Bình luận Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng về việc giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án
(ANVI) – Tham luận Hội thảo do Ủy ban Khoa học, Công nghệ, Môi trường của Quốc hội & VCCI tổ chức ngày 09-01-2023 tại 22 Hùng Vương, Hà Nội
Nội dung bình luận dựa theo bản Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ngày 30-01-2023 (dưới đây gọi là Dự luật).
1. Quy định về việc cấm hòa giải và hình thức giải quyết tranh chấp:
1.1. Khoản 2, Điều 53 về “Phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh” quy định “trường hợp xác định được số người cụ thể” thì không còn bị cấm thương lượng, hoà giải trong trường hợp tranh chấp gây thiệt hại cho lợi ích của nhiều người như Luật hiện hành là rất cần thiết và hợp lý.
1.2. Tương tự như vậy là quy định bổ sung tại khoản 3, Điều 53 về việc các phương thức giải quyết tranh chấp, ngoài việc được thực hiện theo hình thức trực tiếp, thì còn có thể thông qua trực tuyến hoặc các hình thức khác.
2. Quy định về việc bảo mật thông tin:
2.1. Việc bảo mật thông tin trong quá trình giải quyết tranh chấp được quy định tại các điều khoản sau đây của Dự luật:
– Khoản 2 Điều 54 về “Trách nhiệm cung cấp thông tin trong quá trình giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân kinh doanh”;
– Điểm d, khoản 1, Điều 58 về “Quyền và trách nhiệm của các bên trong quá trình thương lượng”;
– Khoản 2, Điều 61 về “Nguyên tắc thực hiện hòa giải”.
2.2. Tuy nhiên, Dự luật đã không còn quy định về việc bảo mật thông tin của người tiêu dùng như đã quy định tại khoản 1, Điều 6 về “Bảo vệ thông tin của người tiêu dùng”, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hành “1. Người tiêu dùng được bảo đảm an toàn, bí mật thông tin của mình khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu”.
2.3. Do vậy, cần quy định cụ thể hơn ngay trong Dự luật này về việc bảo mật những thông tin gì của người tiêu dùng tham gia giao dịch nói chung và giải quyết tranh chấp nói riêng.
3. Quy định về vai trò của cơ quan nhà nước và tổ chức xã hội trong quá trình thương lượng:
3.1. Khoản 3, Điều 55 và các khoản 3, 4, 5, Điều 56 quy định: Người tiêu dùng có quyền yêu cầu, cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có trách nhiệm hỗ trợ người tiêu dùng trong việc thương lượng. Việc này có nghĩa là người tiêu dùng được quyền đồng thời đề nghị cơ quan nhà nước và tổ chức xã hội hỗ trợ. Việc thương lượng diễn ra rất nhiều trên thực tế; kết quả thương lượng do các bên thiện chí thực hiện mà không có giá trị pháp lý bắt buộc; vai trò tham gia của cơ quan nhà nước và tổ chức xã hội chỉ có ý nghĩa hỗ trợ. Vì vậy không cần thiết yêu cầu cùng một lúc cả 2 tổ chức này tham gia hỗ trợ trong mọi trường hợp.
Do vậy, cần xem xét chỉ nên quy định người tiêu dùng yêu cầu một trong hai tổ chức tham gia hỗ trợ, trừ một số trường hợp đặc biệt như tổ chức, cá nhân kinh doanh không trả lời trong thời hạn quy định hoặc tổ chức được yêu cầu không tham gia hỗ trợ khi đã hết thời hạn quy định.
3.2. Các khoản 5 và 6, Điều 56 quy định về thời hạn báo cáo kết quả cho cơ quan nhà nước và tổ chức xã hội dựa vào “thời điểm kết thúc thương lượng”. Tuy nhiên, không xác định được khi nào là thời điểm kết thúc thương lượng.
