4.522. Cùng nộp VAT, tiểu thương lại thiệt thòi hơn doanh nghiệp.

Cùng nộp VAT, tiểu thương lại thiệt thòi hơn doanh nghiệp.

(PN HCM) – Theo quy định mới, dù chọn đóng thuế khoán hay kê khai thuế theo doanh thu thực, hộ kinh doanh cũng phải nộp thuế giá trị gia tăng (VAT) và thuế thu nhập cá nhân. Điều đáng nói là khi nộp VAT, doanh nghiệp được hoàn thuế, còn hộ kinh doanh thì không.

Tiểu thương bán giá cao để bù thuế

Anh T. – chủ quán phở H. trên đường Nguyễn Tri Phương, phường Vườn Lài, TPHCM – cho biết, anh phải thu mua nguyên liệu từ nhiều nguồn: rau từ nhà vườn ở huyện Hóc Môn cũ, hành tỏi từ nông dân các tỉnh miền Trung, thịt từ chợ đầu mối. Có loại nguyên liệu có hóa đơn, có loại chỉ có giấy viết tay hoặc không có giấy tờ gì chứng minh nguồn gốc.

Theo quy định hiện hành, hộ kinh doanh ăn uống phải đóng VAT 3% theo phương pháp khấu trừ trực tiếp, nghĩa là lấy doanh thu nhân với thuế suất và không được hoàn thuế VAT đầu vào như doanh nghiệp (DN). Do vậy, anh T. buộc phải tăng giá bán phở để bù vào tiền thuế. Anh T. so sánh: “Các công ty cung cấp thịt cho tôi được hoàn VAT đầu vào, nhưng tôi nhập thịt về để bán thì không được hoàn thuế. Công ty kinh doanh phở nhập thịt về bán sẽ được hoàn thuế nên không cần tăng giá bán phở. Việc tăng giá bán làm giảm sức cạnh tranh của hộ kinh doanh như tôi, nhưng nếu không tăng giá thì không biết lấy gì để bù đắp chi phí đầu vào”.

Các hộ kinh doanh đang gặp nhiều khó khăn khi thực hiện thuế VAT – ẢNH: T.HOA (chụp tại trung tâm thương mại Taka, phường Cầu Ông Lãnh, TPHCM)

Tại sạp D11-13, tầng trệt chợ An Đông (phường An Đông, TPHCM), các loại mắt kính thời trang đang được giảm giá 50% nhưng sức mua vẫn kém. Bà Trần Thị Thu Thùy – chủ sạp – cho biết, bà giảm giá sâu để thanh lý hàng và đóng sạp do việc duy trì hộ kinh doanh cá thể ngày càng khó khăn, trong khi muốn chuyển thành DN cũng không dễ dàng gì.

Bà cho biết, trước đây, sạp của bà đạt doanh thu hơn 1 tỉ đồng/năm, đóng thuế khoán cố định gần 5,2 triệu đồng/tháng. Từ khi có dịch COVID-19 (năm 2020 trở đi), doanh thu giảm còn 309 triệu đồng/năm nhưng mức thuế phải đóng vẫn không thay đổi. Hiện tại, mỗi tháng, bà phải trả gần 10 triệu đồng cho các khoản thuế, phí, chưa kể lương nhân viên. Thế nhưng, ngành thuế vẫn yêu cầu bà trang bị máy để xuất hóa đơn điện tử. Bà nói: “Ngành thuế giải thích rằng, mức thuế khoán cũ vẫn áp dụng đến hết năm 2025; từ năm 2026 mới chuyển sang thu thuế trên doanh thu thực tế, nếu dưới 1 tỉ đồng thì không áp dụng hóa đơn điện tử. Như vậy, chỉ còn vài tháng mà lại bắt hộ đang kinh doanh bết bát phải trang bị máy móc cả chục triệu đồng là bất hợp lý”.

Theo ghi nhận của chúng tôi, ở chợ An Đông, nhiều tiểu thương đã nghĩ đến việc chuyển đổi sạp thành DN để được hoàn VAT. Tuy nhiên, với những tiểu thương đã lớn tuổi và gắn bó hàng chục năm với chợ truyền thống như bà Thùy, việc chuyển đổi này không hề đơn giản. Bà Thùy khẳng định, hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN phải trải qua nhiều bước, cần được cơ quan nhà nước hướng dẫn và hỗ trợ rất nhiều.

Tạo điều kiện để hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp

Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân khuyến khích chuyển đổi mô hình hộ kinh doanh sang DN siêu nhỏ, xóa bỏ hình thức thuế khoán đối với hộ kinh doanh chậm nhất trong năm 2026.

Tiến sĩ Phan Phương Nam – Phó trưởng khoa Luật thương mại, Trường đại học Luật TPHCM – cho biết, nhiều hộ kinh doanh cá thể vẫn đang nộp thuế khoán hoặc VAT trực tiếp trên doanh thu, không được khấu trừ VAT đầu vào, dẫn đến gia tăng chi phí, giảm sức cạnh tranh trên thị trường.

Khi chuyển đổi thành DN, họ sẽ có được nhiều lợi ích hơn, nhất là về thuế, như được khấu trừ VAT đầu vào, từ đó tối ưu hóa lợi nhuận. DN sẽ nộp thuế thu nhập DN dựa trên lợi nhuận thực tế, nếu kinh doanh lỗ thì không cần đóng thuế này và trừ khoản lỗ này vào lợi nhuận của các năm sau. DN quản lý sổ sách, hóa đơn đầu vào, đầu ra chặt chẽ hơn, tạo được uy tín để tiếp cận vốn vay, mở rộng quy mô kinh doanh. Việc tính thuế dựa trên lợi nhuận thay vì doanh thu sẽ mang lại nhiều lợi thế tài chính hơn.

