(ANVI) – Ép dầu, ép mỡ, ai nỡ ép nhau
Khách hàng bảo hiểm đau hơn hoạn.
1. Về phía bảo hiểm:
Thứ nhất, sản phẩm bảo hiểm là hay, là tốt và cần thiết nhưng bán rất khó, nên bảo hiểm phải chấp nhận chi phí bán hàng cao, tức trả thù lao (tiền công, phí, hoa hồng) cao. Đó cũng là lý do hấp dẫn nên có rất nhiều đại lý bán bảo hiểm, trong đó có ngân hàng.
Thứ hai, cả khách hàng gửi và vay tiền của ngân hàng đều là khách hàng tiềm năng rất lớn của bảo hiểm, có khả năng bán được nhiều sản phẩm và có hiệu quả cao (có thể ví như thay vì bán lẻ thì bán qua ngân hàng giống như kiểu bán buôn bảo hiểm). Chính vì vậy, bảo hiểm càng sẵn sàng trả phí hoa hồng cao cho ngân hàng và nhân viên ngân hàng. Tôi được biết có nhiều trường hợp, bảo hiểm trả hoa hồng cho ngân hàng cao gấp đôi trần khống chế của Bộ Tài chính, tất nhiên phải được hợp thức hoá. Chẳng hạn có trường hợp thoả thuận giữa bảo hiểm và ngân hàng về việc bên bảo hiểm giới thiệu, quảng cáo, phát tờ rơi cho bên ngân hàng nhưng không được nhận thù lao, mà ngược lại phải trả phí cho ngân hàng.
Thứ ba, quá tin tưởng, trông cậy, dựa dẫm và phó thác cho ngân hàng bán bảo hiểm cho khách hàng.
2. Về phía ngân hàng:
Thứ nhất, gia nhập vào đội ngũ bán bảo hiểm với thế mạnh, cơ hội, lợi thế vô cùng lớn và nguồn lợi thu được rất lớn, khoản thu nhập từ dịch vụ rất an toàn và không phải đầu tư, chi phí nhiều.
Thứ hai, bảo hiểm cho khoản cấp tín dụng của ngân hàng thông qua hợp đồng bảo hiểm tài sản bảo đảm tiền vay, tài sản của người vay và tính mạng, sức khoẻ của người vay. Khi xảy ra rủi ro thì ngân hàng là người thụ hưởng tiền bồi thường bảo hiểm hoặc khắc phục rủi ro cho người vay và tài sản bảo đảm, dẫn đến hạn chế rủi ro cho ngân hàng.
Thứ ba, bán hàng nhưng về cơ bản không chịu trách nhiệm với khách hàng, mà bảo hiểm mới là người chịu.
3. Về phía khách hàng:
Thứ nhất, khách hàng gửi tiền thì thường là rất tin tưởng vào uy tín và sự chuyên nghiệp của ngân hàng, nên dễ chấp nhận mua bảo hiểm.
Thứ hai, khách hàng vay tiền thì thường là rất cần được vay vốn ngân hàng, mà ở đâu cũng vậy. Tuy các ngân hàng rất cạnh tranh, nhưng việc “mời chào” khách hàng “tự nguyện” mua bảo hiểm thì dường như khá giống nhau.
Thứ ba, rất nhiều khách hàng không hiểu rõ bản chất của bảo hiểm, dễ dãi và không đủ tỉnh táo, thận trọng khi “đầu hàng” tặc lưỡi , gật đầu chấp nhận vô điều kiện.
4. Thực trạng diễn ra:
Thứ nhất, gần như các ngân hàng không có công ty con kinh doanh bảo hiểm thì cũng có công ty sân sau hoặc ít nhất là quan hệ mật thiết, đối tác chiến lược.
Thứ hai, cả bảo hiểm, ngân hàng và nhân viên ngân hàng đều tranh thủ tận dụng tối đa cơ hội và lợi ích. Ngân hàng thì đặt kế hoạch cao, giao chỉ tiêu nặng cho nhân viên bán bảo hiểm. Tất cả đều lao vào lợi nhuận, tận dụng, khai thác khách hàng, mà chẳng hề đặt mình vào vị trí của thượng đế bất đắc dĩ, quên đi cảm xúc của đối tác, thậm chí là ân nhân của mình.
