4.527. Cơ quan chức năng vào cuộc chặn đứng hàng giả, hàng nhái gây rối loạn thị trường.

Cơ quan chức năng vào cuộc chặn đứng hàng giả, hàng nhái gây rối loạn thị trường.

(VOV.vn) – Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC sự vào cuộc mạnh mẽ của cơ quan chức năng là để bảo vệ người tiêu dùng, doanh nghiệp làm ăn chân chính và ngăn chặn hàng giả, hàng nhái gây rối loạn thị trường và đe dọa môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
Liên quan đến việc truy quét hàng giả, hàng nhái, ngăn chặn tình trạng rối loạn thị trường và đe dọa môi trường kinh doanh tại Việt Nam, phóng viên Báo Điện tử Tiếng nói Việt Nam đã phỏng vấn Luật sư Trương Thanh Đứcvề vấn đề này.

PV: Thưa luật sư, dưới góc nhìn pháp lý, ông đánh giá thế nào về thực trạng hàng giả, hàng nhái hiện nay và mức độ mà chúng đang rối loạn thị trường, gây tổn hại đến doanh nghiệp chân chính?

Luật sư Trương Thanh Đức: Tình trạng hàng giả, hàng nhái, vi phạm nhãn hiệu đang diễn ra ngày càng phổ biến, công khai và trắng trợn. Không chỉ hàng hóa thông thường, mà cả sản phẩm văn hóa, quyền sở hữu trí tuệ, phần mềm, chương trình phát thanh – truyền hình cũng bị xâm phạm nghiêm trọng. Nó ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp, người tiêu dùng, đến nền kinh tế và cả uy tín quốc gia. Đã đến lúc cần có các giải pháp mạnh để ngăn chặn, phòng ngừa và xử lý kịp thời tình trạng này.

Việc các cơ quan chức năng mở chiến dịch truy quét hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trong thời gian qua chính là để làm lành mạnh môi trường kinh doanh, tạo niềm tin thị trường đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI

PV: Có ý kiến cho rằng nếu tình trạng hàng giả, hàng nhái kéo dài sẽ làm nản lòng doanh nghiệp mở rộng sản xuất hoặc nhà đầu tư tìm cơ hội tại Việt Nam. Quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này?

Luật sư Trương Thanh Đức: Khi doanh nghiệp làm ăn chân chính bị xâm phạm quyền lợi mà không được bảo vệ thì thiệt hại không chỉ về kinh tế mà còn là niềm tin. Họ không thể cạnh tranh với hàng giả, dẫn đến việc thu hẹp sản xuất, giảm đầu tư. Điều này kéo theo hệ lụy: công nhân mất việc, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, người tiêu dùng chịu thiệt thòi khi mua phải hàng kém chất lượng, thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng.

PV: Như ông vừa phân tích, niềm tin thị trường là yếu tố quan trọng để doanh nghiệp mở rộng sản xuất hoặc tìm kiếm cơ hội đầu tư?

Luật sư Trương Thanh Đức: Đúng vậy. Niềm tin của thị trường là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp tồn tại và phát triển. Doanh nghiệp chuyên nghiệp, có uy tín và sản phẩm chất lượng sẽ chỉ đầu tư nếu môi trường kinh doanh minh bạch, có cơ chế bảo vệ hợp pháp. Đặc biệt với đầu tư nước ngoài, họ thường là tập đoàn lớn, không chỉ cung cấp sản phẩm mà còn mang theo cả chuỗi cung ứng, tiêu thụ toàn cầu. Nếu không có môi trường bảo vệ sự làm ăn chân thật và bảo đảm quyền lợi, họ sẽ rút lui.

PV: Theo ông, các chế tài xử phạt hiện nay đối với hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả đã đủ sức răn đe chưa? Vì sao nhiều đối tượng vẫn “nhờn luật”?

Luật sư Trương Thanh Đức: Luật hiện hành có nhiều chế tài từ dân sự, hành chính cho đến hình sự. Về lý thuyết là đầy đủ và xử phạt nghiêm khắc.