Theo ông, dù có nhiều lợi ích, quá trình chuyển đổi và vận hành theo mô hình DN vẫn còn nhiều rào cản khiến các hộ kinh doanh e ngại, như thủ tục hành chính khi đăng ký, kê khai, quản lý thuế… đòi hỏi chủ hộ phải có kiến thức chuyên môn về kế toán.

Để hộ kinh doanh mạnh dạn chuyển đổi thành DN, cần các giải pháp như đơn giản hóa các thủ tục đăng ký kinh doanh và kê khai; xây dựng đội ngũ tư vấn thuế, kế toán tại địa phương hoặc hỗ trợ trực tiếp cho các hộ kinh doanh thông qua các hiệp hội; tạo cơ chế kết nối các DN nhỏ với các công ty dịch vụ kế toán hoặc sinh viên mới ra trường để cung cấp dịch vụ kế toán với chi phí hợp lý, nhất là trong giai đoạn đầu; áp dụng các chuẩn mực và quy định kế toán đơn giản hơn, phù hợp với quy mô và đặc thù của DN nhỏ, siêu nhỏ, chẳng hạn chỉ yêu cầu quản lý một số loại tài khoản thu, chi chính.

Cũng theo ông, để khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN, cần thay đổi phương pháp tính VAT theo hướng được khấu trừ. Có thể cho phép hộ kinh doanh tính VAT bằng cách lấy giá bán ra trừ giá mua vào, sau đó nhân với tỉ lệ thu thuế theo ngành nghề. “Điều này giúp họ không phải nộp thuế trong trường hợp kinh doanh không có lãi hoặc bị lỗ, đồng thời khuyến khích việc lưu trữ hóa đơn đầu vào” – ông đề xuất.

Theo Bộ Tài chính, tính đến cuối năm 2024, cả nước có khoảng 3,6 triệu hộ, cá nhân kinh doanh được quản lý thuế, trong đó có 2,2 triệu hộ hoạt động ổn định, tổng thu ngân sách gần 26.000 tỉ đồng. Đáng chú ý, nhiều hộ kinh doanh có doanh thu tương đương các DN nhỏ và siêu nhỏ: hơn 4.000 hộ đạt doanh thu trên 10 tỉ đồng/năm, trong đó có 860 hộ đạt doanh thu trên 30 tỉ đồng/năm.

Cần lộ trình, thời gian để chuyển đổi
Hộ, cá nhân kinh doanh hiện nay không được khấu trừ VAT đầu vào, trong khi DN lại được. Sự thiệt thòi này khiến họ phải chịu toàn bộ gánh nặng thuế trên doanh thu. Trên thế giới, không có dạng thức kinh doanh như hộ kinh doanh ở Việt Nam. Đã là kinh doanh thì phải đăng ký và có tư cách pháp lý rõ ràng. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là phải chuyển đổi ngay mà cần 3-5 năm, thậm chí 10 năm.
Việc chuyển từ hộ kinh doanh thành DN cần một lộ trình cụ thể. Đối với hộ kinh doanh có quy mô lớn, không nên cho phép họ tiếp tục hoạt động dưới dạng hộ kinh doanh hay áp dụng hình thức thuế khoán bởi điều này ảnh hưởng đến người tiêu dùng, nhãn hiệu và nguồn gốc hàng hóa. Ngược lại, với hộ kinh doanh nhỏ – kể cả những hộ có doanh thu trên 1 tỉ đồng/năm – việc ép buộc chuyển đổi ngay lập tức thành DN là không khả thi bởi đây là mô hình đã tồn tại hàng chục năm. Thay vào đó, nên có một loại hình mới, nằm giữa hộ kinh doanh và DN, có thể gọi là “DN hộ kinh doanh” hoặc “DN chuyển đổi”. Mô hình này không nên bị áp đặt quá nhiều quy định như với DN siêu nhỏ.
Điểm mấu chốt là cần có một lộ trình chuyển đổi từng năm, kèm theo sự hỗ trợ đa chiều từ cơ quan nhà nước về thuế, pháp lý, hành chính, tiếp thị, đào tạo, nhân sự, lao động và bảo hiểm. Cần thành lập đội ngũ hỗ trợ, làm giúp các thủ tục cho người dân bởi đa số hộ kinh doanh còn mơ hồ về các quy định. Tôi ủng hộ việc chuyển đổi, nhưng không nên chuyển đổi nhanh, gấp như thế. Nếu hành chính bị ép buộc quá nhanh, số hộ kinh doanh đóng cửa sẽ càng nhiều.
Luật sư Trương Thanh Đức Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC)
Thanh Hoa

—————

Phụ nữ TP HCM (Tài chính) ngày 06-7-2025:

https://www.phunuonline.com.vn/cung-nop-vat-tieu-thuong-lai-thiet-thoi-hon-doanh-nghiep-a1554214.html

(371/1.610)

Bài viết 

316. “Không hình sự hóa” - thêm niềm tin cho doanh nhân.

“Không hình sự hóa” - thêm niềm tin cho doanh nhân. (DĐDN) - Luật...

Trích dẫn 

4.121. Cuộc đua đường sắt cao tốc Bắc-Nam tăng...

Cuộc đua đường sắt cao tốc Bắc-Nam tăng nhiệt, một quyết định lớn...

Bình luận 

447. Luật siêu dễ: "Luật trật tự an toàn giao...

Luạt siêu dễ: "Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ"  Số 2,...

Phỏng vấn 

4.521. Ngóng trông sửa đổi thuế.

Ngóng trông sửa đổi thuế. (TN) - Giảm bậc thuế, điều chỉnh mức giảm...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật” Chuyên...

Số lượt truy cập: 254,162