Thứ ba, hậu quả là, mua bảo hiểm để phòng ngừa rủi ro, nhưng đối với rất nhiều khách hàng của ngân hàng kiêm bảo hiểm, thì lại là một giao dịch rất rủi ro to lớn.Vừa đáng giận, vừa đáng thương, đương nhiên cả đáng trách.
5. Quy định hàng:
Thứ nhất, ngân hàng chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép và phải được Ngân hàng Nhà nước cấp phép, nhưng có thể sở hữu công ty bảo hiểm hoặc hợp tác, liên doanh, liên kết và làm đại lý bảo hiểm theo quy định tại Điều 103 về “Góp vốn, mua cổ phần”, và Điều 106 về “Nghiệp vụ uỷ thác và đại lý”, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)
Thứ hai, ngân hàng làm đại lý bảo hiểm theo quy định cụ thể tại các văn bản sau:
- Thông tư liên tịch số 86/2014/TTLT-BTC-NHNNVN ngày 02-7-2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Nhàn ước “Hướng dẫn hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ”;
- Thông tư số 37/2019/TT-NHNN ngày 31-12-2019 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam “Hướng dẫn hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho doanh nghiệp bảo hiểm”
Thứ ba, trong hoạt động đại lý, ngân hàng phải tuân theo Luật Kinh doanh bảo hiểm và các quy định liên quan khác như Bộ luật Dân sự.
6. Quy định xử lý:
6.1. Khoản 4, Điều 124 về “Các hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh bảo hiểm”, Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2010 và 2019) quy định một trong các hành vi vi pham pháp luật là “4. Ép buộc giao kết hợp đồng bảo hiểm”.
6.2. Khoản 5, Điều 9 về “Các hành vi bị nghiêm cấm”, Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 (có hiệu lực từ 2023) quy định một trong các hành vi bị nghiêm cấm là “5. Đe dọa, cưỡng ép giao kết hợp đồng bảo hiểm”.
6.3. Các điểm g và i, khoản 1, Điều 25 về “Hợp đồng bảo hiểm vô hiệu”, Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 quy định Hợp đồng bảo hiểm vô hiệu trong một số trường hợp, trong đó có 2 trường hợp sau đây:
“g) Hợp đồng bảo hiểm được giao kết có sự nhầm lẫn làm cho một bên hoặc các bên không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng, trừ trường hợp mục đích giao kết hợp đồng của các bên đã đạt được hoặc các bên có thể khắc phục ngay được sự nhầm lẫn làm cho mục đích của việc giao kết hợp đồng vẫn đạt được”
“i) Hợp đồng bảo hiểm được giao kết do bị đe dọa, cưỡng ép”.
6.4. Khoản 1, Điều 117 về “Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự”, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ 3 điều kiện, trong đó điều kiện thứ hai là “Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện”.
6.5. Điều 127 về “Giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép”, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:
“Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu”.
“Đe dọa, cưỡng ép trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện giao dịch dân sự nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của người thân thích của mình”.
6.6. Điểm a, khoản 4, Điều 83 về “Nguyên tắc hoạt động đại lý bảo hiểm”, Nghị định số 73/2016/NĐ-CP ngày 01-7-2016 của Chính phủ “Quy định chi tiết thi hành Luật kinh doanh bảo hiểm và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm” (sửa đổi, bổ sung theo các Nghị định số 151/2018/NĐ-CP ngày 07-11-2018 và số 80/2019/NĐ-CP ngày 01 011-2019) quy định một trong các hành vi mà Đại lý bảo hiểm không được thực hiện là:
“Thông tin, quảng cáo sai sự thật” về “điều kiện và điều khoản bảo hiểm làm tổn hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của bên mua bảo hiểm”.
Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI
Trọng tài viên VIAC.
(1.294) #baohiem #nganhang #anvi