403. “Bão” tín dụng đen vẫn hoành hành dữ dội – vì sao?­­

(CAND) – Những vụ đổ bể tín dụng đen ngày càng nhiều, kéo theo không chỉ vô số hệ lụy đắng cay mà là hàng loạt những phức tạp về an ninh trật tự. Nhiều vụ giết người, cố ý gây thương tích, cướp tài sản… với hậu quả nghiêm trọng đã xảy ra, tất cả đều có nguồn cơn từ tín dụng đen. Tình hình nghiêm trọng đến mức, UBND TP Hà Nội đã từng phải ra văn bản chỉ đạo Công an Hà Nội và các đơn vị liên quan tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thận trọng với hoạt động huy động vốn sau hàng loạt các vụ vỡ nợ xảy ra trên địa bàn.

Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm cũng từng nghiên cứu, đề xuất hướng xử lý đối với loại tội phạm này. Nhưng cho đến nay, cơn bão tín dụng đen vẫn chưa có xu hướng giảm mà trái lại, mỗi ngày một dữ dội hơn mà gần đây nhất là chỉ trong chừng 1 tháng, 2 vụ vỡ nợ tín dụng đen liên tiếp xảy ra – một ở Lạng Sơn, một ở Hà Nội – với số tiền lên tới vài trăm tỉ đồng. Vì sao?

Tín dụng đen: Người cho vay “chết” vì ham lãi suất

“Miếng phomát dễ kiếm nhất và không mất tiền chỉ có ở trong chiếc bẫy chuột”!. Đó là câu phương ngôn mà chuyên gia kinh tế – TS Nguyễn Minh Phong – đưa ra để cảnh báo về bẫy lãi suất huy động khủng mà các trùm tín dụng đen đang áp dụng. Cuối tháng 8 vừa qua, khi vụ vỡ nợ của bà Trương Thị Hải Yến, Phó hiệu trưởng kiêm Chủ tịch HĐQT Trường THPT dân lập Phương Nam (Định Công, Hà Nội) bị đổ bể thì nhiều chủ nợ của bà này thú nhận, họ đã cho vay với lãi suất mà không một ngân hàng nào sánh được.

Một trong những chủ nợ là bà Điểm cho hay bà đã cho bà Trương Thị Hải Yến vay số tiền 2,4 tỉ đồng với lãi suất 6% /tháng, cao hơn nhiều lần lãi suất huy động của bất cứ một ngân hàng nào. Với lãi suất đó, sau 2 năm cho vay, số tiền lãi mà bà Điểm được hưởng sẽ… lớn hơn số tiền gốc bỏ ra ban đầu.

Vì vậy mà theo đánh giá của nhiều chuyên gia thì lãi suất huy động khủng chính là miếng mồi hấp dẫn nhất khiến nhiều người dân có tiền nhàn rỗi chọn “tín dụng đen” là nơi tin cậy để giao tiền. Và, như thế thì tín dụng đen được dung dưỡng  không phải bởi sự cả tin của những chủ nợ mà chính là bởi lòng tham của họ. Chỉ bằng một mảnh giấy biên nhận nợ viết tay sơ sài, các chủ nợ sẵn sàng rút hầu bao đưa cho con nợ cả tỉ đồng, thậm chí cả trăm tỉ đồng.

Trong vụ vỡ nợ trăm tỉ của Nguyễn Thị Cúc ở Phú Minh, Phú Xuyên, Hà Nội cách đây 2 năm cũng vậy. Nhiều người ở trong và ngoài thị trấn Phú Minh đã từng cho Cúc vay tiền kể, đối với những khoản tiền dưới 100 triệu đồng, Cúc không bao giờ thèm vay vì chê ít quá. Người mang tiền đến cho Cúc, Cúc không thèm đếm, bảo bao nhiêu Cúc ghi giấy biên nhận bấy nhiêu và trả tiền lãi ngay tức khắc. Mà tiền lãi Cúc trả thì quả là không có bất kỳ tổ chức tín dụng nào địch nổi, thường từ 4,5 đến 7,5%/tháng.