Mọi chế tài đều yêu cầu chấm dứt vi phạm, khắc phục hậu quả, chịu phạt và bồi thường thiệt hại. Ngoài ra, về dân sự còn yêu cầu xin lỗi, bồi thường thiệt hại; về hành chính thì còn bị thu hồi giấy phép; về hình sự  thì xử lý nghiêm khắc nhất bằng phạt tù có thời hạn, tù chung thân… Tuy nhiên, vấn đề chủ yếu nằm ở khâu thực thi: Vê dân sự thì rất khó để doanh nghiệp phát hiện, thu thập chứng cứ và đặc biệt là chứng minh thiệt hại để yêu cầu tòa án chấp nhận mức bồi thường thỏa đáng. Về hành chính, mức phạt hiện nay còn nhẹ, không đủ sức răn đe vì tư duy sai lầm rằng phạt hành chính phải nhẹ hơn hình sự. Người vi phạm thu lợi rất lớn nhưng mức phạt tiền quá thấp thì họ vẫn sẵn sàng chấp nhận tái phạm. Về hình sự, dù quy định phạt tù là rất nặng nhưng việc phát hiện và xử lý còn ít, chưa nghiêm minh, chưa kịp thời.

Điều đó khiến nhiều đối tượng nhờn luật. Họ sẵn sàng vi phạm vì xác suất bị bắt đền, bắt lỗi và bắt tội đều rất thấp. Ngoài ra còn có các yếu tố tiêu cực, vướng mắc trong pháp luật và khó khăn thực tiễn khiến việc trừng phạt và ngăn chặn vi phạm trở nên kém hiệu quả.

PV: Nhiều doanh nghiệp phản ánh việc phát hiện và xử lý hàng giả, hàng nhái rất khó khăn, đặc biệt trên các nền tảng thương mại điện tử. Theo ông, khung pháp lý hiện hành đã bắt kịp sự phát triển của môi trường số chưa?

Luật sư Trương Thanh Đức: Pháp luật trong môi trường thương mại truyền thống vốn đã có những bất cập. Trong thương mại điện tử thì càng lạc hậu và sơ hở. Giao dịch trên môi trường mạng phức tạp, thay đổi rất nhanh, thoắt ẩn, thoắt hiện, biến hóa không ngừng và còn có yếu tố xuyên biên giới. Nếu không có công cụ pháp lý và kỹ thuật phù hợp, chúng ta sẽ luôn bị động.

Riêng hàng hóa bán trên trang thương mại điện tử thì dùng công nghệ, hoàn toàn có thể truy xuất được thông tin  mua bán, giao nhận, thanh toán… từ đó  yêu cầu làm rõ số lượng, nguồn gốc, hóa đơn, tem nhãn, nộp thuế, nhưng pháp luật lại chưa tận dụng được để quản lý và xử lý thích hợp.

Ở thương mại truyền thống, dễ gian lận hơn thương mại điện tử, vì bán hàng xong người ta dễ dàng xóa giấu hết thông tin, hồ sơ liên quan đến hàng hóa, truy vết rất khó. Trong khi trên môi trường mạng, nếu có biện pháp phù hợp, chúng ta hoàn toàn có thể lần ngược giao dịch, theo dõi dòng tiền, xác minh nguồn gốc. Đây là lợi thế công nghệ lưu nếu biết khai thác đúng.

Sự vào cuộc mạnh mẽ của cơ quan chức năng là để ngăn chặn hàng giả, hàng nhái lũng đoạn thị trường và đe dọa môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

PV: Khi doanh nghiệp bị làm giả sản phẩm, theo ông, họ nên ứng xử thế nào về mặt pháp lý để bảo vệ thương hiệu và quyền lợi?

Luật sư Trương Thanh Đức: Doanh nghiệp cần chủ động. Một số bước cơ bản gồm: Cảnh báo công khai trên website, mạng xã hội, báo chí để người tiêu dùng biết, đồng thời cảnh tỉnh với đối tượng vi phạm.

