412. Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp: Cái giá của việc chấp hành pháp luật “đắt” hơn vi phạm!

(PL&XH) – Không ít trường hợp, sau khi nghiên cứu văn bản, cả DN và luật sư đều không biết phải hành xử thế nào và sau khi được cơ quan chức năng giải đáp, lại càng hoang mang hơn.

“Có một nghịch lý dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật trở thành phổ biến, nhức nhối là cái giá phải trả cho việc nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật nhiều khi “đắt” hơn so với việc vi phạm pháp luật” là quan điểm của luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI tại tọa đàm Tăng cường năng lực hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp (DN) được Đoàn LS Hà Nội, Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam tổ chức hôm qua (25-9).

LS Đức cho rằng, điều cần nhất trong bối cảnh hiện nay của các DN không phải là được tuyên truyền, đào tạo, phổ biến pháp luật, mà là ở chỗ không biết phải ứng xử với pháp luật thế nào trước những vướng mắc thực tế. Không ít trường hợp, sau khi nghiên cứu văn bản, cả DN và luật sư đều không biết phải hành xử thế nào và sau khi được cơ quan chức năng giải đáp, lại càng hoang mang hơn.

Luật sư Trương Thanh Đức phát biểu tại tọa đàm[1]

Ví dụ, việc nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với hoạt động bán tài sản bảo đảm tiền vay của các tổ chức tín dụng. Ngày 18-3-2010, Bộ Tài chính có Công văn 3316 gửi Cục Thuế các tỉnh, thành cho biết việc bán tài sản để thu hồi nợ không chịu thuế GTGT. Ngày 6-9-2010, Bộ Tài chính tiếp tục ban hành Công văn số 11754 dẫn chiếu nội dung Công văn 3316 nêu rõ việc bán tài sản để thu hồi nợ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.  Tổng cục Thuế lại có Công văn số 3755 cho rằng, hoạt động bán tài sản bảo đảm tiền vay để thu hồi nợ của tổ chức tín dụng thuộc đối tượng chịu thuế GTGT!

Điều đáng nói là, Luật Thuế GTGT cũng như các Nghị định hướng dẫn thi hành từ năm 1997 đến nay đều không có văn bản nào nhắc đến hoạt động bán tài sản bảo đảm tiền vay để thu hồi nợ thuộc diện phải nộp thuế GTGT hay không. Thế nhưng, trong nhiều năm, việc bán tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng không phải nộp thuế GTGT. Do đó, theo ông Đức, không thể kết luận được rằng, hoạt động bán tài sản bảo đảm tiền vay của các tổ chức tín dụng không phải nộp thuế GTGT theo ý của Bộ Tài chính, hay buộc phải nộp theo Tổng cục Thuế, vì đây là vấn đề đang bị bỏ ngỏ!

Theo qui định, DN được nhận rất nhiều sự hỗ trợ pháp lý, gồm: Được khai thác cơ sở dữ liệu pháp luật; được giới thiệu, cung cấp, phổ biến VBQPPL; bồi dưỡng kiến thức pháp luật; giải đáp pháp luật. Theo LS Đức, trong giải đáp pháp luật thì giải đáp thắc mắc về các vụ việc cụ thể là điều các DN cần và mới thực sự có ý nghĩa. Tuy nhiên, những trường hợp này theo Nghị định 66/2008/NĐ-CP về hỗ trợ pháp lý cho DN lại thuộc diện được loại trừ trách nhiệm giải đáp. LS Đức ví von, nếu “thị trường hóa” mối quan hệ quản lý nền kinh tế, bên cơ quan quản lý là người bán hàng, DN là người mua, còn hỗ trợ pháp lý thì như việc khuyến mại, chỉ là trách nhiệm phụ!

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Ban Pháp chế, TCty Thương mại Hà Nội cho biết, trong nhiều tranh chấp kinh doanh có tính chất phức tạp trong phạm vi quốc tế, phần thua thiệt đa số thuộc về DN Việt Nam. Nguyên nhân do nhiều DN không am hiểu pháp luật và thông lệ quốc tế, thậm chí không nắm rõ pháp luật Việt Nam, trong đó quan trọng là nhiều DN không thấy được vai trò của công tác pháp chế trong đời sống DN. Vì vậy, hàng năm khi dự toán chi phí, nhiều DN không dự trù kinh phí cho việc tư vấn pháp luật, ngại tốn tiền nên không thuê LS, đến khi hậu quả xảy ra, thiệt hại lớn thì tư vấn cũng đã muộn. Phó Chủ nhiệm Đoàn LS Hà Nội Nguyễn Văn Chiến cho rằng, không phải ngẫu nhiên mà các DN nước ngoài luôn có LS đồng hành trong mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, mà họ ý thức được sâu sắc những rủi ro pháp lý có thể xảy ra, nên thuê LS tư vấn ngay từ đầu để phòng ngừa. Đó cũng là cách mà các DN Việt Nam cần hướng tới.

Nhiều đại diện DN cùng cho rằng, nhu cầu hỗ trợ pháp lý của họ rất lớn. Thế nhưng, đội ngũ LS tư vấn cho DN còn thiếu và yếu, chưa đủ khả năng đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Còn về phía cơ quan Nhà nước, các trang web của các Bộ, ngành thì sơ sài, thiếu những văn bản cần thiết hoặc có thì khó tra cứu. Còn giải đáp cụ thể cho DN có Bộ, ngành nào “mặn mà”, mỗi năm trả lời đến vài công văn nhưng cũng có nơi cả năm chỉ giải đáp mươi lần… Trong điều kiện “nhân lực thiếu thốn, thời gian hạn chế, kinh nghiệm ít ỏi”, việc hỗ trợ pháp lý cho DN thế nào để hiệu quả, thiết thực vẫn là câu hỏi khó. Riêng về kinh phí, nếu tính theo Quyết định số 585, tính ra mỗi năm một DN cũng chỉ được số tiền tương đương 1 cuốn sách!

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 31-12-2012, cả nước có 647.627 DN đã được thành lập, trong đó còn 463.802 DN đang hoạt động, chiếm tỷ lệ 71,6%. Cũng tính đến ngày 31-12-2012, cả nước có 48.473 DN giải thể, tạm dừng hoạt động.

Phương Thảo

——————————————————————–

Pháp luật & Xã hội 26-9-2013 (Mục Doanh nghiệp):

(317/1.064)

[1] Buổi này không tham gia, không phát biểu, Báo tương ảnh người khác lên.

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.423. Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to...

Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to penalties? (VNN) - The leadership structure...

Trích dẫn 

3.975. “Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên...

“Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên đầu tư? (NĐT) - Được hỗ...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,166