(GTVT) – Giấy chứng nhận này được cấp để chứng minh quyền đối với tài sản của chủ sở hữu. Tài sản đó có thể là quyền sử dụng đất, quyền sử dụng rừng, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc các động sản như: Tàu bay, tàu biển và các sản phẩm trí tuệ thuộc diện đăng ký quyền sở hữu hoặc có văn bằng xác nhận quyền sở hữu.
Đăng ký để công khai, minh bạch tình trạng pháp lý của tài sản, tránh chồng chéo |
Thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Cơ sở lý luận và thực tiễn nhằm nghiên cứu, xây dựng Dự án Luật Đăng ký tài sản (ĐKTS) tại Việt Nam do Bộ Tư pháp phối hợp với Quỹ Hợp tác quốc tế Đức về pháp luật (IRZ) vừa được tổ chức.
Quy định chồng chéo
Luật sư Trương Thanh Đức (Trọng tài viên VIAC – Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam) lấy dẫn chứng: Chỉ tính từ năm 1993 đến nay, có ít nhất 2 cơ quan cấp Giấy chứng nhận đăng ký bất động sản là UBND cấp huyện và UBND cấp tỉnh (có thể ủy quyền cho Sở Tài nguyên & Môi trường), với ít nhất là 6 loại giấy tờ. Đó là chưa kể hiện nay đang có 3 hệ thống đăng ký bất động sản riêng biệt là: Một hệ thống đăng ký đất ở có nhà ở, một hệ thống đăng ký đất ở không có nhà ở và một hệ thống đăng ký công trình xây dựng. “Việc này đã tạo ra sự chồng chéo và xung đột, rắc rối cho cả chủ sở hữu và các cơ quan quản lý nhà nước, nhất là trường hợp chủ sở hữu nhà ở không đồng thời là chủ sử dụng đất” – ông Đức nói.
“Dự thảo Luật ĐKTS sẽ quy định về nguyên tắc đăng ký đối với tài sản, thủ tục ĐKTS là bất động sản và động sản, thủ tục cung cấp thông tin về tài sản là bất động sản, động sản và cơ chế xây dựng dữ liệu thông tin về tài sản. Dự thảo Luật dự kiến thu hẹp đầu mối cơ quan ĐKTS, hạn chế những giấy tờ không cần thiết, kết hợp giải quyết liên thông các việc có liên quan trong quá trình ĐKTS…”. Ông Hồ Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp) |
Lấy ví dụ về thời điểm có hiệu lực pháp luật của hợp đồng tặng – cho nhà ở, Th.s Ngô Anh Dũng – Phó Chánh tòa Tòa Dân sự (TAND tối cao) cho rằng, tại khoản 2 Điều 467 Bộ luật Dân sự 2005 quy định hợp đồng, giao dịch bất động sản phải được công chứng, đồng thời phải đăng ký mới có hiệu lực. Trong khi pháp luật về nhà ở quy định quyền sở hữu nhà ở được chuyển cho bên nhận – tặng – cho… kể từ thời điểm hợp đồng được công chứng. Theo ông Dũng: “Điều này dẫn đến nhiều cách hiểu và giải quyết khác nhau trong cùng một vụ việc tranh chấp, gây khó khăn cho công tác xét xử”.
Đăng ký để minh bạch tài sản
Ông Hồ Quang Huy – Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp) cho rằng: Thông qua hoạt động ĐKTS, bao gồm động sản và bất động sản nhằm công khai, minh bạch tình trạng pháp lý của tài sản, trong đó nổi bật là quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với tài sản. “Với việc không hạn chế tiếp cận các thông tin trong sổ đăng ký của các cơ quan nhà nước, công chúng có thể dễ dàng tìm hiểu và biết chính xác tất cả các thông tin cơ bản về tài sản, từ đó có đầy đủ cơ sở để xem xét, quyết định việc tham gia các giao dịch dân sự, kinh tế liên quan đến tài sản” – ông Huy đánh giá.
Thông qua hoạt động đăng ký, tính chính xác của việc kê khai tài sản, nguồn gốc tạo lập tài sản được rõ ràng, chính xác sẽ góp phần đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiệu quả. “Nếu không minh định được tài sản thông qua hệ thống đăng ký, sẽ khó có thể đấu tranh, ngăn ngừa hành vi tham nhũng, tiêu cực của bộ máy công quyền” – ông Huy cho biết thêm.
Nhìn nhận việc đăng ký tài sản là để đảm bảo cơ sở và an toàn pháp lý trong các hoạt động gửi giữ tài sản, ký quỹ, cầm cố, thế chấp… Tuy nhiên, theo Luật sư Trương Thanh Đức (Trọng tài viên VIAC – Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam): “Cần quy định mục đích của việc đăng ký tài sản là gì, từ đó mới có những quy định thích hợp để giải quyết vấn đề là khi nào, tài sản nào phải đăng ký và cơ quan nào quản lý việc đăng ký tài sản, thay vì mọi thứ không rõ ràng như hiện nay”.
Minh Tiến
—————————————-
Giao thông Vận tải 10-9-2013:
(267/898)