4.528. Tăng mức giảm trừ gia cảnh lên 15,5 triệu đồng đã hợp lý?

Tăng mức giảm trừ gia cảnh lên 15,5 triệu đồng đã hợp lý?

(TN) – Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về sửa đổi mức giảm trừ gia cảnh cùng biểu thuế lũy tiến từng phần áp dụng cho người nộp thuế thu nhập cá nhân.

Nên tăng giảm trừ gia cảnh lên 18 triệu đồng/tháng

Theo Dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh (GTGC) của thuế thu nhập cá nhân (TNCN), Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án để Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét. Thứ nhất, điều chỉnh mức GTGC theo tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) theo quy định (kể từ năm 2020, trường hợp CPI biến động trên 20% thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức GTGC phù hợp với biến động giá cả). Theo số liệu của Cục Thống kê thì chỉ số CPI từ năm 2020 đến năm 2025 lũy kế dự kiến tăng 21,24% thì xem xét điều chỉnh tương ứng như sau: Mức GTGC cho bản thân người nộp thuế từ 11 triệu đồng/tháng lên khoảng 13,3 triệu đồng/tháng; mức giảm trừ cho người phụ thuộc từ 4,4 triệu đồng/tháng lên 5,3 triệu đồng/tháng.

Cần nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế TNCN áp dụng ngay trong năm 2025

ẢNH: NHẬT THỊNH

Thứ hai, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh mức GTGC theo tốc độ tăng thu nhập bình quân đầu người và tốc độ tăng GDP bình quân đầu người. Theo số liệu của Cục Thống kê thì biến động về chỉ số thu nhập bình quân đầu người và tốc độ tăng GDP bình quân đầu người từ năm 2020 đến năm 2025 lần lượt tăng 40% và 42%. Vì vậy có thể điều chỉnh mức GTGC cho bản thân người nộp thuế từ 11 triệu đồng/tháng lên khoảng 15,5 triệu đồng/tháng; người phụ thuộc từ 4,4 triệu đồng/tháng lên 6,2 triệu đồng/tháng.

Bộ Tài chính cho rằng việc điều chỉnh mức GTGC theo tốc độ tăng GDP bình quân đầu người và thu nhập bình quân đầu người sẽ góp phần giảm nghĩa vụ thuế cho người nộp thuế ở mức cao hơn, người dân được hưởng thành quả phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và đời sống xã hội được nâng lên. Thực hiện phương án này sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước ở mức cao hơn (khoảng 21.000 tỉ đồng). Tuy nhiên, mức GTGC cao hơn, đồng nghĩa với số thuế phải nộp ít đi, thu nhập khả dụng của người dân sẽ tăng lên, qua đó sẽ góp phần kích thích tăng chi tiêu hộ gia đình, tiêu dùng xã hội và cải thiện đời sống của người dân. Từ đó có thể gián tiếp làm tăng thu ngân sách nhà nước từ các nguồn thu khác trong trung và dài hạn.

Dự kiến nghị quyết sẽ thông qua tại phiên họp thứ 50 (tháng 10.2025) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và mức GTGC mới sẽ được thực hiện kể từ khi nghị quyết có hiệu lực thi hành và áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2026.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, nhận xét: Trong hai phương án đề xuất của Bộ Tài chính thì nên chọn phương án hai là tăng mức GTGC cho người nộp thuế lên 15,5 triệu đồng/tháng để đảm bảo đời sống cho người làm công ăn lương lẫn người phụ thuộc trong khi chưa có quy định cho phép khấu trừ nhiều chi phí thiết yếu khác như y tế, giáo dục. Quan trọng hơn, luật sư Đức cho rằng nghị quyết điều chỉnh mức GTGC của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua cần được thực hiện ngay cho kỳ tính thuế năm 2025 vì đây không phải là quy định mới hay cần có nhiều thời gian để chuẩn bị thực hiện.
“Những quy định nào có lợi cho người dân là cần áp dụng ngay. Chưa kể đến tháng 10 thông qua thì cũng còn 6 – 7 tháng mới đến kỳ quyết toán thuế TNCN năm 2025 nên việc áp dụng luôn là hợp lý, không thể kéo dài đến kỳ tính thuế năm 2026. Việc áp dụng mức GTGC mới này chỉ là tạm thời vì sau đó khi sửa luật Thuế TNCN thì vẫn phải quay lại bản chất của cơ sở GTGC nên quy định phù hợp theo vùng, miền và cho phép khấu trừ các chi phí thiết yếu trong đời sống của người dân, nhất là chi phí cho y tế và giáo dục”, Luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, chuyên gia về thuế, luật sư Trần Xoa cũng cho rằng việc sửa đổi mức GTGC đã trở nên cấp bách. Đây là nghị quyết sẽ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nên có thể xem xét ngay tại kỳ họp tháng 8 tới và nên áp dụng luôn cho năm 2025. Ông Xoa đề nghị xem xét nâng mức GTGC lên khoảng 17 – 18 triệu đồng/tháng đối với người nộp thuế như đề xuất của nhiều tỉnh, thành. Bởi trong đời sống, hầu như tất cả hàng hóa, dịch vụ trong 5 năm vừa qua tăng cao hơn nhiều so với mức tăng CPI. Việc nâng mức GTGC như trên giúp đảm bảo đời sống nhiều hộ gia đình trong bối cảnh vật giá leo thang; chi tiêu sẽ tăng thì hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng gia tăng, góp phần đưa kinh tế tăng trưởng ở mức 8% trở lên như mục tiêu Chính phủ đặt ra.

