403. “Người dân vẫn được tặng-cho ngoại tệ bình thường”

(VNP) – Trong dự thảo mới nhất công bố cuối ngày 6/11, Ngân hàng Nhà nước lại thừa nhận quyền cho, tặng ngoại tệ tiền mặt của các cá nhân, sau hơn một tuần đề xuất cấm.

Giao dịch ngoại tệ tại ngân hàng. (Ảnh: KK/Vietnam+)

“Trong điều kiện các quy định của Pháp lệnh Ngoại hối cho phép cá nhân có ngoại tệ tiền mặt được gửi tiết kiệm, nhận gốc, lãi bằng ngoại tệ thì việc sử dụng ngoại tệ để cho, tặng là hợp lý,” tổ biên tập dự thảo Nghị định hướng dẫn Pháp lệnh Ngoại hối khẳng định trong thông báo phát đi của Ngân hàng Nhà nước ngày 6/11.

Mấy ngày vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã công bố Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối để lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo. Điểm nổi bật của dự thảo này phải kể đến quy định dự kiến cấm cá nhân cho – tặng ngoại tệ lẫn nhau và cấm người nước ngoài gửi tiết kiệm ngoại tệ tại Việt Nam.

Trong đó, với việc sử dụng ngoại tệ tiền mặt của cá nhân, dự thảo bỏ quy định cho phép người cư trú, người không cư trú là cá nhân được sử dụng ngoại tệ tiền mặt để cho, tặng nhằm đảm bảo mục tiêu chống tình trạng đô la hóa, thống nhất với các quy định về hạn chế sử dụng ngoại hối. Đồng thời, dự thảo Nghị định cũng quy định rõ người cư trú phải là “công dân Việt Nam” mới được gửi tiết kiệm ngoại tệ.

Luật sư Trương Thanh Đức (Giám đốc Công ty Luật ANVI) cho rằng, để quy định cấm tặng ngoại tệ đi vào cuộc sống, Ngân hàng Nhà nước phải gửi ra thông điệp rất rõ ràng là 5 năm hay 10 năm nữa sẽ áp dụng việc này. Khi đó người dân sẽ đồng tình chấp hành. Còn nếu đùng một cái áp dụng ngay thì chắc chắn nhiều người sẽ hiểu là Nhà nước không quản được thì cấm.

“Theo tôi, ngay cả khi áp dụng lệnh cấm tặng nhau ngoại tệ, các đối tượng cố tình vi phạm vẫn lách được. Họ sẽ nói là cho mượn hoặc nhờ giữ hộ… Như thế, Nhà nước vẫn không thể hạn chế được giao dịch ngoại tệ và mục tiêu chống đôla hóa ở góc độ này là không thực hiện được,” ông Đức chia sẻ.

Cũng đồng tình với ý kiến trên, Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh Trương Trọng Nghĩa cho rằng, trong điều kiện hiện nay, theo tôi, người Việt Nam còn được nhận kiều hối bằng ngoại tệ hợp pháp và gửi tiết kiệm ngoại tệ hợp pháp thì chuyện quà tặng bằng ngoại tệ là hợp pháp. Khi đã được tặng rồi, sử dụng ngoại tệ ấy như thế nào thì phải theo qui định của luật pháp.

“Nếu vẫn giữ quan điểm cấm tặng cho bằng ngoại tệ thì điều đó là phi lý. Hiện nay, mình vẫn được nhận quà tặng bằng kiều hối từ nước ngoài về hợp pháp thì tại sao trong nước lại không được tặng nhau. Thế nhưng việc tôi có tiền Việt Nam nhưng lại đi mua USD để tặng người khác thì lại là chuyện khác. Làm vậy sẽ vi phạm quy định về mua bán ngoại tệ. Còn người ta có sẵn tài sản hợp pháp thì có quyền cho, tặng,” ông Nghĩa nhấn mạnh.