Thậm chí, có thời điểm được tính theo ngày, thường khoảng từ 3 – 5 nghìn đồng/triệu. Có khi Cúc đẩy lãi lên đến 7 – 8 nghìn đồng/triệu, ngang với lãi suất tín dụng đen ở sòng bạc. Có 100 triệu đem đến cho Cúc, Cúc không thèm đếm trả lãi luôn 15 triệu đồng tiền lãi của tháng đầu tiên.

Có lẽ, cũng chính bởi lãi suất khủng mà Cúc thu hút được rất nhiều người tự nguyện mang tiền đến cho Cúc. Trong các giấy biên nhận nợ, Cúc bao giờ cũng chỉ ký mỗi tên mình, chủ nợ nào mà đòi chữ ký của cả hai vợ chồng, Cúc trả lại ngay, không thèm vay nữa.

Ham lãi suất cao, những người này đã trở thành nạn nhân của vụ vỡ nợ tín dụng đen xảy ra ở Trường THPT dân lập Phương Nam.

Cũng bởi mức lãi suất huy động khủng của tín dụng đen mà cùng với sự xuất hiện của nó, bắt đầu xuất hiện một nghề mới: nghề buôn tiền. Bà Ngô Thị Anh Thư, chủ nợ lớn nhất trong vụ vỡ nợ tại Trường THPT dân lập Phương Nam, người mà theo tiết lộ đã cho vay tới 160 tỉ đồng, cho biết,  bà từng đi huy động của nhiều người khác với lãi suất 4,5%/tháng rồi cho bà Trương Thị Hải Yến vay lại với lãi suất 6% để hưởng chênh lệch.

Khi vụ việc đổ bể, đến lượt mình, bà Thư lại trở thành con nợ với số tiền lên đến 60 tỉ đồng. Trước ống kính truyền hình, bà Thư kể rằng, bà đã phải bán đi 6 cái nhà và 200 mét đất của gia đình, anh em họ hàng.

Tương tự, trong vụ vỡ nợ của Nguyễn Thị Cúc, chúng tôi đã thấy những giọt nước mắt đắng cay như thế tại phiên tòa xét xử. Khi mà, trước vành móng ngựa, Cúc bình thản bao nhiêu thì các chủ nợ đau đớn bấy nhiêu.

Theo cáo trạng truy tố thì trong số những người bị hại của Cúc có 10 người là đại lý đi gom tiền từ nhiều người khác. Trước tòa, chị Phùng Thị P. vừa khóc vừa kể, từ tháng 6/2010 đến tháng 6/2011 đã cho Cúc vay 14 lần với tổng số tiền là 76,4 tỉ đồng. Tương tự, chị Nguyễn Thị B. cũng nhiều lần cho Cúc vay tiền với tổng số tiền lên tới 88,5 tỉ đồng. Chị Nguyễn Thị H. thì ngoài 4,1 tỉ đồng tiền mặt, còn cho Cúc vay 370 cây vàng. Để có tiền cho Cúc vay, vợ chồng chị đã vay của 40 người khác.

Trả lời báo chí, Luật sư Nguyễn Thành Vinh cho rằng, không có một doanh nghiệp nào, không có một ngành nghề kinh doanh chân chính nào có thể chịu được lãi suất huy động cao như tín dụng đen. Và, như thế thì ngay từ khi đem tiền cho vay, các chủ nợ đã phải tự vấn rằng, người đi vay kinh doanh gì để có lợi nhuận lớn đến thế khi mà chỉ riêng tiền trả lãi vay đã chiếm tới hơn 60% số tiền đi vay? Bản thân mức lãi suất huy động khủng đã tố cáo bản chất của việc vay mượn đó là lừa đảo.

Nhìn từ góc độ kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong đã chỉ ra rằng, “bẫy” tín dụng đen không khó nhận ra, nếu ai đó có kiến thức tối thiểu về kinh tế thị trường và không quá ham lời từ trên trời rơi xuống. Quy luật “lợi nhuận bình quân” đã, đang và sẽ tiếp tục tồn tại trong kinh tế thị trường; đồng thời, nó cũng là một trong các nguyên lý hàng đầu để nhận diện bẫy tín dụng đen.

Và, như thế, người ta sa bẫy tín dụng đen mà vác cả chục tỉ, trăm tỉ đồng đến đút vào túi của con nợ, phần nhiều không phải bởi niềm tin mà bởi lòng tham. Điều đó lý giải vì sao, bao nhiêu lời cảnh báo cũng bằng thừa và tín dụng đen vẫn có đất sống.