Do vậy, cần xác định thời điểm kết thúc thương lượng đồng thời cần ấn định ngày chậm nhất phải báo cáo trong trường hợp không xác định được thời điểm kết thúc thương lượng.
4. Quy định về kết quả hòa giải:
4.1. Khoản 3, Điều 64 về “Kết quả hòa giải” của Dự luật quy định như sau:
“3. Văn bản về kết quả hòa giải phải có chữ ký hoặc điểm chỉ của các bên tham gia hòa giải và chữ ký xác nhận của tổ chức, cá nhân tiến hành hoà giải”.
Hòa giải viên là người có trách nhiệm xác nhận vào văn bản về kết quả hòa giải, trong khi quy định trên yêu cầu có “chữ ký xác nhận của tổ chức, cá nhân tiến hành hoà giải” là chưa rõ ràng, chính xác.
4.2. Do vậy, cần quy định có chữ ký xác nhận của cá nhân tiến hành hòa giải. Còn tổ chức nếu có thì đóng dấu hoặc xác nhận chữ ký của cá nhân tiến hành hòa giải chứ không phải là xác nhận kết quả hòa giải.
5. Quy định về hiệu lực của điều khoản Trọng tài:
5.1. Khoản 2, Điều 66 về “Hiệu lực của điều khoản trọng tài” của Dự luật quy định như sau:
“2. Trường hợp điều khoản trọng tài do tổ chức, cá nhân kinh doanh đưa vào hợp đồng theo mẫu hoặc điều kiện giao dịch chung thì khi xảy ra tranh chấp, người tiêu dùng có quyền lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp khác”.
Thỏa thuận giải quyết tranh chấp thông qua Trọng tài không ảnh hưởng gì đến việc giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng và hòa giải, mà chỉ ảnh hưởng đến việc loại trừ phương thức giải quyết tranh chấp thông qua Tòa án.
5.2. Do vậy, quy định trên cần sửa lại thành “người tiêu dùng có quyền lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp thông qua Tòa án” cho rõ ràng, cụ thể, dể hiểu và dễ thực hiện.
6. Quy định về trách nhiệm chứng minh:
6.1. Điều 68 về “Trách nhiệm chứng minh” của Dự luật quy định như sau:
“Điều 68. Trách nhiệm chứng minh
1. Người tiêu dùng có trách nhiệm cung cấp chứng cứ và chứng minh để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật về trọng tài thương mại, trừ việc chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh.
2. Tổ chức, cá nhân kinh doanh có nghĩa vụ chứng minh mình không có lỗi gây ra thiệt hại”.
6.2. Việc chứng minh trong tố tụng dân sự và tố tụng trọng tài được quy định rất khác nhau. Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 có nhiều quy định về chứng minh như sau:
Điều 6 về “Cung cấp chứng cứ và chứng minh trong tố tụng dân sự”;
“Điều 6. Cung cấp chứng cứ và chứng minh trong tố tụng dân sự
Điều 70 về “Quyền, nghĩa vụ của đương sự”;
Điều 91 về “Nghĩa vụ chứng minh”;
Điều 92 về “Những tình tiết, sự kiện không phải chứng minh”;
Điều 106 về “Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ”;
Điều 189 về “Hình thức, nội dung đơn khởi kiện”.
Và một số quy định liên quan khác.
6.3. Trong khi đó, Luật Trọng tài thương mại 2010 hiện hành chỉ quy định như sau về chứng minh tại khoản 1, Điều 46 về “Thẩm quyền của Hội đồng trọng tài về thu thập chứng cứ”:
“1. Các bên có quyền và nghĩa vụ cung cấp chứng cứ cho Hội đồng trọng tài để chứng minh các sự việc có liên quan đến nội dung đang tranh chấp”.
6.4. Do vậy, Luật này cần quy định thêm một số nội dung về trách nhiệm (nghĩa vụ) chứng minh hoặc quy định áp dụng cả quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.
——————————–
Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC
(1.404) #tieudung #baove #quyenloi