũng như VAMC xử lý nợ là tốt nhất. Có những trường hợp mà khách hàng chây ì, biện pháp thu giữ rất quan trọng”.
Nhiều ngân hàng cho biết, quá trình khởi kiện để thu hồi nợ xấu thường kéo dài, có thể mất vài năm. Chưa kể, nhiều trường hợp, người vay thường tạo ra các tranh chấp với tài sản đảm bảo để trì hoãn việc xử lý.
Ông Nguyễn Đức Biên – Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty HDBank AMC chia sẻ: “Khi thực hiện Nghị quyết 42, tỷ lệ các ngân hàng chủ động và xử lý thành công lên tới hơn 80%. Đến nay không được thực hiện nên phải làm việc thoả thuận với các khách hàng. Nhưng khi đã nợ xấu, sự hợp tác của khách hàng giảm đi rất nhiều”.
Đồng tình với việc cần luật hóa quyền thu giữ tài sản đảm bảo, tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị, cần cân nhắc cụ thể các trường hợp, tránh tình trạng nếu tài sản đó đang được tòa án xử lý trong một vụ án tranh chấp khác, việc thu giữ sẽ không phù hợp.
Ông Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, nêu ý kiến: “Theo dự thảo đưa vào luật hiện tại, thu giữ trong mọi trường hợp, kể cả có tranh chấp vẫn được quyền thu giữ. Tôi nghĩ đó là điều chúng ta cần phải xem xét thận trọng, kỹ lưỡng để đảm bảo quyền của ngân hàng, khả năng thu nợ xấu nhưng đồng thời không ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền của người vay, của chủ sở hữu tài sản”.
Hiện nay, các khoản nợ xấu mà ngân hàng xử lý bằng quỹ dự phòng rủi ro lên tới trên 600.000 tỷ đồng. Nếu tháo gỡ được vướng mắc trong xử lý nợ xấu, nguồn vốn này có thể được đưa trở lại lưu thông, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Ban Thời sự
—————
VTV1 (Tài chính kinh doanh trưa) ngày 20-5-2025:
(84/718; phút 02:18)