Con nợ Nguyễn Thị Cúc bình thản nhận án tù trong khi các chủ nợ đau khổ vì mất khoản tiền lớn

Tín dụng đen: Người đi vay chết vì những bản hợp đồng ép chết

Nếu như để vay được nguồn vốn từ các ngân hàng, người đi vay phải hoàn thiện đủ các loại thủ tục để chứng minh rằng mục đích sử dụng nguồn tiền vay là chính đáng thì trong tín dụng đen, khi xuất tiền cho vay, các ông trùm bất cần biết đến điều đó. Thủ tục cho vay của tín dụng đen dễ đến mức người ta có cảm giác tiền tỉ với các ông trùm chỉ là mớ giấy lộn.

Một luật sư ở Hà Nội kể rằng, khi mua căn biệt thự mà hiện gia đình ông đang ở, ông bị thiếu khoảng hơn 1 tỉ đồng. Kể ra, số tiền ấy tuy lớn nhưng nếu vợ chồng ông chịu khó hỏi han vay mượn bạn bè thì cũng gom đủ. Song, ngại phiền phức, ông đã tìm đến tín dụng đen. Và, ngạc nhiên là chỉ cần đúng 1 tấm giấy chứng minh nhân dân và 1 tờ giấy viết tay nhận nợ, ngay lập tức ông nhận về số tiền 1 tỉ đồng. Thủ tục chỉ diễn ra trong vòng 10 phút. Tất nhiên, lợi bao giờ cũng đi cùng với hại, lãi suất vay của tín dụng đen là lãi suất tính theo ngày và gấp khoảng chục lần ngân hàng. Đúng 1 tháng sau, ông trả, xót xa kèm theo khoản tiền lãi khổng lồ và mọi việc suôn sẻ, an bình.

Nhưng đó mới chỉ là một nửa sự thật về tín dụng đen. Chỉ mãi đến sau này, khi tham gia tư vấn cho một số vụ việc có liên quan đến nó, ông mới hiểu ra một nửa sự thật kinh hoàng kia. Đó là những bản hợp đồng ép chết. Là mạng sống của con nợ chỉ bé bằng sợi tóc dưới bàn tay đâm thuê chém mướn của những kẻ đòi nợ thuê.

Ngay tại Hà Nội, một con nợ đã phải treo cổ tự vẫn tại ngôi nhà của chủ nợ bởi chỉ có cái chết mới giúp ông thoát khỏi cái thòng lọng lãi suất khủng đã bị tròng vào cổ. Người đàn ông bất hạnh ấy tên H. nhà ở Thanh Xuân Bắc. Do cần tiền làm ăn nên ông đã vay của vợ chồng Vũ Minh Trí và Trương Kim Dung ở Thái Hà số tiền 460 triệu đồng. Nhưng với lãi suất khủng phải trả mà ít lâu sau, khoản nợ ấy đã lên tới 1,5 tỉ đồng.

Không có tiền để trả, ông H. bỏ trốn nhưng chỉ một thời gian ngắn là bị bọn giang hồ bắt về và ông bị ép phải gán nợ cho chúng ngôi nhà ở Thanh Xuân Bắc. Ngôi nhà đó sau này bọn chúng đã bán đi được 1,7 tỉ đồng nhưng viện lý do trong thời gian ông H. trốn nợ, bọn chúng đã phải đi vay tiền với lãi suất cao để trả bù cho những khoản nợ đó nên dù đã gán nhà nhưng ông vẫn còn nợ chúng 1,1 tỉ đồng. Để ép trả, chúng đã bắt ông giam lỏng ở Thái Hà và ông đã thắt cổ tự vẫn tại đây.

Còn nữa, một nạn nhân của tín đụng đen mà chúng tôi có dịp gặp gỡ tại Hà Nội khi chị rơi vào bi kịch không lối thoát. Em trai chị, do cần tiền đã thế chấp 2 căn nhà (thực chất là của chị nhưng nhờ em trai đứng tên) cho một trùm tín dụng đen để vay 900 triệu đồng với lãi suất 8 nghìn đồng/1triệu/ngày. Tính ra mỗi tháng số tiền lãi lên tới hơn 200 triệu đồng. Khi chốt nợ, từ khoản vay 900 triệu đồng ban đầu, bởi lãi khủng nên số tiền nợ lên tới 4 tỉ đồng.

