(ANVI) – Khác với đường là để chạy xe và được dừng, đỗ xe nếu như không có biển cẩm, hè phố là để dành cho người đi bộ, nên đương nhiên cấm đỗ xe, trừ trường hợp được phép.
Vì vậy, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 có một loạt quy định về việc này như sau: Khoản 3, Điều 8 về “Các hành vi bị nghiêm cấm” l quy định một trong những hành vi bị nghiêm cấm là sử dụng hè phố trái phép. Khoản 1, Điều 32 về “Người đi bộ” quy định “Người đi bộ phải đi trên hè phố, lề đường; trường hợp đường không có hè phố, lề đường thì người đi bộ phải đi sát mép đường”. Và khoản 2, Điều 19 về “Dừng xe, đỗ xe trên đường phố” quy định “Không được để phương tiện giao thông ở hè phố trái quy định”.
Vì vậy, điểm d, khoản 3, Điều 5 về “Xử phạt người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ”, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 của Chính phủ “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt” (đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 132/2021/NĐ-CP) đã quy định phạt tiền từ 800 ngàn đến 1 triệu đồng đối với người điều khiển xe ô tô “đỗ, để xe ở hè phố trái quy định của pháp luật; đỗ xe nơi có biển “Cấm đỗ xe” hoặc biển “Cấm dừng xe và đỗ xe””. Với quy định như trên của Luật và quy định xử phạt về đỗ xe khác nhau ở hè phố và lòng đường như vậy thì không thể hiểu khác rằng: Chỉ được đổ, để xe ở hè phố nếu có quy định (biển báo) được phép ngược lại với việc chỉ không được dùng, đỗ xe ở lòng đường nếu có biển cấm.
Theo Quy chuẩn 41:2019/BGTVT thì tài xế ô tô có thể đỗ xe một phần trên hè phố nếu gặp biển I.408a. Điều này có nghĩa là nếu đúng quy chuẩn thì chỉ được đỗ xe trên hè phố nếu như có biển này.
Quyết định số 2053/QĐ-UBND ngày 27-5-2008 của UBND TP Hà Nội “Phê duyệt danh mục các tuyến phố cấm để xe đạp, xe máy, ô tô trên hè phố, lòng đường”, trong đó quy định 56 tuyến phố cấm để xe đạp, xe máy, ô tô trên hè phố, lòng đường, thì cần phải được hiểu là đã cấm toàn bộ xe đạp, xe máy đỗ ở lòng đường và hè phố thì chắc chắn phải cấm cả việc đỗ ô tô. Mà đã cấm xe đạp, xe máy thì chắc chắn phải cấm cả ô tô đỗ ở hè phố. Tuy nhiên, thực tế lâu nay ô tô vẫn luôn đỗ kín ở phố Lê Thạch, mặc dù thuộc danh sách 56 tuyến phố cấm. Và quan trọng là điều đó hoàn toàn không có nghĩa là ô tô được đỗ ở các đường phố còn lại.
Ngoài ra, Quyết định trên căn cứ vào Quyết định số 20/2008/QĐ-UBND ngày 16-4-2008 của UBND thành phố đã hết hiệu lực và được thay thế bằng Quyết định số 15/2013/QĐ-UBND ngày 09-5-2013 ban hành “Quy định về quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng hệ thống đường đô thị trên địa bàn Thành phố Hà Nội”.
Khoản 2, Điều 9 Quy định số 15/2013/QĐ-UBND đã nêu rõ về quản lý việc sử dụng tạm thời hè phố, lòng đường để xe đạp, xe máy, ô tô. Theo đó, ngoài việc UBND thành phố ban hành danh mục các tuyến phố cấm để xe, thì các tuyến phố còn lại được “Sở Giao thông vận tải tổ chức quản lý, cấp phép: các điểm đỗ xe tạm trên lòng đường các tuyến đường và trên vỉa hè một số tuyến đường do Thành phố quản lý” và “Ủy ban nhân dân cấp huyện chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải và Công an Thành phố khảo sát, thống nhất vị trí các điểm để xe tạm thời trên hè phố”.
Nếu cứ cho rằng ô tô được thoải mái đỗ trên hè phố ngoài 56 tuyến phố bị cấm trong Quyết định số 2053/QĐ-UBND, thì trái với quy định của Luật Giao thông đường bộ và chẳng khác nào cho rằng, 56 tuyến phố đó chỉ cấm xe đạp, xe máy, ô tô, mà không cấm đỗ mô tô, vì theo Luật Giao thông đường bộ thì “mô tô” không phải là “xe máy”.
Luật sư Trương Thanh Đức
Giám đốc Công ty Luật ANVI.
(812)