Bình luận về một số giải thích trái luật của ngành Thuế
(ANVI) – Tham luận tại Hội nghị đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế – hải quan 22-11-2022 – Do VCCI & Bộ Tài chính tổ chức tại Văn Miếu Ballroom, tầng 2, Khách sạn Pullman, 40, Cát Linh, Ba Đình, Hà Nội.
Trong những năm qua, ngành Thuế đá có nhiều nỗ lực và thành tích trong việc xây dựng, thực hiện pháp luật thuế – một vấn đề rất lớn, phức tạp, luôn đứng trước nhiều sức ép, nguy cơ trục lợi, trốn thuế.
Để góp phần giúp các doanh nghiệp tuân thủ tốt pháp luật thuế, đồng thời cũng giúp ngành Thuế hoàn thành trọng trách của mình, tôi là Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, xin nêu vụ việc giải thích trái luật của ngành Thuế năm 2018, 2021 và 2022 như sau, trong đó ý cuối là phản ánh tiếng nói của Hiệp hội Sắn Việt Nam:
1. Năm 2019: Giải thích trái luật, nhưng hợp lý
1.1. Điều khoản 4.b, Thông tư số 111/2013/TT-BTC “Hướng dẫn thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân…”quy định như sau: Thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán, bao gồm cả chuyển nhượng cổ phiếu & cổ phần, đều chịu thuế suất 0,1% giá bán, nếu không phải chứng khoán thì phải chịu thuế suất 20% chênh lệnh 2 đầu mua bán;
1.2. 5 năm sau, Thông tư số 25/2018/TT-BTC sửa đổi, đã giải thích “chứng khoán” theo đúng Luật Chứng khoán và Luật Doanh nghiệp, tức không áp dụng đối với việc chuyển nhượng “cổ phần” của công ty chưa lưu ký và niêm yết;
1.3. Tuy nhiên, Công văn số 1211/TCT-DNNCN ngày 04-4-2019 của Tổng cục Thuế lại giải thích chứng khoán bao gồm cả “cổ phiếu” và “cổ phần”.
1.4. Như vậy, Công văn đã giải thích đúng như nội dung mà Thông tư đã bãi bỏ, thành ra trái Luật, nghị định và cả Thông tư. Nguyên nhân là trong nhiều năm, đã không đề xuất sửa Luật và Nghị định về Thuế thu nhập cá nhân theo hướng ghi nhận điều này.
1.5. Việc này không gây thiệt hại cho doanh nghiệp, nhưng cần tránh cho cổ đông cá nhân của công ty thì lúc lợi, lúc thiệt.
1.6. Vì vậy, đề nghị cần giữ điều trên theo hướng sửa Luật, Nghị định và Thông tư về thuế thu nhập cá nhân để người nộp thuế chuyển nhượng chứng khoán và cổ phần vẫn được quyền lựa chọn một trong 2 cách nộp thuế như đã từng quy định nhiều năm trước. Trong đó, nếu người chuyển nhượng cổ phần, cổ phiếu lỗ đầm đìa như trong thời gian vừa qua thì không phải nộp thuế thu nhập, dù là 20% lợi nhuận hay 0,1% doanh thu.
2. Năm 2021: Giải thích trái luật và bất hợp lý:
2.1. Nghị định số 132/2020/NĐ-CP “Quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết”, diễn đạt đơn giản nhất là: “Tổng chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp” chỉ khi có đủ 3 điều kiện sau:
– Thứ nhất, “doanh nghiệp có giao dịch liên kết”;
– Thứ hai, phải có yếu tố “làm giảm nghĩa vụ thuế“;
– Thứ ba, tổng chi phí lãi vay phải vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh….
2.2. Tuy nhiên, nội dung giải đáp ngày 18-3-2021 của Tổng cục Thuế được đăng trên Website Tổng cục Thuế[1] lại giải thích như sau:
“Tại điểm d và điểm l khoản 2 Điều 5 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP quy định:
“d) Một doanh nghiệp bảo lãnh hoặc cho một doanh nghiệp khác vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào (bao gồm cả các khoản vay từ bên thứ ba được đảm bảo từ nguồn tài chính của bên liên kết và các giao dịch tài chính có bản chất tương tự) với điều kiện khoản vốn vay ít nhất bằng 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp đi vay và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của doanh nghiệp đi vay.
