409. Pháp luật về cho thuê tài chính: Nhìn từ vụ ACLII

(ĐT) – Vụ tham nhũng tại Công ty Cho thuê tài chính II, Ngân hàng Agribank (ACL II) đã làm thất thoát của Nhà nước hơn 530 tỷ đồng đang gây bất bình trong dư luận xã hội. Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế ngân hàng (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam – VNBA) khẳng định, vấn đề tìm ra được các kẽ hở pháp luật để chấn chỉnh là việc vô cùng cần thiết nhằm không để xảy ra những vụ tương tự.

Thưa ông, vì sao lại có sự ra đời của hàng loạt công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính (CTCTTC)? Chức năng của các công ty này là gì, vì sao có nơi công ty tài chính hoạt động độc lập, có nơi lại hạch toán phụ thuộc?

Hàng loạt công ty tài chính và CTCTTC ra đời là nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp nguồn vốn trung và dài hạn cho thị trường. Phần lớn các công ty này thuộc ngân hàng thương mại và tập đoàn kinh tế nhà nước.

Luật sư Trương Thanh Đức

Công ty tài chính có chức năng cho vay, đầu tư, cung ứng các dịch vụ tư vấn về tài chính, tiền tệ và thực hiện một số dịch vụ khác. Còn CTCTTC thì thực hiện hoạt động tín dụng trung và dài hạn, thông qua việc cho thuê máy móc, thiết bị, phương tiện vận chuyển và các động sản khác. Theo quy định của pháp luật, ngân hàng muốn hoạt động cho thuê tài chính, thì buộc phải thành lập CTCTTC riêng. Các loại hình công ty này đều là tổ chức tín dụng như ngân hàng, nhưng điểm khác biệt cơ bản so với ngân hàng là không được làm dịch vụ thanh toán và huy động vốn ngắn hạn, có kỳ hạn dưới 1 năm.

Nếu đã gọi tên là công ty, thì luôn là một pháp nhân, đồng nghĩa với việc hoạt động và hạch toán độc lập. Trường hợp công ty hạch toán phụ thuộc thì về bản chất đã bị chuyển thành chi nhánh của công ty, nhưng tên gọi thì vẫn được giữ nguyên. Đây là sự mập mờ của một số tập đoàn và tổng công ty nhà nước sau khi chuyển đổi mô hình tổ chức và trái với quy định của Luật Doanh nghiệp. Điều này chỉ có thể phân biệt được nếu nhìn vào giấy chứng nhận đăng ký hoạt động (không phải giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp) và con dấu.

Với chức năng của ACL II, việc triển khai nghiệp vụ, nhận tiền gửi có kỳ hạn từ 1 năm trở lên, vay vốn ngắn hạn, trung và dài hạn, phát hành trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi trên 1 năm, tiếp nhận các nguồn vốn khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, được vay của các tổ chức tài chính và tổ chức tín dụng… là dựa trên quy định nào của pháp luật và có phù hợp với Luật Ngân hàng và Luật Các tổ chức tín dụng hay không?

Hoạt động của ACL II dựa trên quy định của Pháp lệnh Ngân hàng, HTX tín dụng và công ty tài chính năm 1990, sau đó là Luật Các tổ chức tín dụng năm 1997 và hiện là Luật năm 2010, cụ thể là dựa trên Nghị định số 64/CP ngày 9/10/1995 của Chính phủ ban hành Quy chế tạm thời về tổ chức và hoạt động của CTCTTC tại Việt Nam và hiện là Nghị định số 16/2001/NĐ-CP ngày 2/5/2001 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của CTCTTC, đã được sửa đổi, bổ sung theo các Nghị định số 65/2005/NĐ-CP ngày 19/5/2005 và Nghị định số 95/2008/NĐ-CP ngày 25/8/2008.

Nếu theo quy định tại Nghị định số 64/CP trước đây, thì “CTCTTC không được nhận tiền gửi dưới mọi hình thức”. Còn theo quy định từ năm 2001 đến nay, thì Công ty này không được nhận tiền gửi dưới 1 năm của các tổ chức, cá nhân. Riêng nguồn vốn ngắn hạn dưới 1 năm thì chỉ được phép vay của các tổ chức tài chính, tín dụng, chứ không được phép vay của các tổ chức kinh tế và dân cư. Như vậy, hoạt động của ACL II là phù hợp với quy định của pháp luật.

Theo quy định của pháp luật, nghĩa là vẫn được áp dụng cho tới thời điểm này, thì: “Cho thuê tài chính là hoạt động tín dụng trung và dài hạn thông qua việc cho thuê máy móc, thiết bị, phương tiện vận chuyển và các động sản khác trên cơ sở hợp đồng cho thuê giữa bên cho thuê là các tổ chức tín dụng phi ngân hàng và Bên thuê là khách hàng”. Tuy vậy, ACL II lại hoạt động trên phương thức huy động và cho vay vốn trực tiếp như hoạt động của một tổ chức tín dụng, theo ông, vì sao lại như vậy?

Về nguyên tắc, ngân hàng không được phép hoạt động cho thuê tài chính và ngược lại, CTCTTC cũng không được phép hoạt động cho vay trực tiếp như ngân hàng. Tuy nhiên, khoản 6, Điều 16 về “Hoạt động nghiệp vụ của CTCTTC”, Nghị định số 16/2001/NĐ-CP lại quy định, CTCTTC được thực hiện “Các hoạt động khác khi được Ngân hàng Nhà nước cho phép”. Nếu ACL II có điều lệ hoạt động vượt rào như vậy, thì trách nhiệm thuộc về Ngân hàng Nhà nước đã cho phép “cơi nới” hoặc để “lọt lưới” khi phê duyệt Điều lệ của ACL II.

Trong trường hợp cụ thể là biến giá con tàu từ 100 triệu đồng thành 130 tỷ đồng của ACL II, doanh nghiệp cấp trên (Agribank) có phải chịu trách nhiệm không? Nếu có, thì trách nhiệm đó được quy định tại Luật nào, Nghị định, Thông tư nào?

Là một pháp nhân độc lập, ACL II được quyền chủ động trong sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, nếu giao dịch thuộc thẩm quyền của ACL II, thì trách nhiệm hoàn toàn thuộc về Công ty. Trường hợp giao dịch phải có sự phê duyệt của cấp trên, thì khi đó Agribank mới phải chịu trách nhiệm về việc phê duyệt. Ngoài ra, trong mọi trường hợp, thì với tư cách là chủ sở hữu, Agribank vẫn phải chịu trách nhiệm về việc kiểm tra, giám sát hoạt động của ACL II theo các quy định của pháp luật về quản lý vốn, tài sản và hoạt động của Công ty nhà nước.

Huyền Thi

——————————————

Đầu tư 16-11-2013 (Điểm nóng):

http://baodautu.vn/news/vn/diem-nong/phap-luat-ve-cho-thue-tai-chinh-nhin-tu-vu-aclii.html

(1.144/1.144)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.396. ‘Hiến kế’ hóa giải điểm nghẽn của thể...

‘Hiến kế’ hóa giải điểm nghẽn của thể chế. (TT) - Nhiều người dân...

Trích dẫn 

3.913. Giá vàng ngày một "nóng", có nên nắm giữ...

Giá vàng ngày một "nóng", có nên nắm giữ dài hạn? (KTCK) - Giá vàng tăng...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 232,618