Rà soát, thu thập chứng cứ thông qua đội ngũ pháp lý, luật sư, chuyên gia, gửi văn bản cảnh báo, yêu cầu bên vi phạm dừng hành vi và bồi thường nếu cần và làm căn cứ tiến hành tố tụng.

Làm việc với cơ quan chức năng: Công an, quản lý thị trường, sở hữu trí tuệ… để phối hợp điều tra, xử lý. Có thể tiến hành kiện dân sự, đề nghị xử lý hành chính và tố giác hình sự nếu có dấu hiệu tội phạm.

Áp dụng công nghệ giám sát chuỗi sản xuất cung ứng: từ nguyên liệu đầu vào, kho tàng, sản xuất, vận chuyển cho đến tiếp thị, phân phối. Những giải pháp sử dụng như mã vạch, QR code, công nghệ block chain… giúp tự bảo vệ và kiểm soát nguồn gốc gian lận hiệu quả hơn, đặc biệt trong môi trường số. Doanh nghiệp không thể trông chờ hoàn toàn vào nhà nước. Việc bảo vệ thương hiệu, chống gian lận thương mại vừa là quyền lợi của chính doanh nghiệp, vừa là trách nhiệm. Càng chủ động, càng giảm thiểu thiệt hại.

PV: Trong bối cảnh hiện nay, ông có đề xuất gì nhằm nâng cao hiệu quả chống hàng giả?

Luật sư Trương Thanh Đức: Tôi cho rằng cần một số giải pháp đồng bộ: Cập nhật, sửa đổi pháp luật phù hợp với công nghệ số, thương mại điện tử, xuyên biên giới. Tăng mức xử phạt hành chính, theo hướng áp dụng phạt tiền theo tỷ lệ doanh thu, lợi nhuận thu được từ hành vi vi phạm. Ứng dụng công nghệ giám sát chuỗi sản xuất và phân phối. Quản lý phải là một quá trình đồng bộ, không thể cắt khúc hay giao riêng từng khâu cho từng cơ quan, từng địa bàn như hoạt động kinh tế truyền thống.

Nâng cao nhận thức người tiêu dùng về tác hại của hàng giả, hàng nhái. Tạo hành lang pháp lý và kỹ thuật cho doanh nghiệp tự bảo vệ, ví dụ nền tảng truy xuất nguồn gốc quốc gia, hoặc hệ thống cảnh báo vi phạm sở hữu trí tuệ. Chỉ khi pháp luật đủ mạnh, doanh nghiệp đủ tỉnh táo và người tiêu dùng đủ hiểu biết, chúng ta mới có thể tạo được một môi trường kinh doanh lành mạnh.

Quang Tuấn

—————

VOV.vn (Kinh tế) ngày 11-7-2025:

https://vov.vn/kinh-te/co-quan-chuc-nang-vao-cuoc-chan-dung-hang-gia-hang-nhai-gay-roi-loan-thi-truong-post1213847.vov

(1.424/1.687)

Bài viết 

316. “Không hình sự hóa” - thêm niềm tin cho doanh nhân.

“Không hình sự hóa” - thêm niềm tin cho doanh nhân. (DĐDN) - Luật...

Trích dẫn 

4.122. Xử lý nợ xấu: Kỳ vọng vào cơ chế mới.

Xử lý nợ xấu: Kỳ vọng vào cơ chế mới. (KT) - Luật sửa đổi, bổ...

Bình luận 

447. Luật siêu dễ: "Luật trật tự an toàn giao...

Luật siêu dễ: "Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ" Số 2,...

Phỏng vấn 

4.526. Từ chối nhận chuyển khoản do hiểu sai về...

Từ chối nhận chuyển khoản do hiểu sai về thuế. (PN HCM) - Từ ngày 1/6...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật” Chuyên...

Số lượt truy cập: 254,688