(KTĐT) – Tối muộn ngày 6/11, Ban soạn thảo Nghị định hướng dẫn Pháp lệnh Ngoại hối đã có sửa đổi quan trọng, theo đó, công nhận quyền cho, tặng ngoại tệ của người dân, thay vì cấm như trước.
Đại diện Tổ biên tập dự thảo cho biết, trong điều kiện các quy định của Pháp lệnh Ngoại hối cho phép cá nhân có ngoại tệ tiền mặt được gửi tiết kiệm, nhận gốc, lãi bằng ngoại tệ thì việc sử dụng ngoại tệ để cho, tặng là hợp lý. Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với chuyên gia tài chính, ngân hàng Trương Thanh Đức về vấn đề này.
Ông đánh giá như thế nào về động thái rút quy định cấm, cho tặng ngoại tệ của Ban soạn thảo Nghị định hướng dẫn Pháp lệnh Ngoại hối sửa đổi?
– Về lâu dài, việc cấm cho, tặng ngoại tệ tiền mặt để giảm đô la hóa nền kinh tế là chủ trương đúng và hợp lý. Vì thực tế, một số lượng lớn ngoại tệ qua hình thức cho, tặng sau đó lại được đưa vào lưu thông, mua bán hàng hóa. Điều này sẽ làm cho tình trạng đô la hóa ngày càng khó kiểm soát. Hơn nữa, cấm cho, tặng ngoại tệ cũng sẽ khiến tình trạng mua bán ngoại tệ “núp bóng” cho tặng dễ quản lý hơn.
Tuy nhiên, đưa vấn đề cấm cho, tặng ngoại tệ tại thời điểm này là chưa phù hợp, vì VND vẫn mất giá, lạm phát giảm chưa bền vững. Hơn nữa, chỉ khi nào pháp luật quy định người dân chỉ được phép gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ nhưng nếu rút ra phải chuyển sang VND thì lúc đó mới tính đến việc cấm cho, tặng ngoại tệ.
Nói như vậy để thấy việc NHNN bỏ quy định cấm cho, tặng ngoại tệ là một quyết định cầu thị, lắng nghe ý kiến đóng góp hợp lý của dư luận.
Chống đô la hóa là mục tiêu lớn của NHNN đến năm 2020. Theo ông, cái gốc để giải quyết tình trạng đô la hóa tại Việt Nam là gì?
– Thực ra, bản chất của việc chống đô la hóa nền kinh tế không phải “chống” mà là “xây”. Cụ thể, chống đô la hóa không phải “biến” đồng đô la thành tờ giấy vô giá trị trên lãnh thổ Việt Nam, mà phải xây dựng giá trị VND. Một khi VND ổn định, lòng tin vào đồng tiền bản địa tăng cao và bền vững thì người dân chả ai dại gì tích trữ hay mua bán đô la làm gì.
Xin cảm ơn ông!
Đinh Trang thực hiện
———————————–
Kinh tế Đô thị 08-11-2013:
(479/479)