Không có tiền trả nợ, em trai chị bỏ trốn nhưng sau đó bị đám giang hồ bắt về và vào thời điểm đó hai ngôi nhà của chị đã bị chủ nợ cho người dọn đồ đến ở. Đau xót hơn là 2 ngôi nhà của chị giá bán ngoài thị trường vào khoảng 6 tỉ nhưng chủ nợ định giá chỉ có 4 tỉ nên gán nợ xong luôn. Chị khóc ròng chìa ra một bản hợp đồng vay nợ mà chị gọi đó là bản hợp đồng ép chết. Bởi, trong đó phần lãi suất thì ghi: “Lãi suất thỏa thuận” và phần định giá tài sản thế chấp thì ghi: “Giá trị tài sản thế chấp do bên cho vay định đoạt”. Vậy là hai ngôi nhà trị giá 6 tỉ chứ đến 10 tỉ mà bọn tín dụng đen chỉ định giá có 4 tỉ – bằng đúng số tiền vay cả gốc lẫn lãi – thì cũng chịu chứ biết làm sao!

Bằng cách lách luật như trên, khi có tranh chấp xảy ra thì xét trên hợp đồng phần thắng bao giờ cũng thuộc về chủ nợ. Điều 163 Bộ Luật hình sự về tội cho vay nặng lãi quy định, người nào cho vay với mức lãi suất cao gấp 10 lần so với lãi suất của Ngân hàng Nhà nước trở lên thì phạm tội này. Nhưng trong các bản hợp đồng vay nợ của tín dụng đen thì phần lãi suất phần lớn đều ghi: “Lãi suất thỏa thuận” hoặc bỏ trống. Đây cũng là một điểm khó khăn cho công tác điều tra xử lý.

Thậm chí, ngay cả khi chứng minh được là lãi suất cao gấp 10 lần lãi suất Ngân hàng Nhà nước thì theo phân tích của Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, một chuyên gia nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng thì việc xử lý cũng còn gặp khó khăn ở ngay chính những quy định của pháp luật hiện hành về vấn đề này. Đó là, phải chứng minh được rằng các đối tượng cho vay nặng lãi hoạt động chuyên nghiệp và lấy số lãi làm nguồn sống chính. Trong khi đó lại không đưa ra khái niệm thế nào là “hoạt động chuyên nghiệp và lấy số lãi làm nguồn sống chính”.

Còn nữa, theo Luật sư Trương Thanh Đức thì nếu chủ nợ ghi trên hợp đồng số lãi cao gấp 9 lần quy định của Ngân hàng Nhà nước thì sẽ không bị xử lý hình sự, thậm chí cũng không bị xử lý hành chính, đơn giản vì chưa có văn bản pháp quy nào quy định.

Còn nữa, để ép chết các con nợ, các trùm tín dụng đen còn lách luật, hợp pháp hóa việc cho vay nặng lãi bằng các hợp đồng thuê nhà, thuê ôtô. Đã có trường hợp vì cần tiền, một người làm kinh doanh đã phải vay 5 tỉ đồng của tín dụng đen với tài sản thế chấp là ngôi nhà vợ chồng anh đang ở. Tuy nhiên khi ký hợp đồng thì lại không phải là hợp đồng vay vốn mà là hợp đồng thuê nhà. Để vay được 5 tỉ đồng anh đã phải viết giấy bán ngôi nhà của mình cho chủ nợ với giá 5 tỉ sau đó chủ nợ lại làm hợp đồng cho vợ chồng anh thuê lại chính ngôi nhà trên. Thời hạn thuê bằng đúng thời hạn vay nợ và số tiền thuê hàng tháng bằng đúng số tiền lãi suất cắt cổ mà anh phải trả

Nhóm PV

——————————

Báo CAND 10-9-2013:

http://antg.cand.com.vn/vn-vn/hosointepol/2013/8/81538.cand

(181/2.613)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.423. Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to...

Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to penalties? (VNN) - The leadership structure...

Trích dẫn 

3.975. “Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên...

“Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên đầu tư? (NĐT) - Được hỗ...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,165