400. Cá nhân không được cho, tặng ngoại tệ: Cần có lộ trình (06/11/2013)

(ĐĐK) – Dường như Ngân hàng nhà nước đang quyết tâm hơn trong lộ trình chống đôla hóa, vàng hóa nền kinh tế. Dự thảo “Cấm cá nhân cho, tặng ngoại tệ” NHNN đang tổ chức lấy ý kiến đã được dư luận rất quan tâm, nhất là các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Một luồng ý kiến khẳng định tiến tới sử dụng một đồng nội tệ trong thanh toán giao dịch sẽ nâng sức mạnh đồng nội tệ. Một luồng ý kiến khác quan ngại, nếu NHNN chọn thời điểm sai để áp dụng sẽ khó thu hút kiều hối, khó thu hút được đầu tư nước ngoài.

Chống đô la hóa, vàng hóa là điều cần thiết, tuy nhiên cần có lộ trình

Ảnh: Hoàng Long

Chủ trương là siết chặt

Việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối được dư luận đồng tình, vì đã đến lúc tăng sức mạnh cho đồng nội tệ, bên cạnh việc thu hút kiều hối, dòng đầu tư nước ngoài. Một trong những nội dung được quan tâm nhất là quy định về sử dụng ngoại tệ tiền mặt của cá nhân. Theo đó dự thảo đang thiên về hướng, “không cho phép cá nhân cho, tặng ngoại tệ lẫn nhau”.

Cái lý của NHNN đưa ra, điều này để đảm bảo mục tiêu chống tình trạng đôla hóa, thống nhất với các quy định về hạn chế sử dụng ngoại hối.

Trên thực tế, lộ trình và những kết quả chống đôla hóa mà NHNN đạt được thời gian qua đã được các chuyên gia kinh tế đánh giá cao. TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, những quả ngọt trên thị trường ngoại tệ hiện nay như dự trữ ngoại hối gia tăng, tỷ giá ổn định không phải tự nhiên mà có. Đó là kết quả từ một loạt chính sách chống đôla hóa của NHNN, trong đó có các giải pháp tăng dự trữ bắt buộc với tiền gửi ngoại tệ, giảm trạng thái ngoại hối của các ngân hàng, hạn chế đối tượng vay ngoại tệ, giảm lãi suất huy động tiền gửi ngoại tệ…

Theo kế hoạch, lộ trình chống đôla hóa của Chính phủ sẽ kết thúc vào năm 2020. Nhưng dường như với bước đi muốn siết chặt quyền cho tặng ngoại tệ , NHNN đang muốn kết thúc sớm lộ trình đôla hóa này.

Theo phân tích của ông Paul Jankin (đang làm việc cho Trung tâm du học Úc, chi nhánh Hà Nội), cho tới nay có rất nhiều người làm việc tại Việt Nam. Bản thân họ bị ảnh hưởng của văn hóa Việt Nam, trong đó có việc mừng tuổi. Mỗi dịp Tết, thay vì lỳ xì bằng tiền Việt, họ mừng bằng đôla, hay  euro. Kể cả  chúc thọ người cao tuổi, trong nhiều trường hợp cũng mừng bằng ngoại tệ. Vì thế, việc cấm cho, tặng ngoại tệ theo P. Jankin là “bất khả thi”.

Giám đốc một công ty xuất nhập khẩu (thiết bị giao thông- cầu đường) có chi nhánh tại số 1 đường Đào Duy Anh (Hà Nội) cũng cho biết, công ty thường xuyên làm việc với đối tác nước ngoài. Ngoại tệ là phương tiện thanh toán, và nghiễm nhiên trở thành hàng hóa. Hàng hóa thì có quyền sở hữu, có quyền cho tặng. Vì thế, nếu cấm cho, tặng bằng ngoại tệ thì rất có thể sẽ biến tướng sang một hình thức khác.

Phần lớn các ý kiến của DN đều cho rằng việc cấm tặng cho ngoại tệ là không thực tế. Không nên quản lý theo kiểu “không quản được thì cấm”, mà cần tìm ra nguyên nhân để khắc phục. Để chống đôla hóa, về bản chất sâu xa, cần phải nâng cao niềm tin vào tiền đồng. Tạo môi trường kinh tế vĩ mô ổn định để người dân không trú ẩn vào vàng, ngoại tệ.

Không được vội vàng?

