(ANVI) – Về vấn đề thứ 5 của VEN nêu ra: “Quan điểm, nhận định gì về hệ thống NHVN hiện nay, theo ông có nên thêm một số NH nữa hay không. Hệ thống NHVN đã đáp ứng được nhu cầu của nhân dân hay chưa? Theo ông chính phủ cần có các biện pháp, chính sách gì để hỗ trợ tạo điều kiện cho các NHTM của VN?”
Quan điểm:
* Hệ thống NHTM hiện nay có tiềm lực tài chính và quy mô hoạt động quá nhỏ bé, manh mún; sản phẩm dịch vụ ít và đơn điệu; trình độ quản lý còn khá lạc hậu, không phù hợp; chất lượng kinh doanh thấp kém.
* Trong điều kiện kinh tế xã hội như hiện nay, không nên thành lập thêm các NHTM (trừ NH chính sách) và chỉ nên duy trì khoảng 30-40 NHTM. Việc 4 NH TMQD hiện nay cạnh tranh nhau gần như trên cùng một địa bàn, cùng tính chất hoạt động là không hợp lý.
* Hệ thống NHTM mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu vay và gửi tiền, còn hầu như chưa đáp ứng được các nhu cầu khác của nhân dân. Hay nói đúng hơn, các dịch vụ NH còn là cao cấp, xa lạ và khó khăn đối với đông đảo dân chúng. Một trong những nguyên nhân cốt lõi là thu nhập dân cư quá thấp, nên chưa phát sinh nhu cầu dịch vụ NH.
* Nhà nước cần tạo ra các cơ chế đồng bộ và một hành lang pháp lý an toàn cho tổ chức và hoạt động của NH:
– Cần thực hiện ngay các biện pháp để hình thành ra các NH lớn, đa năng thông qua việc tăng vốn điều lệ hoặc sáp nhập.
– Không cho phép các tổ chức phi NH huy động vốn với lãi suất bằng hoặc cao hơn lãi suất huy động của NHTM, tạo ra sự cạnh tranh bất bình đẳng;
– Tạo ra sự bình đẳng giữa NH trong và ngoài nước về: Thuế lợi tức, tỉ lệ cho vay, cho phép trích lập Quỹ bù đắp rủi ro từ chi phí và xử lý nợ quá hạn như thông lệ quốc tế;
– Đơn giản hoá việc giải quyết tranh chấp về hợp đồng tín dụng và xử lý tài sản thế chấp, cầm cố. Hiện nay, từ khi đưa ra toà (kinh tế cũng như dân sự) đến khi xét xử 2 cấp xong, mất khoảng 1 năm và đến khi phát mại xong phải mất khoảng 1 năm nữa;
– Xây dựng hệ thống văn bản chính sách đồng bộ, tập trung, nhất quán về tổ chức và hoạt động NH, tránh tình trạng có tới 3-400 văn bản cùng điều chỉnh như hiện nay. Theo NHNN, để thực hiện 2 Luật NH vào 1-10 năm nay, phải xây dựng tới 55 nghị định, quyết định, chỉ thị và thông tư. Như vậy là quá nhiều và chỉ sau 1-2 năm nữa, sẽ lại dẫn đến tình trạng quá tải văn bản.
– Đặc biệt, cần xây dựng các định chế NH độc lập và đặc thù so với các định chế áp dụng đối với doanh nghiệp.
Việc cấp tín dụng của NHTM theo nguyên tắc (điều kiện) có bảo đảm, còn hầu hết các quan hệ dân sự và kinh tế khác được thực hiện hoàn toàn tự do. Vì vậy, cần có các quy định về thế chấp, cầm cố và bảo lãnh linh hoạt, thích ứng cho NH, chứ không thể áp dụng giống như quy định chung. Đó là chưa kể đến việc cùng là thế chấp, nhưng đối với các hợp đồng dân sự, thì thực hiện theo Bộ luật Dân sự năm 1996, đối với các hợp đồng kinh tế, thì vẫn theo quy định của Pháp lệnh hợp đồng kinh tế năm 1989. Trong khi đó, tính chất cho vay của NH là theo cả HĐKT và HĐDS, nhưng lại hoàn toàn chỉ thực hiện theo quy định thế chấp của Bộ luật Dân sự.