Căn cứ quy định nêu trên trường hợp Công ty có vay vốn ngân hàng với khoản vốn vay lớn hơn 25% vốn góp của chủ sở hữu của Công ty và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của Công ty thì giữa Công ty và Ngân hàng được xác định là có quan hệ liên kết. Khi đó các giao dịch phát sinh giữa doanh nghiệp và ngân hàng được xác định là giao dịch liên kết””.
2.3. Giải thích nêu trên sai một cách cơ bản, vì đã đồng nhất việc vay vốn ngân hàng là giao dịch liên kết giữa doanh nghiệp với ngân hàng. Nguyên nhân là do nội dung giải thích chỉ đề cập đến “khoản vốn vay” mà đã bỏ qua một điều kiện bắt buộc phải có trước, đó là quan hệ liên kết giữa doanh nghiệp vay vốn với doanh nghiệp bảo lãnh để cho nó được vay vốn ngân hàng, hay nói cách khác đã nhầm giao dịch vay vốn ngân hàng là giao dịch liên kết, thay vì giao dịch liên kết để vay vốn ngân hàng.
2.4. Nghị định trên nói chung, nội dung giải thích này nói riêng, đã dẫn đến tình trạng rất bất hợp lý là doanh nghiệp phải đi vay vốn, vay thật, trả lãi đúng, nhưng lại không được tính vào chi phí hợp pháp, hợp lệ, trong khi không hề có yếu tố “làm giảm nghĩa vụ thuế”, thậm chí không hề có “giao dịch liên kết”, tức là thiếu 2 trên 3 điều kiện phải có để bị áp đặt trần chi phí lãi vay hay nói cách khác, lỗ thật sự vẫn có thể bị áp đặt nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.
2.5. Vì vậy, đề nghị, cần giải thích lại ngay “giao dịch liên kết” cho đúng, đồng thời sửa đổi cơ bản Nghị định trên theo hướng nhằm ngăn chặn đúng yếu tố “làm giảm nghĩa vụ thuế”.
3. Năm 2021 – 2022: Giải thích trái luật và chưa thay đổi:
3.1. Điều khoản 13.1&2, Luật Thuế giá trị gia tăng; Điều khoản 10.2, Nghị định số 209/2013/NĐ-CP; các Điều 15, 16 và 18.4, Thông tư số 219/2013/TT-BTC đều quy định, các doanh nghiệp xuất khẩu nói chung, xuất khẩu sắn nói riêng qua Trung Quốc, được hoàn thuế giá trị gia tăng, nếu có đủ 03 điều kiện sau đây:
– Thứ nhất, có Hợp đồng mua bán hàng hóa với đối tác Trung Quốc;
– Thứ hai, có giấy tờ hải quan xác nhận hàng hóa đã xuất khẩu;
– Thứ ba, có chứng từ thanh toán qua ngân hàng.
3.2. Tuy nhiên, Công văn số 632/TCT-TTKT ngày 07-3-2022 của Tổng cục Thuế V/v “Hoàn thuế GTGT đối với mặt hàng tinh bột sắn”, trong đó có thêm yêu cầu kiểm tra rà soát và đối chiếu giao dịch xuất khẩu với doanh nghiệp Trung Quốc. Chính Cục trưởng Cục Thanh tra kiểm tra thuế, thuộc Tổng cục Thuế, đã giải thích 3 phút trên Bản tin Tài chính kinh doanh VTV1 sáng ngày 24-3-2022, được đăng lại trên trang báo điện tử vtv.vn là doanh nghiệp Trung quốc đã huỷ bỏ hồ sơ nhập khẩu để hưởng lợi chính sách thuế đối với mậu dịch biên giới của Trung Quốc. Video thì đã bị xoá bỏ 3 phút nội dung đó, từ phút 7h12 đến 7h15, bài viết thì đã bị xoá khỏi trang web (*). Nhưng quan trọng là điều này đã không được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam về việc hoàn thuế.