Một số chuyên gia cho rằng, ở đây có thể Ngân hàng Nhà nước sợ có chuyện mua bán ngoại tệ mà núp dưới bóng cho tặng.

Các chuyên gia đưa ra quan điểm: Phát hiện và xử lý việc này là nhiệm vụ của các cơ quan chức năng và xử phạt bằng những quy định pháp luật. Chứ không phải vì một thiểu số gian lận, hay tự mình nghĩ người ta gian lận để cấm đoán. Người nào mà cố tình vi phạm luật thì bị trừng phạt nặng. Ví dụ tịch thu, thậm chí bị xử phạt hành chính, thậm chí là xử lý hình sự nếu với khối lượng lớn…

Chuyên gia Lê Xuân Nghĩa cũng cho rằng, quà tặng đúng nghĩa mà bằng ngoại tệ không nên cấm, mà nếu có ngăn cấm cũng khó kiểm soát. Bởi người dân có những thu nhập hợp pháp bằng ngoại tệ hoặc ví dụ như đi nước ngoài không tiêu hết ngoại tệ thì để trong nhà, có thể mừng tuổi cho con, cháu vào dịp Tết… Nếu xảy ra tình huống đó mà cơ quan chức năng “nhảy bổ” vào bắt thì nghe chừng không ổn và khó thực thi.

“Còn những trường hợp mua bán, thanh toán bằng ngoại tệ mà núp dưới hình thức cho, tặng thì phải xử lý bằng một luật khác. Hành vi đó gọi là gian lận thương mại và gian lận thanh toán. Giống như chuyện hối lộ để làm một điều gì đấy rồi bảo cho vay, tặng nhau hoặc giúp đỡ nhau… thì cũng là hành vi phi pháp,” ông Nghĩa cho hay.

Theo gợi ý của ông Nghĩa, hình thức mua bán, thanh toán bằng ngoại tệ mà núp dưới danh nghĩa cho, tặng cần xử lý vì nó liên quan đến công bằng thương mại, gian lận thương mại, gian lận thanh toán, kể cả việc dùng ngoại tệ để thanh toán các dịch vụ nội địa.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, theo quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Tổ biên tập dự thảo Nghị định đã tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của các tổ chức tín dụng, các bộ, ngành liên quan và nhân dân về các nội dung của dự thảo Nghị định trước khi trình các cấp có thẩm quyền xem xét ban hành.

Trong những ngày vừa qua, dự thảo Nghị định đã nhận được sự quan tâm và góp ý về các nội dung liên quan, trong đó có nhiều ý kiến góp ý xác đáng như các ý kiến góp ý về quyền cho, tặng ngoại tệ của cá nhân. “Tổ biên tập nhận thấy, trong điều kiện các quy định của Pháp lệnh Ngoại hối cho phép cá nhân có ngoại tệ tiền mặt được gửi tiết kiệm, nhận gốc, lãi bằng ngoại tệ thì việc sử dụng ngoại tệ để cho, tặng là hợp lý. Do vậy, Tổ biên tập xin tiếp thu ý kiến góp ý này và chỉnh sửa dự thảo Nghị định,” thông tin từ Ngân hàng Nhà nước khẳng định.

Qua thông báo của Ngân hàng Nhà nước, “Tổ biên tập trân trọng cảm ơn các ý kiến đã đóng góp và mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, góp ý để hoàn chỉnh dự thảo Nghị định trình các cấp có thẩm quyền ban hành theo quy định”./.

MINH THÚY

———————————–

Vietnamplus 07-11-2013:

http://www.vietnamplus.vn/nguoi-dan-van-duoc-tangcho-ngoai-te-binh-thuong/228836.vnp

(144/1.203)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.393. Đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng pháp...

Đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng pháp luật đáp ứng yêu cầu phát...

Trích dẫn 

3.913. Giá vàng ngày một "nóng", có nên nắm giữ...

Giá vàng ngày một "nóng", có nên nắm giữ dài hạn? (KTCK) - Giá vàng tăng...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 232,607