Cất cánh từ thể chế – Bài 4: “Định biên” quyền lực để bảo vệ cải cách.
(DĐDN) – Khi thể chế không xác lập được ranh giới pháp lý rõ ràng, mọi hành vi đúng sai đều có thể bị quy kết, khiến cả doanh nghiệp và cán bộ đều sợ hãi. Và như thế, cải cách chỉ còn là một khẩu hiệu vô lực…
Một cuộc cải cách thể chế chỉ có thể thành công khi nó đi trọn vẹn cả ba chặng: tư tưởng – thiết kế – thực thi. Tư tưởng chính trị đúng đắn có thể mở đường, hệ thống văn bản có thể xây dựng được khung vận hành, nhưng tất cả sẽ trở nên vô nghĩa nếu con người trong hệ thống không dám làm hoặc không thể làm.
Ở ba bài viết trước, chúng tôi đã lần lượt đi qua hành trình ấy: từ lời hiệu triệu lịch sử của Tổng Bí thư, đến yêu cầu chuyển đổi tư duy quản trị, và cuối cùng là điểm nghẽn nằm ở đội ngũ thực thi. Tuy nhiên, ngay cả khi tư duy đã cởi trói, con người đã sẵn sàng hành động, thì vẫn còn một lực cản dai dẳng, đó là rủi ro đến từ chính những ranh giới mờ của pháp luật.
Bởi thể chế không thể cất cánh nếu quyền lực công không được “định biên” rõ ràng, nếu hành lang pháp lý vẫn để ngỏ những “vùng xám” dễ dẫn đến lạm quyền, hình sự hóa, hay sự sợ hãi bao trùm cả bộ máy.
Một cuộc cải cách thể chế chỉ có thể thành công khi nó đi trọn vẹn cả ba chặng: tư tưởng – thiết kế – thực thi. Ảnh: Quốc Tuấn
Khi luật là rào chắn vô hình
Thực tiễn cho thấy không ít trường hợp doanh nghiệp ngại đổi mới, cán bộ ngại ký vì e ngại sai phạm bị quy kết hình sự. Điều này không còn là cảm giác, nó đã trở thành tâm lý phổ biến. Nguyên nhân không chỉ nằm ở tư duy quản lý lạc hậu, mà còn bắt nguồn từ hệ thống pháp luật thiếu rõ ràng, thiếu hướng dẫn cụ thể và không xác định được ranh giới giữa hành vi hành chính, kinh tế và tội phạm hình sự.
Theo Luật sư Tạ Anh Tuấn – Giám đốc Công ty Luật Emme Law, sự mơ hồ của pháp luật đang trở thành một rào chắn vô hình nhưng cực kỳ nguy hiểm đối với công cuộc cải cách thể chế.
“Nhiều quy định mang tính khung, chưa có hướng dẫn cụ thể, nhưng vẫn yêu cầu cán bộ và doanh nghiệp phải thực hiện ngay. Khi không có “vùng an toàn pháp lý”, mọi hành vi hành chính – kinh tế đều có thể bị soi chiếu dưới lăng kính hình sự nếu xảy ra sai sót, kể cả không có động cơ trục lợi”, ông nói.
Ông Tuấn cho rằng, cải cách không thể vận hành bằng sự mơ hồ. Ngược lại, thể chế hiện đại đòi hỏi phải có hành lang pháp lý rõ ràng, tức là phạm vi mà trong đó người thực thi và doanh nghiệp được phép hành động theo tinh thần luật, miễn là không gây hậu quả nghiêm trọng và không có động cơ xấu.
“Nếu không có cơ chế bảo vệ người thực thi đúng đắn, thì sự sợ hãi sẽ làm tê liệt cả bộ máy”, ông nhấn mạnh.
Luật sư Tạ Anh Tuấn – Giám đốc Công ty Luật Emme Law. Ảnh: Nguyễn Giang
Không thể cải cách nếu luật là thòng lọng vô hình
Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI cảnh báo rằng, nếu không phân định rõ ranh giới giữa vi phạm hành chính – dân sự và tội phạm hình sự, thì bất kỳ hành vi nào của cán bộ và doanh nghiệp cũng có thể bị quy kết là tội.
“Không phải cứ sai, kể cả sai nghiêm trọng là tội phạm. Việc hình sự hóa các quan hệ kinh tế – dân sự và hành chính không chỉ làm tăng rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp, mà còn triệt tiêu động lực dám nghĩ, dám làm của cả bộ máy”, ông Đức nhận định.
Theo ông, nhiều quy định trong Bộ luật Hình sự hiện nay đang được xây dựng dựa trên những “con số vô hồn”: bao nhiêu phần trăm thiệt hại, bao nhiêu ngày trễ hạn, bao nhiêu tiền sai phạm,… Nhưng pháp luật không thể chỉ được áp dụng bằng định lượng. Nó phải dựa trên bản chất hành vi, tức là động cơ, hoàn cảnh và mức độ nguy hiểm thực tế.
“Có những cán bộ, doanh nhân bị truy tố chỉ vì ký sai một biểu mẫu, hay sơ suất không đúng quy định, quy trình, thủ tục. Trong khi bản chất hành vi không phải là cố ý, không có trục lợi và đặc biệt cái sai hoàn toàn không phải là nguyên nhân dẫn đến thiệt hại. Như vậy, luật đang trở thành chiếc thòng lọng vô hình bóp nghẹt cả hệ thống hành chính”, ông Đức phân tích.