3.3. Tổng Cục Thuế đã trả lời Hiệp hội Sắn là, không chỉ đạo việc dừng hoàn thuế, nhưng thực tế nhiều doanh nghiệp chưa được hoàn thuế, với tổng số khoảng 1.000 tỷ đồng, từ 1 đến 2 năm nay, gây khó khăn và thiệt hại rất lớn cho nhiều doanh nghiệp xuất khẩu sắn, trong khi:
– Sắn thuộc Danh sách 13 cây trồng chủ lực quốc gia, được xem là cây xóa đói, giảm nghèo cho bà con vùng sâu vùng xa;
– Sắn liên quan đến tổng số hơn 1,2 triệu lao động trong ngành, mà chủ yếu là ở vùng trung du miền núi khó khăn và đồng bào dân tộc thiểu số;
– Sắn xuất khẩu đứng thứ 3 về kim ngạch nông sản (chỉ sau gạo & café) và đứng thứ 2 thế giới (sau Thái Lan); đạt sản lượng gần 1,9 tấn, giá trị gần 1,2 tỷ USD trong năm 2021; 10 tháng đầu năm 2022 đạt sản lượng 2,5 triệu tấn, giá trị 1,1 tỷ USD.
3.4. Vì vậy, các doanh nghiệp ngành Sắn đề nghị Tổng cục Thuế chỉ đạo các cục Thuế như sau:
– Đối với các doanh nghiệp đã có kết quả trả lời của cơ quan công an thì ngay lập tức cho hoàn thuế giá trị gia tăng;
– Đối với các doanh nghiệp khác, thì chỉ căn cứ vào các điều kiện hoàn thuế giá trị gia tăng, mà không căn cứ vào thông tin xác minh doanh nghiệp nước ngoài. Không thể bắt các doanh nghiệp Việt Nam phải chịu trách nhiệm với cái sai (nếu có) của doanh nghiệp nước ngoài, vì lý do thì đã rõ và vì pháp luật hoàn toàn không có quy định, không phải vì sơ hở, mà là vì không cần thiết;
– Ngành Thuế có thể nghi ngờ doanh nghiệp, thậm chí cả ngân hàng, nhưng không thể không tin vào số liệu của ngành Hải quan; có thể thực hiện mọi biện pháp để chống thất thu thuế, nhưng phải dựa trên cơ sở quy định cụ thể của pháp luật. Còn sau này, phát hiện ra doanh nghiệp nào sai phạm, chiếm đoạt tiền thuế thì đề nghị xử lý thật nghiêm.
– Không chỉ doanh nghiệp, mà trước hết cơ quan Nhà nước phải thực hiện thật đúng quy định của pháp luật.
—————
Luật sư Trương Thanh Đức
Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC.
(1.750)
[1]https://gdt.gov.vn/wps/portal/!ut/p/z0/fczBCoJAFIXhV2njcrjXYWqcZVHEiBAZhd6NXB0VK8akIXr8xAdodfjg8ANBAeT5M_QchtHzc3ZJmwqVsVlyu5x2B6vRXo95btMsPu8RUqD_h7kw3KeJtkDN6EP7DVD0LqwW-BDhm6vZy3Y8RRiCdz7CdeKMU1KLRioplGYWpsVGxDV3RsaJ1KaF14PKH3a9GAI!/
(*) Video Clip tại đây (đã bị xoá mất nội dung trong khoảng thời gian hiển thị trên màn hình khoảng từ 7h12 – 7h15 phút): https://vtv.vn/video/tai-chinh-kinh-doanh-sang-24-3-2022-551308.htm
Bài này cũng đã bị xoá khỏi trang vtv.vn, sau đó nội dung vẫn còn được lưu tại địa chỉ dưới đây. Tuy nhiên, đến ngày 03-4-2022 thì đã bị xoá mất cả bản cache:
Được đăng lại tại đây:
https://diemtin.vn/nhieu-doanh-nghiep-xuat-khau-san-co-dau-hieu-gian-lan-hoan-thue-gtgt-5345665.html
#hiephoisan #hoanthue