Đồ họa: Minh Nguyệt

Bỏ thuế suất 35% trong biểu thuế TNCN

Tương tự, cơ quan soạn thảo nghiên cứu cắt giảm số bậc thuế của biểu thuế TNCN hiện nay từ 7 bậc xuống mức phù hợp. Việc thu hẹp số lượng bậc thuế sẽ góp phần đơn giản hóa công tác quản lý, thu thuế, tạo thuận lợi cho kê khai, tính thuế và phù hợp với xu hướng cải cách thuế TNCN trên thế giới.

Cùng đó, xem xét nới rộng khoảng cách thu nhập trong các bậc thuế, đảm bảo điều tiết ở mức cao hơn với những người có thu nhập ở bậc thuế cao. Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án sửa đổi biểu thuế từ 7 bậc xuống còn 5 bậc. Phương án thứ nhất, bậc 1 áp dụng thu nhập tính thuế (TNTT) đến 10 triệu đồng/tháng với thuế suất 5%; bậc 2 áp dụng TNTT trên 10 triệu đồng – 30 triệu đồng/tháng với thuế suất 15%; bậc 3 áp dụng TNTT trên 30 triệu đồng – 50 triệu đồng/tháng với thuế suất 25%; bậc 4 áp dụng TNTT trên 50 triệu – 80 triệu đồng/tháng với thuế suất 30%; bậc 5 áp dụng cho TNTT trên 80 triệu đồng/tháng với thuế suất 35%.

Phương án thứ hai áp dụng 2 bậc thuế đầu tiên giống phương án thứ nhất. Từ bậc 3 thì TNTT nâng lên trên 30 triệu đồng – 60 triệu đồng với thuế suất 25%; bậc 4 áp dụng TNTT trên 60 triệu đồng – 100 triệu đồng với thuế suất 30%; bậc 5 áp dụng với TNTT trên 100 triệu đồng/tháng với thuế suất 35%.

Như vậy trong cả 2 phương án mà Bộ Tài chính đưa ra đều giữ nguyên thuế suất cao nhất 35% như quy định hiện nay. Luật sư Trần Xoa cho rằng có thể chọn phương án hai nhưng phải sửa đổi là giảm chỉ còn 4 bậc, bỏ hoàn toàn bậc 5 với thuế suất 35%. Đồng thời, hợp lý hơn là phải giảm bậc thuế còn 4 bậc nhưng phải giãn khoảng cách giữa các bậc thuế đầu tiên nhiều hơn nữa. Cụ thể, ông đề xuất bậc 1 nên áp dụng đối với TNTT từ 0 – 20 triệu đồng/tháng với thuế suất 5%; bậc 2 áp dụng cho TNTT từ trên 20 – 40 triệu đồng với thuế suất 10%; bậc 3 từ trên 40 – 100 triệu đồng với thuế suất 20% và bậc 4 áp dụng cho TNTT trên 100 triệu đồng trở lên với thuế suất 30%.

Ông Trần Xoa nhấn mạnh: Việc duy trì thuế suất đầu tiên 5% để những người có TNTT thấp không rơi ngay vào ngưỡng cao. Còn lại không nên duy trì các mức thuế suất dày mà phải giãn ra. Việc giảm thuế suất cao nhất từ 35% xuống còn 30% cũng phù hợp với tình hình kinh tế – xã hội của VN vì quy định hiện tại quá cao, không khuyến khích một bộ phận người lao động, cá nhân có tài phấn đấu phát triển hơn.

Mai Phương

—————

Thanh niên (Kinh tế) ngày 22-7-2025:

https://thanhnien.vn/tang-muc-giam-tru-gia-canh-len-155-trieu-dong-da-hop-ly-185250721210347291.htm

(256/1.514)

Bài viết 

316. “Không hình sự hóa” - thêm niềm tin cho doanh nhân.

“Không hình sự hóa” - thêm niềm tin cho doanh nhân. (DĐDN) - Luật...

Trích dẫn 

4.122. Nợ xấu vượt 1 triệu tỷ đồng, đã có...

Nợ xấu vượt 1 triệu tỷ đồng, đã có giải pháp xử lý, đưa 'vốn...

Bình luận 

447. Luật siêu dễ: "Luật trật tự an toàn giao...

Luật siêu dễ: "Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ" Số 2,...

Phỏng vấn 

4.527. Cơ quan chức năng vào cuộc chặn đứng hàng...

Cơ quan chức năng vào cuộc chặn đứng hàng giả, hàng nhái gây rối loạn...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật” Chuyên...

Số lượt truy cập: 255,686