Ông cho rằng, nền kinh tế, xã hội không thể cải cách đột phá để đưa dân tộc vươn mình bước vào kỷ nguyên mới, nếu cứ giữ tư duy pháp luật “bắt lỗi máy móc bằng con số” đã được ấn định tại các điều luật trên giấy. Thay vào đó, cần chuyển sang tiếp cận pháp lý dựa trên bản chất logic của hành vi và hậu quả thực sự nghiêm trọng cho xã hội không thể khắc phục được bằng kinh tế.
Cần khẩn trương sửa đổi các điều khoản hình sự mơ hồ, đồng thời xác lập rõ nguyên tắc với mọi cơ quan pháp luật các cấp: chỉ khi nào có lỗi thật sự nghiêm trọng, không thể dừng lại ở việc xử lý vi phạm hành chính và dân sự thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Còn nếu như để thật sự đột phá về pháp luật thì chỉ cần thay đổi một điều về nguyên tắc áp dụng pháp luật thay vì phải chờ sửa cả vạn điều luật.
Đó là người dân, doanh nghiệp được toàn quyền lựa chọn áp dụng bất cứ quy định nào liên quan trực tiếp đến công việc của mình, còn việc phải ưu tiên theo lĩnh vực, thẩm quyền, thời gian ban hành là việc của cơ quan ban hành. Sao lại bắt người dân và doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về việc chồng chéo, mâu thuẫn, xung đột, tù mù phức tạp do nhà nước tạo ra? Để khắc phục được cơ bản những bất cập ấy là rất lâu, rất khó, vì phải cần tới nhiều năm, sẽ lỡ hết cơ hội phát triển.
“Phải đưa suy đoán vô tội thành tư tưởng pháp quyền chủ đạo và cụ thể hóa trong các điều luật, cả nội dung và tố tụng, chứ không chỉ là nguyên tắc chung chung trong luật. Nếu không, mọi hành động dù vô tư, vì mục tiêu chung, vì mong muốn điều tốt đẹp, không hề tư lợi, đều có thể bị lật lại bất cứ lúc nào và sẽ không ai còn dám mạnh dạn cải cách”, ông Đức nhấn mạnh.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI. Ảnh: NVCC
Xây vùng đệm pháp lý để thể chế có thể chuyển động
Những cảnh báo và phân tích từ các chuyên gia cho thấy rõ: cải cách thể chế không thể tiếp tục “chạy” trong một môi trường mà pháp lý vừa mơ hồ, vừa mang tính trừng phạt. Bởi khi luật pháp không minh định được đâu là sai kỹ thuật, đâu là vi phạm có chủ đích, thì mọi hành vi đều có thể bị treo lơ lửng trong rủi ro hình sự.
Để khơi thông được động lực đổi mới, không chỉ trong khối doanh nghiệp mà cả trong đội ngũ thực thi thì việc thiết lập một “vùng đệm pháp lý” an toàn, rõ ràng, ổn định là điều kiện bắt buộc. Đó không chỉ là trách nhiệm lập pháp, mà còn là một đòi hỏi chính trị để bảo vệ chính cuộc cải cách.
Nhìn lại ba kỳ trước, chúng ta đã thấy rõ tư tưởng cải cách từ trung ương, kỳ vọng từ người dân – doanh nghiệp và điểm nghẽn từ đội ngũ thực thi. Nhưng nếu pháp luật tiếp tục là một ma trận mơ hồ, nơi ranh giới đúng – sai bị xóa nhòa, thì mọi nỗ lực thể chế sẽ bị mắc kẹt trong chính chiếc lưới của sự bất định.
Và vì thế, định biên quyền lực – tức là vạch ranh giới rõ ràng giữa trách nhiệm hành chính, dân sự và hình sự, không chỉ là việc kỹ thuật lập pháp, mà chính là hành động bảo vệ cải cách. Một nền cải cách không thể cất cánh nếu thiếu bệ đỡ là pháp luật liêm chính, minh định và nhân văn.
Nhưng liệu chỉ một hành lang pháp lý được làm rõ có đủ để khai mở toàn bộ năng lực quốc gia? Khi thể chế phải vận hành trong một thế giới đổi thay nhanh chóng, thì điều cần hơn cả không chỉ là ranh giới, mà còn là tầm nhìn dài hạn và bản lĩnh thiết kế thể chế ở quy mô toàn diện.
Đó là lý do Bộ Chính trị đã lần lượt ban hành bốn nghị quyết trọng yếu – 57, 59, 66 và 68 như một bộ tứ trụ cột trong kiến tạo nền tảng phát triển quốc gia thế kỷ XXI. Vậy bộ thiết kế thể chế ấy mang ý nghĩa gì? Và doanh nghiệp tư nhân sẽ ở đâu trong tổng thể đó? Câu trả lời sẽ có ở kỳ cuối cùng của loạt bài.
Nguyễn Giang
—————
Diễn đàn Doanh nghiệp (Pháp luật) ngày 23-5-2025:
(640/1.788)