Tuy nhiên, không trùng với quan điểm của các DN, các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính ngân hàng khẳng định, cấm cho, tặng ngoại tệ là hướng đi đúng, nhưng cần cân nhắc từng bước đi. Nếu không sẽ không thể thu hút được kiều hối, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Chiều 5-11, trao đổi với Đại Đoàn Kết, một chuyên gia phân tích, chủ trương chống đôla hóa là tất yếu, việc hạn chế giao dịch ngoại tệ, tiến tới sử dụng thanh toán giao dịch bằng một đồng nội tệ là điều cần thiết. Vị chuyên gia này cho rằng, thực ra, nếu phân tích kỹ động thái của NHNN sẽ thấy gốc rễ khác. NHNN vẫn bảo hộ quyền sở hữu, cho tặng ngoại tệ, nhưng với điều kiện các cá nhân không được cho, nhận, tặng ngoại tệ theo kiểu “trao tay” như hiện nay. Cá nhân vẫn được mừng tuổi, vẫn có thể dùng ngoại tệ nhưng thông qua kênh tài khoản. Tức là, mỗi cá nhân buộc phải có một tài khoản ngoại tệ được mở ở một ngân hàng cố định. Mọi giao dịch nhỏ nhất bằng ngoại tệ cũng sẽ được kiểm soát. Hiện nay nhiều giao dịch bất hợp pháp, nhiều vụ rửa tiền khi điều tra ra, các bên đều lách luật, trá hình bằng cách giải thích là “tặng-cho” nhau.

Vị này cũng lưu ý, chỉ có điều, trong bối cảnh hiện nay, nhiều cá nhân người Việt Nam không có tài khoản ngoại tệ, giờ đây thì họ phải mở tài khoản. Các động thái trao tặng, cho, mua trở nên phức tạp, và phiền toái. Do đó, nếu để “dự thảo” này thành hiện thực, thì cách tốt nhất là người dân phải mở tài khoản ngoại tệ.

Còn bà Tô Minh Ngọc, Phó giám đốc Học viện Ngân hàng khẳng định, Chính phủ có nhiều phương án giảm sức ảnh hưởng, tiến tới chấm dứt  đôla hóa. Tuy nhiên, việc này sẽ được tiến hành từ từ.

Đứng ở góc độ khác, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI bình luận: “Đến một lúc, đến một thời điểm nhất định sẽ cấm các giao dịch bằng ngoại tệ. Nhưng hiện nay thì chưa nên. Pháp lệnh Ngoại hối cũ và mới đều không bàn gì về cấm cho tặng, ngoại tệ cả; chính sách liên quan đến tài chính tiền tệ nên xây dựng theo lộ trình, phải để cho người dân và DN biết trước để chủ động thích ứng. “Tôi ủng hộ việc cấm cho, tặng ngoại tệ nhưng NHNN phải ổn định được giá trị tiền đồng. NHNN phải tuyên truyền tốt. Khi mà đồng ngoại tệ đã dần được loại bỏ khỏi các giao dịch mua bán, hợp đồng làm ăn thì tiến tới cấm là được”, Luật sư Đức nói.

Ông NGUYỄN QUANG HUY, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối: Hơn hai năm qua, NHNN đã đồng thời đạt được hai mục tiêu quan trọng là ổn định tỷ giá và tăng dự trữ ngoại hối nhà nước. Lòng tin vào đồng nội tệ của Việt Nam được nâng cao, tâm lý găm giữ ngoại tệ được đẩy lùi một bước. Nếu như trước đây tỷ giá thường xuyên biến động, ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của các nhà đầu tư trong và ngoài nước thì bắt đầu từ năm 2012 đến nay, thị tường ngoại hối và tỷ giá về cơ bản ổn định, yếu tố đầu cơ được hạn chế, thị trường tự do gần như không còn hoạt động công khai. 

PGS.TS TÔ KIM NGỌC, Phó giám đốc Học viện Ngân hàng: Vấn đề giảm tình trạng đôla hóa được thể hiện rõ trong quy mô tài sản có ngoại tệ và tài sản nợ ngoại tệ trong hệ thống tổ chức tín dụng đã tăng chậm lại kể từ cuối năm 2011 so với giai đoạn từ năm 2006 cho tới nửa đầu năm 2011. Tình trạng đôla hóa tiền mặt cũng được kiểm soát nhờ những hoạt động kiểm tra gắt gao của NHHN phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan chức năng khác trong việc hạn chế, phát hiện và xử lý các trường hợp mua bán ngoại tệ trái quy định của pháp luật.

THÚY HẰNG

————–

Đại Đoàn kết 06-11-2013:

http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=71311&menu=1372&style=1

(142/1.488)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.389. Đổi mới thể chế: Giảm thiểu can thiệp...

Đổi mới thể chế: Giảm thiểu can thiệp hành chính vào thị trường. (VNN)...

Trích dẫn 

3.907. Dự kiến bỏ miễn thuế với hàng nhập...

Dự kiến bỏ miễn thuế với hàng nhập dưới 1 triệu đồng. (VOV GT)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,583