Trong thời gian qua, dường như các cơ quan hành pháp, lập pháp và tư pháp đều cho rằng địa vị pháp lý của NH giống như các doanh nghiệp cùng loại khác. Điều đó được thể hiện khá rõ trong nội dung của Luật các TCTD và một số dự thảo văn bản của Chính phủ, Bộ Tài chính,…
Theo Luật các TCTD, thì các NHCP phải tuân theo Luật Công ty, NHQD phải tuân theo Luật DNNN, còn QTD phải tuân theo Luật HTX. Tức là nhiều quy định về NH sẽ được viện dẫn từ các quy định của các luật về doanh nghiệp khác. Như vậy, đương nhiên NH sẽ không thể tạo ra một loại hình đặc thù, một tư cách đặc biệt, một vị trí độc lập bảo đảm thuận lợi cần thiết cho hoạt động kinh doanh tiền tệ.
Chắc chắn nhiều quy định hướng dẫn Luật NH sẽ bị chồng chéo, trùng lặp và việc thực hiện chúng trong thời gian tới sẽ gặp không ít khó khăn, vướng mắc; nhất là trong một vài năm đầu, nhiều văn bản hướng dẫn Luật các TCTD chưa kịp ban hành và nhiều vấn đề chưa được đề cập tới.
Nếu NH được coi là loại hình doanh nghiệp cùng tính chất, thì chỉ cần có các pháp lệnh, nghị định và văn bản dưới luật khác hướng dẫn áp dụng 3 luật DNNN, Cty và HTX đối với các NHQD, NHCP và QTD, chứ hoàn toàn không cần đến một Luật riêng về các TCTD.
Có một thực tế rất sinh động đã bị lãng quên. Đó là việc xây dựng một đạo luật hoàn toàn riêng biệt cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp đó là loại hình công ty TNHH, nhưng không phải tuân theo bất cứ một quy định nào của Luật Công ty hiện hành.
Có một vấn đề khá quan trọng khi các NHTM thực hiện Luật các TCTD sắp tới. Đó là trong trường hợp 4 Luật về doanh nghiệp (và các văn bản hướng dẫn thi hành) khác nhau thì thực hiện theo văn bản nào? Ưu tiên các văn bản chuyên ngành NH hay ưu tiên các văn bản chung?
Các NHTM và các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như các cơ quan pháp luật rất khó tìm thấy một quan điểm chung trong những trường hợp như trên.
Được biết, sắp tới Luật DNNN và Luật Công ty sẽ được sửa đổi. Vậy thì, nhiều điều khoản, nhiều vấn đề cụ thể sẽ được đưa vào hoặc sẽ được viện dẫn thành những quy định mới trong 55 văn bản hướng dẫn thi hành Luật các TCTD sẽ ngay lập tức trở thành mâu thuẫn và lạc hậu. Còn nếu 55 văn bản trên quy định theo hướng mới thì sẽ trái Luật DNNN và Luật Công ty hiện hành mà cũng chưa chắc đã phù hợp với các Luật mới.
Vì vậy, đề nghị cần khẩn trương nghiên cứu việc sửa đổi Luật các TCTD để tạo ra một hành lang pháp lý chuẩn mực bảo đảm cho các NHTM.
(Làm việc với VN Economic News ngày 3-7-98)
Bài được lưu ở đây:
ĐC: Công ty Luật ANVI, tầng 2, Tòa nhà Savina, số 1 Đinh Lễ, phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, HN
FB: Trương Thanh Đức (www.facebook.com/LSTruongThanhDuc)
E-mail: duc.tt @anvilaw.com
Web: www.anvilaw.com
ĐT: 090.345.9070