Làm chứng chẳng xứng
(ANVI) – Người nào biết được những tình tiết liên quan đến vụ án đều có thể được triệu tập đến làm chứng theo quy định tại Điều 55, Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 và Điều 65, Bộ luật Tố tụng dân sự 2004.
Nếu nhân chứng từ chối hoặc trốn tránh việc khai báo mà không có lý do chính đáng, thì lơ mơ sẽ bị xử theo Điều 307 về “Tội khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật” hoặc Điều 308 về “Tội từ chối khai báo, từ chối kết luận giám định hoặc từ chối cung cấp tài liệu”, Bộ luật Hình sự 1999.
Nhân chứng đều vô cùng quan trọng đối với cả tây lẫn ta. Người ta chỉ khác ta ở chỗ có những biện pháp bảo vệ an toàn tuyệt đối cho nhân chứng. Thậm chí có khi được thay tên, đổi họ, xoá sạch tàn dư dấu vết, gốc tích cũ. Ấy thế mà nhiều khi người ta còn sợ phải ra làm chứng.
Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Chi phí giám định, định giá, chế độ cho người làm chứng cũng vừa được đưa ra lấy ý kiến thiên hạ. Theo đó, nhân chứng sẽ được hưởng chế độ bằng 100 – 200% mức lương cơ sở theo ngày lương (hiện tại là 1.150.000 đồng/tháng theo Nghị định số 66/2013/NĐ-CP ngày 27-6-2013 quy định về mức lương cơ sở đối với cán bộ, công, viên chức và lực lượng vũ trang). Như vậy, thù lao của nhân chứng cao nhất cũng chỉ bèo khoảng 76.000 đồng/ngày.
ANVI, ngày 26-3-2014